Dòng chảy
BỘ PHIM "ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO" CỦA ĐẠO DIỄN PHI TIẾN SƠN

Còn những gì ngoài đào, phở và piano? (4)

Thứ Ba, 05/03/2024 09:48

Từ hiện tượng Đào, phở và piano khiến chúng ta có thể nghĩ đến nhiều câu chuyện phát triển Điện ảnh Việt Nam. Nghĩ về sự thành công của một dự án phim và những gì mà nó mang lại cho nền điện ảnh nước nhà. Nghĩ về công cuộc phát triển nền điện ảnh Việt Nam cũng như định vị nó trong nền điện ảnh thế giới…

Bài 4: Nghĩ từ “Đào, phở và piano”

ĐƯỜNG LINK THUYẾT PHỤC VỚI LỊCH SỬ CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Cho dù Đào, phở và piano không phải là một bộ phim hay theo đúng nghĩa của từ “hay”, nhưng đó là phim tốt nhất lấy từ cảm hứng đề tài chiến tranh trong những năm gần đây. Tôi nghĩ tôi xem phim này với hai cảm xúc, cảm xúc của một người làm phê bình văn học nghệ thuật và nhận ra phim còn nhiều thiếu sót, nhưng lại đủ sức đánh động cảm xúc của nhiều khán giả nhờ vào khai thác yếu tố lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, cũng như những thủ pháp nghệ thuật mà tôi nêu ở trên.

Còn về cảm xúc cá nhân, bản thân tôi đã xem nhiều phim của Việt Nam lấy đề tài từ chiến tranh. Mỗi khi xem những phim về chiến tranh, tôi thường nghĩ đến gia đình hai bên nội ngoại của tôi, vốn gắn nhiều với lịch sử chiến tranh cách mạng của đất nước. Tôi hiểu được lí tưởng của những thế hệ đi trước một thời, khi mà họ có trong tay nhiều thứ, nhưng lại vứt bỏ tất cả để đi làm cách mạng. Sức hấp dẫn của lí tưởng bao giờ cũng rất đặc biệt. Những lời tuyên truyền trên sách vở hay phim ảnh không thể nào bằng thực tế chứng kiến trong gia đình. Lí tưởng đã khiến cho ông nội tôi, một nhà nho tham gia Quốc dân đảng, rồi năm 1927 tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, năm 1930 trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản. Nhưng một trong những bí danh khi đi làm cách mạng của ông nội tôi lại là một tác phẩm của Đạo gia! Lí tưởng đã khiến cho ông ngoại tôi, một công tử thập niên 30 cưới vợ rước dâu bằng một đoàn xe ô tô, nhưng năm 1944 vào nhà ngục Hỏa Lò vì là Việt Minh, và chỉ được ra tù vào tháng Tám năm 1945. Tôi cũng đọc những lá thư bà ngoại tôi gửi cho ông ngoại những ngày ông ở chiến khu, vẫn đầy nũng nịu, mơ mộng, trách móc, giận hờn! Một bác ruột tôi là liệt sĩ. Và tôi cũng chứng kiến hai bác ruột tôi, một thương binh mất một chân, một thương binh mất một mắt, nhưng chưa bao giờ có một lời than về những năm tháng chiến tranh. Tôi cũng đọc những dòng nhật kí của bố tôi trên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam. Nhật kí của ông nhan đề bằng tiếng Pháp, có nghĩa là “bí ẩn tâm hồn”. Và tôi đọc nhật kí biết rằng trên đường vượt Trường Sơn, bố tôi vẫn học tiếng Anh, vẫn làm thơ, vẫn tìm đọc tiểu thuyết xuất bản ở Sài Gòn để biết phía bên kia là thế nào, thậm chí còn ghi cả những nhận xét, phân tích về những tác phẩm, trong khi chuyện sống chết là chuyện xảy ra hàng ngày! Nên tôi không thấy xa lạ với những nhân vật được thể hiện trong phim.

Anh lính tự vệ Văn Dân đã bằng mọi giá đem cành đào lên trận địa. Ảnh: ĐLP

Lí tưởng làm cho con người ta có sức mạnh phi thường, dù là trong hoàn cảnh chiến tranh, dù là đối mặt với cái chết. Do vậy, với những ai có trải nghiệm từ chính cuộc sống cá nhân hay gia đình, hay dù không như vậy, nhưng có quan tâm đến việc thể hiện lịch sử thông qua số phận con người trong tác phẩm điện ảnh như thế nào, thì có lẽ đây là một bộ phim mà họ muốn xem. Còn xem xong cảm thấy như thế nào thì tùy thuộc vào “tầm đón nhận” của mỗi người.

 

NGHĨ VỀ YẾU TỐ ĐẠI CHÚNG TRONG ĐIỆN ẢNH

Đào, phở và piano trở thành một hiện tượng mà ngay cả người trong cuộc cũng bất ngờ, cho thấy rằng dòng phim về đề tài lịch sử, do nhà nước đặt hàng, nếu được thể hiện theo một kiểu gần gũi với khán giả, thoát ra khỏi những công thức chung thông thường, thì rất dễ được lòng công chúng. Vậy thì có thể xem Đào, phở và piano như một hiện tượng để nhìn ra những vấn đề cần lưu ý khi làm phim đặt hàng của Nhà nước.

