Dòng chảy
VÀI LỜI TỰ BẠCH CỦA JON FOSSE - 1

Tại sao tôi viết?

Thứ Năm, 12/10/2023 06:34

Trong thông cáo báo chí về giải Nobel Văn chương năm 2023, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã viết: “Jon Fosse là một trong những nhà viết kịch được trình diễn nhiều nhất trong thời đại chúng ta, nhưng tiểu thuyết của ông cũng thu hút được sự chú ý rộng rãi trên thế giới. Trong những câu chuyện của mình, ông mô tả những cảm xúc mạnh mẽ mà nhiều người có thể đồng cảm nhưng khó diễn tả thành lời: cảm giác lo lắng, bất an và mất phương hướng. Các tác phẩm của Jon Fosse mang lại tiếng nói cho những điều không thể diễn tả được…”

Trong cuốn “Kí ức và giọng nói của những người chết trong kịch của Jon Fosse”(1) của Vincent Rafis (một nhà nghiên cứu hàng đầu về Jon Foss) tác giả đã đưa vào phần phụ lục hai tiểu luận quan trọng của Jon Fosse. Đó là những suy ngẫm rất sâu sắc của Jon Fosse về hành trình sáng tạo của mình cũng như những quan niệm rất độc đáo của riêng ông về những yếu tố nào đã giúp cho những tác phẩm văn học có thể đạt đến thành công và trở thành bất tử.

Tôi hiểu rất ít. Và theo năm tháng hiểu biết của tôi ngày càng ít đi. Điều này là đúng. Nhưng điều ngược lại cũng đúng, theo năm tháng tôi càng hiểu được nhiều điều hơn. Vâng, cũng đúng là theo năm tháng tôi hiểu ra nhiều điều, nhiều đến mức khiến tôi gần như là khiếp sợ. Thực tế là tôi cảm thấy nản lòng trước một vài điều tôi hiểu ra và gần như khiếp hãi trước số lượng lớn những thứ mà tôi đã hiểu được. Làm thế nào mà cả hai đều có thể đúng, rằng tôi có thể vừa hiểu ít đi vừa hiểu ngày càng nhiều hơn?

Chắc chắn những suy ngẫm sâu sắc sẽ nói cho chúng ta biết rằng việc hiểu biết ít ỏi một vài điều cũng đã là nhiều, và tôi tin rằng theo một nghĩa nào đó, có lẽ là theo nghĩa khai ngộ của khái niệm hiểu, điều này là đúng, trừ khi chính những suy nghĩ chín chắn này lại nói với chúng ta rằng có có hai loại hiểu biết. Và có lẽ thực tế là như vậy, một cách đơn giản chúng ta có thể nói rằng với loại hình hiểu biết dựa trên các khái niệm và các lí thuyết, tôi ngày càng hiểu ít hơn, và khi phạm vi của loại hình thức kiến ​​​​thức này dường như ngày càng bị thu hẹp lại đối với tôi, thì với loại hình hiểu biết khác thông qua những tác phẩm hư cấu như tiểu thuyết và thi ca, tôi ngày càng hiểu nhiều hơn. Có lẽ nó là như vậy. Dù sao đi nữa, đây là cảm giác của cá nhân tôi vì sau khi viết một số tiểu luận mang tính lí thuyết, tôi dần từ bỏ hình thức viết này để chuyển sang viết hầu như chỉ với một thứ một ngôn ngữ không liên quan nhiều đến ý nghĩa mà là một thứ ngôn ngữ trên hết và trước hết phải là chính nó, giống như đá, cây cối, thần thánh và con người, với thứ ngôn ngữ này những ý nghĩa mang tính biểu đạt chỉ còn là thứ yếu. Và thông qua cái ngôn ngữ “nguyên thủy”, thứ ngôn ngữ là chính nó trước khi mang tính biểu đạt, hiểu biết của tôi ngày càng nhiều hơn, trong khi nếu thông qua ngôn ngữ thông thường, thứ ngôn ngữ ưu tiên cho sự biểu đạt thì hiểu biết của tôi ngày càng ngèo nàn hơn.

