Dòng chảy

"Sắc chàm" 3 - Sắc màu vùng cao

Thứ Ba, 30/07/2024 08:39

 Miền núi trong hội họa vốn không phải một đề tài mới. Đây là đề tài lớn được nhiều thế hệ họa sĩ khai thác, khám phá và đã có nhiều tên tuổi thành công ở mảng này. Tuy nhiên, với mỗi họa sĩ, thế giới sáng tạo của họ luôn là một thế giới riêng biệt, duy nhất. Cùng một đề tài nhưng mỗi người sẽ có những góc nhìn, cảm nhận, suy tư khác nhau. Triển lãm Sắc chàm lần 3 (khai mạc chiều 28/7 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội) đã đem đến một miền núi đa sắc màu, đa cung bậc, đa phong cách.

Sắc chàm mang đến những tác phẩm mới nhất trên các chất liệu như sơn dầu, acrylic, khắc gỗ của 7 họa sĩ: Mạnh Sáng, Giang Nam, Trần Ngọc Kiên, Lý Dược, Hà Nguyên Tố, Trần Hằng, Lường Văn Học. Đó là những tác phẩm khắc họa nét đẹp của văn hóa, bản sắc và con người vùng cao thông qua ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình khối, màu sắc…

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: Sắc chàm là những giá trị truyền thống, cái nhìn hôm nay với dân tộc mình. Sắc chàm đẹp đẽ và nguyên vẹn, đó là nét của thượng ngàn, hưởng lộc của thượng ngàn. Trong nét chung có sự bảo tồn riêng từ Sắc chàm. Triển lãm này cho thấy truyền thống không mất, giá trị không mất nhưng có biến đổi của nét đẹp đương đại Việt Bắc hôm nay.

Với Sắc chàm, mỗi họa sĩ mang trong mình một phong cách thể hiện về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, về vẻ đẹp của miền núi như phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống, phong cảnh hữu tình nơi các họa sĩ sinh ra và lớn lên trong cái nôi thắm đượm tình yêu quê hương, yêu con người dân tộc thiểu số.

Tác phẩm của họa sĩ Mạnh Sáng.

Họa sĩ Mạnh Sáng say mê và tinh tế, điêu luyện và cảm xúc trong những nét thổ cẩm tinh hoa, đằm sâu văn hóa tộc người; họa sĩ Giang Nam kể một câu chuyện trữ tình, gợi cảm, nhiều biến hóa nhưng vẫn đầy bản sắc; họa sĩ Trần Ngọc Kiên kiên định với những vẻ đẹp đời thường quen thuộc nhưng được thể hiện trong những sắc màu tươi mới; họa sĩ Lường Văn Học lại phủ lên hiện thực một lớp huyền ảo, mơ hồ, khiến cho thực tại trở nên đáng chiêm ngưỡng hơn; họa sĩ Hà Nguyên Tố tạo nên sự lay động trong những bức tranh phong cảnh quê hương; họa sĩ Trần Hằng khi thì tỉ mỉ trong những bức tranh lột tả vẻ đẹp người phụ nữ dân tộc thiểu số, lúc lại cá tính, trừu tượng trong những nét vẽ khắc khoải về phận người; họa sĩ Lý Văn Dược thổi vào đời sống sắc màu tươi sáng ấm áp trong những tác phẩm vừa mang màu sắc đương đại vừa nhuốm chất dân gian…

Là họa sĩ trẻ gây được nhiều ấn tượng sâu đậm ở đề tài miền núi, họa sĩ Mạnh Sáng có những chia sẻ về Sắc chàm: Tôi yêu thích việc khai thác bản sắc văn hóa truyền thống, và mang đến triển lãm những họa tiết, trang phục dân tộc, hay lễ hội truyền thống... Tôi cũng như các họa sĩ theo đuổi đề tài này vẫn không ngừng tìm tòi, tự vỡ ra, tự nâng cao mình. Các họa sĩ ở vùng núi hiện nay còn có những rào cản nhất định, chúng tôi vẫn cần sự giao lưu với nhiều môi trường khác, rộng lớn hơn, hiện đại hơn để dù là bản sắc riêng nhưng vẫn chạm đến dòng chảy chung của đương đại.

Tác phẩm của họa sĩ Trần Ngọc Kiên.

Sắc chàm lần 3 cuốn hút công chúng với tất cả những gì đặc trưng nhất của vùng núi rừng Việt Bắc: những bản nhà sàn ẩn hiện trong sương sớm, ngôi nhà tường trình thân thuộc, mùa lúa chín gợi no ấm, câu chuyện về tình yêu nhiều cung bậc, phong cảnh thiên nhiên vừa gần gũi vừa bí ẩn, đời sống sinh hoạt, nông cụ sản xuất và những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ của các thiếu nữ dân tộc thiểu số...

Họa sĩ Giang Nam có những chia sẻ tâm huyết về sự đặc sắc của triển lãm: So với hai lần triển lãm trước thì ở triển lãm Sắc chàm lần 3 các họa sĩ tìm hiểu khai thác chủ đề sâu lắng hơn, chú ý hơn về các chi tiết, đặc trưng của từng đề tài, chất liệu. Triển lãm cũng có nhiều sắc thái cao hơn, chất lượng hơn, các chi tiết của tạo hình được khai thác triệt để hơn, các bức tranh được cách điệu hơn, cô đọng hơn về phong cách sáng tác của từng họa sĩ. Ví dụ những trang phục của đồng bào dân tộc được cách điệu và được đặt trong không gian hiện đại hơn, có tác động trực diện hơn với mắt của người xem, ánh sáng cũng được chau truốt hơn, đặt ở những vị trí có bố cục hợp lí và chính diện hơn ở trong bức tranh. Nhiều bố cục cách tân, lạ và hiện đại, tạo cho người xem cảm giác hứng thú, không bị nhàm chán.

Tác phẩm của họa sĩ Giang Nam.

Triển lãm Sắc chàm 3 kéo dài đến ngày 3/8/2024 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

THU HÀ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)