Văn học Việt Nam hôm nay đã và đang chứng kiến những thế hệ nhà văn của lực lượng vũ trang nhân dân, đội ngũ ấy với những tên tuổi vang danh, đã trở thành nòng cốt của nền văn học nước nhà trong suốt mấy chục năm qua. Trong kháng chiến, các nhà văn đã lên đường ra trận để viết nên những trang văn chân thực phản ánh cuộc đấu tranh giành độc lập của quân và dân ta; trong hòa bình, các nhà văn tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên mọi mặt trận, trong mọi vấn đề của đời sống, các nhà văn của lực lượng vũ trang đều tham gia bằng tài năng và tâm huyết của mình.
Sáng 30/11/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức gặp mặt các nhà văn lực lượng vũ trang, nhân dịp kỉ niệm 79 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hướng tới kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Các đại biểu, các nhà văn chụp ảnh kỉ niệm tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Duy
Dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dự buổi gặp mặt, về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đại biểu một số Hội Văn học nghệ thuật và 103 nhà văn lực lượng vũ trang từ Chi hội nhà văn Quân đội, Chi hội nhà văn Công an và các đơn vị, địa phương.
Chủ trì cuộc gặp mặt, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ sự vui mừng được gặp gỡ đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học, những người đã có đóng góp tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam, có nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài người lính, chiến tranh, cách mạng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cũng thông tin tình hình thế giới, khu vực và trong nước; kết quả nổi bật về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các đơn vị Quân đội… để các nhà văn có thêm thông tin, tư liệu cho công việc sáng tác, nghiên cứu của mình.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Duy
Cuộc gặp mặt này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm cung cấp thông tin, tình hình, tăng cường đoàn kết gắn bó và sự phối hợp thường xuyên giữa các nhà văn lực lượng vũ trang với Quân đội; qua đó tạo cơ hội để các nhà văn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận về tư tưởng, chính trị và tiếp thu những kinh nghiệm quý của các nhà văn đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp tri ân những đóng góp của các nhà văn lực lượng vũ trang; khơi dậy thêm lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần củng cố giữ vững, phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống cách mạng, anh hùng của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định lại những đóng góp quan trọng của lực lượng nhà văn - chiến sĩ trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn lực lượng vũ trang đã đáp lại tiếng gọi của non sông, lên đường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hi sinh, góp phần lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, từng thế hệ nhà văn chiến sĩ đi qua chiến tranh đã khẳng định phong cách sáng tạo độc đáo, để lại cho nền văn học những tác phẩm giá trị, làm phong phú, rạng rỡ cho nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bước vào công cuộc đổi mới, các nhà văn lực lượng vũ trang với sự từng trải, bản lĩnh, tài năng và nhạy cảm sáng tạo đã xung kích mở đường, trở thành trụ cột trong hành trình đổi mới văn học nước nhà. Thông qua những trang viết của mình, các nhà văn đã “ươm trồng” hạt giống của cái đẹp, của lòng nhân ái và sự tử tế, giữ gìn và thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi con người Việt Nam.
Qua đó, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng bày tỏ mong muốn các nhà văn, nhất là các nhà văn sinh ra trong hòa bình luôn gắn bó, yêu mến Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của đồng chí, đồng đội và nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện để nâng cao hơn chất lượng và sự phong phú tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng phù hợp với sự phát triển của thời cuộc cũng như với lòng tin cậy của bạn đọc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Duy
Có thể thấy, sáng tác của các nhà văn lực lượng vũ trang không chỉ dừng lại ở việc khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt cả giai đoạn dài, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong bảo vệ toàn vẹn biên giới, hải đảo Tổ quốc, mà giá trị nghệ thuật nội tại của những tác phẩm ấy đã làm giàu có, làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa của dân tộc ta, đất nước ta thời kì mới. Các nhà văn lực lượng vũ trang, với phẩm chất của người chiến sĩ đã luôn đồng hành với Tổ quốc và nhân dân qua mọi thời kì, mọi giai đoạn, mọi tình huống.
