Nhà văn Văn Giá được biết đến nhiều với vai trò là nhà phê bình văn học và gắn bó với Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nơi đào tạo nhiều nhà văn, nhà thơ) trong nhiều năm qua. Nhưng truyện ngắn cũng là thể loại mà nhà văn cho rằng mình có duyên nợ và nhiều đau đáu. Từ những truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên văn đàn quãng năm 2008 như Về thôi, Trên máy bay… Văn Giá đã mang đến ấn tượng nhất định cho bạn đọc.
Nhà văn Văn Giá (bên phải) cùng tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn, người điều phối buổi tọa đàm.
Chuyển dịch trọng tâm trong các tác phẩm
Để khẳng định cho mối duyên với truyện ngắn của Văn Giá là sự ra đời lần lượt của các tập truyện ngắn Một ngày nát vụn (2009), Một ngày lưng lửng (2015), Mưa ở Bình Dương (2029). Ai nói & tại sao lại nói như thế là tập truyện ngắn thứ tư của nhà văn Văn Giá vừa được ấn hành. Sáng 20/9/2024 tại trụ sở Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi lễ ra mắt, tọa đàm về cuốn sách này.
Cuốn sách là sự tiếp nối tinh thần văn chương của nhà văn. Trong những bối cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, của đời sống, của xã hội, của con người… thì niềm đam mê, tận tuỵ, tìm tòi, sáng tạo trong văn chương của ông rất đáng được bạn đọc cũng như văn giới trân quý, ghi nhận, tôn vinh. Với mong muốn muốn chuyển dịch trọng tâm trong các tác phẩm của mình từ việc nói cái gì? để sang việc tại sao lại nói như vậy mà không nói khác, nhà văn Văn Giá đã có những cắt nghĩa sâu sắc về việc chọn tên cho cuốn sách. Ông cho biết, do là người làm nghiên cứu phê bình văn học nên ông ý thức sâu sắc được rằng, việc mình lên tiếng/phát ngôn không phải lúc nào cũng muốn mà được. Vả lại, ngay cả việc lên tiếng ấy nhiều khi tưởng như rất vô tư, hồn nhiên, mình muốn nói thế nào thì ra thế, nhưng không phải. Hóa ra trong thẳm sâu, có những thứ định chế như một vô thức chi phối sự lên tiếng của ta mà ta không biết, không kiểm soát được. Đây là nhìn từ phía người viết. Còn nhìn từ phía bạn đọc, do kinh nghiệm tri thức, văn hóa của mỗi người khác nhau, lại do bối cảnh thực tại chi phối, nên họ tiếp nhận các phát ngôn cũng rất khác nhau. Hầu hết các truyện ngắn trong cuốn sách này đều quan tâm tới lời nói, bao gồm ai nói, tại sao lại nói vậy, tính biểu nghĩa như thế nào trong hoạt động diễn ngôn...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh về vẻ đẹp của văn chương cùng sự quả cảm và giá trị nhân văn trong những tác phẩm của nhà văn Văn Giá.
Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Nhiều khi giọng nói của chúng ta vang lên đầy yếu ớt. Sự hão huyền, ảo tưởng, ích kỉ, vụ lợi của chính mỗi cá nhân, của chính con người ta và xã hội đã đè nén tiếng nói của chính chúng ta xuống. Cuốn sách ra đời là một sự nhắc nhở, là một tiếng nói khác. Văn Giá theo đuổi văn chương một cách hứng khởi, chân thành và đầy mộng mị. Từ đó ông mang lại cho chúng ta tiếng nói thì thầm nhưng mãnh liệt và đầy tử tế, để chúng ta nhìn lại. Cuốn sác này là những trang viết chân thực, đẹp đẽ, và trách nhiệm.
Với 17 truyện ngắn được tập hợp lại một cách ngẫu hứng nhưng cũng vô cùng bài bản, dấu ấn, bản sắc truyện ngắn của Văn Giá được thể hiện rất rõ nét trong Ai nói & tại sao lại nói như thế.
Nhà phê bình văn học La Khắc Hoà nhận định: cuốn sách có giá trị riêng góp vào đời sống chung của văn học, xã hội. Tôi đọc Văn Giá và nhận ra anh là người viết sau khi ra tập đầu tay. Nhà văn dẫn đời sống văn học đi đâu là điều mà tôi quan sát mỗi người viết. Muốn đưa văn học đi đâu thì nhà văn phải có ngôn ngữ của mình. Văn Giá là người viết có tác phẩm tạo ra được hình tượng lời nói; tạo ra được những truyện kể tình huống. Anh miêu tả những gì xảy ra hàng ngày, tưởng chuyện của một người mà là chuyện của muôn đời muôn người. Tác phẩm của anh tạo ra hai vùng, là vùng kí ức và vùng tiếp xúc. Mỗi truyện ngắn đều đưa đến cái tiếp diễn chứ không phải cái đã xong xuôi nên rất đáng để suy ngẫm.
