Từ 07-14/12/2023 nhà thơ Trần Nhuận Minh của Việt Nam đã tham dự Liên hoan thơ văn quốc tế RAIPO 2023 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ông có những chia sẻ với “Văn nghệ quân đội” ngay sau khi rời Liên hoan, trở về nước.
- Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh, sau nhiều năm, ông không tham dự sự kiện thơ nước ngoài. Năm 2023, đến với Liên hoan thơ văn quốc tế tại Malaysia (RAIPO), ông có cảm nhận gì? Thơ nói riêng và văn chương nói chung, có những chuyển động mới ra sao?
Tháng 12 năm 2023, được mời dự Liên hoan thơ văn quốc tế tại Malaysia, tôi vui vẻ lên đường, vì có bạn thạo tiếng Anh đi cùng, vui lòng giúp tôi khi cần phải giao tiếp. Tuy thế, bạn vẫn phải làm nhiều việc khác, nên tôi chỉ được thông tin những điều cốt yếu. Đó là sự chuyển động tốt đẹp của mọi nền văn chương trong cuộc toàn cầu hóa ở một thế giới phẳng, hướng tới niềm tin và hạnh phúc của con người. Tôi không thấy có sự phân biệt nào về chế độ chính trị, quốc gia, màu da hay giới tính.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh đọc thơ trong sự kiện RAIPO 2023 Malaysia.
- Trong Liên hoan, ông chú ý đến bạn thơ nước nào nhất, vì sao ?
Khi tôi nói: “Tran Nhuan Minh – Vietnam”, bạn tỏ ý rất cảm phục, có bạn 2 tay làm điệu bộ cầm súng: “pằng, pằng, pằng…”. Tôi mỉm cười mà rằng, đó là 50 năm trước. Việc bắt buộc phải làm. Giờ là hoà bình và nhân ái. Bạn giơ một ngón tay cái lên. Tôi biết là bạn rất hoan nghênh. Trong cuộc gặp mặt rộng rãi và rất đáng yêu này, dĩ nhiên, tôi có nhiều tình cảm truyền thống với bạn Nga, đến từ Matxcơva, bạn Trung Quốc, bay đến từ Thượng Hải, bạn Bulgaria, quê hương của nhà thơ lớn Blaga Đimitrova, tôi rất kính yêu, mà trong nhà tôi, hiện có trưng bày một vài kỉ vật còn lại của bà… Các bạn chủ nhà Malaysia rất mến khách thì khỏi phải nói, đặc biệt nhà thơ Malaysia: Raja Ahmad Aminullah, Chủ tịch Liên hoan thơ văn và Phu nhân, cùng con gái ông, luôn làm tôi cảm động về sự chân tình, chu đáo. Tôi không thể kể hết các bạn có tên và ảnh trong Liên hoan thơ văn này, trong Tuyển tập thơ của các tác giả tham gia sự kiện… như các nhà thơ Inđônêxia, Singapo, I rắc, Pháp, Ấn Độ, I ran, Bulgaria, Bỉ, Séc, Hi Lạp, Italia, Mexico, Tây Ban Nha… Trong đó, tôi nghĩ là ơn trời, mà tôi có hai người bạn gần gũi nhất trong suốt 7 ngày, rất nồng ấm và chân tình, có một sự đồng điệu nào đó mà tôi không hiểu hết được. Đó là nhà thơ Ai Cập: Ahmad Al – Shahawy và nhà thơ Bangladesh: Aminur Rahman. Khi tôi phát biểu hay đọc thơ, hai ông nhiều lần giơ một ngón tay cái lên, và khi tôi bước xuống, các bạn vỗ tay, mỉm cười, còn hai ông thường đứng lên ôm tôi, tay vỗ vỗ nhiều lần vào vai tôi, thể hiện sự cảm mến.
- Ông có nhận xét gì về phương pháp tổ chức sự kiện văn chương của phía nước bạn?
Bạn có một Ban tổ chức khoảng hơn 10 người (trong đó có cả Phu nhân và con gái ông Chủ tịch, có đăng ảnh và tên ở cuối bản chương trình), làm việc và điều hành từng buổi một, từng việc, kể cả hai chuyến đi tham quan hai nơi, sau khi chương trình thơ đã kết thúc. Tất cả đều hợp lí và thuần thục, rất chuyên nghiệp. Tôi không thấy bất cứ sự lúng túng nào, khi cần phải thay đổi nội dung hay thời gian, địa điểm cho phù hợp hơn, hay khi tắc đường phải đổi xe… Còn ông Chủ tịch thì lúc nào cũng nhẹ nhõm, thong dong, trang phục bình thường, và thường ngồi chăm chú theo dõi các việc ở hàng ghế cuối cùng. Trong buổi khai mạc và bế mạc, có một Nghị sĩ đến dự, cũng thế, bình dị và cởi mở vô cùng.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Raja Ahmad Aminullah - Chủ tịch Liên hoan tại RAIPO 2023.
- Sau 12 phiên đọc thơ và 3 buổi thảo luận, ông thu nhận được điều gì? Có những gợi ý nào cho quan điểm sáng tác và động lực sáng tác mới của ông?
