Thanh Hóa vẫn được ví như một Việt Nam thu nhỏ khi hội tụ đủ các loại địa hình, từ núi cao, trung du, đồng bằng, có vùng biển rộng, có hệ thống sông ngòi phong phú… Được xác định là tỉnh cực bắc của miền Trung nhưng Thanh Hóa mang nhiều đặc điểm của vùng Tây Bắc, nhất là ở các huyện miền núi. Địa hình trải dài và thấp dần từ tây sang đông với sự đa dạng về tự nhiên và sắc tộc, đường biên giới trên đất liền kéo dài hơn 200 cây số và hơn 100 cây số đường bờ biển, nơi phên giậu quốc gia ấy luôn có những người lính biên phòng ngày đêm canh giữ.
Bài trò chuyện mang tên Với bộ đội biên phòng, gian khổ đã thành truyền thống của phóng viên VNQĐ với Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa sẽ cho chúng ta những hình dung rõ hơn, gần hơn về sứ mệnh của những người lính Biên phòng xứ Thanh trên khắp dải biên cương dài rộng kết nối miền Bắc và miền Trung của đất nước.
Phần Văn xuôi được tiếp nối với nhiều sáng tác ấn tượng.
Truyện ngắn Trở lại Nongchan của Bùi Tuấn Minh kể về chuyến đi tìm lại đồng đội cũ nơi chiến trường xưa của một người lính. “Kí ức như một thứ bùa mê dính chặt vào hiện tại. Người ta có thể vì quá khứ để sống tốt, nhưng cũng có người bị ám ảnh mà chết dần, chết mòn”. Trong chuyến đi ấy, kí ức được tái hiện, câu chuyện xúc động về tình bạn, tình đồng đội đã được viết nên.
Truyện ngắn Biển vẫn luôn im lặng của Hồ Thị Linh Xuân ấn tượng bởi màu sắc vùng miền rõ rệt, giọng văn tươi mới, giàu cảm xúc. Cuộc gặp gỡ của những người từng là bạn thân thuở ấu thơ, trong những bối cảnh nào đó, chợt khiến họ như lớn lên, nhờ sự hội ngộ ấy. Sự trưởng thành sau những đau thương của Hùng nghé để lại cho nhân vật tôi, và chúng ta nhiều suy ngẫm. “Tôi quay đi khỏi cái nhìn bao dung của Hùng nghé như người trốn chạy… Biển ôm vào lòng bao sóng thì biển vẫn luôn như vậy. Ngàn đời im lặng. Vẫn thản nhiên xanh…”
Truyện ngắn Gò Công Chúa của Hoàng Kiến Bình mang nhiều màu sắc huyền ảo. Giữa cuộc sống hiện đại với những thực tế rõ ràng, con người quen sống với sự tỉnh táo, lí trí, nguyên tắc… thì sẽ có những lúc chúng ta nhận ra, mình sống nhiều hơn với những mơ hồ, ảo ảnh, sự thầm kín bên trong con người; và chính điều đó mới làm nên đời sống thực sự của chúng ta, chứ không phải những gì thực tế vốn thấy.
Bút kí Trong sắc xanh của biển của Nguyễn Thị Kim Nhung là những câu chuyện xúc động, những tâm hồn đồng điệu, những vẻ đẹp của người lính biển được phát hiện trong chuyến đi Trường Sa của tác giả.
Tản văn Những gì trên vai người lính của nhà văn Sương Nguyệt Minh là cảm xúc, suy tư về những điều người lính mang theo khi ra trận.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Quang Thiều, Minh Hạ, Lê Nguyệt Minh, Lê Na, Trần Thế Vinh, Đinh Tiến Hải, Trần Huy Toại, Lê Thanh My, Trần Kim Hoa, Phạm Văn Tốn, Lê Thuý Bắc, Hà Sương Thu.
