Hai người lính pháo binh Trung đoàn 724

Thứ Tư, 13/09/2023 00:33

. VŨ NGỌC THƯ
 

Tôi không thể nói hết về chiến công của trung đoàn. Bởi chiến công của Trung đoàn 724 thì nhiều lắm, lớn lắm, viết làm sao hết được trong một bài viết ngắn này và tôi cũng biết, những tư liệu ấy chắc chắn đã nằm trong lịch sử của Binh chủng Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi chỉ nói về hai người quê tôi được vinh dự là lính của trung đoàn pháo binh ấy.

Trung đoàn Pháo binh hỏa tiễn 724 được thành lập tháng 12 năm 1965. Đây là trung đoàn pháo binh hỏa tiễn đầu tiên của Binh chủng Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì thế mà trung đoàn là trung đoàn đặc biệt quan trọng. Quan trọng cả về ý nghĩa và mục đích. Quan trọng tới mức Đảng và Nhà nước luôn theo dõi từng bước đi và sự trưởng thành của trung đoàn. Đặc biệt là Bác Hồ kính yêu. Ngày trung đoàn bắn đạn thật đích thân Người và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thị sát và động viên. Sau khi nhìn thấy kết quả, tại buổi gặp mặt cán bộ và chiến sĩ trung đoàn hôm ấy Bác Hồ đã căn dặn, đại ý: “Bác biết các chú đã học tập tốt. Hôm nay bắn cho Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị xem. Bác mong rằng, nay mai vào trong chiến trường đem kết quả đã học được, cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam lập nhiều chiến công. Bác chờ tin thắng lợi của các chú.” (Theo tài liệu Lịch sử Trung đoàn Pháo binh hỏa tiễn 724)

Đinh Đăng Quýnh bên phải và anh Đinh Văn Ao

Nghe lời căn dặn của Bác, Trung đoàn 724 đã đánh thắng từ trận đầu tiên đến trận cuối cùng của ngày giải phóng miền nam. Vinh dự cho quê hương phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương chúng tôi đã có hai người được tham gia vào sự trưởng thành và các trận đánh của Trung đoàn 724 ấy.

Đấy là anh Đinh Đăng Quýnh và anh Đinh Văn Ao. Anh Đinh Đăng Quýnh sinh năm 1943, nhập ngũ ngày 30-6-1965, được biên chế vào C10, một đơn vị độc lập của trung đoàn. Anh Đinh Văn Ao sinh năm 1945, nhập ngũ cùng ngày với anh Quýnh, được biên chế vào C4D2. Trận đánh đầu tiên của hai người cũng là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 724: trận đánh vào sân bay Biên Hòa ngày 11/7/1967. Trước trận đánh ấy, anh Đinh Đăng Quýnh cùng với tiểu đội trinh sát đã đi điều nghiên, lấy tọa độ, để cho hỏa tiễn của ta bắn vào. Còn anh Đinh Văn Ao thì trực tiếp châm ngòi nổ để những quả đạn hỏa tiễn DKB phóng vào sân bay. Thật vinh dự cho hai người được tham gia vào trận đánh lớn và chiến thắng cũng vang dội. Trận pháo kích ấy, hỏa tiễn của ta đã tiêu diệt và làm thương vong hơn 800 tên địch, đa số là lính lái và lính kĩ thuật sửa chữa máy bay, phá hủy làm hư hỏng gần 150 máy bay các loại. Sân bay Biên Hòa, một sân bay quan trọng của địch, đã bị tê liệt phải ngừng hoạt động mấy ngày. Đấy là trận đánh đầu tiên, nhưng lại là trận đánh lớn nhất của Binh chủng Pháo binh hỏa tiễn, cho đến ngày giải phóng miền Nam.

Trận đánh đầu tiên của hai người lính quê tôi là như thế. Từ trận đánh ấy mà sau này họ còn tham gia vào hàng trăm trận đánh nữa. Mỗi trận đánh là một chiến tích, là một dấu ấn của đời người lính với hai người.

