Dòng chảy
BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH TUYÊN QUANG

Phát huy truyền thống An toàn khu năm xưa, xây dựng Lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang ngày càng vững mạnh

Thứ Hai, 02/09/2024 07:30

Những ngày đầu thu tháng Tám, đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội có dịp về thăm Tuyên Quang, trở lại căn cứ cách mạng Tân Trào “Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà” nơi mà đồng bào cả nước đã từng “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Dưới những tán cây phách khai kì trời hoa tím ngát chờ ngày đổ vàng, chúng tôi lặng lẽ theo bước tiền nhân, gặp lại bóng áo chàm, gặp lại bóng cây đa uy nghi trầm mặc... Câu chuyện với Đại tá Hà Đình Khiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Tuyên Quang như mở ra những lối vào lịch sử, mở ra những kết nối giữa An toàn khu năm xưa và Tuyên Quang hôm nay. Mùa thu lịch sử như hiện hữu đâu đây trên mảnh đất mang đậm dấu ấn những ngày đầu cách mạng.

VNQĐ: Thưa đồng chí Chính ủy, đồng chí có thể khái quát những tiền đề quan trọng để Bác Hồ và Trung ương Đảng lựa chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ huy, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945?

Đại tá Hà Đình Khiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang

Đại tá Hà Đình Khiêm: Tháng 5/1945, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình cách mạng, từ Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương: Chọn tìm một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần trung ương. Thực hiện chỉ thị đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bàn với các đồng chí trong Phân Khu ủy Nguyễn Huệ lúc đó là đồng chí Song Hào và Tạ Xuân Thu chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Có thể nói, việc chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ đạo cách mạng không chỉ thực hiện đúng chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Phân Khu ủy Nguyễn Huệ. Tân Trào đáp ứng được đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, từ Tân Trào có đường thông đi nhiều ngả như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, về đồng bằng và Hà Nội; nơi đây đồng ruộng không quá hẹp, là một địa bàn “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Phong trào cách mạng ở đây đang phát triển rất cao, huyện lị Sơn Dương đã được giải phóng ngày 16/3/1945 và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời châu Tự Do - ủy ban cách mạng lâm thời đầu tiên trong cả nước.

Ngày 4/5/1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pác Bó, chiều 21/5/1945 Người đến đình Hồng Thái, sau đó vượt sông Phó Đáy vào làng Kim Long (nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào). Theo sự bố trí của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ và hai người lính Đồng Minh phụ trách điện đài đến ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự lúc đó là Chủ nhiệm Việt Minh của làng. Ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng một tuần, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác Hồ đã quyết định chuyển đến ở lán Nà Nưa. Từ thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn ở bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, tiến hành công việc cần thiết chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 4/6/1945 Tổng bộ Việt Minh triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu và thành lập Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam và trung tâm đầu não lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

VNQĐ: Vâng, ở giữa trái tim cách mạng này dường như quân và dân ta khi đó cũng cảm nhận được không khí khẩn trương trước cuộc chuyển mình “long trời lở đất” quyết định vận mệnh toàn dân tộc…

Đại tá Hà Đình Khiêm: Tại lán Nà Nưa, lãnh tụ Hồ Chí Minh theo dõi sát sao diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có những nhận định, đánh giá, xác định thời cơ và quyết tâm phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trong hai ngày 13-14/8/1945, Người triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng; Ngày 16-17/8/1945 tổ chức Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, đưa ra những quyết định quan trọng như ban hành mười chính sách của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định quốc kì, quốc ca. Từ Đại hội, lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Chiều 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 trước gần 200 chiến sĩ, đơn vị chủ lực của Quân giải phóng, hạt nhân là Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, hạ lệnh tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cùng nhân dân xã Minh Hương,
huyện Hàm Yên tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Chí Công

VNQĐ: Trong bối cảnh đó, Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Tuyên Quang đã hình thành và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ căn cứ giải phóng, bảo vệ Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ. LLVT Tuyên Quang cũng tự hào khi được bảo vệ Thủ đô kháng chiến. Đó chắc hẳn là những trang sử đáng nhớ…

Đại tá Hà Đình Khiêm: Ngày 15/5/1945, Đại đội Giải phóng quân đầu tiên của tỉnh được thành lập tại làng Pom Chạng, xã Ninh Kiệm (nay là xã Minh Hương), huyện Hàm Yên; ngay sau khi ra đời, tuy vũ khí còn thô sơ, Đại đội đã cùng các đội tự vệ tích cực đánh địch, bảo vệ căn cứ như trận Đèo Chắn (ngày 27/5/1945); trận cầu Cả, Đầm Hồng (tháng 6/1945) tiêu diệt nhiều quân địch và phương tiện chiến tranh, phá vỡ ý đồ bao vây, tiêu diệt Thủ đô Khu giải phóng của ta.

