Dòng chảy

Nữ nhà văn Mĩ thành công khi viết về Trung Quốc

Thứ Tư, 17/07/2024 07:57

Bộ ba tiểu thuyết “Đất lành” (The Good Earth), “Đời con” (Sons) và “Ly tán” (A House Divided) của nữ nhà văn Mĩ Pearl Buck, viết về Trung Quốc từ góc nhìn của một phụ nữ phương Tây như những làn gió lạ phương xa. Sau nhiều năm vắng bóng với người đọc Việt Nam, Pearl Buck đã trở lại, vẫn với hương vị phương xa ấy, vẫn với giọng văn giản dị mà tinh tế ấy qua những bản dịch mới.

CÔ GÁI MĨ LỚN LÊN CÙNG VĂN HÓA TRUNG HOA

Ở thế kỷ thứ XIX và sang đến thế kỉ XX, đã xuất hiện hiện tượng nhiều nhà văn phương Tây hướng ngòi bút của mình về những miền đất phương Đông xa xôi và đạt được thành công trên nhiều phương diện. Đó là nhà văn Anh Joseph Rudyard Kipling (1865 - 1936) với nhiều tác phẩm viết về Ấn Độ như “The Jungle Book” (Sách rừng xanh) với nhân vật chú bé Mowgli người sói, “Kim”… Một người nữa viết nhiều về những xứ thuộc địa vùng Thái Bình Dương là nhà văn Anh Somerset Maugham (1874 - 1965). Và khi nói đến những trang viết về Việt Nam trong thời kì thuộc địa, người ta hay nhắc đến tên tuổi của nữ văn sĩ Marguerite Duras (4/4/1914 - 1996), với bộ ba tác phẩm tiểu thuyết viết về Đông Dương: “Người tình”, “Người tình Hoa Bắc”, “Rào chắn Thái Bình Dương”. Nhưng người thành công nhất trên nhiều khía cạnh, cả về số lượng tác phẩm và sự vinh danh xứng đáng là nữ văn sĩ người Mĩ Pearl Buck (1892 - 1973) với hàng chục tác phẩm viết về mảnh đất Trung Hoa.

Chân dung nữ nhà văn Pearl Buck.

Pearl Buck sinh ra trong một gia đình truyền giáo người Mĩ, khi chưa đầy 5 tháng tuổi, bà đã được cha mẹ đưa sang Trung Quốc sinh sống. Gia đình bà chủ yếu sống ở thành phố Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô, khá gần với thành phố lớn Nam Kinh. Cô bé Pearl Buck đã lớn lên trong môi trường văn hóa Trung Hoa, biết nói tiếng Trung trước khi nói tiếng Anh khi thường xuyên chơi đùa với những trẻ em bản địa. Cô bé cũng được bà bảo mẫu người Trung Quốc kể cho nghe những câu chuyện dân gian truyền miệng, kể về đạo Phật, đạo Lão qua cái nhìn của một người dân bình thường. Khi tròn 17 tuổi, Peark Buck được gửi về Mĩ để theo học tại trường Cao đẳng nữ sinh Randolph Macon ở bang Virginia. Sau đó là quãng thời gian bà qua lại nhiều lần giữa Trung Quốc và Mĩ, cho đến năm 1934 bà mới quyết định ở lại Mĩ, dù vẫn tin rằng mình sẽ có dịp quay lại Trung Quốc. Tuy vậy, mong ước của bà không bao giờ trở thành hiện thực. Chính quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau năm 1949 đã nhiều lần từ chối lời đề nghị được thăm lại Trung Quốc của bà. Tình yêu của Pearl Buck đối với đất nước Trung Hoa được bà duy trì đến cuối đời. Khi bà qua đời và được chôn cất tại trang trại Green Hills ở bang Pennsylvania, bia mộ của Pearl Buck không ghi tên tiếng Anh, thay vào đó ghi tên tiếng Trung của bà là Trại Trân Châu.

