Ở xứ Đồng Nai có một người…

Thứ Ba, 22/08/2023 10:17

. HUỲNH THỊ THÀNH
 

Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Người viết nên những dòng thơ nặng tình non nước ấy là Huỳnh Văn Nghệ, một người con xứ Đồng Nai. Ra đời một trăm năm trước, năm 1914, bên hữu ngạn sông Đồng Nai, tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa cũ, Huỳnh Văn Nghệ đã sống cuộc đời mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với quê hương.

Huỳnh Văn Nghệ - Trưởng đoàn TDTT QĐNDVN đi thăm nước bạn CHND Albani (thời gian khoảng đầu những năm 1960)

Xứ Đồng Nai xưa là một vùng rộng lớn bao trùm cả miền Đông Nam Bộ. Đất này có nhiều sông suối chằng chịt, chảy qua vùng rừng rậm mênh mông, khi lên thác lúc xuống ghềnh, đổ về tưới mát những cánh đồng rộng. Đất trời với muông thú, cỏ cây muôn màu muôn sắc mang tới cho con người nhiều cung bậc cảm xúc, gợi lên nhiều cảm hứng thi ca. Sống giữa thiên nhiên hùng vĩ ấy, con người Đồng Nai giàu lòng nhân hậu, tính thật thà chất phác, tâm hồn phóng khoáng và nghĩa khí can trường.

Miền Đông Nam Bộ là vùng đất có vị trí huyết mạch nối giữa miền Nam với miền Trung và miền Bắc, có địa hình thuận lợi cho việc trấn giữ và phát triển chiến tranh du kích. Thành Biên Hòa xưa là nơi Nguyễn Tri Phương lui quân về cố thủ sau khi mất thành Gia Định. Đất Đồng Nai là vùng kháng chiến của nghĩa quân phong trào chống Pháp của các lãnh tụ Trương Định, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung… Cho tới năm 1865, các căn cứ bị giặc Pháp tấn công, chiếm đóng, phong trào kháng Pháp ở Biên Hòa mới tạm lắng xuống(1). Nghĩa quân trốn lánh đàn áp, lui về sống đời “dân ấp dân lân” trong nếp sinh hoạt yên bình như “mặt nước hồ thu”. “Đó là mặt nước hồ thu giả tạo, dưới đáy, vẫn tiềm tàng một tinh thần chống Pháp, một tiềm năng quật khởi, một sức mạnh ngấm ngầm để vùng dậy, đứng lên một ngày kia của người dân Biên Hùng.”(2)

Chân dung Huỳnh Văn Nghệ

Huỳnh Văn Nghệ ra đời vào những năm ở Biên Hòa lại rộ lên tiếng súng của giặc thù đàn áp các tổ chức võ trang chống Pháp1, trong một gia đình nghèo tiền bạc mà giàu lòng yêu nước. Một người cha giỏi võ nghệ, thạo nghề sông nước, lam lũ chèo đò, cưa gỗ mướn nuôi con. Ông quyết không chịu làm lính cho làng (cho Tây) mà thường tụ tập thanh niên trai tráng luyện công rèn võ. Một bà mẹ nghèo, không biết chữ, gánh hàng bán rong khắp vùng Tân Uyên để nuôi gia đình. Bà kể cho các con nghe những câu chuyện đời xưa không có ông Bụt, ông Tiên mà có nghĩa quân đi đánh giặc. Khi thắp hương vào ngày rằm, bà khấn thần linh, cầu ông bà, và khấn gọi cả vong hồn nghĩa quân. Trong gia đình ấy, họ hát ru bằng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Họ dạy con rằng, phải gắng học hành cho giỏi để thoát đời nghèo khó và phải nhớ mối thù giặc Pháp cướp nước mình(3).

Sinh ra trên vùng đất ấy, lớn lên trong gia đình ấy, theo lẽ tự nhiên Huỳnh Văn Nghệ trở thành người yêu nước. Với ý chí chống giặc ngoại xâm và tinh thần nghĩa khí được ông cha truyền lại, với lòng dũng cảm và trái tim luôn ngập tràn tình yêu thương, ông đã sống một đời dốc lòng dốc sức đáp đền nợ nước.

Cuộc đời Huỳnh Văn Nghệ có thể kể bằng bốn chữ: đánh giặc và làm thơ. Khát khao có trong tay lực lượng võ trang để đánh giặc, ông đòi thần Kim Quy trả lại gươm thiêng:

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ gươm báu trả cho ta?

Từ nền móng căn cứ địa cách mạng được dựng bởi đội du kích Nam Kì khởi nghĩa, Huỳnh Văn Nghệ cùng với những con người yêu nước đã biến khu rừng Đất Cuốc - Lạc An của nghĩa quân xưa thành chiến khu Đ bất khuất lừng danh của cách mạng. Lịch sử chiến khu Đ gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ. Theo tiến sĩ sử học Hồ Sơn Đài: “Tên tuổi ông đi vào tâm thức mọi người như một cán bộ quân sự tài năng, một ngọn cờ của các đơn vị võ trang buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, kiến trúc sư của những trận đánh giao thông nổi tiếng, người gắn bó ruột rà với quá trình gầy dựng và phát triển chiến khu Đ, và như một nhà thơ - nhà thơ chiến sĩ.”(4) Nhà thơ - chiến sĩ ấy đã viết:

Có chiến đấu thơ mới thêm vần điệu
Càng hát ca gươm càng sắc bén thêm
Nợ kiếm cung nghiên bút biết sao đền
Nếu không biết vừa đề thơ, giết giặc

Bằng những chiến công trên chiến trường, Huỳnh Văn Nghệ cùng với đồng bào đồng chí miền Đông đã làm nên lịch sử hào hùng cho quê hương. Bằng những bài thơ kể về gương hi sinh của người liệt sĩ, về lòng dũng cảm của em bé liên lạc, của người thương binh ở chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ trở thành người chép sử của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Thơ ông là tiếng lòng đồng vọng của những người dân trời Nam nhớ về đất Bắc, là bản anh hùng ca về đất nước quê hương.

Huỳnh Văn Nghệ (thứ ba từ trái sang) năm 1976

Cho tới khi nằm xuống bên bờ Đồng Nai(5), Huỳnh Văn Nghệ đã sống 63 năm cuộc đời của một người yêu nước bình dị. Ông đã thở hơi thở của thời đại, mang nghĩa quê hương, tình cha mẹ gắn kết với tư chất thông minh, tâm hồn lãng mạn và lòng dũng cảm tạo nên cách sống riêng mình. Đó là cách sống tiêu biểu của người dân xứ Đồng Nai: sống trung hậu, nhân nghĩa, với tâm hồn phóng khoáng và lòng yêu nước thiết tha.

H.T.T

——————

1. “Lịch sử lực lượng võ trang Đồng Nai”,

http://tuyengiao.dostdongnai.gov.vn/Lists/Dost_AnPham_BaiViet/Attachments/51/Lich%20su%20Luc%20luong%20vu%20trang%20Dong%20Nai.pdf

2. Lương Văn Lựu, Biên Hòa sử lược toàn biên - Quyển thứ nhất: Trấn Biên cổ kính, Nxb Thế giới, 2014.

3. Theo Huỳnh Văn Nghệ, Quê hương rừng thẳm sông dài, Nxb Đồng Nai, 1998.

4. Hồ Sơn Đài, “Lịch sử chiến khu Đ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ”, Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm, tập 1, Nxb Đồng Nai, 2010, tr. 472.

5. Mộ ông hiện đặt tại Khu Lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ, bên hữu ngạn sông Đồng Nai, ấp 5, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

VNQD
Thống kê