Người dấn thân trong đời sống văn chương
Trong mỗi truyện ngắn của mình, nhà văn Văn Giá đều chú trọng đưa vào ít nhiều thể nghiệm, có khi rất nhỏ thôi về nghệ thuật tự sự. Ví dụ về sắp xếp/dàn dựng văn bản, về trộn giọng giữa người kể chuyện với nhân vật, nhịp điệu trần thuật, về không khí truyện, về phi trung tâm hóa nhân vật/ đa điểm nhìn... Từ những thể nghiệm đó, kết hợp với cái duyên truyện ngắn của mình, mỗi tác phẩm của ông đều “có gì đó” để bạn đọc bật cười, cười xong thì ngẫm nghĩ, ngẫm nghĩ xong thì đưa mình vào một cuộc kiếm tìm “khác”. Cái “khác” ấy là do tinh thần, do thông điệp của tác phẩm mang lại, đồng thời cũng thôi thúc chúng ta gọi tên, cắt nghĩa, hay vỡ lẽ được điều gì đó.
Nhà văn Phùng Văn Khai không ngừng khẳng định trách nhiệm công dân của một người viết của nhà văn Văn Giá. Sự trách nhiệm ấy nằm ở sự say mê lao động sáng tác, nằm ở những sát sườn những đổ vỡ của đời sống ùa vào tác phẩm ngay lập tức. Văn Giá cập nhật đời sống rất nhanh và đưa vào tác phẩm một cách rất đời những cũng rất văn, điều này là rất đáng quý. Theo nhà văn Phùng Văn Khai, anh ghi nhận ba khu vực đóng góp của nhà văn Văn Giá trong đời sống văn chương là: đồng hành cùng người viết, điểm tựa cho người viết; truyện ngắn mang tính hài hước, thanh thoát nhưng cũng vô cùng sâu sắc; và cùng với thế hệ mình, Văn Giá đang dần làm tròn vai.
Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đánh giá cao trách nhiệm người viết của nhà văn Văn Giá.
Có thể nói, qua cuốn sách này, Văn Giá cho thấy ông là một nhà văn dũng cảm, đầy dấn thân. Sự dấn thân của một người trí thức với thời cuộc với con người, sự dấn thân của một người viết đối với thể loại, đối với đề tài... Đọc ông, ta thấy xuyên suốt có một người kể chuyện đời chuyện mình, nhưng không thể đồng nhất người kể chuyện ấy với người cầm bút Văn Giá.
Nhà phê bình văn học Phùng Gia Thế nhận định, nhà văn Văn Giá là người viết có duyên, có nghề. Truyện của ông là truyện của người kể hóm truyện; truyện của người trí thức lăn lộn vào cuộc đời của con người bình thường nhưng vẫn đầy tự trọng và biết lắng nghe. Chủ thể kể là người trí thức, cái nhìn trí thức đầy ưu tư. Một số đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Văn Giá: giọng kể đặc trưng, thi pháp linh hoạt. Tốc độ trần thuật của các truyện ngắn rất nhanh. Khéo gợi không khí truyện. Mỗi truyện đều có yếu tố dí dỏm nhưng đọng lại là chút gì xa xót, ngậm ngùi. Văn Giá gần với Nam Cao nhưng không giống Nam Cao. Còn nữa, Văn Giá hiền lành ngoài đời nhưng lọc lõi trong văn chương.
Như một người rong chơi lại như một người miệt mài, như một người thầm lặng lại như một người sôi nổi, Văn Giá góp vào dòng chảy văn xuôi đương đại Việt Nam những tiếng nói thầm thì, nhẫn nại, những tiếng cười hài hước dễ chịu, những thay đổi chậm rãi nhưng chắc chắn… Sự tự nhiên, mộc mạc của giọng điệu không làm lấn át hay khuất lấp yếu tố tài hoa.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng truyện ngắn Văn Giá chân thành mộc mạc khi mới xuất hiện. Sau này anh có đi chệch nhưng thi thoảng anh vẫn quay lại dòng chảy đó. Anh viết về những con người đời thường, không chú tâm kì công xây dựng nhân vật điển hình. Anh đi vào những nhân vật thoáng qua nhưng vẫn bắt người ta nhớ. Đó là tài hoa của người viết. Văn chương của anh đa thanh đa giọng cựa quậy bứt phá. Cái hấp dẫn của Văn Giá ở khẩu ngữ ở văn nói. Văn Giá khác biệt người khác, khác biệt chính mình.
Còn nhà văn Văn Giá, ông chia sẻ: tập truyện ngắn này như thể khép lại một chặng đường để rồi mở ra một chặng khác, phía trước, mịt mờ, không biết rồi sẽ thế nào..., nhưng vẫn cứ phải hướng tới.
HOÀI PHƯƠNG
VNQD