Gặp chính mình trên miền Chi Pâu tím

Thứ Tư, 04/10/2023 15:55

Tà Chì Nhù, địa danh mỗi khi xướng âm nghe như bước chân chắc nịch của chàng porter người Mông nhịp xuống mặt núi trên độ cao 2.979 mét, như một lời khẳng định tự tin về dấu ấn của một trong những đệ nhất cảnh sắc núi rừng Tây Bắc. Người ta không chỉ biết đến nơi đây với thiên đường mây mà còn bởi những đồn đại về miền cổ tích Chi Pâu tím.

Ở Tà Chì Nhù, bạn có thể gặp biển mây bồng bềnh tiên cảnh với những khuôn hình đẹp hơn kĩ xảo, thế nhưng dù không có mây thì cũng không có nghĩa là “nhân phẩm” của bạn không tốt, như cách nói của dân phượt, bởi để chạm vào một cảnh giới nào đó đôi khi cũng cần đủ cơ duyên. Không sao! Một chút nắng sẽ cho bạn thêm sự rắn rỏi, một chút mưa sẽ cho bạn thêm nét phong trần, một chút gió sương sẽ cho bạn thêm khí phách. Với sự “không có gì chắc chắn” như một đặc trưng của núi rừng, chuyến đi của bạn sẽ có rất nhiều “có thể” mà bạn phải vượt qua hoặc đối mặt theo những cách khác nhau, có thể đó là những thực tế khắc nghiệt nhưng cũng có thể chỉ là những viễn tưởng dự phòng, như tôi đã trải qua trong chuyến lên Tà Chì Nhù trong khuôn khổ Giải leo núi “Bước chân trên mây” lần này.

Nhưng tất cả đều lùi xa và trở nên nhỏ bé khi bạn đứng trước những triền núi Chi Pâu. Bạt ngàn hoa rắc những li ti tinh tú như mưa tuyết điểm trang vô số những sương sa hạt lựu trải đến hết tầm nhìn... Tất cả sẽ đưa bạn vào miền cổ tích neo giữa mây trời.

Bước chân trên hai miền mây trắng và mây tím Tà Chì Nhù. Ảnh: Bui Cat

BORELO NÍU BƯỚC CHÂN NGƯỜI

Trước chuyến đi của chúng tôi, Chi Pâu đang vào độ chín. Lướt qua nhóm “Hội đam mê leo núi” trên facebook với 98,5 nghìn thành viên, thấy tỉ lệ rủ rê, tìm đồng leo, tìm porter lên Tà Chì Nhù dày đặc, nhiều nổi trội so với các đỉnh núi khác. Là bởi Chi Pâu đang nở rộ. Dân phượt rủ nhau đi “đại hội Chi Pâu”, sự kiện mỗi năm chỉ có một lần, kéo dài trong khoảng hai tuần. Chi Pâu đã như một lời hẹn về một lưng trời tím. Miền cổ tích ấy đã khiến những kẻ lãng du lạc bước qua đây thành nghệ sĩ, tức cảnh sinh tình. Clip một cô gái với tà váy dài bồng bềnh màu cam dắt ngựa dọc triền hoa Chi Pâu của thành viên có nick Nguyễn Ngọc Kim Thảo và hôm sau là clip một chàng trai cưỡi ngựa ngược miền Chi Pâu tím với nền nhạc và lời như một đoạn phim rất bắt trend kể về một chàng trai đi tìm chân ái của cuộc đời do một thành viên kiêm porter có nick Cu Porter post lên nhóm như một sự châm ngòi cho những đôi chân ngọ nguậy.

Sự hùng vĩ, hiểm trở vốn là những phẩm tính hiện diện quá rõ của những đỉnh núi bất hủ miền Tây Bắc hội tụ nơi dãy Hoàng Liên Sơn, nhưng ở Tà Chì Nhù, người ta còn tìm thấy vế bên kia của chúng, ấy là nét mềm mại trữ tình mang thiên hướng Borelo của loài hoa nhỏ bé. Người ta đã nói nhiều về những nóc nhà thứ nhất, thứ hai, thứ ba của Đông Dương, cũng là của Việt Nam. Tà Chì Nhù ở đâu trong những bảng phong thần ấy? Trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Tà Chì Nhù mãi thứ 7, nhưng có một thứ có lẽ không nằm trong thứ hạng, Tà Chì Nhù đã đứng tách riêng bởi chính miền Borelo loang tím ấy. Sự yếu ớt mảnh mai của những vô vàn mỏng mảnh nơi lưng trời đã như một đối trọng với rừng đỗ quyên xù xì những thân cổ thụ rêu mốc, đã tách riêng ra với những thác nước hùng vĩ, vách đá hiểm trở, khe núi dựng đứng giữa trời người ta có thể bắt gặp đâu đó trong những cung leo khác của miền Tây Bắc. Trường quay thiên tạo ấy đã khiến người ta không ngần ngại bỏ vào balo trekking vài bộ đầm óng ả, vài đạo cụ diệu vợi để quyết ghi một clip "để đời" với loài hoa huyễn tưởng mỗi năm chỉ hé mắt chào đất trời mây gió mươi ngày. Chi Pâu tím có thể hơi Borelo. Nhưng chính sự Borelo ấy lại níu bước chân người ta lên với Tà Chì Nhù. Chàng trai thứ bảy trong gia đình hùng cường mười anh em bỗng trở nên đặc biệt bởi sự pha trộn như một thứ cocktail rất biết níu chặt vào vị giác thực khách, nó khiến người ta ám gợi trong những chênh chao mơ hồ. Cho đến giờ, hoàn toàn có thể gọi tên hiệu ứng Chi Pâu như một nét bản sắc của Tà Chì Nhù, của núi rừng Trạm Tấu và Yên Bái.

