Lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam là lịch sử những cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại. Vì thế, dưới thời đại nào, dù đang hưởng hòa bình, chúng ta cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc giữ yên bờ cõi, độc lập tự do. Từ lí do đó, chính sách “Ngụ binh ư nông” - liên kết hài hoà giữa kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình sang thời chiến khi cần đã ra đời từ thời Lý, dần được hoàn thiện và áp dụng xuyên suốt các triều đại và đến nay, nó vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng và Nhà nước ta áp dụng vào thực tiễn thông qua mô hình các đơn vị kinh tế kết hợp quốc phòng.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, một đơn vị “Khi bình là ngư, khi biến là binh”, đã tạo lập được thương hiệu mang tầm quốc tế, chứng minh sự hiệu quả của việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, nhân kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng công ty (15/3/1989 - 15/3/2024).
VNQĐ: Xin được gửi lời chúc mừng tốt đẹp ngày đầu xuân và tròn tuổi 35 của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Nói đến hiệu quả mô hình kinh tế kết hợp quốc phòng, không thể không kể đến Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn…, những thương hiệu đã vượt ra khỏi Quân đội, quốc gia, mang tầm quốc tế.
Đại tá Nguyễn Năng Toàn
Đại tá Nguyễn Năng Toàn: Xin được cảm ơn lời chúc mừng năm mới và chúc mừng ngày thành lập của đơn vị chúng tôi. Với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, xin được bắt đầu từ ngày 15/3/1989, khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định thành lập Quân cảng Sài Gòn trực thuộc Quân chủng Hải quân với nhiệm vụ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, làm căn cứ hậu cần, chi viện cho quần đảo Trường Sa và nhà dàn DKI, đồng thời tận dụng cơ sở hạ tầng của Quân cảng để lấy nguồn thu nhằm sửa chữa, tu bổ nâng cấp Quân cảng. Thời điểm đó, đơn vị với vỏn vẹn 36 cán bộ, chiến sĩ vốn chỉ quen với sóng gió biển khơi, đầy bỡ ngỡ trong các hoạt động làm kinh tế. Nhưng với quyết tâm và tinh thần người lính “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, Tân Cảng Sài Gòn từng bước phát triển lực lượng, tổ chức biên chế, quy mô, hiện đại hóa quản lí khai thác cảng. Sự phát triển vượt bậc của đơn vị được đánh dấu bằng các quyết định: Tháng 12/2006, chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Tháng 2/ 2010, chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Và ngày 15/3 được lấy làm ngày truyền thống của đơn vị.
Từ 36 người lúc ban đầu với tên gọi Quân cảng Sài Gòn, đến nay đơn vị đã trở thành Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với lực lượng hùng hậu gần 7.500 người. Trong đó, trình độ Đại học và trên đại học chiếm trên 46 phần trăm.
Hiện tại, Tổng công ty chúng tôi đang hoạt động trên 17 tỉnh thành cả nước, tại các địa bàn kinh tế trọng điểm của cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Định, Hà Nam, Bắc Ninh và liên tục giữ vị trí nhà khai thác cảng, cung cấp dịch vụ logistics số một Việt Nam. 1 trong 7 doanh nghiệp Nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu thí điểm trong Đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho thị trường, trở thành những cánh chim đầu đàn của nền kinh tế. Được Bộ Quốc phòng xếp hạng Tổng công ty hạng Đặc biệt và 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 2004 và 2023).
Những kết quả đạt được của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng Tổng công ty trở thành doanh nghiệp quốc phòng - an ninh tiêu biểu của Quân đội, hoàn thành xuất sắc đồng thời cả hai nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế trong lĩnh vực kinh tế biển; tạo nên thế trận kinh tế - quốc phòng vững mạnh trên các vùng biển chiến lược, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
VNQĐ: Với Viettel hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, độc giả Văn nghệ Quân đội, nhân dân cả nước sẽ dễ dàng hình dung về quy mô cũng như vai trò của Tập đoàn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như quốc phòng vì hoạt động của doanh nghiệp đó gắn liền với cuộc sống thường nhật của mỗi người, nhưng với Tổng công ty Tân Cảng, có lẽ nhiều người vẫn còn khá mơ hồ…
Đại tá Nguyễn Năng Toàn: Cũng như các đơn vị kinh tế kết hợp quốc phòng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được giao thực hiện đồng thời 02 nhiệm vụ: Quân sự quốc phòng và sản xuất kinh doanh.
