Dòng chảy

Tiễn đưa Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương về “Chân trời xa”*

Thứ Hai, 08/01/2024 11:05

Sáng 8/1, lễ tiễn đưa Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương diễn ra long trọng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Thiếu tướng Hồ Phương nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tang lễ của ông do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì. Các đơn vị cùng tham gia là Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ban tổ chức lễ tang do Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng ban. Cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cùng với gia đình và những người yêu mến Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã có mặt viếng, chia buồn cùng gia đình và tiễn đưa nhà văn tiền bối sáng lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lễ tang được tổ chức long trọng theo nghi lễ quân đội tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã qua đời ngày 02 tháng 01 năm 2024 (tức ngày 21 tháng 11 năm Quý Mão) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 94 tuổi.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930, tại Làng Mậu Lương, xã Thanh Trì, Hà Đông (nay là Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1946, khi mới 16 tuổi ông đã tham gia lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu rồi gia nhập Quân đội, trở thành “Chiến sĩ Quyết tử” của Thủ Đô sáu mươi ngày đêm khói lửa. Tháng 6 năm 1947 ông được cử theo học Trường quân chính tại Trung đoàn 17 thuộc Đại đoàn 308 (sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng). Từ năm 1948 đến năm 1954, ông được giao phụ trách Tờ báo của Trung đoàn 17, làm Phó Tiểu ban văn nghệ, Biên tập viên và phụ trách Tờ báo của Sư đoàn; sau đó giữ chức Chính trị viên Đại đội Phòng không, rồi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ của Sư đoàn 308.

Tháng 8 năm 1955, ông được điều về công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là biên tập viên Báo Văn nghệ Quân đội. Năm 1957, Báo Văn nghệ Quân đội đổi thành Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hồ Phương trở thành một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của Tạp chí.

Năm 1966, trong lúc đất nước bước vào giai đoạn gay go ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Hồ Phương được cử đi Chiến trường B, tham gia nhiều trận đánh ở các mặt trận, sau đó ông được điều động trở lại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tháng 12 năm 1981, Hồ Phương được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tháng 8 năm 1990, ông được thăng hàm Thiếu tướng. Năm 1997, sau 51 năm liên tục phục vụ trong quân ngũ, ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho về nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, Hồ Phương tiếp tục tham gia công tác và giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 3.

Đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị và Tạp chí Văn nghệ Quân đội dự Lễ truy điệu Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, bằng tài năng, cộng với sức lao động miệt mài, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống văn học với trên 40 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm trở nên quen thuộc với các thế hệ bạn đọc, như các truyện: Thư nhà, Vệ Út, Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ, Truyện Lá cờ đỏ thắm, Cỏ non, Trên biển lớnNhằm thẳng quân thù mà bắn, Phía tây mặt trận, Cầm Sa;  sự Chúng tôi ở Cồn Cỏ; tiểu thuyết Kan Lịch, Những tầm cao, Biển gọi, Truyện ngắn , Tiểu thuyết Bình minh, Tiểu thuyết Mặt trời ấm sáng, Tiểu thuyết Anh là ai, Tiểu thuyết Cánh đồng phía TâyChân trời xaYêu tinh, Ngàn dâuNhững cánh rừng lá đỏ, Cha và con… Những đóng góp to lớn của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương cho nền văn học nước nhà đã được ghi nhận bằng nhiều những giải thưởng văn học sáng giá, như: Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1958, Giải thưởng văn học Thủ đô năm 1983, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - Bộ Công an năm 2001, Giải thưởng Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2003, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, và đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012...

Có thể khẳng định, cuộc đời quân ngũ cũng như sự nghiệp sáng tác văn học của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương thực sự là một bản tráng ca tiêu biểu cho thế hệ những người đã trải qua chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ở ông, cũng như những người lính cầm bút thế hệ ông, là sự hòa quyện hoàn hảo giữa tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc với nghĩa vụ, trách nhiệm của một người lính, và thêm vào đó, lòng nhân ái của một nhà văn giàu trắc ẩn. Sinh thời, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương từng tâm sự: “Trong tay tôi luôn có 2 vũ khí, một bên là súng, còn bên kia là tay bút. Với tôi viết là nhiệm vụ, là đam mê và cũng là “cái nợ” của cuộc đời. Tôi viết bao nhiêu mà như vẫn chưa đủ trả nợ cuộc đời. Món nợ vẫn còn với đồng đội, với đồng bào luôn canh cánh trong lòng”. Đó có thể coi là tuyên ngôn của một nhà văn - chiến sĩ, của người đã đi trọn vẹn đời mình với những biến cố oanh liệt nhất của dân tộc trong sự hình thành một nước Việt Nam mới.

Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đội đưa linh cữu Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương ra xe để di chuyển về Nghĩa trang Thiên Đức an táng.
Với 51 năm công tác trong Quân đội, 75 năm tuổi Đảng, 94 năm tuổi đời, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương trưởng thành từ người chiến sĩ đến khi là tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, dù ở bất cứ cương vị nào, ông luôn nêu cao và giữ trọn phẩm chất cao quý của người đảng viên cộng sản, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết, trung thực, dũng cảm, mưu trí gan dạ trong chiến đấu; nhiệt tình, hăng hái, tận tụy, tâm huyết, kiên trì và sáng tạo trong công việc; thủy chung với bạn bè, đồng chí, đồng đội, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. Khi về hưu tại địa phương, đồng chí luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sống bình dị, nhân hậu, khiêm nhường. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, thủy chung hết lòng thương yêu vợ con, yêu quý các cháu, chắt; đoàn kết hòa thuận với người thân, bà con quê hương, khối phố.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng Quân đội, sự nghiệp văn học Việt Nam, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương cũng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng...

Sau lễ viếng và lễ truy điệu trang trọng diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, linh cữu Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã được di chuyển về an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ theo lựa chọn nơi an nghỉ dành cho ông của gia đình.

VNQĐ

(*) Tên một tiểu thuyết của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)