C4D2 của anh Đinh Văn Ao là đại đội trực tiếp chiến đấu, nên anh Ao đã tham gia vào các trận đánh lớn nhỏ của trung đoàn. Từ trận đánh vào sân bay Biên Hòa ngày đầu ấy, cho đến trận pháo kích vào chi khu Lộc Ninh. Pháo kích vào tổng kho Long Bình và nhiều trận đánh khác.

Ngày 5/5/1970 tiểu đoàn cử những cán bộ chiến sĩ nòng cốt của các đại đội trong tiểu đoàn, đi đánh một cứ điểm ở Vũng Tàu. Mỗi đại đội chỉ có 7 cán bộ chiến sĩ. Anh Ao được giao chi huy C4, trên đường hành quân ra trận cách lộ 51 khoảng 200m thì đơn vị lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng cho nổ mìn CLEMO. Cả đơn vị nằm gọn trong khoảng mìn khống chế. Đồng đội anh 4 người hi sinh. Anh bị mảnh mìn xuyên qua vùng bụng. Sau loạt mìn địch bắn xối xả, anh Ao được một người đồng đội dìu đi. Máu chảy nhiều, anh ngất đi, khi tỉnh lại thì đã là đêm. Họ lạc trong rừng. Với kinh nghiệm đã ở rừng, họ lấy sao Bắc Đẩu làm hướng để tìm về đơn vị. Anh Ao đã mấy lần ngất đi, do kiệt sức vì mất máu. Người đồng đội lúc cõng lúc dìu. Mãi rồi họ cũng tìm về được đơn vị.

Đưa anh đi vào viện thì không còn đủ thời gian, mà anh cũng không còn đủ sức để đồng đội cáng anh vào viện. Những người bác sĩ bệnh viện dã chiến tiền phương được mời đến. Anh được phẫu thuật ngay nếu không thì vết thương thủng những đoạn ruột nhiễm trùng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cuộc phẫu thuật ngay trên mặt đất rừng, không có phòng hậu phẫu, không có những dụng cụ chuyên dùng cần thiết cho một cuộc đại phẫu khẩn trương ấy. Anh được cứu sống bởi tinh thần và trách nhiệm của người bác sĩ ở rừng, cùng với nghị lực chịu đựng của người lính pháo binh. Sau cuộc phẫu thuật anh được chuyển về tuyến sau điều trị và không thể tham gia vào các trận đánh của trung đoàn nữa. Anh chuyển công tác về đơn vị khác.

Anh Quýnh là lính trinh sát. Từ người lính trinh sát, anh trưởng thành thành người đại đội trưởng trinh sát của trung đoàn. Người đại đội trưởng trinh sát ấy đã bò vào điều nghiên hàng mấy chục cứ điểm của địch, vẽ bản đồ phòng vệ của địch, đo và định vị mục tiêu của địch để trung đoàn có phương án chiến đấu.

Có một trận đánh mà người lính trinh sát ấy lại là người trực tiếp bắn những quả đạn vào cứ điểm địch. Đấy là trận pháo kích vào tổng kho Long Bình ngày 22/9/1969. Trận đánh ấy trung đoàn huy động tổng lực tham gia vào trận đánh.

Đại đội trinh sát của anh cũng như một đơn vị chiến đấu khác. Đại đội được giao nhiệm vụ phóng 50 quả đạn H12 và 12 quả đạn DKB. Lệnh phát hỏa. Những quả hỏa tiễn từ các hướng bay như những con rồng lửa vào cứ điểm địch. Tổng kho Long Bình cháy rừng rực. Những tiếng nổ vang rung động cả thành phố Biên Hòa. Nhưng rồi trận địa của đơn vị anh bị lộ. Địch huy động lực lượng ở các cứ điểm khác phản pháo lại. Máy bay trực thăng cũng lượn vòng trên trời phóng rốc-két xuống trận địa. Một số đồng đội thương vong. Đạn pháo địch nổ. Rốc-két địch nổ, trận địa tan hoang. Mặc pháo địch, rốc-két địch. Kinh nghiệm của người trinh sát, anh nghe tiếng đạn pháo địch bay, nhìn hướng máy bay phóng rốc-két để tránh đạn. Lúc nằm xuống, lúc vòng bên này, lúc vòng bên kia, quanh ụ đất, khi pháo bắn vòng xa, khi trực thăng vòng lượn, là anh lại vùng dậy châm ngòi nổ cho những quả H12 và DKB phóng vào tổng kho Long Bình. Cứ thế một mình anh bám trụ đánh địch. Anh phóng đến quả đạn cuối cùng.