Có thể nói, cuộc đời của Pearl Buck gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Trung Hoa với những số phận con người nơi đây, không chỉ bằng văn chương mà còn bằng những hành động nhân đạo cụ thể. Dù chỉ sống ở đây một phần ba cuộc đời, song mảnh đất và con người nơi này đã khiến cho Pearl Buck có cảm hứng sáng tác hơn 60 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bốn vở kịch và một kịch bản phim. Ngoài ra Pearl Buck còn dịch một số tác phẩm văn học Trung Quốc kinh điển sang tiếng Anh, mà nổi tiếng nhất là tác phẩm “Thủy hử” của Thi Nại Am với bản tiếng Anh mang tên “All men are brothers” (Tất cả đều là anh em hay Tứ hải giai huynh đệ). Sinh thời, Pearl Buck có mối quan hệ thân thiết với nhà thơ Từ Chí Ma, một ngôi sao văn chương thời bấy giờ của Trung Quốc và giữa họ có một quan hệ tình cảm trên cả tình bạn. Học giả nổi tiếng Lâm Ngữ Đường cũng là một người bạn thân thiết của bà. Năm 1933, Pearl Buck được Đại học Yale tặng bằng Cử nhân Văn chương Danh dự. Năm 1938, bà được Đại học West Virginia và Đại học St. Lawrence trao tặng bằng Tiến sĩ Văn chương Danh dự.

NGÒI BÚT PHƯƠNG TÂY MANG TÂM HỒN PHƯƠNG ĐÔNG

Những thành công trong văn chương của Pearl Buck được ghi nhận bằng hai giải thưởng: Giải Pulitzer năm 1932 với tác phẩm “Đất lành” (The Good Earth) và giải thưởng Nobel văn học năm 1938, khiến cho Pearl Buck trở thành nhà văn nữ đầu tiên của nước Mỹ đoạt giải thưởng danh giá này.

Năm 1938, Ủy ban giải thưởng Nobel khi trao giải Nobel văn học cho Pearl Buck đã tuyên cáo: “Bằng việc trao giải thưởng năm nay cho Pearl Buck vì những tác phẩm đáng chú ý mở đường cho sự cảm thông của con người vượt qua những ranh giới chủng tộc bị chia cắt rộng rãi và cho những nghiên cứu về lí tưởng của con người vốn như là một nghệ thuật vẽ chân dung vĩ đại và sống động, Viện Hàn lâm Thụy Điển cảm thấy rằng họ đang hành động hài hòa và phù hợp với mục tiêu ước mơ của Alfred Nobel về tương lai”. Trong diễn văn đáp từ khi nhận giải Nobel, Pearl Buck đã lấy chủ đề bài phát biểu của mình là "Tiểu thuyết Trung Quốc". Bà nhấn mạnh, "Tôi là người Mĩ từ khi sinh ra và theo tổ tiên", nhưng "kiến thức sớm nhất của tôi về câu chuyện, cách kể và viết truyện, đã đến với tôi ở Trung Quốc." Pearl Buck kết luận rằng ở Trung Quốc "tiểu thuyết gia không có nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật mà tác phẩm của họ là để nói chuyện với nhân dân". Pearl Buck cũng khẳng định những tác phẩm của bà không phải hướng đến “vẻ đẹp của những con chữ hay sự duyên dáng của nghệ thuật”. Ở Trung Quốc, nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết khác với nhà văn phương Tây: “Với những người nông dân, nhà văn phải nói về đất đai của họ, với những ông già, nhà văn phải nói về hòa bình, với những bà già, nhà văn phải nói về con cái của họ, và với những người đàn ông trẻ tuổi và phụ nữ, nhà văn phải nói về chuyện của họ với nhau. Chắc chắn nhà văn sẽ thỏa lòng khi người dân bình thường hứng thú lắng nghe nhà văn kể. Ít nhất đó là điều tôi học được ở Trung Quốc”.

