Dòng chảy

Tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ Ba, 18/06/2024 16:47

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi, những người làm báo trên chuyến tàu 571 đi Trường Sa tháng 5 vừa qua, xin được một lần “đưa nhau” lên sóng để nhắc về một kỉ niệm đẹp, về thời gian làm việc cường độ cao và về nghề báo cao quý mà chúng tôi đang theo đuổi.

Đoàn công tác số 20 có vẻn vẹn 8 phóng viên báo chí thuộc báo in, báo điện tử, báo ảnh và báo hình từ Hà Nội, Quảng Bình, Vũng Tàu, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh tập trung tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Trước khi rời đất liền, chúng tôi đã có một ngày làm quen và chia sẻ với nhau qua những bữa ăn tập trung tại nhà khách của Kho 858, Cục Kỹ thuật Hải quân. Hải trình bắt đầu là lúc chúng tôi tham gia các hoạt động nhóm trên tàu cùng các thành viên khác, trong đó, ngoài công việc chuyên môn, bản tin hàng ngày trên tàu chúng tôi cũng luôn bảo đảm để sau mỗi ngày vất vả, đến 21 giờ, cả tàu sẽ cùng nghe lại lịch trình dày đặc của ngày hôm đó qua loa phát thanh của tàu.

Phóng viên đi làm thì thường ảnh chụp chúng tôi sẽ là từ máy đồng nghiệp, từ những anh chị em cùng đoàn chia sẻ lại cho nhau. Do đó, chùm ảnh này, tôi xin được kí tên là Nhóm phóng viên Đoàn công tác số 20.

Những bức ảnh sẽ có lúc bị "vướng" các đồng nghiệp.
Luôn phải trình tự xếp hàng, nhường nhau để bảo đảm có những khuôn hình đẹp nhất.
Bức ảnh này tôi gọi là "Người làm báo ghi hình người làm báo". Trong thời đại công nghệ, một phóng viên hoàn toàn độc lập làm việc khi có trợ thủ là điện thoại và chân máy. Ngọc Tân, phóng viên của Dân trí là thành viên trẻ nhất và năng nổ hoạt động trong cả phần quay video và chụp hình.
Trước mỗi lần rời tàu, luôn có loa thông báo tàu đầu tiên là ưu tiên cho các thủ trưởng đoàn công tác và phóng viên báo chí. Đó là một ưu ái để chúng tôi có thêm thời gian tác nghiệp tại mỗi điểm đảo.
Anh Lê Quang Hải, quay phim của Truyền hình VOV, mang theo chiếc máy quay nặng gần 10kg vừa là tài sản giá trị nhất, vừa là công cụ tác nghiệp nặng nhất đoàn. Nên mỗi lần lên, xuống tàu hoặc xuồng đều có phần khó khăn hơn mọi người. 
Tại khu vực đảo An Bang, chúng tôi gặp một ngư dân đang đánh bắt gần đó và tranh thủ hỏi thăm anh. Anh chia sẻ, An Bang là đảo rất khó vào, có những đợt sóng to, bộ đội còn phải ra tận mép nước kéo thuyền lên roi cát.
Gần đảo Đá Tây C, chúng tôi được tạo điều kiện để ra thăm một tàu cá của anh Trương Công Hoàng, quê Ninh Thuận. Anh chia sẻ rất yên tâm khi đánh bắt ở ngư trường gần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Bức ảnh này có lẽ sẽ đông thành viên nhất để miêu tả về nhóm phóng viên chúng tôi
Góc rộng hơn, chúng tôi đang ghi lại hình ảnh diễu binh chào mừng Kỉ niệm 49 năm Giải phóng Trường Sa.
Trên boong tàu, lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong trận tấn công bất ngờ ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma. Xuồng bên cạnh dành riêng cho báo chí tác nghiệp, ghi lại hình ảnh từ dưới tàu.
Lên nhà giàn là một thử thách với tất cả mọi người, không riêng gì cánh phóng viên mang theo mình một túi máy ảnh. Rất may, đó là một buổi sáng biển Đông lặng sóng.
Cuối cùng là "đồng nghiệp phỏng vấn đồng nghiệp" trong chuyến công tác nhiều dấu ấn của mỗi người.

Nhóm phóng viên Đoàn công tác số 20, năm 2024. 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)