Những thành công về mặt doanh thu của dòng phim tư nhân mà tiêu biểu là những phim của Trấn Thành cho thấy Trấn Thành là một người làm rất tốt khâu quảng bá cho phim và bản thân anh cũng nắm bắt rất tốt được phân khúc thị trường của mình. Dòng phim giải trí, thị trường thì chúng ta cũng không thể bắt phải hay như là nhiều bộ phim giải trí của Hollywood được vì ngoài kịch bản, còn cần bối cảnh, kinh phí và cả trình độ của người làm phim cũng như thị hiếu khán giả bình dân cần nội dung đơn giản, dễ xem, dễ hiểu. Những quan điểm của Nhà nước Việt Nam về văn hóa từ trước đến nay luôn nhấn mạnh yếu tố “đại chúng”, kể từ “Đề cương văn hóa” ra đời năm 1943. Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thì đến năm 2030 ngành điện ảnh đạt doanh thu hơn 6000 tỉ VNĐ. Và dòng phim tư nhân từ trước đến nay đáp ứng khá tốt yêu cầu về mặt doanh thu. Một số nhà làm phim tư nhân như Trấn Thành, Lý Hải, Nhất Trung, Võ Thanh Hòa… với những phim như Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, series phim Lật mặt, Siêu lừa gặp siêu lầy… lập kỉ lục với những con số doanh thu ấn tượng. Thế nên điện ảnh không chỉ mang lại lợi nhuận cho cá nhân, mà còn là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Dòng phim thị trường tồn tại là có lí do của nó và bản thân sự tồn tại của nó đang nuôi sống ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi công cho dòng phim này.

 

Các bạn trẻ TP. Hồ Chí Minh mua vé xem Đào, phở và piano. Ảnh: VnE

Cũng từ hiện tượng cháy vé và sự phản hồi tích cực của khán giả đối với phim Đào, phở và piano, việc cần làm hiện nay là làm thế nào để bộ phim được công chiếu rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho nhiều khán giả được thưởng thức. Tuy ở thời điểm hiện tại, đã có những cụm rạp tư nhân cũng tham gia phát hành nhưng còn vướng cơ chế về kinh phí cho phát hành, phổ biến, quảng bá, nên những việc cần làm ngay là những cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, điện ảnh cần có sự làm việc tích cực với các cụm rạp tư nhân về việc đưa phim về chiếu. Đồng thời có thể đưa phim về chiếu miễn phí hoặc với giá rẻ trong các trường phổ thông và đại học, chiếu miễn phí nơi công cộng ở các vùng sâu vùng xa, các địa phương còn khó khăn.

Về lâu dài, bản thân các cơ quan chức năng cũng nên đưa ra những quy định mới về kinh phí phát hành, tỉ lệ ăn chia với các nhà phát hành phim tư nhân về việc phát hành phim nhà nước và có những giải pháp thiết thực, cụ thể như phát hành phim trên các nền tảng giải trí trên mạng trong và ngoài nước… Có như vậy, định kiến về chuyện làm phim Nhà nước để… xếp vào kho, không phát hành được, mới dần mất đi và điều quan trọng nhất là vừa phục vụ được nhu cầu giải trí tinh thần của người dân một cách chính đáng, vừa không làm lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

 

VÀ MỘT SỰ CÂN BẰNG CHO ĐIỆN ẢNH VIỆT

Điện ảnh Việt Nam rõ ràng còn rất nhiều điều cần phải bàn luận. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà rất khó có câu trả lời cho thỏa đáng ngay trong lúc này: Điện ảnh Việt Nam nằm ở vị trí nào trên bản đồ điện ảnh thế giới? Đã có những tác phẩm gì tiếp cận với điện ảnh thế giới, được điện ảnh thế giới ghi nhận? Các thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn có những ai được biết đến bên ngoài đất nước Việt Nam với tư cách ngôi sao? Điện ảnh Việt Nam có bản sắc gì, có những đề tài nào có thể khai thác? Thị trường phim Việt Nam sẽ đọng lại những gì, giới thiệu ra thế giới những gì với những phim như Mai hay Gặp lại chị bầu?... Là gì ngoài doanh số ấn tượng? Là gì ngoài những tranh cãi triền miên trên mạng xã hội? Bù đắp vào những điểm yếu đó, không chỉ là dòng phim chính luận do nhà nước đặt hàng, mà còn cần phải chú trọng phát triển dòng phim độc lập, nghệ thuật.

Lễ ra mắt phim Đào, phở và piano hồi cuối năm 2023. Ảnh: TN

Dòng phim nghệ thuật, độc lập của các đạo diễn Việt Nam tuy khá kén người xem, nhưng đây là dòng phim cho thấy sự đam mê, tài năng sáng tạo của người làm nghề và khả năng tiếp cận với trình độ của điện ảnh thế giới. Gần đây có thể kể đến những thành công của phim Việt Nam như Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim Ba châu lục tại Nantes (Pháp) năm 2022, phim Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân giành giải Camera Vàng dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023, phim Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân thắng giải phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin… cho thấy vị thế và thành công của dòng phim nghệ thuật, độc lập. Sự phát triển của dòng phim này rất đáng được khuyến khích, bởi đây là cách để trình độ điện ảnh Việt Nam hướng đến tiếp cận với thế giới.

Điện ảnh là thành quả sáng tạo của rất nhiều người và có lượng công chúng đông đảo bậc nhất trong các loại hình nghệ thuật. Điện ảnh Việt Nam cần sự toàn diện, đa dạng và phong phú với nhiều dòng phim, nhiều thể loại phim. Điện ảnh Việt Nam cũng cần có sự phát triển cân bằng để có những bộ phim hay, có chất lượng nghệ thuật, có doanh thu cao, là điều mà khán giả mong mỏi.

TS. HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)