Dòng chảy

Trường em Tây Tiến

Thứ Tư, 19/07/2023 11:27

Đã hơn 70 năm kể từ ngày Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập (1947), hình ảnh đoàn quân Tây Tiến đã trở thành biểu tượng đẹp về những người lính thời chống Pháp, đến nay, đã có tời 6 trường học các cấp học từ mầm non đến THCS được mang tên Tây Tiến tại những nơi mà đoàn quân Tây Tiến đã gắn bó và đi qua như Sài Khao, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hoá), Thượng Cốc (Lạc Sơn, Hoà Bình). Tại Mộc Châu, Sơn La, nơi Trung đoàn 52 từng đứng chân và lưu lại nhiều kỉ niệm, hiện nay, ngoài Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến thì cũng có các trường học mang tên Tây Tiến. Ngày 20/8/2016, khi công trình Khu di tích Tây Tiến được mở rộng và tôn tạo tại Tiểu khu 12, Thị trấn Mộc Châu thì các trường học trên địa bàn từ mầm non đến THCS cũng được đổi tên gọi thành Tây Tiến. Gắn với bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng, đã có một số ca khúc phổ từ bài thơ này, đó là ca khúc Tây Tiến của nhạc sĩ Phạm Duy và gần đây là ca khúc cùng tên của tác giả trẻ My An, một bài hát khác phổ thơ Tây Tiến là bài Những mùa Tây Tiến của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Mới đây nhất, một ca khúc đã được viết cho thiếu nhi với cảm hứng từ đoàn quân Tây Tiến, đó là bài hát Trường em Tây Tiến của nhạc sĩ Tiến Hùng với sự đóng góp phần lời của nhà thơ Bảo Ngọc. Trong dịp tháng 7 nhiều ý nghĩa này, các tác giả đại diện của bài hát Trường em Tây Tiến đã có chuyến về Mộc Châu trao bản quyền bài hát cho Trường TH và THCS Tây Tiến.

Nhạc sĩ Tiến Hùng và nhà thơ Bảo Ngọc (thứ hai, thứ ba từ trái qua) trao hình ảnh bài hát cho lãnh đạo Trường TH và THCS Tây Tiến, Mộc Châu.  Ảnh: Thẩm Khôi

Nhà thơ Bảo Ngọc hiện công tác tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng là người có nhiều duyên nợ với mảnh đất Mộc Châu. Tham gia nhiều hoạt động văn học thiếu nhi, năm 2015, chị có xây dựng một chương trình giao lưu văn học tại trường THCS Lê Quý Đôn, Thị trấn Mộc Châu. Thời gian ấy, Khu Tưởng niệm Tây Tiến mới bắt đầu khởi sự việc nâng cấp, tôn tạo. Cùng các nhà văn lên thắp hương tại đài tưởng niệm mới dựng buổi đầu chị Bảo Ngọc đã rất xúc động. Sau này có dịp được đến thăm khu lưu niệm trong giai đoạn từng bước hoàn tất chị Ngọc càng tâm niệm, làm sao để thế hệ hôm nay luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn của cha anh, của những người lính Tây Tiến, sống và học tập xứng đáng với truyền thống quê hương.

Tìm hiểu về sự ra đời của bài hát tôi được biết, thông qua người bạn là thầy giáo Minh Đức, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Tây Tiến, Mộc Châu, chị Ngọc cũng có mối quan hệ thân thiết với thầy trò nhà trường. Một lần, thầy Minh Đức bày tỏ với chị Ngọc mong muốn có một bài hát về mái trường Tây Tiến. Chị Ngọc hứa sẽ giúp trường việc này. Thầy Minh Đức đưa ra mấy “tiêu chí” về bài hát: Giai điệu khỏe khoắn mang tinh thần, âm hưởng của Trung đoàn Tây Tiến; Lời bài hát có nhắc đến hình ảnh Trung đoàn Tây Tiến vượt gian khó trên đường xa, núi thẳm; Có hình ảnh cao nguyên Mộc Châu trập trùng núi mây; Càng gọn, càng dễ thuộc, dễ nhớ càng tốt.