Điều tôi cảm nhận rõ rệt là trách nhiệm của nhà thơ, với tư cách là công dân toàn cầu, không hề mâu thuẫn gì với trách nhiệm của một nhà thơ, gắn bó số phận mình, với dân tộc mình, với đất nước mình. Làm được cái này cũng là làm được cho cái kia, và ngược lại. Tất cả mọi quốc gia cần phải đoàn kết hơn, trong một thế giới nhiều biến đổi và cũng không ít bất trắc, vì một nền hòa bình, và sự yêu thương, trân trọng lẫn nhau, dù có những khác biệt nhất định về chế độ chính trị. Tôi cảm thấy rất rõ là các bạn yêu mến và cảm phục Việt Nam. Về sáng tác, tôi thấy mình đã đi đúng hướng. Và điều đó, đã an ủi cũng như khích lệ tôi rất nhiều. Hãy viết hay hơn nữa về Nhân dân mình. Chỉ cần thế thôi, là mình đã có thể đến được với sự đồng cảm của các bạn bè quốc tế.
- Vì sao ông chọn đọc bài thơ “Với bạn” trong sự kiện này?
Tôi dự cả 12 chương trình đọc thơ và được mời đọc thơ trong 3 chương trình. Bài “Với bạn” tôi đọc trong chương trình chính, ngay sau buổi Khai mạc. Trước hết, vì bài thơ đó là một trong hai bài (như các nhà thơ khác) đã in trong Tuyển tập thơ quốc tế “Tiếng nói Nhân văn”, mà Ban tổ chức tập hợp in ấn và tặng tất cả các bạn thơ tham dự. Hai là, chỉ có lòng tốt của con người với nhau, mới khỏa lấp được sự cô đơn trong lòng nhau, và trong số phận của mỗi con người. Nhà thơ ý thức được sự cô đơn thăm thẳm này của phận người hơn bất cứ ai trong cõi thế gian. Tôi có câu: “Không gì buồn hơn là không có bạn/ Không bạn cũng là một kiếp mồ côi”. Chủ đề này với tôi không mới. Cách nay đã non 20 năm, tôi đã viết: “Quê hương còn mẹ, còn cha/ Nhưng không còn bạn cũng là mồ côi”.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh nhận bằng chứng nhận tham dự RAIPO 2023 từ Chủ tịch Liên hoan và Phu nhân.
- Sự kết nối với bạn văn chương quốc tế, mang lại ý nghĩa như thế nào?
Văn chương là đỉnh cao của văn hóa, cùng với thể thao, có tác dụng rất quan trọng để kết nối các quan hệ quốc tế, nhất là mối quan hệ nào đã bị đứt đoạn, do các lí do khác nhau. Văn chương viết bằng ngôn ngữ của trái tim và thơ thì được viết bằng tâm hồn con người, bao giờ cũng có những nét chung, gần gũi với mọi dân tộc, ở mọi quốc gia. Nó chỉ có duy nhất một rào cản là sự khác biệt về ngôn ngữ. Sự kết nối đã phá rỡ rào cản này, để các tác phẩm hòa vào dòng chảy lớn nhất của nhân loại, là văn chương viết về con người, cho con người và vì con người. Những gì là khác biệt về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, về nội dung hiện thực, không những không bị phai mờ vì sự hòa hợp ấy, mà còn làm cho nó độc đáo hơn, nổi trội hơn, làm giàu hơn cho những giá trị chung của toàn cầu.
- Chủ đề THƠ - HÒA BÌNH - NHÂN VĂN của sự kiện, có đem lại ấn tượng gì cho ông?
Đây là cuộc thảo luận thứ nhất trong 3 cuộc. Hai cuộc sau là “Văn chương và sự thấu cảm”, “Văn chương và đại sứ văn hóa”, chỉ là phần bổ sung cho chủ đề lớn nhất này. Đây cũng là vấn đề muôn thuở của nhân loại và của mọi nền văn chương ở các quốc gia, nhưng bao giờ hiện lên, nó cũng nhuốm màu thế sự, có tính thời cuộc. Sự cần thiết hơn lúc nào hết, là văn chương hôm nay, phải góp phần thực sự có hiệu quả vào việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài cho toàn thế giới, vì nơi này nơi kia, chiến tranh cục bộ vẫn diễn ra với những tổn thương không thể nào bù đắp được. Chống chiến tranh và khủng bố, xóa dần bất công và khắc phuc sự lạc hậu, nghèo nàn là nhiệm vụ cấp thiết của mọi người. Cuộc thảo luận không nhắm vào một quốc gia nào, không ám chỉ một sự kiện quốc tế nào, nhưng nó là lời cảnh báo khẩn cấp, lời hiệu triệu thiêng liêng của các nhà thơ toàn thế giới về những cố gắng không bao giờ được mệt mỏi, vì hoà bình, cho mỗi quốc gia, vì hạnh phúc cho tất cả mọi người.
- Trân trọng cảm ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh.
TIỂU MAI
VNQD