Nhiều người cứ nghĩ bộ đội đặc công chỉ giỏi võ, giỏi luồn rừng, leo dây, leo tường, thả trôi nhiều giờ trên sông, ngụy trang vô cùng khéo léo, sức chịu đựng ghê gớm trước những điều kiện thời tiết, hoàn cảnh xung quanh khắc nghiệt… nhưng cùng với những kĩ năng ấy, bộ đội đặc công cũng rất mềm mại, mưu trí, sáng tạo. Đặc thù chiến đấu của bộ đội đặc công là luồn sâu vào trong lòng địch để đánh, nên mỗi người lính phải luôn xác định độc lập tác chiến, tự mình xử lí một cách nhanh nhất, chính xác nhất những tình huống bất ngờ xảy ra - những tình huống thậm chí mang tính sinh tử. Mà trong thực tế chiến đấu thì có thiên hình vạn trạng những bất ngờ không lường trước được.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1024 sẽ mở đầu với bài đối thoại Bộ đội Đặc công không chỉ uy dũng mà còn mưu trí, sáng tạo với những góc nhìn từ bên trong về lực lượng đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phần Văn xuôi được tiếp nối với các truyện ngắn: Người ngủ lại đồng bưng của Hồ Tĩnh Tâm, Cơn mưa buổi chiều của Huy Phạm, Sao hôm sao mai của Vĩnh Quyền, Chuyến xe duyên phận của Trịnh Tuyên.
Người ngủ lại đồng bưng xúc động bởi câu chuyện về những người lính trong chiến tranh. Họ phải trải qua sự ác liệt của bom đạn, đồng thời cũng phải vượt qua giới hạn của chính mình để chiến đấu, giữ vững lí tưởng. Truyện khắc hoạ sâu sắc tình đồng đội sâu nặng, cao đẹp của những người lính đã cùng nhau nằm gai nếm mật, sẻ chia sự sống cái chết… Dù mỗi người mỗi số phận nhưng vẫn luôn giữ được khí chất của mình.
Cơn mưa buổi chiều là những mảnh ghép tự nhiên của đời thường nhưng chứa đựng nhiều suy ngẫm về sự cô đơn của kiếp người. Không có cốt truyện rõ ràng, không có những tình huống cao trào hay éo le, bằng giọng văn rất riêng Huy Phạm vẫn luôn có cách cuốn người đọc vào câu chuyện của mình và để lại nhiều dư vị.
Sao hôm sao mai là câu chuyện về một người con lai Pháp-Việt, sinh sống ở Pháp. Với những hiểu biết của mình về văn hoá, người con trai ấy đã dần dần tìm về được nguồn cội, gốc gác của mình theo một cách rất riêng. Quá khứ của cha mẹ, của gia đình dần được hé lộ.
Chuyến xe duyên phận là tiếng thở dài, là sự tiếc nuối của một mối tình dang dở, nhưng ẩn sau đó là câu chuyện giữa con người với con người trong cuộc sống. Cuộc đời nhiều khi sẽ quá tay đẩy ai đó rơi vào những hoàn cảnh éo le, không chỉ để thử thách một người, mà thử thách cả những người xung quanh họ. Đó cũng là lúc mỗi người sẽ nhận ra được những giá trị của cuộc đời.
Tây Nguyên, tháng ba năm ấy là bút kí của Nguyễn Trọng Luân tái hiện lại những năm tháng lịch sử của vùng đất này.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Đinh Nho Tuấn, Đỗ Trọng Khơi, Hữu Vi, Nguyễn Thanh Hải, Trang Thanh, Vi Thuỳ Linh, Hương Giang, Duyên An, Đào An Duyên, Phan Bá Linh, Đặng Bá Khanh, Trương Công Tưởng, Nguyên Như.
Sự góp mặt của những tác giả đã quen thuộc gắn bó với VNQĐ vừa làm nên sự sinh động cho trang thơ số này vừa là sự khẳng định những phong cách, những giọng điệu riêng. Những mạch nguồn cảm hứng vẫn được khơi mở, đào sâu để những trang thơ của VNQĐ tiếp tục đem đến cho bạn đọc sự cảm xúc, lắng đọng.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đinh Tiến Hải cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Đức Hà, Vĩnh Yên, Nguyễn Mai Anh, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thị Thanh Nga, Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Trí.
