“Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ” là chủ đề tọa đàm văn học được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng ngày 24/2/2024 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn) trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chủ trì tọa đàm. Cùng điều hành tọa đàm có nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam.
"Với nhà thơ, bản lĩnh thể hiện ở khả năng khước từ, biết khước từ cái cũ, cái mòn mỏi và những gì mình thấy không phù hợp với chính mình như số đông, thời thượng…", nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh.
Trong phát biểu đề dẫn cho toạ đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương nói: Nhắc đến thơ là nhắc đến một loại hình cô đúc, tinh tuý, đa nghĩa và hết sức ảo diệu của văn học. Kiến tạo loại hình ấy hiển nhiên phải là các nhà thơ. Nhắc đến nhà thơ là nhắc đến diện mạo tâm hồn của nhà thơ ấy thể hiện qua toàn bộ hệ thống tác phẩm của nhà thơ. Diện mạo tâm hồn có những nét riêng biệt, có những giá trị riêng thì ta gọi đó là bản sắc. Bản sắc là cái không phải hình thành được trong một chốc một lát, càng không phải có sẵn, mà hình thành qua một quá trình.
Chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau phân tích đánh giá về hành trình ấy. Hành trình để một người viết thơ trở thành một nhà thơ theo đúng nghĩa với toàn bộ sự nghiệp và bản sắc của mình. Một bài thơ là kết quả của sự hội tụ rất nhiều yếu tố trong một lúc. Đó là sự bùng nổ thăng hoa của cảm xúc, sự hoàn hảo của cấu trúc, nhịp điệu, ngôn ngữ, thi ảnh, và đôi khi thêm một chút gia vị để tạo sự thần bí, đó là sự may mắn, hay ta còn gọi đó là trời cho. Hình thành một bài thơ thì kì khu như thế, thì chắc chắn sự hình thành một nhà thơ là không đơn giản mà dài lâu, phức tạp, công phu, đó là chặng đường rất dài và gian truân. Chặng đường ấy phải khởi đầu từ bản lĩnh, từ bản lĩnh mới có thể đi tới cái kết là bản sắc.
Tuy nhiên cũng không phải cứ có bản lĩnh là đi đến được bản sắc. Rất nhiều người thừa bản lĩnh, thừa sự quyết tâm đánh đổi nhưng chưa chắc đã kiến tạo cho mình được một nét riêng giữa bể thơ ca đầy cá tính. Như vậy để thấy rằng, sáng tạo thơ ca là rất khó, thậm chí là nghiệt ngã, nhưng đó cũng là niềm cuốn hút, mê dụ nhất của thể loại. Bản lĩnh bao giờ cũng bắt đầu từ sự tự biết mình. Biết mình thì tự tin, tự tin về sự lựa chọn của mình, con đường của mình, từ tự tin thì ta mới can đảm bước đi đến những con đường chưa ai đi, bay lên trên bầu trời chưa ai bay và dọc ngang ở những thế giới mà chưa ai dọc ngang. Nhiều sự can đảm mới có thể tạo ra bản lĩnh.
Với nhà thơ, bản lĩnh thể hiện ở khả năng khước từ, biết khước từ cái cũ, cái mòn mỏi và những gì mình thấy không phù hợp với chính mình như số đông, thời thượng… Ở một khía cạnh khác thì bản lĩnh cũng là khả năng biết chấp nhận cái khác. Khi ta biết chấp nhận cái khác thì trường hấp thụ và tiếp nhận cũng mở rộng ra, kéo theo trường nhận thức và sáng tác mở rộng ra, điều này rất cần với những ai chọn con đường sáng tác chuyên nghiệp. Ở khía cạnh nội dung bản lĩnh là cất lên được tiếng nói trung thực nhất của mình, dám đề cập đến những vấn đề nóng bỏng nhất, gay gắt nhất, những cảm nhận mà mình nghĩ cần phải lên tiếng…
Từ những gợi mở sâu sắc và đa chiều ấy, buổi toạ đàm đã được bắt đầu đầy hứng khởi, giàu tính xây dựng, đầy tâm huyết của các nhà thơ, nhà phê bình và người yêu thơ. Tọa đàm có khoảng 12 tham luận của các nhà thơ, nhà phê bình văn học xoay quanh chủ đề nhằm phân tích, đánh giá về bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Về bản lĩnh trong sáng tạo thơ ca, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Báo Nhân dân) cho rằng có thể nhìn nhận hai khái niệm này ở trạng thái động. Nghĩa là không thể có bản lĩnh hay cá tính ngay từ ban đầu mà phải qua quá trình học hỏi, thử sức, rèn luyện, tìm đường, đối thoại, đối diện với những thành quả thơ ca đã có, những tác giả thành công đi trước. Một chặng đường gian truân mà nhiều khi, bản lĩnh, cá tính nhà thơ còn được bồi đắp thêm trong những cuộc đối mặt với sự nghi ngờ, chê cười, xem thường, tẩy chay, lạnh lùng… Đặc biệt, trong bối cảnh mà những sự viết buông thả, dễ dãi, nhàn nhạt hay mòn sáo trong cách kể, tả, liên tưởng có xu hướng lạm phát, tràn lan, thì những vẻ lấp lánh và nỗ lực đổi mới cũng dễ bị vây bủa, ghì nén, chìm lấp. Chính bởi thế, những cá tính sáng tạo, những giá trị của nhiều sự nghiệp đã thành danh, những gương mặt đang tiếp tục vượt lên, càng cần được chú trọng.
