Trong các cuộc chiến tranh, pháo binh luôn là binh chủng quan trọng nhất của lục quân khi đảm đương vai trò là hỏa lực chính yểm trợ cho bộ binh chiến đấu. Ngày nay, dù có những thay đổi về tác chiến với những loại vũ khí, trang bị hiện đại thì với đa số các nước, pháo binh vẫn được coi là “thần chiến tranh”. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, lực lượng pháo binh cũng đã có những thay đổi về vũ khí, trang bị, ứng dụng công nghệ để nâng cao tầm bắn, uy lực sát thương, độ chính xác, khả năng cơ động; cùng với đó là ứng dụng tự động hóa trong công tác quản lí chỉ huy. Pháo binh Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh sẽ giúp bạn đọc có một hình dung về lực lượng pháo binh Việt Nam hôm nay trước những yêu cầu mới.
PV: Thưa đồng chí Tư lệnh, Bộ đội Pháo binh với những truyền thống rất đáng tự hào trong những năm chiến tranh, nhưng hôm nay, mặt bằng vũ khí, trang bị của pháo binh cũng như phương thức sử dụng lực lượng này trên thế giới đã thay đổi rất nhiều…
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Trong chiến tranh Bộ đội Pháo binh đã sát cánh cùng bộ binh, xe tăng trên khắp các chiến trường, góp phần quan trọng vào những thắng lợi quyết định trong các giai đoạn lịch sử của các cuộc chiến tranh; qua đó, đã thể hiện vai trò là hỏa lực chủ yếu của Lục quân, hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội ta. Còn trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta vẫn kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng sức mạnh tổng hợp của cả quốc gia gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội gắn với đối ngoại đa phương tự chủ, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, luôn giữ vững quyền chủ động chiến lược. Các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng pháo binh tác chiến trong thế trận chiến tranh nhân dân, các khu vực phòng thủ địa phương được chuẩn bị từ thời bình.
Đứng trước những thay đổi sâu sắc như vậy, để phát huy tốt vai trò “là hỏa lực mặt đất chủ yếu của Lục quân và của Quân đội ta” trong chiến tranh hiện đại, Binh chủng Pháo binh đã chú trọng xây dựng Binh chủng toàn diện với các trọng tâm về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; tổ chức trang bị ngày càng hiện đại, bố trí lực lượng hợp lí, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu với những bước phát triển mới.
PV: Và một trong những bước phát triển mới đó là tổ chức xây dựng lực lượng pháo binh theo hướng “tinh, gọn, mạnh” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Đây là chủ trương lớn, không chỉ của Binh chủng mà Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đặt ra về xây dựng Binh chủng Pháo binh tiến lên hiện đại, xây đội ngũ cán bộ pháo binh đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là yếu tố vật chất cần và đủ hàng đầu để cập nhật sự phát triển về khoa học quân sự trên thế giới và khu vực, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho Bộ đội Pháo binh, góp phần phát triển Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong môi trường, điều kiện mới.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 05-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTƯ, Nghị quyết của Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Kế hoạch số 1228 của Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng pháo binh - tên lửa toàn quân, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh đã tham mưu đề xuất cho Bộ về việc điều chỉnh tổ chức biên chế, trang bị và kế hoạch sử dụng pháo binh theo các phương án tác chiến, xây dựng các công trình chiến đấu pháo binh trên các đảo gần bờ; tiếp tục đề nghị Bộ hoàn thiện đầu tư mua sắm, cải tiến pháo binh, tên lửa theo Chiến lược vũ khí trang bị pháo binh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cùng với đó là Đề án xây dựng Binh chủng Pháo binh theo hướng hiện đại.
Hiện nay, Binh chủng đang chỉ đạo các lực lượng pháo binh toàn quân nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo các quan điểm, mục tiêu, phương châm tại Nghị quyết 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 638-NQ/ĐUBC của Đảng ủy Binh chủng Pháo binh, huấn luyện lực lượng pháo binh toàn quân làm chủ, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị được biên chế, huấn luyện sát đối tượng, địa bàn, nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng theo kế hoạch của Bộ.
Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ về xây dựng lực lượng, Binh chủng Pháo binh tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh. Tổ chức lực lượng pháo binh hợp lí là nội dung quan trọng, do đó, ngay trong thời bình, cần có kế hoạch xây dựng và duy trì lực lượng pháo binh ba thứ quân thích hợp, có sức mạnh chiến đấu cao, có thế bố trí đứng chân của các lực lượng pháo binh đáp ứng yêu cầu tình huống, quyết tâm tác chiến. Theo tinh thần đó, pháo binh bộ đội chủ lực cần được biên chế hợp lí, được trang bị vũ khí ngày càng hiện đại, khả năng cơ động cao, giỏi tác chiến hiệp đồng và đánh độc lập, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn; pháo binh bộ đội địa phương phải được tổ chức xây dựng lực lượng có biên chế, trang bị phù hợp với vị trí, đặc điểm và nhiệm vụ của từng địa phương, coi trọng xây dựng có trọng điểm; pháo binh dân quân tự vệ được tổ chức, trang bị gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện và khả năng của từng địa phương, cơ quan, tổ chức. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan của Bộ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị pháo binh bảo đảm “xây dựng và duy trì lực lượng pháo binh ba thứ quân có số lượng thích hợp, sức mạnh chiến đấu cao”.
PV: Có phải vì thế mà năm 2023 được xác định là “Năm điều chỉnh tổ chức, lực lượng” của Binh chủng Pháo binh, thưa đồng chí Tư lệnh?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 chúng tôi xác định tiếp tục nắm chắc tình hình, thực lực trang bị của lực lượng pháo binh toàn quân, làm cơ sở đề xuất tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng, quản lí, sử dụng pháo binh trên các hướng, theo phương án tác chiến và theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó chúng tôi triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ đề “Năm điều chỉnh tổ chức lực lượng”, nên đã chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế; quản lí, luân chuyển, sử dụng quân số hợp lí, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thông qua điều chỉnh tổ chức lực lượng, chúng tôi tiếp tục đột phá, đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, coi trọng huấn luyện cơ động đường dài cấp tiểu đoàn pháo binh, tên lửa; huấn luyện di chuyển, dịch chuyển, huấn luyện và diễn tập đêm, huấn luyện cường độ cao, sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, phương án và thực tế chiến đấu. Đặc biệt, Binh chủng đã tham mưu cho Bộ trong quá trình điều chỉnh tổ chức biên chế các đơn vị pháo binh các quân khu, quân đoàn, sư đoàn bộ binh hỏa lực mạnh phải nhanh chóng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị hiện có và tham gia diễn tập bắn đạn thật được ngay, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Pháo phản lực BM-21 của Lữ đoàn pháo binh 164, Quân đoàn 2, diễn tập bắn đạn thật năm 2017. Ảnh: An Thái
PV: Xu hướng sử dụng pháo binh trong tác chiến hiện đại đã thể hiện rất rõ trong một số cuộc chiến tranh diễn ra gần đây. Pháo binh các nước trên thế giới cũng đã có những bước chuyển mình để bắt kịp xu hướng thời đại. Bằng quan sát cá nhân, chắc hẳn đồng chí Tư lệnh cũng có những nhìn nhận về tác chiến pháo binh hôm nay?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới, pháo binh có vai trò quan trọng, luôn là lực lượng hỏa lực mặt đất trọng yếu của quân đội các nước. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu… đều được đầu tư phát triển ở mức tối ưu. Những điều đó đã làm thay đổi tư duy và phương thức tiến hành chiến tranh.