“Hiểu được mong muốn của một người thầy tha thiết yêu thương học trò của mình, đặc biệt là mong muốn mỗi khi các em cất vang tiếng hát sẽ thêm tự hào, thêm yêu ngôi trường mình được mang tên, yêu quê hương từ những điều giản dị, tôi đã suy nghĩ về lời của bài hát rồi mời nhạc sĩ Tiến Hùng cùng tham gia viết nhạc cho bài hát. Trong vòng gần một tháng, qua nhiều lần tranh luận có lúc quyết liệt, cuối cùng thì bài hát mang đúng tinh thần Tây Tiến đã ra đời kịp trước dịp lễ trọng 27/7 và nhất là vào trước dịp năm học mới sẽ bắt đầu”, nhà thơ Bảo Ngọc chia sẻ.

Bản nhạc bài hát Trường em Tây Tiến

Tuy chỉ mới được thu âm trong phòng thu và hát thử nhưng bài hát Trường em Tây Tiến đã nhận được sự quan tâm và đón nhận nồng nhiệt của không chỉ thầy trò Trường TH và THCS Tây Tiến, Mộc Châu. Một số người con của các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến năm xưa khi biết tin cũng đã rất vui. Chị Hồng Giang có bố là bộ đội Tây Tiến, theo đơn vị lên Tây Bắc từ Hà Nội khi mới 14 tuổi, làm liên lạc viên của Tây Tiến, khi biết tin về sự ra đời Trường em Tây Tiến đã nhắn tin cho chị Bảo Ngọc, người tham gia sáng tạo bài hát: “Ôi vui quá! Cảm ơn em đã mang cho học sinh Tây Tiến món quà vô giá nhé. Dịp 27/7 này lại càng ý nghĩa. Các Cụ Tây Tiến hào hoa và linh thiêng chắc sẽ vui lắm em ạ!”. Chị Hồng Giang cũng chia sẻ thêm, những năm gần đây, để tiếp nối truyền thống “Giữ lửa Tây Tiến”, Ban Liên lạc Tây Tiến đã được thành lập. Dấu chân Tây Tiến đã được các thế hệ con cháu Trung đoàn năm xưa tái hiện hằng năm qua các cuộc về nguồn, dâng hương tri ân tưởng nhớ cha ông mình, đặc biệt nhất là vào dịp tháng bảy.

Bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng và các tác giả bài hát cùng thầy trò Trường TH và THCS Tây Tiến, Mộc Châu tại Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ảnh: Thẩm Khôi

Một điều vô cùng ý nghĩa là ở địa danh nào gắn với Trung đoàn Tây Tiến, bên cạnh khu tưởng niệm còn luôn luôn có những ngôi trường mang tên Tây Tiến được dựng lên. Với riêng Mộc Châu - mảnh đất của những con người trọng lịch sử, mộc mạc nhân hậu và hiếu khách - Khu tưởng niệm Tây Tiến được xây dựng theo ý tưởng bài thơ Tây Tiến đã ghi dấu mạnh mẽ nhất tinh thần cũng như sức sống Tây Tiến trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, sức sống Tây Tiến càng lan toả hơn với những ngôi trường mang tên Tây Tiến.

Nhà thơ Bảo Ngọc và nhạc sĩ Tiến Hùng cho biết: Chúng tôi thật sự cảm thấy mình vô cùng may mắn được góp một phần sức mình vào hành trình đẹp đẽ mà những người lính Trung đoàn Tây Tiến đã viết lên trong lòng dân, sống mãi trong lòng dân, đi cùng hành trình đáng tự hào mang tên Việt Nam. Cũng vì lẽ ấy, các tác giả đã gửi tặng bản quyền bài hát cho Trường TH và THCS Tây Tiến, ngôi trường nằm kề bên Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Tiểu khu 12, Thị trấn Mộc Châu, một địa danh lịch sử nhiều ý nghĩa được khách du lịch và các cựu chiến binh ghé thăm mỗi khi đến với cao nguyên Mộc Châu, cửa ngõ miền Tây Bắc. 

Anh linh những người lính Tây Tiến đã hóa hồn sông núi, và hôm nay, bài hát đầu tiên về mái trường Tây Tiến đã cất lên trên quê hương Mộc Châu. Tôi tin rồi đây, bài hát Trường em Tây Tiến sẽ còn vang lên ở khắp những ngôi trường mang tên Tây Tiến, và có thể sẽ còn những bài hát Tây Tiến khác được các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo không chỉ cho các em nhỏ.

THIỆN NGUYỄN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)