Trong suốt quãng đời sáng tác văn chương của mình, Pearl Buck để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng với những nội dung khác nhau, nhưng phần lớn đều lấy cảm hứng từ đất nước Trung Hoa. “Gió Đông gió Tây” kể về cuộc sống của Quế Lan, một phụ nữ Trung Quốc và dành nhiều trang để nói về tình yêu của anh trai Quế Lan với một phụ nữ Mĩ và kết quả của tình yêu đó là một đứa bé trai được sinh ra, gắn kết hai con người, hai nền văn hóa. “Người cung nữ” kể về cuộc đời từ khi còn trẻ cho đến khi về già của Thái hậu Từ Hi, người phụ nữ nổi tiếng nhất của triều đại Mãn Thanh. “Yêu muộn” kể về những băn khoăn, day dứt trong tâm hồn một phụ nữ Trung Hoa giàu có và mối quan hệ tinh thần kì lạ với một nhà truyền giáo phương Tây…

Bộ ba tác phẩm của Pearl Buck mới được tái bản. 

Tuy nhiên bộ ba tác phẩm “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” ra đời lần lượt vào các năm 1931, 1932, 1935 là những tác phẩm đã thật sự mang lại danh tiếng cho Pearl Buck. Với riêng tác phẩm “Đất lành”, đây là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở Mĩ vào các năm 1931, 1932, cũng là năm nó đoạt giải Pulitzer về văn học. Cuốn tiểu thuyết này cũng được tạp chí Life đưa vào danh sách 100 cuốn sách trong vòng 20 năm, từ năm 1924 đến năm 1944. Tác phẩm cũng được chuyển thể thành kịch trên sân khấu Broadway và thành phim năm 1937. Bộ ba tác phẩm được đánh giá cao bởi vì sự hiểu biết sâu sắc của Pearl Buck về xã hội và con người Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử đất nước này chuyển mình từ thời cận đại sang hiện đại, từ nửa sau thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX. Với bộ ba tác phẩm này, Pearl Buck tập trung khắc họa mối quan hệ gắn bó không rời giữa người nông dân Trung Quốc với đất đai, đề cập đến những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa lâu đời của người dân Trung Quốc, từ hủ tục bó chân đến ma chay, từ ẩm thực đến lễ hội… Những biến cố trong cuộc sống thời đó từ hạn hán, lũ lụt, thiếu đói… cho đến những cuộc chiến tranh hay cách mạng đều được phản ánh trong bộ ba tác phẩm này. Thêm vào đó là trạng thái tâm lí, tinh thần của người dân Trung Quốc khi những luồng tư tưởng văn hóa phương Tây từng bước xâm nhập vào một xã hội phương Đông vốn khép kín, đóng cửa. Bộ ba tác phẩm “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” vì thế không chỉ là câu chuyện về một cá nhân, một gia đình hay một dòng họ mà là một bức tranh rộng lớn miêu tả phong cảnh, đất nước và xã hội Trung Quốc suốt hơn nửa thế kỉ và đằng sau bức tranh công phu đó, ẩn giấu một thế giới tinh thần sinh động, bí ẩn của con người qua những dòng chữ giản dị mà tinh tế, sắc sảo của Pearl Buck. Nữ văn sĩ là tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết có giá trị, song bộ ba tác phẩm này không chỉ đơn thuần giúp tên tuổi của Pearl Buck tỏa sáng mà qua đó còn cho thấy quan niệm về nhân sinh cũng như nghệ thuật viết tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn.

Bộ ba tác phẩm của Pearl Buck đã được dịch sang tiếng Việt trước đây qua các bản dịch: “Sống vì đất”, Nguyễn Công Phú dịch, Như Nguyên xuất bản, Sài Gòn, 1959; Năm 2001, NXB Văn nghệ TPHCM in bộ ba tiểu thuyết mang tên “Đất lành”, “Mấy người con trai Vương Long”, “Vương Nguyên, gia đình phân tán” qua bản dịch của Nguyễn Thế Vinh. Sau hơn 20 năm, bộ ba tác phẩm của Pearl Buck đã trở lại qua bản dịch công phu và đầy đủ của ba dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Vân Hà, Nguyễn Quang Huy, để độc giả Việt Nam một lần nữa gặp lại Pearl Buck, đắm mình trong văn chương và tấm lòng của bà dành cho một đất nước vĩ đại nhưng cũng đầy bi kịch đau thương: đất nước Trung Hoa.

KỲ HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)