Tại buổi gặp mặt, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động chia sẻ: tôi có anh trai là liệt sĩ, em trai là thương binh, đã mất. Bản thân tôi có 28 năm, trong quân đội, 28 năm bao nhiêu nghĩa tình với đồng đội, đồng nghiệp, với sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Lớp nhà văn chiến sĩ của chúng ta hầu hết là những người lính ở những quân, binh chủng, họ đã có mặt ở hầu hết các chiến trường. Tác phẩm của họ là thực tế chiến đấu đầy hi sinh gian khổ, là sự chia ngọt sẻ bùi với anh em đồng đội, với nhân dân. Chúng tôi viết sau mỗi trận đánh, viết sau mỗi chiến dịch với sự tâm huyết, yêu thương trân trọng những chiến công và những hi sinh của đồng chí, đồng đội và nhân dân. Hoà bình lập lại, bước sang thời mới, các nhà văn trong lực lượng vũ trang một mặt trở lại viết về hai cuộc đấu tranh đã qua, đồng thời viết về bộ đội hôm nay với nhiệm vụ mới... Đó là những tác phẩm viết về thực tế chiến đấu của quân và dân ta, góp phần làm giàu có, sinh động mảng đề tài viết về cuộc sống, chiến đấu của anh Bộ đội Cụ Hồ. Các nhà văn trưởng thành trong chống Mĩ cứu nước hôm nay vẫn tiếp tục viết như trả món nợ của mình với đồng chí đồng đội. Mặt khác, vẫn bám sát nhiệm vụ của đất nước, viết về biên giới, hải đảo, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà thơ hữu Thỉnh cũng thể hiện niềm vui khi gặp lại những người bạn là những nhà văn cùng đi ra từ cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhưng nhà thơ cũng nhấn mạnh, “vui hơn vì một lớp những nhà văn kế cận sung sức đang gánh trách nhiệm phản ánh đời sống của bộ đội, các đơn vị và đời sống của nhân dân hôm nay. Đây là nguồn bổ sung rất lớn cho lực lượng các nhà văn trong lực lượng vũ trang hôm nay.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Chúng ta biết ơn quân đội đã sinh ra những người lính nhà văn, họ là niềm kiêu hãnh của văn chương Việt Nam. Ảnh: Thành Duy
Nói về những nhà văn mặc áo lính, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: các nhà văn Quân đội đã viết nên những trang văn đầy kiêu hãnh. Trong 80 năm kể từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời đã có rất nhiều những nhà văn mặc áo lính. Văn chương được viết ra bởi những người lính và từng là người lính đã cho chúng ta thêm hiểu và yêu đất nước, dân tộc mình. Chúng ta biết ơn Quân đội đã sinh ra những người lính nhà văn, họ là niềm kiêu hãnh của văn chương Việt Nam. Quân đội đã làm nên cái cột vững chãi trong ngôi nhà văn chương Việt Nam và ngôi nhà Hội Nhà văn Việt Nam. Quân đội cũng đã dành điều kiện tốt nhất cho các nhà văn nghệ sĩ để họ dựng lên và khắc họa chân dung những người lính. Phải khẳng định rằng, các nhà văn đã dựng lên một thành trì khác để bảo vệ Tổ quốc, đó là thành trì của nhân tính, với tình yêu quê hương, đất nước, con người.
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận, trân trọng và quan tâm thường xuyên tới các nhà văn với chính sách đãi ngộ những nhà văn đang công tác trong quân ngũ và dành sự tri ân với những nhà văn đã từng trải qua đời quân ngũ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tổng cục Chính trị thường xuyên yêu cầu, khuyến khích đội ngũ nhà văn trong Quân đội phát huy hết khả năng, tiềm năng của mình để sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa mới, xây dựng con người mới. Tổng cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong toàn quân luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong và ngoài Quân đội thâm nhập thực tế để lấy tư liệu sáng tác về đề tài bộ đội; có chính sách ưu tiên, trọng dụng đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có các tài năng văn học trong Quân đội.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết trao biểu trưng và hoa tặng các nhà văn lực lượng vũ trang tiêu biểu. Ảnh: Thành Duy
Buổi gặp mặt khép lại trong sự ân tình, ấm áp và hân hoan. Những trao đổi, gặp gỡ, giao lưu đầy chân thành, cởi mở giữa các nhà văn trong lực lượng vũ trang hứa hẹn sẽ mở ra một không khí mới cho sáng tạo văn học.
PV
VNQD