Với nhiệm vụ quốc phòng, đơn vị chúng tôi là đầu cầu tập kết phương tiện, lực lượng cho các tàu quân sự xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa chi viện biển, đảo. Tổ chức trinh sát, quản lí, nắm chắc tình hình trên không, trên biển được phân công, ngăn cản, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài. Tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Trực tiếp thi công các công trình quân sự trên các vùng biên giới, hải đảo. Phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn đóng quân.
Với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chúng tôi là doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật quản lí sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…, hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 trụ cột chính gồm: khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển.
Từ năm 2012 trở về trước, Tân Cảng Sài Gòn kinh doanh chủ đạo là khai thác cảng; năm 2013, phát triển thêm trụ cột kinh doanh thứ 2: Dịch vụ logistics; năm 2014, phát triển trụ cột thứ 3: Vận tải và các ngành kinh tế biển và duy trì cho đến nay.
Với khai thác cảng, chúng tôi đang khai thác 16 cơ sở cảng đồng bộ với hệ thống kho bãi, phương tiện chuyên dụng, hiện đại, đảm bảo tiếp nhận được tất cả các cỡ tàu container trọng tải đến 160.000 tấn. Trong đó Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại Thành phố Hồ Chí Minh, có quy mô 160 hec ta bãi với 1.500m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lí tiên tiến, là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam, xếp thứ 30 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới. Cụm 3 cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm: Cảng Tân Cảng - Cái Mép, Cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép và Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải, tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 tấn, đi thẳng tới châu Mĩ, châu Âu. Cảng quốc tế Cam Ranh, là cảng quân sự lớn nhất Việt Nam hiện nay, có thể tiếp nhận 40 tàu quân sự, tàu du lịch trong và ngoài nước cùng lúc vào cập bến, neo đậu, trọng tải tàu tối đa đến 110.000 tấn. Cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng, là cảng nước sâu đầu tiên tại miền Bắc, tiếp nhận tàu có trọng tải 160.000 tấn đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Bắc Việt Nam đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mĩ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như trước đây, góp phần kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.
Về kinh doanh dịch vụ logistics, Tân Cảng Sài Gòn đã kết nối hệ thống mạng lưới trên 50 đại lí thông qua hiệp hội WCA tại các châu lục có quan hệ giao dịch hàng hóa qua lại, các thị trường trọng điểm như Hoa kì, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hiện chúng tôi đang cung cấp dịch vụ giao nhận, phân phối từ cảng đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy trên cả nước kết hợp hàng dịch vụ và hàng chuyển cảng đường bộ; triển khai dịch vụ door to door Bắc - Trung - Nam; phát triển mạnh dịch vụ vận tải thủy, bộ ở trong nước và Lào, Campuchia; tăng cường các dịch vụ trọn gói. Dịch vụ logistics của Tân Cảng Sài Gòn hiện luôn đứng đầu các doanh nghiệp logistics mạnh, uy tín với sự đóng góp có giá trị lớn về lượng và chất trong lĩnh vực logistics, được cộng đồng kinh doanh dịch vụ logistics đánh giá là hình ảnh đại diện cho ngành logistics Việt Nam trong những năm qua.
Về dịch vụ biển, chúng tôi cũng đang cung ứng các dịch vụ: Cung ứng tàu trực, thăm dò, khai thác dầu khí, lai dắt, cứu hộ, cứu nạn trên biển; vận chuyển trang thiết bị lắp dựng công trình dầu khí, nhà dàn DK; dịch vụ cơ khí sửa chữa lắp ráp cẩu tại thị trường các cảng khu vực Đông Nam Á; cung ứng hậu cần tập trung cho các đơn vị Hải quân và phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng mang lại hiệu quả cao - mô hình thành công trong kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Với những nhiệm vụ như trên, Tân Cảng Sài Gòn đóng góp, gắn bó xã hội, với nhân dân bằng việc đảm bảo chuỗi cung ứng của cả nước luôn thông suốt, không bị đứt gãy, đặc biệt là vào những thời điểm lễ tết hay trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ đón tàu hàng quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu năm tại cảng TCIT - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn
VNQĐ: Với các hoạt động kinh doanh mang tầm quốc tế hiện tại, làm thế thế nào để Tổng công ty có thể thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng?