Rạng sáng ngày 17/8/1945, các đơn vị Giải phóng quân phối hợp đội du kích người Dao xã Kim Phú, các đội tự vệ của thị xã Tuyên Quang với lực lượng khoảng 600 người được tập trung nghe Quân lệnh số 1, tiến về giải phóng thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang được giải phóng sớm nhất trong cả nước). Sau đó làm lực lượng nòng cốt cùng nhân dân đấu tranh, bao vây quân Nhật đồn trú và tiêu diệt lực lượng địch từ Đoan Hùng, Phú Thọ lên ứng cứu, bảo vệ nhân dân khỏi âm mưu gây bạo loạn, cướp bóc của Quân đoàn 52 Tưởng Giới Thạch… Tháng 9/1945, tỉnh thành lập thêm Tiểu đoàn Quân tự vệ, năm 1946 thành lập thêm Trung đoàn 112 với 2 tiểu đoàn…

Với tầm nhìn thiên tài, trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Bác Hồ đã cử một số cán bộ ở lại tiếp tục củng cố căn cứ địa cách mạng, Bác nói: “… biết đâu, chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”. Tháng 12/1946 thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Bác quyết định: “Ta lại trở về Tân Trào”. Ngày 2/4/1947 Người về đến Sơn Dương và gắn bó với mảnh đất Tuyên Quang gần 6 năm: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Cùng thời điểm, ngày 17/4/1947, Tỉnh đội Tuyên Quang được thành lập. Đánh dấu bước phát triển vượt bậc của LLVT tỉnh cả về chính trị và tổ chức, góp phần quan trọng cùng nhân dân xây dựng, chiến đấu, bảo vệ Thủ đô kháng chiến với những chiến thắng quan trọng như: Chiến thắng Bình Ca - Sông Lô; Trận Khe Lau - bể lửa thiêu đốt giặc Pháp; Chiến thắng KM7 - Tiếng nổ của hoả ngục… Đến tháng 5/1949 Tuyên Quang sạch bóng giặc xâm lược. Các LLVT tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu, bảo vệ tuyệt đối An toàn các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở và làm việc, ra nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là những trang sử rất đỗi tự hào đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Tuyên Quang hôm nay.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cùng nhân dân xã Bằng Cốc,
huyện Hàm Yên thu hoạch lúa. Ảnh: Chí Công

VNQĐ: Sau khi vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mĩ xâm lược, có một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử hành chính của tỉnh, đó là sự hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên. Quân và dân tỉnh Hà Tuyên sẽ lại phải đương đầu với một cuộc chiến đấu mới, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Xin đồng chí Chính ủy điểm lại một số nét chính trong giai đoạn đặc biệt này.

Đại tá Hà Đình Khiêm: Hà Tuyên trải qua giai đoạn gần 16 năm hợp nhất (1975-1991), đó là quá trình “hợp lại để mạnh hơn”, hai địa phương đã bổ sung cho nhau nhân lực, vật lực, tài trí lực, cùng chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi trong công cuộc xây dựng và chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Lúc này, các cơ quan của tỉnh đều nằm ở thị xã Hà Giang. Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình biên giới, đồng thời củng cố LLVT sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ. Từ ngày 17/2 đến 20/3/1979, các LLVT của tỉnh đánh địch trên 60 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên, làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện; giành giật với địch nhiều khu vực ở Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần… Ở tuyến trước, LLVT cùng nhân dân địa phương vững vàng, kiên quyết đánh địch, kịp thời rút kinh nghiệm nên việc chỉ đạo chiến đấu kịp thời, nhạy bén, hiệu quả cao. Ở tuyến sau, quân dân các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thị xã Tuyên Quang… đều nỗ lực hết sức để chi viện cho các huyện phía trước.

Sau khi rút chạy sang bên kia biên giới, địch chuyển sang chiến lược mới, thực hiện âm mưu cơ bản, lâu dài là làm suy yếu nước ta bằng kiểu chiến tranh lấn chiếm biên giới, chiến tranh phá hoại nhiều mặt, chiến tranh tâm lí, nhen nhóm các tổ chức bạo loạn phản cách mạng. Các LLVT tỉnh tiếp tục cùng các đơn vị chủ lực, dân quân tự vệ địa phương, phát huy tinh thần, sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân đánh trả hàng ngàn đợt tiến công lấn chiếm của địch; làm trong sạch địa bàn, xóa điểm nóng về an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia. Ghi nhận những đóng góp của quân và dân tỉnh Hà Tuyên, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho LLVT và nhân dân Hà Tuyên, các xã, huyện và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu…

VNQĐ: Thật tự hào với quê hương cách mạng, những dấu mốc lịch sử cũng là những chiến công hình thành nên truyền thống “Trung thành, Đoàn kết, Anh dũng, Chiến thắng” của các thế hệ LLVT tỉnh Tuyên Quang. Những giá trị truyền thống đó đã được cán bộ, chiến sĩ LLVT Tuyên Quang hôm nay kế thừa và phát huy như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?

