Một mùa xuân mới đang về, xin chúc các cộng tác viên, các bạn đọc gần xa một năm mới với nhiều niềm vui và hi vọng. VNQĐ mong muốn tiếp tục nhận được những tình cảm, sự đóng góp những tác phẩm chất lượng của các tác giả trên các lĩnh vực văn xuôi, thơ, bình luận văn nghệ, mĩ thuật... để cùng xây dựng tờ tạp chí xứng đáng với sự tin cậy của độc giả trong suốt những năm qua. Những ngày đầu của năm 2024 đang dần trôi và năm Quý Mão đang dần khép lại, VNQĐ xin gửi tới bạn đọc ấn phẩm đặc biệt chào Xuân Giáp Thìn.
Trong nhiều hoạt động cấp Quốc gia hướng tới kỉ niệm 50 năm thống nhất đất nước, các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam kể từ dấu mốc quan trọng ấy cũng đang được triển khai sâu rộng cả ở cấp Trung ương và địa phương. Để hiểu rõ hơn cũng như có một cái nhìn tổng quan về hoạt động lớn này, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Xin trân trọng giới thiệu bài trao đổi sẽ mở màn cho số tạp chí chào Xuân Giáp Thìn 2024 này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan sinh tại Long Xuyên, An Giang, quê gốc Hà Nội. Cha bà là Đại tá Phạm Trinh Cán, nguyên Cục trưởng Cục Quân pháp - Bộ Quốc phòng. Là một chuyên gia kinh tế, từng là Tổng thư kí và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn và Ban Nghiên cứu của các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, bà luôn cổ vũ cho quá trình đổi mới ở Việt Nam cũng như thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Nhân dịp đầu năm mới, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với bà về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những dự đoán cho thời gian sắp tới với hi vọng về những mảng màu tươi sáng hơn, tạo đà cho xã hội và cho môi trường VHNT trong năm 2024.
Phần Văn xuôi được tiếp tục với các truyện ngắn:
Truyện ngắn Cá rồng của Đoàn Ngọc Hà dí dỏm hài hước nhưng ẩn sau đó là một xã hội với nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm. Hình ảnh cá rồng xuất hiện như một biểu tượng đẩy tình tiết truyện lên cao trào, cũng từ đó tạo nên những huyền thoại đầy mơ hồ, liêu trai. Suy cho cùng điều gì mới là quan trọng, mỗi người sẽ tìm cho mình một câu trả lời riêng.
Truyện ngắn Màu cô dâu của Tống Ngọc Hân mang đậm bản sắc vùng miền, với những phong tục tập quán đầy bản sắc. Nhưng điều đáng nói chính là ở mỗi góc nhìn khác nhau, mỗi quan niệm khác nhau, truyện lại đưa đến những cách tiếp cận rất mới mẻ, đặc sắc, phù hợp với bối cảnh hôm nay. Để từ đó, những câu chuyện tưởng như sẽ đưa đến một kết thúc buồn thì lại mở ra những cái kết đáng mong đợi hơn bao giờ hết.
Truyện ngắn Xóm Thiếc của Ngô Tú Ngân mang đến một không khí ấm áp, tươi vui sau những u ám buồn bã của số phận những con người bất hạnh tưởng như đã đi đến đường cùng. Những đau khổ mà con người, thậm chí là những người than gây ra cho nhau rồi cũng sẽ có những người khác bù đắp, chia sẻ. Đây là một truyện ngắn nhẹ nhàng, nhân văn.
Truyện ngắn Bác Dần gái của Đinh Phương cuốn người đọc vào một không gian riêng. Không gian của miền đất, của gia đình, của cảm xúc hay của điều gì đó hiện hữu mà không thể nắm bắt. Một đời sống bình thường, nhịp nhàng có khiến con người hài lòng không mà ta luôn thấy ở đó tiềm ẩn những sự ra đi, những cuộc chia li?
Truyện ngắn Người trở về của Trần Văn Thước là câu chuyện nhiều góc khuất của một người lính trở về sau chiến tranh với cái án “kẻ đào ngũ”. Những đau đớn, mất mát, oan khuất lặn sâu vào trong cuộc đời lương thiện và cô độc của anh. Số phận của người lính ấy sẽ được hóa giải như thế nào? Truyện nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm, lương tâm của hôm nay đối với thế hệ đã hiến dâng máu xương cho Tổ quốc.
