Tang lễ nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma diễn ra sáng ngày mùng 8 tháng 10 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng ban tổ chức lễ tang nhà văn Nguyễn Khắc Trường thay mặt Ban tổ chức lễ tang đọc lời điếu, nói lời tiễn biệt trước anh linh nhà văn. Sau đây là toàn văn bài điếu.
Chúng ta có mặt tại đây để tiễn đưa một người về nơi an nghỉ cuối cùng, người ấy là thân nhân, là đồng đội, đồng nghiệp mà tất cả chúng ta quý trọng.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ảnh: TL
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh ngày 6 tháng 7 năm 1946 tại xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, thuộc tỉnh Thái Nguyên). Thời học sinh, do bối cảnh xã hội và hoàn cảnh gia đình, ông chuyển vùng, theo học cấp 3 tại huyện miền núi Võ Nhai.
Tháng 8 năm 1964 Nguyễn Khắc Trường nhập ngũ.
Từ tháng 2 năm 1965 đến tháng 1 năm 1969 ông là trung sĩ, nhân viên thông tin vô tuyến điện. Từ năm 1969 đến năm 1979 ông làm biên tập báo Phòng không - Không quân. Sau đó ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I, rồi được điều về Tạp chí Văn nghệ quân, đội thuộc Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông vào đảng ngày 1 tháng 12 năm 1979.
Năm 1992, khi đang mang quân hàm trung tá, Nguyễn Khắc Trường rời quân ngũ để chuyển sang công tác tại tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, là trưởng ban biên tập văn xuôi. Năm 1995 ông được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ. Sau thời gian công tác tại báo, do yêu cầu của Hội, Nguyễn Khắc Trường được phân công sang làm Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông ở đây cho tới tháng 2 năm 2010 thì được nhà nước cho nghỉ hưu, sau 45 năm công tác liên tục.
Nhìn lại hành trình sống, công tác và sáng tạo của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, những người gần gũi ông hẳn dễ đồng thuận rằng Nguyễn Khắc Trường là con người chân thành đến mức thẳng thắn trong mọi lẽ. Chân thành trong tình cảm cá nhân, chân thành trong công việc được giao, trong sáng tác văn học và trong cả nhận thức về lẽ đời. Ở bên ông, người ta không nhìn thấy tính tranh đọat, không thấy sự phiền hà, người ta chỉ thấy ở ông tinh thần hào sảng, thuần hậu, với thứ tình cảm bộc trực, bao dung, nhưng cũng phân minh, rạch ròi. Đồng nghiệp học ông sự trân trọng chữ nghĩa, trân trọng từ trang bản thảo của cộng tác viên còn vô danh, đến những cuốn sách đình đám do bạn bè có danh gửi tặng.
Và dù ở vị trí công tác nào ông cũng luôn làm việc với thái độ nghiêm túc, đàng hoàng như thể gắn chặt danh dự, đạo đức của mình vào đó.
Đến giờ phút này, có thể khẳng định rằng Nguyễn Khắc Trường đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm và sứ mệnh của mình.
Trên tư cách người lính, ông đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ông là công dân tôn trọng luật pháp, với lối sống khiêm nhường, giản dị. Trong vai trò trụ cột gia đình, ông là người chồng, người cha mực thước, đức độ, trách nhiệm. Trong tư cách nhà văn, ông thuộc về hàng ngũ hiếm hoi những người đủ bản lĩnh, đủ lương tri đem tấm lòng trắc ẩn, nhân ái nhìn sâu vào cõi người để cảm thông với số phận đồng bào mình.
Với những thành tích cống hiến trong công tác, nhà văn Nguyễn Khắc Trường được nhận nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có: Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, do Chủ tịch nước trao tặng; Huy chương vì sự nghiệp báo chí báo chí Việt Nam, do Hội Nhà báo trao tặng; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Kỷ niệm chương chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp và phát triển nông thôn; Năm 2023 ông vinh dự nhận huy hiệu 45 năm tuổi đảng.
Sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Khắc Trường không đặt vào số lượng mà chú trọng ở chất lượng. Suốt hành trình sáng tác, bằng thái độ lao động nghiêm túc, bền bỉ và hết sức điềm tĩnh, Nguyễn Khắc Trường đã xuất bản một số tác phẩm, trong đó có thể kể đến: "Cửa khẩu" (Tập truyện vừa, năm 1972), "Thác rừng" (Tập truyện ngắn, năm 1976), "Miền đất mặt trời" (Tập truyện, năm 1982), và tiểu thuyết xuất sắc “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (năm 1990) trở thành tác phẩm định danh ông trong lịch sử văn học Việt Nam đương đại.
Tài năng văn chương của nhà văn Nguyễn Khắc Trường được ghi nhận thông qua những giải thưởng văn học như: Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ và Đài tiếng nói Việt Nam 1986; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất mà nhà văn Nguyễn Khắc Trường có được chính là sự tôn trọng của đồng nghiệp, và tình yêu của các tầng lớp, các thế hệ độc giả dành cho nhân cách cũng như tác phẩm của ông.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường và nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: TL
Những ai từng tiếp xúc với Nguyễn Khắc Trường, dù trực tiếp hay chỉ qua tác phẩm, đều cảm thấy gần gũi và gắn bó với ông.
Tiếc thay, do bệnh tật, mặc dù đã được gia đình và bác sĩ chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo nhưng ông vẫn phải giã biệt chúng ta vào hồi 11 giờ 40 ngày 2 tháng 10 năm 2024 (tức ngày 30 tháng 8 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 79 tuổi.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Khắc Trường tạo ra một khoảng hẫng hụt trên văn đàn và trong lòng mọi người. Nhưng bù lại, chúng ta sẽ nhớ tới ông bằng sự yêu mến, cảm phục và kính trọng. Bởi ông đã sống xứng đáng, trọn vẹn với hai chữ con người viết hoa, xứng đáng trọn vẹn cả trong danh hiệu nhà văn viết hoa.
Ông không hề mất đi, ông sẽ còn ở lại, không chỉ qua các tác phẩm văn học vạm vỡ của mình, mà còn qua cả bài học nghĩa tình ấm áp từ những ứng xử đời thường của ông với xung quanh.
Kính thưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường, chúng tôi tin rằng thế giới bên kia sẽ hân hoan cảm nhận tinh thần thiện lương cao thượng mà ông mang theo, thế giới bên kia sẽ hân hoan cảm nhận cả ánh sáng đau đáu nhưng cũng đầy kiêu hãnh làm người, tỏa ra từ tác phẩm lừng danh tâm huyết nhất của ông.
Cầu chúc cho anh linh ông an nghỉ thanh thản trong cõi vĩnh hằng.
Đại tá, Nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng ban tang lễ
VNQD