Điều này có lẽ chỉ đúng với cá nhân tôi và câu chuyện của riêng tôi. Và để làm rõ mọi chuyện, xin lưu ý rằng tôi bắt đầu viết những bài thơ và những câu chuyện mini từ khi còn rất nhỏ tuổi, nhỏ đến mức chuyện này thật đáng xấu hổ, vâng, đáng xấu hổ với hình ảnh một cậu bé, lúc 12 tuổi, lui về căn phòng riêng mà người ta bỏ mặc cậu trong đó chỉ để hí hoáy viết những bài thơ và những mẩu truyện, một hình ảnh theo kiểu “ăn theo”, chí ít thì cũng trùng hợp quá mức với cái huyền thoại quen thuộc về những người, hoặc là có tố chất nghệ sĩ bẩm sinh, hoặc ít nhất thì cũng đã trở thành một nghệ sĩ tài năng ở độ tuổi còn rất non nớt.

Chân dung Jon Fosse. Ảnh: The Austrailian

Với những gì liên quan đến mình, tôi thấy chuyện này có vẻ rất phù hợp. Và tôi luôn hoài nghi về bất cứ điều gì quá phù hợp. Tuy nhiên, sự việc đúng là như vậy. Từ khi còn rất nhỏ tuổi, tôi đã luôn viết, và việc viết theo một cách nào đó luôn có mục đích riêng của nó, đó không phải là một thứ hoạt động mà tôi tham gia để mưu cầu nói lên điều gì đó, để bày tỏ ý kiến, viết đối với tôi gần như là một cách tồn tại trong thế giới, như thể người ta đang trong thế giới, như thể người ta đang ở đó một cách thỏa đáng, thông qua những gì người ta viết và những gì đến lượt chúng, những cái viết ra lại có mặt ở đó, một sự tồn tại không thể bác bỏ thông qua sự hiện diện của nó. Mỗi khi tôi viết được một văn bản có vẻ rất hay đối với tôi, một điều gì đó rất mới mẻ đã xuất hiện trong cái thế giới này, một điều gì đó trước đây chưa từng có, và như vậy bằng một cách nào đó, tôi đã tạo ra một sự hiện diện, và cái niềm vui có được khi nhờ vào sự viết tôi nhận ra mình đã tạo dựng ra các nhân vật và những câu chuyện, thậm chí là cả một vũ trụ, những thứ mà trước đây chưa có ai, kể cả tôi, biết đến. Điều này khiến tôi ngạc nhiên và thích thú. Không ai biết gì về điều này trước khi tôi viết nó ra. Và những điều này đến từ đâu? Tôi không biết, bởi vì điều này đối với chính tôi cũng là hoàn toàn mới mẻ. Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ về nó. Viết và viết hay, cái đó đã trở thành nơi chốn khai sinh ra một cái gì đó chưa biết, một cái gì đó trước đây không tồn tại, là nơi bắt đầu một sự tồn tại mới. Chính ở đây, hoạt động viết như một trạng thái mà một thứ gì đó mà chúng ta có thể gọi là một vũ trụ sẽ xuất hiện lần đầu tiên và bắt đầu sự tồn tại của mình, đây chắc chắn là điều mang lại niềm vui lớn nhất cho tôi khi viết. Cả một vũ trụ được tạo ra mỗi khi bạn viết điều gì đó hay ho. Bởi vì bất kì văn bản hay nào, thậm chí đơn giản chỉ là một bài thơ ngắn ngủi vài dòng, theo một cách nào đó nó vẫn là cả một vũ trụ chưa từng tồn tại trước đây và vừa mới xuất hiện thông qua bài viết đó.