Đại tá Nguyễn Năng Toàn: Trước hết, Tổng công ty luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Quân chủng Hải quân về quan điểm “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế; kinh tế với quốc phòng, an ninh” do vậy trong mọi điều kiện hoàn cảnh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - Quân cảng Sài Gòn luôn xác định hoàn thành xuất sắc đồng thời cả 2 nhiệm vụ quốc phòng và sản xuất kinh doanh với sứ mệnh Kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển, nâng tầm thương hiệu quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi xác định, các cơ sở cảng và trang thiết bị do đơn vị quản lí, khai thác đều mang tính lưỡng dụng với phương châm “Khi bình là ngư, khi biến là binh”. Thời gian qua, Tân Cảng đã tổ chức xếp, dỡ hàng ngàn tấn thiết bị quân sự; đón, tiễn bảo đảm an toàn cho các đoàn của cán bộ Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, nhân dân và kiều bào đi thăm, kiểm tra các đảo và Nhà giàn DK. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển, vận chuyển vật liệu thi công các công trình đường tuần tra biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Long An, những địa điểm vô cùng khó khăn nơi đảo xa, nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng rừng núi hiểm trở, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển đảo và biên cương của Tổ quốc.
Năm 2018, Tân Cảng Sài Gòn vinh dự được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia tiếp nhận, xếp dỡ, vận chuyển hàng cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Xu - đăng.
Từ tháng 3/2016, Tân Cảng Sài Gòn đưa Cảng quốc Cam Ranh vào hoạt động, đến nay Cảng đã đón tiếp và bảo đảm các dịch vụ hậu cần, kĩ thuật cho 83 lượt tàu quân sự nước ngoài với 20.000 sĩ quan, thủy thủ của 14 nước (Hoa Kì, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Australia, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar…) thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, thăm xã giao. Rồi tiếp nhận và cung ứng dịch vụ cho hơn 200 lượt tàu Hải quân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập. Đón tiếp 32 đoàn khách quốc tế, đoàn đại sứ, tùy viên quân sự các quốc gia và 68 đoàn lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành đến thăm quan, tìm hiểu, làm việc tại Cảng cùng 2 đợt hội thảo quốc tế về Biển Đông. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Cảng quốc tế Cam Ranh đã biểu dương Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trong xây dựng, khai thác cảng quốc tế Cam Ranh để phát triển đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VNQĐ: Với mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 26 (COP 26) ngày 01/11/2021, Thủ tướng chính phủ đã kí cam kết Việt Nam sẽ đưa khí thải bằng 0 vào năm 2050. Là doanh nghiệp khai thác Cảng và Dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, Tân cảng Sài Gòn đã làm gì để hiện thực hóa việc giảm khí thải trong quá trình vận hành khai thác?
Đại tá Nguyễn Năng Toàn: Trong những năm qua, Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động, tiên phong trong cung ứng dịch vụ xanh, hiện tại chưa có cảng nào tại Việt Nam ngoài 02 cảng của Tân Cảng Sài Gòn là cảng Tân Cảng Cát Lái (tại TP HCM) và Cảng container quốc tế Tân Cảng Cái Mép (tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đạt chứng chỉ quốc tế về cảng xanh GPAS của Hiệp hội Cảng biển APEC; đồng thời các hệ thống kho mới của Tân Cảng Sài Gòn đang được thiết kế theo tiêu chuẩn chứng chỉ LEED về môi trường. Tân Cảng Sài Gòn cũng là đơn vị đi đầu trong phát triển dịch vụ vận tải xanh với các dịch vụ vận tải bằng sà lan kết nối các cảng khu vực Đông Nam Bộ, kết nối Cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, cảng tại Hải Phòng với khu các khu công nghiệp thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Bắc tại Bắc Ninh, Bắc Giang và kết nối Cảng tại Việt Nam với Campuchia. Hiện nay, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chọn là doanh nghiệp đầu đàn trong hiện thực chủ trương xanh hóa chuỗi vận chuyển và tích hợp phương thức vận tải đường thủy nội địa vào chuỗi vận tải đa phương thức.
VNQĐ: Có thể nói, sự vững trãi của Tổng công ty chính là là sự kết hợp, hay nói cách khác, nó được đứng trên hai chân: Kinh tế và quốc phòng. Đó cũng là đặc thù và là điểm khác biệt của Tân Cảng với các doanh nghiệp dân sự thuần túy…
Đại tá Nguyễn Năng Toàn: Nói về sự phát triển của Tân cảng trước hết xuất phát từ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp quân đội. Bên cạnh đó, Tân Cảng đóng quân ở Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hết sức năng động có sự phát triển vượt bậc. Quân sự quốc phòng tạo cho Tân Cảng thế đứng, uy tín để làm kinh doanh và ngược lại, kinh doanh để đóng góp cho quốc phòng, chăm lo cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, làm công tác dân vận, tuyên truyền biển đảo, an sinh xã hội.