Với tất cả những trải nghiệm, tôi đã gặp chính tôi trên biển mây trắng Tà Chì Nhù, tôi đã gặp một tôi khác trên miền Chi Pâu tím.
Tà Chì Nhù với miền cổ tích Chi Pâu tím. Ảnh: Mit Mit

MỘT TÔI KHÁC TRÊN MIỀN CHI PÂU TÍM

Trong câu chuyện "Sự tích cây Thì Là", khi các loài cây tìm đến Ông Trời để xin cho mình một tên gọi, có một loài cây trong sự vội vã, hấp tấp duyên dáng khi Ông Trời còn đang ngập ngừng chưa nghĩ ra cái tên phù hợp đã nhanh nhảu nhận cái tên “Thì Là”. Cái tên Chi Pâu kia cũng đã ra đời trong những sự ngập ngừng của những người Mông đồng hành cùng lữ khách trên đỉnh núi. Miền cổ tích tím kia cũng đã từng thôi thúc những khát khao gọi tên, để rồi trong hành trình ấy, cái tên Mật Rồng bị bỏ lại nhường chỗ cho một loài hoa Chi Pâu thoát thai từ một sự hiểu lầm lên ngôi chính theo những bước chân tiên phong đến với Tà Chì Nhù.

Tôi đã đến Tà Chì Nhù cùng với hàng trăm phóng viên, nhà báo trong một cuộc trải nghiệm có một không hai, vô tiền khoáng hậu, về với thiên nhiên bằng tất cả những cảm xúc mãnh liệt nhất của những bước chân trên mây. Song hành cùng tôi ở chặng lên đỉnh Tà Chì Nhù trước khi hòa vào miền cổ tích Chi Pâu là cô gái tuổi đôi mươi, trong câu chuyện cô nói với tôi rằng, tuổi của tôi bằng tuổi của mẹ cô. Cũng chẳng sao, khi phía sau tôi là một đồng nghiệp lớn hơn tôi mười bốn tuổi. Và khắp dải núi non hùng vĩ này, đồng hành với chúng tôi còn biết bao những đồng nghiệp làm báo khác với những câu chuyện về tuổi tác, về cuộc đời, về những chuyến đi… Vượt qua tất cả những giới hạn và sự khác biệt, chúng tôi đã ở đây trong một ngày thời tiết không thể nói là đẹp nhất, trong một ngày biển mây không phải là diễm lệ đến vỡ òa, trong một ngày bình minh và hoàng hôn không quá huy hoàng để những trái tim phải rung lên run rẩy. Nhưng bằng sự đằm thắm dịu dàng, sự mảnh mai mãnh liệt, những thảm hoa dại vẫn làm mềm bước chân người, chúng tôi đã chạm vào miền cổ tích Chi Pâu, chúng tôi đã hòa mình vào thiên nhiên như thuở hồng hoang vốn dĩ. Với tất cả những trải nghiệm, tôi đã gặp chính tôi trên biển mây trắng Tà Chì Nhù, tôi đã gặp một tôi khác trên miền Chi Pâu tím. Nhìn cả triền núi Chi Pâu tôi bỗng liên tưởng đến một câu nói rất thịnh hành trong môi trường kinh doanh thời nay "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Chi Pâu đã "đi cùng nhau" để làm nên một miền cổ tích từ những bé nhỏ đến vô danh, cũng như sự đồng hành của Báo Pháp luật Việt Nam, UBND huyện Trạm Tấu, Công ty Thương mại và Du lịch Hưng Việt đã phối hợp quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Tà Chì Nhù. “Đừng mang về thứ gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân” vẫn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà hiệu nghiệm với những người lên núi về sự tôn trọng tự nhiên, bảo vệ, gìn giữ môi sinh trong sự hòa hợp, phát triển bền vững. Trạm Tấu đang phát triển du lịch theo hướng ấy, nhưng tôi đã trót mang về từ Tà Chì Nhù nhiều hơn những tấm ảnh về một lưng trời tím, tôi đã mang về rất nhiều suy nghiệm không chỉ trong giây phút đứng trên điểm cao 2.979 mét, giơ bàn tay vớt mây đón gió, chạm vào một cảnh giới khác trong giấc mơ có thật giữa cuộc đời.