Tôi thường nghĩ rằng viết là một sự lệch lạc, và hành động viết chính là biểu hiện của sự lệch lạc này, nó giống như một chứng nghiện, nếu như người ta có thể nghiện mọi thứ, dù đó là sưu tập tem, cờ bạc hay heroin, tại sao một người nào đó lại không thể nghiện viết? Theo một nghĩa nào đó thì nó chỉ đơn giản như vậy. Chắc chắn rằng tôi luôn đánh giá cao sự công nhận mà mọi người đã dành cho tôi, trong thực tế tôi đánh giá nó có lẽ cao hơn nhiều cái mức mà tôi thường công khai thừa nhận, nhưng đồng thời những xưng tụng này cũng làm tôi khó chịu, bởi vì khi bạn viết nhiều và bạn trở thành một nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà viết kịch khá nổi tiếng, khi bạn đã có thể kiếm sống đàng hoàng nhờ vào sự lệch lạc này, nhờ vào cái căn bệnh ham viết này, chắc chắn rằng đôi lúc bạn sẽ tự vấn lương tâm mình rằng có chắc rằng những lí do sau đây không phải là động lực thúc đẩy ta viết không ngừng: để kiếm thật nhiều tiền hay để đạt tới vinh quang và danh vọng, giống như người ta thường vẫn tin là như thế. Tuy nhiên, với tôi thì không! Ở góc độ cá nhân, tôi không hề hài lòng, đơn giản là tôi không hề muốn đứng cao hơn, ở vào vị trí ưu việt hơn so với những người khác, thậm chí tôi sẽ cảm thấy một niềm vui có đôi chút tội lỗi khi trở nên tồi tệ hơn họ. Nhưng trên hết tôi muốn được ở đúng nơi những người khác đang ở, càng kín đáo càng tốt. Tôi muốn mình được giống như những người khác, và tôi muốn thế giới này để tôi được yên bình với bản thân mình, với gia đình và với công việc viết lách của mình.

Tác phẩm của Jon Fosse. 

Sự chán nản lấn át tôi. Và một lần nữa, giống như lúc ở vào tuổi mười hai, tôi nương tựa vào việc viết lách. Nơi tôi đã tạo ra chính mình, nơi tôi đã rũ bỏ các khái niệm và các lí thuyết cũng như sự đồng thuận xã hội và các hệ thống giá trị đi kèm với nó, khi viết là khi tôi tìm cách tiếp cận một nơi chốn mà mình không hiểu, gần như hoàn toàn không có sự hiểu biết gì về nó, và từ đó, thông qua những chuyển động và nhịp điệu hoặc những thứ mà tôi không rõ là gì, tôi cố gắng tạo ra một cái gì đó duy nhất và do đó cũng là một loại hiểu biết mới, nhưng đó không phải là loại hiểu biết tương ứng với/dựa vào khái niệm này hay khái niệm kia, hoặc với lí thuyết này hay lí thuyết khác. Những sự hiểu biết dạng này thường biểu đạt hay phác họa một sự vật nào đó đồng thời đi kèm là cái đối lập với nó và rồi đó sẽ là một cái gì đó còn xa hơn thế nữa. Cái nơi chốn mà những điều được viết ra này đã xuất phát từ đó để đến với tôi chắc chắn sẽ biết nhiều điều gấp bội tôi, bởi vì trong tư cách là một con người, tôi biết rất ít, và có lẽ Harold Bloom đã đúng khi nói rằng cái nơi là điểm xuất phát của sự viết, những gì nơi chốn đó biết, giống như những gì ai đã mặc khải trong thời cổ đại biết, họ hiểu rõ nguồn gốc của sự mặc khải của họ là gì. Một loại kiến ​​thức thuộc loại không thể diễn tả được. Nhưng những cái đó dường như có thể diễn đạt bằng sự viết. Một dạng kiến ​​thức không thuộc về loại mà chúng ta có thể tiếp cận hoặc sở hữu theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này, bởi vì những dạng kiến ​​thức thông thường này luôn có đối tượng, còn loại kiến thức chúng ta đang nói ở đây không có đối tượng, nó chỉ có thể là chính nó mà thôi. Vì vậy, những gì chúng ta không thể nói, chúng ta phải viết, như cách Derrida, triết gia người Pháp ít được biết tới, đã diễn giải câu nói của một triết gia người Áo (Wittgenstein).

Và tất nhiên, nói về khả năng mặc khải của sự viết cũng chỉ là một nỗ lực để có thể nói một điều gì đó về những khả năng thấu cảm của sự viết. Tuy nhiên, khi không coi mình là người có khả năng mặc khải (hoặc bất cứ điều gì khác), đối với tôi, dường như là khá công bằng khi nói theo cách này. Và trên thực tế, tôi thấy rất hoàn toàn thuyết phục khi ai đó so sánh việc viết và viết hay với một thao tác cầu nguyện. Nhưng với tôi nó có vẻ giống như một kiểu cầu nguyện đầy tội lỗi.

DƯƠNG THẮNG dịch

--------

1. VINCENT RAFIS - Kí ức và giọng nói của những bóng ma trong kịch của Jon Fosse (Mémoire et voix des mort dans le Théâtre de Jon Fosse. Les presses du réel, 2009).

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)