Bút kí Cổ tích xanh chốn biên thùy sẽ tiếp tục chùm bút kí Những vì sao biên giới của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với câu chuyện nhân văn mang nhiều ý nghĩa về những người lính biên phòng bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc còn là những người gìn giữ màu xanh biên cương, giữ gìn môi trường và tạo sinh kế cho bà con vùng biên giới; Bài viết Mùa xuân năm đó Bác về của nhà văn Trình Quang Phú viết về một mùa xuân đặc biệt, mùa xuân lịch sử, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Café de Paris ngõ Cấm Chỉ của nhà văn Bảo Ninh viết về không khí cà phê, phố xá Hà Nội, hoài cổ và ấm áp trong những ngày tết đến xuân về; Tấn Mài ngày ấy là một kí ức đẹp và xúc động của họa sĩ Văn Sáng về những năm tháng anh là một người lính; tản văn Những ngày áp tết thuở xưa của Lâm Trần.
Phần Thơ số Tết là sự xuất hiện của những nhà thơ tên tuổi đã góp phần làm nên diện mạo của nền thơ ca Việt Nam trong nhiều năm qua như: Anh Ngọc, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Trần Anh Thái, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Quang Đạo… và nhiều tác giả khác đang góp mình vào dòng chảy thi ca đương đại hôm nay. Mỗi bài thơ là một góc nhìn độc đáo, sâu sắc, riêng biệt. Sự phong phú của đề tài, đa dạng của thể loại làm cho những trang thơ mùa xuân sinh động, ấm áp và gợi mở nhiều cảm xúc…
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Trần Thị Lưu Ly cùng chùm thơ ấn tượng.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Thơ Trần Hùng, một cõi u huyền của nhà phê bình văn học Văn Giá giới thiệu về tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn của Trần Hùng.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Cô gái mù bán táo đỏ của nhà văn Yến Ca Linh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Hữu Qúy, Hoài Nam, Lê Thị Hường, Đặng Thị Bích Hồng, Ngô Vĩnh Bình, Tâm Anh, Nguyễn Hữu Minh, Lê Hữu Trúc, Hiền Trang, Hồ Kiên Giang.
Nếu ở ngoài Tổ quốc nhà văn còn lại gì? Một cuộc sống không có cội nguồn, xứ sở, không có sự gắn bó với những gì thân thuộc nhất. Sẽ có một nhân loại chung chung chăng và thực sự tồn tại không một nhân loại như thế trong mỗi con người cụ thể vốn mang trong mình những dấu tích của xuất xứ xa xăm… Bài viết Nhà văn và Tổ quốc sẽ đưa ra những luận bàn sâu sắc về vấn đề này.
Hiếm khi những người làm văn chương có được ưu thế nào trong các cuộc đua trong xã hội. Nhưng có lẽ 2023 là thời điểm hiếm hoi mà những người đọc, chí ít là người say mê văn học dịch ở Việt Nam, ngược lại với số đông, lại có một năm rực rỡ, với nhiều mốc đáng được nhắc lại. Bài viết Văn học dịch tại Việt Nam 2023: Khi thử thách làm nên tình yêu là một bài viết thú vị, đáng suy ngẫm.
“Họa sĩ Quách Đại Hải đã đi xa được hơn mười tết, hơn chục mùa hoa đào. Nhưng mỗi khi tết đến, xuân về hay giở lại những trang Văn nghệ Quân đội cũ, tôi lại nhớ đến ông, nhớ cả cái giọng cái cách hát chèo, hát xẩm tàu điện hay nhại lại một buổi tường thuật bóng đá của ông… rồi bất giác nhoẻn cười”. Kỉ niệm của một nhà văn với họa sĩ Quách Đại Hải sẽ được kể trong bài viết Người họa sĩ ấy, xuân này tôi nhớ.
Còn nhiều bài viết được đông đảo bạn đọc quan tâm, các vấn đề của đời sống hôm nay, chân dung nhân vật qua cái nhìn của văn nghệ sĩ... cũng được phản ánh một cách sinh động và thuyết phục.
Tạp chí VNQĐ số 1029 + 1030 dày 200 trang, dự kiến phát hành ngày 25/1/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ Tạo động lực và không gian cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới 3. Đoàn Ngọc Hà Cá rồng 15. Nguyễn Xuân Thủy Những vì sao biên giới: Cổ tích xanh chốn biên thùy 25. Trình Quang Phú Mùa xuân năm ấy Bác về 60. Văn Sáng Tấn Mài ngày ấy 64. Tống Ngọc Hân Màu cô dâu 75. Ngô Tú Ngân Xóm Thiếc 85. Đinh Phương Bác Dần gái 93. Nguyễn Trọng Luân Món quà tết… hụt 118. Uông Triều Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Xuất hiện những mảng màu tươi sáng trên bức tranh kinh tế nước nhà 121. Trần Văn Thước Người trở về 128. Bảo Ninh Café de Paris ngõ Cấm Chỉ 139. Lâm Trần Những ngày áp tết thuở xưa 161.
