Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1037 (cuối tháng 5/2024)

Thứ Hai, 20/05/2024 06:42

 Nhắc đến văn hoá Chăm là nhắc đến những biểu tượng đầy màu sắc như tháp Chàm, gốm Bàu Trúc, những điệu múa, tiếng trống paranưng, những đàn cừu đàn dê trên đồng cỏ cháy, những bãi cát rát bỏng nắng gió… Đây là một nền văn hóa lâu đời, đầy vóc dáng và bản sắc, góp phần làm phong phú nền văn hóa đa sắc màu của Việt Nam. Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kiều Maily, người đã dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm, ngõ hầu giúp bạn đọc hiểu hơn về những đóng góp của chị cũng như những câu chuyện còn khuất lấp phía sau nền văn hóa rực rỡ này.

Bài trò chuyện "Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm" sẽ mở đầu Tạp chí số đầu cuối tháng 5 này.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn Lá vẫn xanh màu của Lê Thị Kim Sơn, Khoảng trời bé nhỏ của Nguyễn Quốc Hùng, Múa giữa Sào Khê của Võ Diệu Thanh.

Lá vẫn xanh màu khắc họa chân dung những người lính biên phòng dũng cảm, mưu trí, và đặc biệt có sự hiểu biết về văn hóa dân tộc với đồng bào, từ đó thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất, và quan trọng nhất là thuyết phục và được lòng nhân dân bản địa. Ở một góc nhìn khác, truyện cũng cảnh báo những người ham hư vinh, đi tìm những chân trời không có thực, làm hại đến bản thân, gia đình, cộng đồng...

Khoảng trời bé nhỏ là câu chuyện chân thực, xúc động về những người lính tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc. Ba người lính theo chỉ đạo của cấp trên, đào hầm ngầm để đi đến công sự của địch. Trong đêm tối, trong mưa lạnh của vùng núi, những người lính âm thầm làm những công việc nặng nhọc và tuyệt mật trong sự đói rét... Trong khoảng trời bé nhỏ của căn hầm ấy, tình đồng đội, đồng chí và biết bao vẻ đẹp của người lính đã được khắc họa sâu sắc.

Múa giữa Sào Khê vừa chân thực vừa mang không khí huyền ảo. Người phụ nữ, mất con, gia đình tan vỡ, những mất mát tột cùng ấy đã đẩy đưa cô đặt chân đến một vùng đất ngẫu nhiên. Trên dòng sông Sào Khê cô đã được thiên nhiên xoa dịu và thấu suốt. Sự xuất hiện của người lái đò trong giấc mơ đã cho cô được sống lại là chính con người thật nhất của mình.

Bút kí Soi trăng nước bạc Ba Hồ của Hồ Kiên Giang viết về một miền quê Nam Bộ với nhiều cảm xúc. Bài viết Chuyện về một người anh hùng của Trình Quang Phú là câu chuyện về Anh hùng tàu Không số Hồ Đắc Thạnh.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Việt Chiến, Giáng Vân, Lê Thúy Bắc, Bạch Diệp, Huỳnh Thúy Kiều, Hoàng Cúc, Lâm Minh Thường, Trần Xuân Trường, Lê Na.

Những không gian văn hóa, lịch sử sẽ được mở ra trong thơ từ mọi góc nhìn, mọi chiều kích. Những vẻ đẹp, những ẩn khuất của đời sống ở các khía cạnh của tình yêu, gia đình, xã hội với những vui, buồn, quá vãng, giấc mơ, xao động… cũng là nguồn chất liệu bất tận cho thơ. Qua thi phẩm của mình, người viết đã cho thấy khát vọng được chạm sâu vào những thăm thẳm của mọi đề tài nhằm sáng tạo nên một đời sống khác.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Từ dấu chấm lửng đến con đường mê thấu đáy của Hương Giang giới thiệu thi tập Trên lá sâu vẽ bùa của Đỗ Thượng Thế.

Văn học nước ngoài là bài Văn chương chẳng khác gì nghề mộc, đây là cuộc phỏng vấn Gabriel García Márquez và Peter H.Stone là người thực hiện, được đăng lần đầu trên Tạp chí The Paris Review, No.82, số Mùa Đông năm 1981.