Trong chiến tranh hiện đại, các bên tham chiến đều có khả năng cơ động nhanh, sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi, với không gian tác chiến rộng, tình huống tác chiến khẩn trương. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến ấy, các nước trên thế giới đã tăng cường sức mạnh chiến đấu của các lực lượng, trong đó có pháo binh. Xu hướng chung hiện nay là tập trung vào việc hiện đại hóa vũ khí trang bị có tính cơ động cao, uy lực mạnh, tầm bắn xa hơn và tự động hóa chỉ huy để mức chính xác ngày càng cao thời gian ngày càng rút ngắn; cùng với đó, là điều chỉnh lực lượng và thế trận pháo binh; tổ chức sử dụng các thành phần, lực lượng pháo binh hợp lí; nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy hỏa lực và tổ chức bảo đảm. Trong việc đầu tư nâng cao hiệu quả vũ khí trang bị, một số nước đã tập trung vào việc nâng cao tầm bắn, khả năng cơ động, tính chính xác và uy lực của đầu đạn. Hiện nay quân đội một số nước đã trang bị những loại pháo có tầm bắn lên đến hàng trăm kilomet. Vũ khí, trang bị hiện đại là cơ sở quan trọng đảm bảo cho quá trình tổ chức sử dụng lực lượng pháo binh ngày càng hiệu quả. Về nâng cao khả năng tổ chức, chỉ huy hỏa lực và công tác bảo đảm cũng được các nước quan tâm cho lực lượng pháo binh của họ. Trong tác chiến hiện đại, mục tiêu bắn của pháo binh vừa nhiều, vừa đa dạng, tính biến động lại rất cao, do vậy, để chi viện hỏa lực kịp thời, hiệu quả thì việc tổ chức chỉ huy hỏa lực phải được tiến hành một cách khoa học, nhanh chóng, ưu tiên hợp lí vào khu vực, mục tiêu tác chiến quan trọng. Để giải quyết điều này, các nước đang tập trung vào việc sử dụng các hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành hỏa lực và các phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu, giám sát chiến trường hiện đại, độ chính xác cao. Hiện nay, hệ thống tự động hóa điều hành tác chiến pháo binh chiến trường Unified Automated Control System (UACS) đang được nhiều nước sử dụng. Với khả năng tự động hóa cao cùng tốc độ xử lí hàng triệu phép tính trong một giây, hệ thống này cho phép rút ngắn thời gian ra mệnh lệnh chỉ huy xuống từ 3 đến 4 lần, giúp tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu lên đến 70% trong loạt bắn đầu tiên.
PV: Trong điều kiện tác chiến mới, với vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng với những ứng dụng hiện đại có lẽ cũng đặt ra những vấn đề về cách đánh của pháo binh nói chung. Thu hẹp lại trong điều kiện, khả năng của Việt Nam với những đặc thù thì sao thưa đồng chí Tư lệnh?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Trước hết chúng ta cần phải nghiên cứu về đối tượng tác chiến, dự báo sát đúng, phù hợp với điều kiện tác chiến Việt Nam để có những đánh giá thích hợp và đề ra phương án đối phó hiệu quả. Trong tác chiến hiện đại, đối phương có khả năng cơ động, trinh sát, đánh phá bằng hỏa lực nhanh và chính xác; do đó, pháo binh ta ngoài việc cần cơ động nhanh còn cần phải bắn nhanh, chính xác, nhanh chóng bắn trúng mục tiêu và kịp thời dịch chuyển, tránh sự phản pháo của đối phương. Cùng với nhiều biện pháp kĩ thuật, chiến thuật chiến đấu pháo binh cần tự động hóa việc chuẩn bị và chỉ huy hỏa lực, đó là biện pháp rất quan trọng. Để thực hiện điều này, Binh chủng đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ phần mềm tự động tính phần tử bắn, chỉ huy bắn tích hợp trên thiết bị quân sự chuyên dụng, dần dần hướng tới việc tự động hóa chuẩn bị bắn và chỉ huy hỏa lực pháo binh như tôi đã nói ở trên.
PV: Như vậy, qua những gì vừa trao đổi có thể hiểu rằng, chúng ta cần chuẩn bị một thế trận pháo binh vững chắc, phù hợp với tác chiến hiện đại ngay từ khi đất nước hòa bình…
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Dùng từ “thế trận” là chuẩn xác. Thế trận là một nội dung nghệ thuật tác chiến pháo binh quan trọng, là cơ sở để phát huy hỏa lực, góp phần quyết định nâng cao sức mạnh chiến đấu pháo binh. Nội dung cơ bản của thế trận là tổ chức bố trí pháo binh nhằm tạo nên không gian kiểm soát hỏa lực rộng khắp và có trọng điểm, có tính liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc, chuyển hóa thuận lợi. Vì vậy, lực lượng pháo binh các cấp phải chủ động chuẩn bị thế trận từ thời bình, linh hoạt chuyển hóa trong tác chiến. Chiến tranh hiện đại thường diễn ra với xu hướng phi đối xứng; bởi thế, ngay từ thời bình, quân đội các nước trên thế giới rất coi trọng công tác chuẩn bị về lực lượng và thế trận để nâng cao hiệu quả tác chiến pháo binh. Các nước cũng rất chú trọng việc nghiên cứu nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng pháo binh đúng thời cơ, tổ chức hỏa lực bí mật, bất ngờ, linh hoạt, có trọng điểm; chủ động phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng; ưu tiên tập trung pháo binh trên các hướng chiến trường, khu vực chủ yếu, mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và thời cơ quan trọng. Đồng thời, họ cũng quan tâm tổ chức pháo binh chi viện rộng khắp để làm phân tán đối phó của đối phương, kết hợp với tổ chức lực lượng pháo binh dự bị để sẵn sàng xử trí các tình huống trong tác chiến.