Khi tiếng súng ngưng, đơn vị cử người ra lấy thương binh tử sĩ, trong đó có anh. Vì không ai nghĩ anh thoát được với số lượng pháo và rốc-két địch bắn xuống trận địa. Mọi người ngỡ ngàng khi anh nở nụ cười chỉ thấy hàm răng trắng, còn mặt mũi đen sì vì khói đạn. Không ai tin lại có sự kì diệu ấy ở anh. Trên người anh chỉ mấy vết thương không nguy hiểm lắm. Với thành tích dũng cảm chiến đấu của trận đánh ấy, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Về phía địch. Một kho bom bị phá nổ tan tành, nhiều kho đạn và quân nhu bị đốt cháy.

Có một trận đánh nữa mà anh và những người lính trung đoàn cũng mãi không quên. Đấy là trận đánh vào chi khu cảnh sát Đất Đỏ tỉnh Long Khánh vào ngày 22/2/1972. Anh dẫn những người lính trinh sát vào tận sào huyệt địch điều nghiên. Khi nắm được địa hình và lực lượng địch, anh đề xuất một phương án đánh táo bạo bất ngờ vào cứ điểm địch. Đó là tiến sát vào cứ điểm địch để đánh. Đó là việc những người lính pháo binh hỏa tiễn đã cải tiến quả đạn DKB thành quả “bom bay” để phóng vào cứ điểm địch. Chỉ hai quả DKB được lắp thêm liều phóng như hai quả “bom bay”, bay vào làm tan nát, tê liệt chi khu cảnh sát Đất Đỏ, tiêu diệt hầu hết lính cảnh sát của chi khu Đất Đỏ.

Trận đánh ấy còn để lại một kỉ niệm không quên nữa với anh em trong đơn vị. Sau khi phóng “bom bay” xong ta rút quân thì địch bắn pháo chặn theo đường rút quân của ta. Với kinh nghiệm chinh chiến của người đại đội trưởng trinh sát, anh đã chỉ huy cho bộ đội lúc rẽ bên này lúc rẽ bên kia, lúc chạy lúc nằm tránh. Đơn vị về đến hậu cứ mà không ai bị thương vong. Anh em trong đơn vị biết ơn anh và nói: “Hôm nay không có ông Quýnh dẫn đường thì anh em thương vong vãn.”

Với thành tích ấy. Anh được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba lần thứ hai.

10 năm chiến đấu, người đại đội trưởng trinh sát ấy đã cùng đồng đội đánh hàng trăm tận đánh. 10 năm ở rừng bao vất vả, ác liệt gian nan, đói và sốt rét, anh đã vượt qua. Vượt qua bằng ý chí của người đảng viên, người chiến sĩ pháo binh C10 trinh sát ấy.

Hai người lính quê tôi. Hai người lính Trung đoàn Pháo binh hỏa tiễn 724 ấy. Hai người thương binh. Họ đã cùng đồng đội trong trung đoàn làm nên những chiến công vang dội của trung đoàn, chiến công vang dội của pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Làm theo lời dặn của Bác Hồ kính yêu. Hòa bình hai người lính ấy chuyển ngành công tác. Anh Quýnh chuyển về Thành ủy thành phố Hải Dương. Từ một cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy, anh đã dần đảm nhiệm các chức vụ cao hơn, như Thành ủy viên, Trưởng ban Thanh tra rồi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hải Dương. Giờ hai người đã nghỉ hưu, sống thanh thản, bình dị, hạnh phúc bên vợ con trên đất quê hương Cẩm Thượng thân yêu của các anh.

V.N.T

VNQD
Thống kê