Buổi toạ đàm thu hút đông đảo các nhà thơ, nhà phê bình và người yêu thơ đến tham dự.
Thực tế sáng tác và thẩm bình thơ những năm qua, người làm nghề chứng kiến không ít trường hợp từng đột khởi, vụt sáng một chặng đường. Nhưng trên tiến trình đi tìm rõ nét hơn khuôn mặt mình, thì lại dần thỏa hiệp với trạng thái đắm mê, bay bổng và những lấp lánh ban đầu mà mình đã có được. Cũng như mối quan tâm đối với sự cách tân, đổi mới, biến đổi chính bản thân mình dần lại trở nên thứ yếu so với việc quan trọng nhất lúc này là giành giữ ngôi vị, so bì hơn kém, chiếm lĩnh giải thưởng, danh hiệu, tận dụng báo chí và xúc tiến truyền thông cho tên tuổi bản thân… Những điều đó vô hình chung khiến cho thi ca hồn nhiên, hưng phấn và góc cạnh dần chững lại, đều đều, bình bình và lâu dần trở nên mòn mỏi, quen thuộc trong những sáng tác mới.
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ (Thái Nguyên) trong tham luận về thơ dân tộc thiểu số đã chỉ ra sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu của các tác giả trong khoảng 20 năm trở lại đây. Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số đã định vị được tên tuổi của mình trong sự mến mộ của người đọc, tiêu biểu như: Y Phương (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Mã A Lềnh (dân tộc Mông), Triệu Kim Văn (dân tộc Dao), Lò Cao Nhum (dân tộc Thái), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí)... Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu là vô vàn nỗi lo cho hành trình đến tương lai của các nhà thơ, liên quan đến vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong thời kì hội nhập. Có thể điểm danh một số nguy cơ hàng đầu: Đội ngũ không còn nhiều người thông thạo tiếng mẹ đẻ, càng ít người sáng tác được bằng song ngữ; chất dân tộc miền núi ngày càng mờ đi; những nét bản sắc văn hóa của các tộc người thiểu số như phong tục tập quán, đời sống tinh thần, tâm linh... ngày càng nhạt.
Cũng ở góc nhìn về văn học các dân tộc thiểu số, nhà phê bình văn học Đỗ Thị Thu Huyền bày tỏ: Đứng trước dấu mốc 50 năm nhìn lại công cuộc phát triển văn học nghệ thuật sau ngày thống nhất đất nước, chủ trương “thống nhất trong đa dạng” là một tiền đề quan trọng cho sự phát huy vị thế, bản sắc văn học các dân tộc thiểu số trong ngôi nhà chung. Những chuyển động của văn học dân tộc thiểu số vẫn luôn vận hành theo sự đổi khác của xã hội. Quá trình khẳng định vị thế của một nền văn học luôn bắt đầu từ quá trình khẳng định của mỗi tác giả. Thế hệ trước đã tạo nên những giá trị, những định hình khác biệt cho khu vực văn học này và mỗi tác giả trẻ dân tộc thiểu số cần phải tự trau dồi, tích lũy để vượt khỏi những ràng buộc quen thuộc, những khuôn mẫu. Khi đó, bản sắc của những cộng đồng dân tộc thiểu số không còn khuôn trong những giới hạn của truyền thống mà trở nên hiện đại và năng động. Đấy là những điều kiện tốt nhất cho một sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.
Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận định: Thơ là tự sự của tâm hồn. Hãy tự do, tự tin, tự chủ viết câu chuyện của tâm hồn mình theo cách của mình. Bản lĩnh thơ là đây mà bản sắc thơ cũng là đây. Tuy nhiên, cả bản lĩnh và bản sắc đều phải luôn được cài đặt ở chế độ động và mở, tức là nói không với cứng nhắc và bảo thủ. Bản lĩnh còn là biết tự xoá tẩy mình để làm mới mình, tức kiến tạo một phiên bản mới, một bản sắc mới. Bản lĩnh còn là biết độ lượng với chính mình, bởi cuộc thơ thì vô cùng, người thơ thì thường khi lực bất tòng tâm. Và bản lĩnh còn là vừa biết tận tâm tận lực với thơ, vừa biết xem thơ chỉ là một nghề chơi, dẫu lắm công phu (Lê Đạt gọi nhà thơ là “phu chữ”) thì nghề chơi này cũng vô tăm tích, giữa lễ hội của sự vô nghĩa.
Buổi toạ đàm đã đưa ra, đề cập đến những vấn đề cốt lõi để mỗi người viết tự nhìn nhận lại bản lĩnh cầm bút của chính mình cũng như tự chất vấn về bản sắc của cá nhân trong nền thơ đương đại hôm nay.
PV
VNQD