Thơ
Anh Ngọc Tờ lịch cuối cùng 37. Nguyễn Đức Mậu Đất Thuận Vi 38. Lê Thành Nghị Sen trắng 39. Vương Trọng Em đi 40 Thanh Thảo Tôi thích mình là một cái cây 41. Trần Anh Thái Đêm trước giờ nổ súng 42. Nguyễn Việt Chiến Kí ức của cát 43. Trần Quang Đạo Ghi ta 45. Võ Sa Hà Ném thia lia 46. Pờ Sảo Mìn Tiếng hát Mường Hoa 47. Vũ Quần Phương Gửi sông Hồng 49. Nguyễn Thụy Kha Cúc chạp 50. Nguyễn Linh Khiếu Viên sỏi 51. Nguyễn Trác Bên cửa sổ 52. Hồ Minh Tâm Đợi xuân 53. Tô Hoàn Con mãi thèm mùi lửa bếp nhà ta 54. Nguyễn Ngọc Trìu Tết về phố núi 55. Văn Giá Thơ Trần Hùng, một cõi u huyền (Đọc Mắt mắt khuya từng đàn của Trần Hùng) 56. Hoàng Việt Hằng Nhặt ở Huế 104. Đinh Thị Như Thúy Ngày mùa xuân 105. Lê Thanh My Điệu valse cho ngày đông chí 106. Trần Kim Hoa Câu chuyện mùa xuân 107. Vi Thùy Linh Định mệnh 108 Trần Hoàng Thiên Kim Trước mùa xuân 109. Thy Nguyên Tiếng xuân 110. Phùng Thị Hương Ly Bài ca của núi 111. VNQĐ Giới thiệu thơ Trần Thị Lưu Ly Đền mẫu; Áo trắng diềm bâu; Như áng mây trôi 112. Người Biên Tập Những nẻo thơ xuân 115. Nguyễn Ngọc Phú Khói sóng 143. Hoàng Vũ Thuật Qua sông Bạch Đằng gặp lại những câu thơ cũ 144. Nguyễn Hưng Hải Cấy xong trước tết 145. Hồng Thanh Quang Hoàn cảm 146. Đoàn Mạnh Phương Sa Pa 147. Bùi Phan Thảo Tĩnh vật 148. Nguyễn Thanh Kim Quan họ, lối về 149. Đặng Vương Hưng Nhớ rét Lạng Sơn 150. Hải Thanh Kí ức ga Hương Canh 151. Nguyễn Quang Hưng Chầu văn 152. Minh Hạ Khúc Mã Đà 153. Dương Kỳ Anh Đợi em trong hội 154. Nguyễn Văn Khôi Về 155. Nguyễn Minh Cường Miền trong veo 156. Hữu Việt Căn phòng 157. Tạ Bá Hương Về lại Na Hang 158. Nhụy Nguyên Hiên mơ 159. Phạm Nguyễn Toan Lời của hoa 160.
Văn học nước ngoài
Yến Ca Linh
Cô gái mù bán táo đỏ (Nguyễn Hà dịch từ nguyên bản tiếng Trung) 68.
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Hữu Quý Nhà văn và đất nước 164. Hoài Nam Tiểu thuyết Việt Nam năm 2023, nhìn lướt từ một góc 168. Lê Thị Hường Hà Nội, tản văn và “những người muôn năm cũ” 173. Đặng Thị Bích Hồng Cảm thức cội nguồn và nơi chốn trong tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế 178. Ngô Vĩnh Bình Người hoạ sĩ ấy, xuân này tôi nhớ 181. Tâm Anh Bản sắc bộ đội Cụ Hồ trong Biên Khu Việt Quế 184. Nguyễn Hữu Minh Mĩ cảm hiện sinh Nhật Bản nhìn từ biểu tượng hoa anh đào 187. Lê Hữu Trúc Vai trò của truyền thống trong kiến trúc hiện đại 191. Hiền Trang Văn học dịch tại Việt Nam 2023: Khi thử thách làm nên tình yêu 194. Hồ Kiên Giang Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot 198
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Nắng xuân Tranh của họa sĩ Mai xuân Oanh
Phụ bản: Mùa xuân chiến sĩ Ảnh của Bùi Hiệp
Minh họa: Đỗ Dũng, Nguyễn Văn Đức, Công Quốc Hà, Nguyễn Bá Kiên, Đặng Tiến, Quốc Thắng, Lê Anh Vân, PV,...
VNQD