Cách đây 113 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã góp dấu chân mình trên hành trình cứu nước đầy gian nan tại những bến bờ xa lạ. Một thế kỉ sau, với mong muốn đặt chân mình lên dấu chân người xưa để tìm hiểu xem thế giới đã thay đổi như thế nào, và người Việt Nam yêu nước vĩ đại ấy đã đóng góp những gì vào sự thay đổi này, tác giả Trần Đức Tuấn đã trình bạn đọc cuốn bút kí mang tên Hành trình theo chân Bác (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành và tái bản nhiều lần). Bài viết Tìm về dấu xưa hành trình của Bác sẽ có những phân tích sâu sắc về cuốn sách này.
Sản phẩm nghệ thuật trong tinh thần và tri thức (hậu) hiện đại đã vượt qua cái bóng của tác giả để tồn tại một cách khách quan, hướng đến những khả năng tạo nghĩa mới trong hành trình của sự diễn giải. Bởi vậy, cách gọi tên tác giả trẻ xem ra cũng không cần thiết cho những định vị một cách trọng thị, khách quan, nghiêm túc. Điều an ủi duy nhất mà tuổi trẻ mang đến cho chúng ta ở đây là sự vẹn nguyên của niềm hi vọng. Bài viết Tên của hi vọng sẽ đưa ra những luận bàn thú vị, đáng suy ngẫm về vấn đề này.
Bên cạnh đó là những bài viết sâu sắc và thú vị, mở ra nhiều góc nhìn đa dạng về văn học nghệ thuật với những vấn đề đáng quan tâm, suy ngẫm.
Tạp chí VNQĐ số 1034 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/4/2024. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ
Bộ đội Đặc công không chỉ uy dũng mà còn mưu trí, sáng tạo
Hồ Tĩnh Tâm
Người ngủ lại đồng bưng
Nguyễn Trọng Luân
Tây Nguyên, tháng 3 năm ấy
Huy Phạm
Cơn mưa buổi chiều
Vĩnh Quyền
Sao hôm sao mai
Trịnh Tuyên
Chuyến xe duyên phận
Thơ
Đinh Nho Tuấn
Đêm Hà Giang; Ngôn ngữ đất
Đỗ Trọng Khơi
Cõi về; Thời gian
Hữu Vi
Người soi đêm; Nương đỗ nàng Nguộc
Nguyễn Thanh Hải
Bên gò nắng tháng tư; Neo ở đâu rồi;
Ngàn năm chẳng trật tự nào
Trang Thanh
Khúc lưu ly; Hỏi chiều
Vi Thùy Linh
Tiếng chim Brasilia; Mưa phu thê; Anh và xanh
Hương Giang
Khoảnh khắc Eureka; Phố Bồ Đề; Tự họa
Duyên An
Cổ tự; Bóc tách
Đào An Duyên
Gương mặt; Những vệt xanh biên giới
VNQĐ giới thiệu thơ Đinh Tiến Hải
Trên cây cầu tình yêu; Khôi nguyên; Sông Thương
Phan Bá Linh
Gió chướng
Đặng Bá Khanh
Sắc hoa rừng ngày ấy; Cố nhân
Trương Công Tưởng
Một đêm ở Tuy Hòa; Mỏng manh
Nguyên Như
Khúc ca vùng châu thổ; Gái Giáy; Tiếng cồng Bon Leng
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Đức Hà
Tìm về dấu xưa hành trình của Bác
Vĩnh Yên
Tên của hi vọng
Nguyễn Mai Anh
Truyện ngắn viết về lịch sử trên Văn nghệ Quân đội trong 20 năm đầu thế kỉ XXI - vài nét phác họa
Lê Thiếu Nhơn
Nghệ sĩ Nhân dân và tinh thần cống hiến
Nguyễn Thị Thanh Nga
Tào Mạt và những đóng góp cho nghệ thuật chèo Việt Nam
Phùng Ngọc Kiên
Những mô hình hỗ trợ nhà văn trẻ
tại một số quốc gia phát triển
Nguyễn Trí
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong
Hoa xương rồng
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Tĩnh vật Tháng Tư
Tranh của họa sĩ Chu Đức Thắng
Minh họa: Lê Trí Dũng, Bùi Quang Đức, Phạm Hà Hải,
Nguyễn Bá Kiên, Tào Linh, PV...
VNQD