Đại tá Hà Đình Khiêm: Phát huy truyền thống An toàn khu năm xưa, LLVT tỉnh Tuyên Quang hôm nay quyết tâm xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, trên chặng đường chiến đấu gian khổ, ác liệt hay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, cố gắng lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong tình hình mới hiện nay, thấu triệt quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, LLVT Tuyên Quang đã tích cực phấn đấu rèn luyện, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phòng chống, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, hoạt động chống phá của các phần tử xấu. LLVT tỉnh cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc.

Xây dựng LLVT tỉnh luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức là khâu then chốt, nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh cũng làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh: xây dựng, cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình quốc phòng; quy hoạch các thành phần trong thế trận khu vực quân sự; quy hoạch, xây dựng thao trường phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu…

Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đà Vị,huyện Na Hang. Ảnh: Chí Công

VNQĐ: Được biết, trong những năm qua LLVT tỉnh Tuyên Quang là đơn vị được đánh giá cao trong thực hiện chính sách dân vận, nhất là phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng chí có thể chia sẻ về hoạt động này?

Đại tá Hà Đình Khiêm: Với phương châm gần dân, sát dân, bước chân của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã đi đến những vùng sâu, vùng xa làm công tác dân vận, giúp người dân phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Từ 2019 đến nay, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, chúng tôi đã phối hợp xây dựng, bàn giao 7 căn nhà tình nghĩa, 7 nhà đại đoàn kết, tham gia trên 81.000 ngày công lao động, tu sửa 358km đường liên thôn; đổ 8,2km đường bê tông; vận chuyển và lắp đặt bê tông đúc sẵn mương nội đồng 48km; nạo vét 198,3km kênh mương nội đồng; đổ 13.450m2 sân bê tông nhà văn hóa; giúp 363 hộ gia đình chính sách, 255 hộ gia đình nghèo trồng cây lấy gỗ đạt 77,5ha, trồng hoa mầu 193,4ha; tham gia khắc phục, sửa chữa 190 ngôi nhà; di chuyển 15 ngôi nhà ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn…

5 năm qua, LLVT tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Sở Y tế tỉnh, các quỹ từ thiện, nhà hảo tâm… tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng thuốc chữa bệnh cho hơn 7.900 người dân thuộc các gia đình chính sách, người cao tuổi, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cấp 1.000 túi thuốc gia đình; tặng 1.030 suất quà, 2 con bò cho gia đình chính sách; 25 xe đạp cho các cháu học sinh... Những việc làm trên thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống.

VNQĐ: Chính sách hậu phương Quân đội và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” có vai trò quan trọng trong xây dựng hậu phương Quân đội vững mạnh; tác động trực tiếp đến các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, những người đã, đang công tác trong Quân đội và lực lượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Công tác này được LLVT tỉnh thực hiện như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?

Đại tá Hà Đình Khiêm: Những năm qua, LLVT tỉnh tập trung thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, hỗ trợ xây dựng và bàn giao 6 nhà đồng đội; phối hợp các cơ quan ban ngành của tỉnh xây dựng và bàn giao 1 nhà công vụ cho đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng gặp khó khăn về nhà ở. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhân dịp các ngày lễ tết, ngày kỉ niệm, LLVT tỉnh đã phối hợp với các địa phương thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách trên địa bàn, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh đã nghỉ hưu, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng đang công tác ở Lào, biên giới, hải đảo, giai đoạn 2019-2024 với 1.232 suất quà. Thực hiện một số chế độ chính sách góp phần chăm sóc đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu 94 trường hợp; trợ cấp khó khăn đột xuất với người hưởng lương trong Quân đội và mức hỗ trợ đối với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ hi sinh, từ trần 455 lượt. Thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào trên 1.000 lượt; chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế 2.781 đối tượng…

Tiếp tục tiếp nhận, giải quyết chính sách cho đối tượng thương binh, liệt sĩ và người có công; 5 năm qua đã cất bốc, quy tập được 3 hài cốt liệt sĩ, đón nhận 2 hài cốt liệt sĩ hi sinh tại Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Rà soát, thẩm định, xác minh và lưu trữ chuẩn hóa thông tin liệt sĩ trên 1.000 trường hợp; xác minh quân nhân mất tin, mất tích, giải quyết chính sách cho 3 trường hợp; trả lời thông tin 8 trường hợp…

VNQĐ: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy về cuộc trò chuyện này.

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)