Phần Bình luận văn nghệ với sự xuất hiện của các tác giả Võ Xuân Quế, Phùng Văn Khai, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Tiểu Linh, Nguyễn Như Trang, Đinh Lê Minh Thông.

Những điều chưa biết về bản dịch "Nhật kí trong tù" đầu tiên bằng tiếng Anh và người dịch sẽ giải mã nhiều điều mà lâu nay bạn đọc chưa được biết đến về câu chuyện này. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên có tên Prison Diary gồm 101 bài thơ, với 95 trang, được Nxb Ngoại văn xuất bản ở Hà Nội năm 1962, tức chỉ hai năm sau khi bản gốc bằng chữ Hán 獄中日記 (Ngục trung nhật kí) được dịch sang chữ Quốc ngữ và được Nxb Văn hóa xuất bản năm 1960.

Với chủ ý thể hiện bản tính thông qua cách biểu đạt dưới hình thức “đảo vai” của con người Korea từ xưa đến nay, chúng ta phần nào thấy được đời sống nội quan đa chiều của họ, đồng thời, với cách kể chuyện bằng việc sắm vai đa dạng trong nhiều kiểu thức khác nhau, cũng nhằm tỏ rõ sự khôn khéo, thấy được suy nghĩ và hành động lí trí của người dân nơi đây. Bài viết “Đảo vai” như một phương thức tự sự trong đời sống văn hoá - nghệ thuật Hàn Quốc sẽ có những kiến giải sâu sắc về điều này.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với những bài nghiên cứu, bình luận sâu sắc, thú vị về các vấn đề khác nhau của văn học nghệ thuật.

Tạp chí VNQĐ số 1037 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/5/2024. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Thị Kim Nhung - Kiều Maily

“Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm”

Lê Thị Kim Sơn

Lá vẫn xanh màu

Hồ Kiên Giang

Soi trăng nước bạc Ba Hồ

Trình Quang Phú

Kỉ niệm về một người anh hùng

Nguyễn Quốc Hùng

Khoảng trời nhỏ bé

Võ Diệu Thanh

Múa giữa Sào Khê

 

Thơ

Hoàng Vũ Thuật

Bạn và tôi đã can dự vào thời gian; Những hòn bi trẻ thơ; Trái tim mách bảo

Nguyễn Việt Chiến

Trên biển biếc Bon - Đài (Bondi) tôi nhớ; Nhớ quê;

Trong im lặng

Giáng Vân

Trăng; No think; Tháng mười

Lê Thuý Bắc

Mùa lá đỏ; Đồi gió hát

Bạch Diệp

Chiều qua Bến Hải; Đêm Huế

Hương Giang

Từ dấu chấm lửng đến con đường mê thấu đáy

(Đọc Trên lá sâu vẽ bùa của Đỗ Thượng Thế)

Huỳnh Thuý Kiều

Tam giác mạch; Tự sự với đồng bằng

Hoàng Cúc

Mẹ; Đợi

Lâm Minh Thường

Điệu múa Khmer; Rẽ lối

Trần Xuân Trường

Tìm bà; Mẹ tôi quê mùa

Lê Na

Viết ngang đèo Khau Lắc; Cậu tôi

 

Văn học nước ngoài

Gabriel García Márquez

Văn chương chẳng khác gì nghề mộc (Hải Ngọc trích dịch)

 

Bình luận văn nghệ

Võ Xuân Quế

Những điều chưa biết về bản dịch Nhật kí trong tù đầu tiên bằng tiếng Anh và người dịch

Phùng Văn Khai

Giao hưởng Điện Biên:

Thơ là để dành tặng nhân dân và Tổ quốc

Vũ Thanh Lịch

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Nguyễn Tiểu Linh

Xu hướng văn học “chữa lành”

Nguyễn Như Trang

Cảnh quan của thảm hoạ trong Lời nguyện cầu

từ Chernobyl của Svetlana Alexievich và Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh

Đinh Lê Minh Thông

“Đảo vai” như một phương thức tự sự trong đời sống văn hoá -

nghệ thuật Hàn Quốc

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Phố Tranh của họa sĩ Thành Chương

Minh họa: Lê Anh, Tô Chiêm, Bùi Quang Đức

Doãn Hoàng Kiên, Vũ Đình Tuấn, PV...

VNQD
Thống kê