Ngay trong thời bình, Bộ Tư lệnh Pháo binh đã tham mưu cho Bộ bố trí thế đứng chân các đơn vị pháo binh các cấp để hình thành thế trận có lợi khi có chiến tranh xảy ra, phù hợp với quyết tâm và kế hoạch phòng thủ chiến lược, có khả năng đáp ứng cao nhất với các tình huống chiến lược theo dự kiến và để tránh phải cơ động lực lượng lớn, dễ bị sát thương bằng hỏa lực đường không của địch. Binh chủng Pháo binh đã phối hợp với các quân chủng, quân khu, quân binh đoàn để tham mưu cho Bộ bố trí pháo binh các cấp thành thế liên hoàn, vững chắc, có trọng điểm; từ thế đứng chân có lợi sẽ nhanh chóng triển khai lực lượng bố trí trên các hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu khi chuyển sang thời chiến. Tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng pháo binh, giữa pháo binh với các lực lượng tác chiến khác theo một ý định, kế hoạch thống nhất để chủ động đánh địch.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Pháo binh thực hiện chỉ đạo của Bộ cũng đã từng bước điều chỉnh lực lượng pháo binh dự bị trên cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam, trong đó, miền Trung và miền Nam đều có đơn vị pháo binh dự bị chiến lược sẵn sàng chiến đấu; dự kiến khi có chiến tranh xảy ra, nơi đây sẽ được tăng cường lực lượng của Binh chủng để giúp Bộ chỉ huy, chỉ đạo lực lượng pháo binh trên các chiến trường.
Ngay từ thời bình, lực lượng pháo binh các cấp cần tích cực chuẩn bị trước các công trình chiến đấu, tập trung vào các nội dung: Đo đạc xây dựng và quản lí hệ thống mạng, mốc khống chế pháo binh, đo đạc xác định tọa độ nơi dự kiến có thể là mục tiêu, khu vực mục tiêu theo phương án tác chiến; chuẩn bị và bảo vệ các khu sơ tán, khu tập trung bí mật cho các đơn vị pháo binh, các phương án đảm bảo hậu cần, kĩ thuật cho tác chiến…
PV: Thế còn những vũ khí truyền thống, và cả những kinh nghiệm chiến đấu, nghệ thuật quân sự trong sử dụng pháo binh của ta suốt chiều dài lịch sử chiến tranh vệ quốc sẽ có vị trí như thế nào trong bối cảnh mới thưa đồng chí Tư lệnh?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong: Với bề dày truyền thống đơn vị anh hùng, pháo binh là lực lượng ra đời sớm, đồng hành cùng với bộ đội binh chủng hợp thành trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; vì thế, bộ đội pháo binh Việt Nam được kế thừa một di sản quý về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến pháo binh. Bộ đội pháo binh cũng đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ vàng “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” như một sự khái quát những nét truyền thống vẻ vang của Binh chủng. Đó là những tài sản quý giá để bộ đội pháo binh tiếp tục kế thừa và phát triển. Vũ khí dù có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng. Những vũ khí trang bị hiện nay của lực lượng pháo binh vẫn phát huy hiệu quả tốt phù hợp với nghệ thuật tác chiến của ta, bảo đảm cho mỗi đơn vị pháo binh hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ chiến sĩ Binh chủng Pháo binh hôm nay quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho; mỗi cán bộ, chiến sĩ pháo binh toàn quân luôn vững vàng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: Xin cám ơn đồng chí Tư lệnh về cuộc trò chuyện!
PV
VNQD