Dòng chảy phát triển của Tổng công ty Tân Cảng tạo ra văn hóa người Tân Cảng được kết tinh bởi 3 thành tố: Văn hóa doanh nghiệp; truyền thống Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân và văn hóa gia đình quê hương Việt Nam.
Văn hóa Tân Cảng Sài Gòn giúp mọi người thấy rõ mục tiêu, định hướng và ý nghĩa to lớn của công việc mình làm; gắn kết bền chặt, máu thịt các thành viên với nhau trong một môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, hoà đồng. Trong khi tình trạng “chảy máu chất xám” ở xã hội đang lan tràn, con người đang vì lợi ích vị kỉ cá nhân chạy theo lợi ích vật chất, thì các thành viên của Tổng công ty đều cảm thấy hãnh diện, vinh dự, tự hào vì là thành viên của Tân Cảng Sài Gòn bởi chúng tôi có sự hài hòa giữa giá trị vật chất và tinh thần. Ngày 15/3 hằng năm được lấy là Ngày gia đình Tân Cảng Sài Gòn. Rồi các chính sách tạo công ăn việc làm cho con em trong Quân chủng Hải quân, trong Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn... Đó chính là chất kết dính các thành viên, kết dính xã hội với Tổng công ty, tăng thêm sức mạnh cho sự phát triển bền vững của đơn vị.
Chúng tôi luôn quan niệm “Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp chính là người lao động”, vì thế lãnh đạo Tân Cảng Sài Gòn luôn quan tâm bảo đảm việc làm ổn định, các chế độ chính sách năm sau phải cao hơn năm trước. Ngoài ra, Tân Cảng Sài Gòn còn tạo việc làm ổn định cho gần 10.000 lao động địa phương trên các địa bàn đứng chân. Nhiều chế độ chính sách cho người lao động, hậu phương người lao động được quan tâm mà không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được, như: Mua bảo hiểm nhân thọ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động; tổ chức chúc thọ, mừng tuổi bố mẹ đẻ, bố mẹ (vợ, chồng) cán bộ, công nhân viên, người lao động; tham quan du lịch, nghỉ dưỡng cho người lao động…
VNQĐ: Vâng, một xã hội, đất nước, gia đình, thậm chí từng cá nhân, luôn được xây từ cái nền văn hóa… Văn hóa suy vi thì xã hội, đất nước suy vi, gia đình, cá nhân hỏng nát. Đồng chí có thể chia sẻ kĩ hơn về giá trị của văn hóa người Tân Cảng?
Đại tá Nguyễn Năng Toàn: Như tôi đã nói ở trên, văn hóa người Tân Cảng là sự kết tinh của ba thành tố: Văn hóa Doanh nghiệp, người lính và gia đình. Ba thành tố này có mối quan biện chứng trong phạm trù cái chung, cái riêng. Trong cái chung có cái riêng và ngược lại. Văn hóa người lính có sự cam kết tạo sự tin tưởng cho khách hàng, đối tác, giúp chúng tôi vào cuộc bằng tinh thần của người lính trước một nhiệm vụ không chỉ đòi hỏi bản lĩnh mà còn là sự tỉnh táo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm với những thay đổi để nắm bắt thời cơ. Làm với một tinh thần đam mê, khát vọng khẳng định mình. Văn hóa người lính cũng hết sức hòa quyện với văn hóa doanh nghiệp đó là phụng sự Tổ quốc nhân dân, đem lại lợi nhuận thông qua phụng sự khách hàng, phụng sự xã hội. Văn hóa người lính lớp cha trước, lớp con sau/ đã thành đồng chí, chung câu quân hành, hòa quyện với văn hóa gia đình Việt, đó là sự gắn kết, yêu thương, đùm bọc, tất cả cùng kế thừa cùng giữ gìn. Ở Tân Cảng chúng tôi có nhiều thế hệ trong một gia đình cống hiến và làm việc ở đây, tạo nên một “Gia đình Tân Cảng” theo đúng nghĩa. Công ty lớn có trách nhiệm với công ty bé hơn, thế hệ trước có trách nhiệm với thế hệ sau, thế hệ sau biết ơn và trân trọng sự cống hiến của thế hệ trước…
Cốt lõi của việc giữ gìn văn hóa người Tân Cảng chính là vấn đề duy trì được đội ngũ mang trong mình khát vọng, tinh thần cống hiến, làm cho Tân Cảng ngày càng lớn mạnh, phát triển vươn tầm thế giới. Đó không chỉ là tâm huyết của lãnh đạo, mà là của tất cả mọi thành viên trong Tổng công ty.
VNQĐ: Xin cảm ơn đồng chí.
VNQĐ
VNQD