Châu Đốc, thành phố chỉ cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 25km, đô thị loại 2 thuộc tỉnh An Giang là nơi có nhiều nét văn hóa bản địa đặc sắc. Cuộc sống ở đây lúc nhộn nhịp hối hả, khi êm ả chậm rãi đã làm nên nhịp điệu của vùng đất sầm uất bậc nhất dải biên giới Tây Nam. Tuy Long Xuyên mới là thành phố tỉnh lị của tỉnh An Giang nhưng Châu Đốc thực sự là thủ phủ nơi biên giới của tỉnh này. Con sông Hậu chảy từ Campuchia vào Việt Nam qua huyện An Phú rồi giao thoa với sông Châu Đốc ngay tại trung tâm thành phố nên đây còn là thành phố ngã ba sông với những nhà bè và hoạt động giao thương đường thủy tấp nập.
Cùng PV VNQĐ dạo một vòng quanh Châu Đốc để cảm nhận nhịp sống nơi đây trong một ngày mới.
Những con phà qua sông ở miền Tây ngày càng ít đi khi những con đường, những cây cầu được xây dựng hiện đại khắp miệt đồng bằng, nhưng vẫn còn đó những con phà kết nối qua Châu Đốc phục vụ việc lưu thông qua lại của người dân địa phương. Ảnh: Phà Châu Giang, từ Tân Châu qua Châu Đốc.
Châu Đốc cũng được coi là thủ phủ của mắm các loại nên nơi đây còn được gọi là "thành phố mắm" với nhiều loại mắm cá ngon nổi tiếng. Bên cạnh các loại tôm cá khô, các loại mắm ướp mới là thứ làm nên thương hiệu của mắm Châu Đốc.
Vì nằm kề vùng biên với sự thuận tiện trong giao thương, các loại trái cây nhập khẩu ở Châu Đốc khá nhiều, đặc biệt là me Thái được coi như một mặt hàng đặc trưng ở đây.
Các thương hiệu cá nhân luôn được bà con tư thương chú ý quảng bá như một cách khẳng định uy tín.
Mắm ba khía Châu Đốc cũng nổi tiếng ngon với loại ba khía sữa nhỏ con và mềm thịt, ướp gia vị tỏi ớt rất vừa miệng. Giá cả thường được niêm yết công khai. Về Châu Đốc mua mắm sẽ được rẻ hơn khi mắm Châu Đốc được mang tới những địa phương khác tại Đồng bằng Sông Cửu Long hay tại TP. Hồ Chí Minh, đôi khi rẻ hơn được tới 1/3.
Như nhiều tỉnh miền Tây khác, hình ảnh những người bán vé số rất quen thuộc ở Châu Đốc.
Những mặt hàng từ cây thốt nốt cũng được bày bán khắp nơi như một sản vật không thể bỏ qua của mọi người khi ghé về An Giang, từ cùi thốt nốt dày và ròn như trân châu đến nước thốt nốt ngọt có chất men say lòng người dùng tại chỗ, khi ra về có thể mua vài gói đường thốt nốt về uống trà hay nấu chè tùy theo sở thích.
Một người dân đang dựng ô che nắng để bày hàng bán nước thốt nốt trước chợ Châu Đốc. Trên ghế là chùm quả thốt nốt màu tím các hàng thường để trưng bày cho thêm phần hấp dẫn.
Một hàng bánh rong phục vụ người dân qua lại chợ.
Tuy là chợ vùng biên nhưng ở Châu Đốc không có cảnh chen mua, chen bán. Chủ cửa hàng vải này cho biết, việc quản lí thị trường chặt chẽ và duy trì an ninh trật tự vùng biên giới đã góp phần đưa đến sự bình lặng nơi đây.
Không phải ngày cuối tuần nên nhịp điệu chợ rất thong thả. Những người bán sau khi bày hàng tranh thủ ăn sáng.
Bên cạnh mắm ướp, các loại khô cá tại Châu Đốc cũng ngon và phong phú vô cùng.
Một người hành khất bắt đầu ngày mới ven hông chợ.
Với lượng du khách mỗi năm khoảng 5 triệu lượt đến Châu Đốc từ hướng nội địa và từ hướng Campuchia qua hai cửa khẩu quốc tế, ở Châu Đốc có những dịch vụ dành riêng phục vụ khách du lịch.
Những mặt hàng được bán di chuyển trên xe đẩy từ lâu đã thành bản sắc Nam Bộ nói chung, An Giang, Châu Đốc nói riêng.
Châu Đốc cũng là thành phố ngã ba sông với sự giao thoa giữa sông Hậu và sông Châu Đốc ở ngay trung tâm thành phố.
Ngã ba sông Châu Đốc trước view khách sạn Victoria, đường Lê Lợi.
Những xóm nhà bè trên sông đã trở thành quen thuộc của miền sông nước. Tỉnh An Giang đang có dự án quy hoạch các xóm nhà nổi trại Châu Đốc và Tân Châu, sơn nhà các màu sắc khác nhau để phục vụ du lịch.
Tại Châu Đốc, du khách cũng có thể sử dụng dịch vụ du lịch ngược dòng Mekong đến tận Thủ đô Pnom Penh của Campuchia bằng những chiếc xuống cao tốc này. Đây cũng là dịch vụ kích cầu du lịch cho mảnh đất giáp biên.
Nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.
Châu Đốc còn là địa chỉ tâm linh của khu vực phía Nam khi hàng năm có tới hàng triệu du khách về Lễ hội Bà Chúa Xứ tại Núi Sam. Miếu Bà Chúa Xứ ở chân núi nhưng trên đỉnh là nơi ngày xưa đặt tượng bà với những câu chuyện huyền thoại thu hút du khách gần xa. Một tượng phật cỡ lớn cũng đang được tạc trực tiếp vào vách núi ở đây bên cạnh tuyến cáp treo đưa khách lên núi đã hoạt động một số năm.
Một góc Thành phố Châu Đốc nhìn từ đỉnh núi Sam.
Hoàng hôn Châu Đốc.
An ninh trật tự được giữ vững ở khu vực biên giới đã mang lại cuộc sống bình yên cho người dân tại Châu Đốc cũng như khiến nhịp sống nơi đây không khác biệt so với các vùng sâu trong nội địa. Nhưng với vị trí địa lí của mình, Châu Đốc vẫn là nơi dừng chân, nơi trung chuyển của các hoạt động giao thông, thương mại, du lịch... không chỉ của An Giang mà còn của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trên hướng Tây.
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: DƯƠNG TỬ
VNQD