Các vận động viên tham dự Giải leo núi "Bước chân trên mây" bên cung đường Chi Pâu. Ảnh: BTCG

CHÚNG TA LÀ NGƯỜI ĐẶT TÊN CHO THẾ GIỚI

Hãy cứ đi! Dù bạn làm báo hay làm một công việc gì khác thì nhu cầu khám phá thiên nhiên trác tuyệt, tìm hiểu bản sắc văn hóa vùng cao vẫn như một gọi mời, như một nhu cầu tự thân của những con người có tâm hồn hướng thiện. Hãy cứ ra với thế giới rộng lớn ngoài kia, hãy cứ mang theo những câu hỏi về đất trời dù không phải lúc nào bạn cũng nhận được câu trả lời chính xác. Và diệu kì thay, đôi khi sự mù mờ ấy lại là một bí hiểm gọi mời khám phá. Như sự tích về loài hoa Chi Pâu kia, chính những bước chân phong trần khai phá đã làm nên một tên gọi, làm nên một cổ tích Chi Pâu, để rồi người ta đã quá yêu thương tên gọi ấy, chẳng cần dùng đến cái tên Mật Rồng vốn mĩ miều nhưng lại bị bỏ quên như số mệnh. Cuộc sống luôn có những diệu kì, và sự diệu kì đôi khi lại nằm ở những gì giản mộc nhất.

“Chi Pâu” theo tiếng Mông có nghĩa là “Không biết” - như câu trả lời của chàng trai/cô gái Mông nào đó khi được hỏi về loài hoa giăng lối. Không biết thì phải đi tìm. Chi Pâu không phải lúc nào cũng nở nhưng hãy cứ đi, Tà Chì Nhù có đủ vẻ đẹp bốn mùa để níu chân bạn. Mây trời, ánh nắng, sương núi và những khoảnh khắc chào ngày mới luôn là những phút giây huyền diệu đón đợi. Hãy cứ đi, vì có thể một "miền Chi Pâu” nào đó đang giấu kín trong những giấc mơ của bạn. Hãy cứ đi, bởi vì chính chúng ta là người đặt tên cho thế giới. Hãy đi để tìm chính mình, khám phá thế giới và khám phá bản thân, bạn sẽ gặp chính bạn ở một phiên bản khác và không khỏi lạ lẫm trước phiên bản ấy. Hãy cứ đi, để thấy có những điều không thể đã thành có thể, có những giới hạn đã được vượt qua, có những cảnh giới tưởng như ở thế giới nào khác nhưng thực ra chúng hiện diện ngay ở thế giới này, có những điều tưởng ở trên trời cao nhưng thực ra ta có thể chạm vào khi đôi chân vẫn đứng trên mặt đất.

Chi Pâu tím - miền cổ tích ngự ngang trời Tà Chì Nhù mây trắng vẫn ở nơi đây, sẵn lòng nâng những bước chân người.

Niềm vui trên đỉnh Tà Chì Nhù. Ảnh: BTCG

Lần đầu tiên một giải leo núi dành cho các phóng viên, nhà báo được tổ chức quy mô tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái mang tên "Bước chân trên mây" do Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì. 100 vận động viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự giải trong hai ngày 30/9 và 1/10 năm 2023. Giải đã diễn ra thành công với kỉ lục leo đỉnh núi Tà Chì Nhù (cao 2.979 mét so với mực nước biển) được lập bởi vận động viên Phạm Minh Thành của Đài Truyền hình Việt Nam với thời gian cán đích 2 giờ 9 phút 38 giây. Ban tổ chức mong muốn "Bước chân trên mây" sẽ là giải leo núi thường niên, khám phá những ngọn núi nổi tiếng về độ cao và cảnh quan cũng như mở rộng đối tượng tham dự không chỉ là các phóng viên, nhà báo. Với diện tích 3/4 là đồi núi, Việt Nam sở hữu nhiều ngọn núi cao có cảnh sắc hùng vĩ và trữ tình, khu vực núi cao cũng là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số với những nét văn hoá đặc sắc. Việc tổ chức giải sẽ góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch khám phá, đánh thức tiềm năng thiên nhiên và con người vùng cao. 

DƯƠNG TỬ

VNQD
Thống kê