Đó là những trang thơ mang đậm đề tài chiến tranh - người lính, nhắc nhớ bạn đọc hôm nay không quên sự tri ân với những người đi trước, đồng thời mở ra những góc nhìn cảm nhận của riêng mỗi người cầm bút trước đề tài lớn lao này. Bên cạnh đó là những bài thơ mang dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống…
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đặng Bá Khanh và chùm thơ của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Tâm Anh, Nguyễn Minh Trường, Trần Văn Trọng, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Tống Phước Bảo, Trần Dương.
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới sớm giác ngộ cách mạng, nguyện dùng ngòi bút phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Đến với cách mạng bằng sự hăm hở, nhiệt tình của một thi nhân rất mực yêu nước, tất yếu Xuân Diệu cũng đến với đề tài Hồ Chí Minh như một lẽ tự nhiên. Trong mấy chục năm cầm bút chuyên nghiệp, Xuân Diệu đã sáng tác nhiều bài thơ về Bác. Bài viết Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ Xuân Diệu sẽ đưa ra những góc nhìn mới mẻ về chủ đề này.
Sự xuất hiện đông đảo và thành công của một loạt nhà văn nữ đã mang đến cho văn học đương đại Việt Nam những biến đổi đáng kể cả về đội ngũ và diện mạo, chất lượng của sáng tác. Chối từ, kết thúc tình trạng phụ nữ “im lặng” trong văn chương, tiếng nói của các nữ văn sĩ ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, đa dạng và phong phú hơn. Bài viết Dấu ấn nữ quyền trong một số tác phẩm văn học đương đại đề tài lịch sử sẽ có những kiến giải sâu sắc về câu chuyện này.
Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí VNQĐ số 1016 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/7/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV
Với bộ đội biên phòng, gian khổ đã thành truyền thống
Bùi Tuấn Minh
Trở lại Nongchan
Nguyễn Thị Kim Nhung
Trong sắc xanh của biển
Nguyễn Luân
Hoa trên đá núi
Sương Nguyệt Minh
Những gì trên vai người lính?
Hồ Thị Linh Xuân
Biển vẫn luôn im lặng
Hoàng Kiến Bình
Gò Công Chúa
Thơ
Nguyễn Quang Thiều
Lễ rửa tội ở sông Jordan; Hồ Thiên đường;
Ngước lên bầu trời
Minh Hạ
Với Long Bình; Vượt cạn
Lê Nguyệt Minh
Người về núi đồi rồi; Có một chiều
Lê Na
Chim trả cánh lam; Điểm trường tôi qua
Trần Thế Vinh
Thất Sơn của tôi; Một ngày trên đất Tân Uyên
Đinh Tiến Hải
Biển chiều và em
Trần Huy Toại
Trâm bầu
VNQĐ giới thiệu thơ Đặng Bá Khanh
Quang gánh mẹ ta; Cỏ ơi;
Những người lính trở về sau chiến trận
Lê Thanh My
Biển buồn; Góc đợi; Mấy khi mà mưa
Trần Kim Hoa
Y Tý khúc tháng tư; Có một áo dài nhớ Huế; Lập hạ
Phạm Văn Tốn
Mùa hè trở lại; Miền yên tĩnh; Những cô gái ở quê
Lê Thúy Bắc
Giấc mơ của chị; Bình nguyên trăng
Hà Sương Thu
Chín bậc cầu thang; Trước mùa hẹn
Bình luận văn nghệ
Tâm Anh
Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ Xuân Diệu
Nguyễn Minh Trường
Hoài niệm Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật sau 1975
Trần Văn Trọng
Phụ nữ tân văn và các thể nghiệm văn chương - xã hội của
báo chí Việt Nam những thập niên đầu thế kỉ XX
Nguyễn Thị Năm Hoàng
Dấu ấn nữ quyền trong một số tác phẩm văn học đương đại
đề tài lịch sử
Tống Phước Bảo
Qua bể trầm thấu cam lai
Trần Dương
Hành trình truy tìm “nàng thơ” của danh họa Gauguin
trong kiệt tác Hồn ma dõi theo
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Ngày bình thường Tranh của họa sĩ Nguyễn Tấn Vĩ
Minh họa: Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng,
Nguyễn Văn Đức, Phạm Hà Hải, Nguyễn Bá Kiên, PV...
VNQD