Cormac McCarthy qua đời ở tuổi 89

Thứ Ba, 20/06/2023 14:00

Cormac McCarthy, nhà văn danh tiếng và đầy ẩn dật của vùng Appalachia, Tây Nam nước Mĩ, đã qua đời tại nhà của mình ở Santa Fe, New Mexico, hưởng thọ 89 tuổi. Ông được đánh giá là người có những tác phẩm vô cùng công phu về những kẻ lạc loài và một nước Mĩ đen tối.

Nhà văn của những thay đổi

Theo đó tiểu thuyết của McCarthy thường có cái nhìn đen tối về thân phận người với vẻ rùng rợn. Ông tô điểm cho sách của mình bằng những vụ lột da đầu, chặt đầu, đốt phá, hãm hiếp, loạn luân, bệnh hoại tử và ăn thịt đồng loại. “Không cuộc đời nào là không đổ máu,” ông từng nói thế với tờ The New York Times trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 1992. “Tôi nghĩ quan điểm cho rằng một loài nào đó có thể cải thiện và rồi chung sống hòa thuận với phần còn lại của vũ trụ này thì thật là một ý tưởng vô cùng nguy hiểm.”

Nhân vật của ông thường là những người ngoài cuộc, giống như chính ông. Ông sống lặng lẽ bên ngoài dòng chảy văn học chính thống. Mặc dù không hoàn toàn ẩn dật như Thomas Pynchon, nhưng McCarthy không đọc và không nhận xét về các tác phẩm hay các nhà văn khác. Ông cũng chưa từng làm báo, dạy viết văn. Trong suốt đời mình, ông chỉ hiếm hoi trả lời vài cuộc phỏng vấn.

Trong gia tài mình, ông có rất nhiều tác phẩm đã ghi dấu ấn. Đó là All the Pretty Horses (tựa Việt: Những con chiến mã) đã đoạt Giải Sách Quốc gia năm 1992, The Road (tựa Việt: Cha và con) đoạt Giải Pulitzer năm 2007. Cả hai đều được dựng thành phim, cũng như sau này bản chuyển thể No Country for Old Men (tựa Việt: Không chốn dung thân) cũng đã chiến thắng giải thưởng Oscar cho phim hay nhất vào năm 2008.

McCarthy những năm gần đây đã được chú ý là người có nhiều khả năng sẽ là chủ nhân của giải Nobel Văn chương. Nhà phê bình Harold Bloom gọi ông là một trong bốn tiểu thuyết gia lớn nhất nước Mĩ, cùng với Philip Roth, Don DeLillo và Thomas Pynchon. Tuy vậy việc đánh giá cao trước tác của ông cũng đã gặp phải nhiều luồng phản ứng. Một số nhà phê bình cho rằng tiểu thuyết của ông quá phô trương và nam tính, trong khi phụ nữ thì thường vắng mặt.

Viết trên tờ The New Yorker năm 2005, nhà phê bình nổi tiếng James Wood đã ca ngợi McCarthy là “một nhà văn có năng khiếu phi thường” và là “một trong những cây bút văn xuôi giỏi nhất nước Mĩ”. Nhưng Wood cũng đã cho rằng McCarthy “có vẻ yêu thích những sự bạo lực cũng như kình chống với giới trí thức.” Ngôn ngữ và giọng điệu trong tiểu thuyết của McCarthy thay đổi rõ rệt qua nhiều thập kỉ. Đối với học giả và các độc giả thích văn chương ông, câu hỏi mà họ luôn luôn đặt ra đó là “Ai thì tốt hơn? McCarthy-sau-này hay McCarthy-trước-đó?”

Cuộc sống buổi đầu ở Tennessee

McCarthy sinh năm 1933 tại Providence, Rhode Island, và là người con thứ ba trong số sáu anh chị em. Trong những năm đầu của tuổi thơ ấu, cả nhà McCarthy đã chuyển đến Knoxville, Tennessee, nơi cha ông làm luật sư cho Cơ quan quản lý Thung lũng Tennessee.

Theo một nguồn tin, McCarthy đã lấy tên Cormac - một biệt danh của gia đình mình - để tránh cái tên khai sinh có liên quan đến Charlie McCarthy, hình nộm nổi tiếng của nghệ sĩ nói tiếng bụng Edgar Bergen. Tuy vậy cũng có người nói ông đã đổi tên theo tên của một vị vua Ireland. Vẫn cũng có nhiều người khác cho rằng gia đình McCarthy từ trong quá khứ đã tự đổi tên một cách hợp pháp thành Cormac, bởi lẽ trong tiếng Gaelic nó tương đương với “con trai của vua Charles”.

Tiểu thuyết gia người Mĩ Cormac McCarthy.

Gia đình McCarthy sống khá trung lưu ở Knoxville, trong một ngôi nhà lớn màu trắng và có nhiều người giúp việc. Tuy nhiên, Cormac trẻ tuổi đã bị thu hút bởi phía vắng vẻ hơn của thành phố này. Ông đã từng nói với Tạp chí Times “Tôi đã cảm thấy mình không phải là một công dân đáng kính. Tôi ghét trường học ngay ngày đầu đặt chân đến đó.”

Ông theo học trường trung học Công giáo của Knoxville, sau đó là Đại học Tennessee, nơi ông học vật lí và kĩ thuật vào năm 1951 và 1952. Ông gia nhập Lực lượng Không quân năm 1953 và phục vụ 4 năm trong một quân đoàn ở Alaska. Để xua tan sự buồn chán của đời quân ngũ, sau này ông đã kể lại: “Tôi thường đọc lướt qua rất nhiều sách.”

McCarthy trở lại Đại học Tennessee từ năm 1957 đến năm 1959. Ông nói rằng mình có thiên tư về mặt ngôn ngữ, sau khi một giáo sư yêu cầu ông đọc tuyển tập các bài luận từ thế kỉ 18. Ông bắt đầu đăng truyện ngắn trên các tạp chí văn học sinh viên. Tuy nhiên ông chưa bao giờ tốt nghiệp và rồi chuyển đến Chicago, nơi ông làm việc trong một nhà kho phụ tùng ô tô, cùng lúc với việc viết cuốn sách đầu tiên. Sau khi hoàn thành, ông gửi The Orchard Keeper (tạm dịch: Người giữ đất) đến Random House, bởi vì “đó là nhà xuất bản duy nhất mà tôi từng nghe nói đến.”

Đánh giá về tác phẩm này, tờ The Times năm 1965 nói rằng nó khá “ấn tượng” nhưng cũng lưu ý rằng McCarthy đã bị ảnh hưởng “quá nhiều từ phong cách văn học của Faulkner đến nỗi ông đang nhấn chìm tài năng của mình trong việc bắt chước.”

Sau thành công đó, McCarthy đã tiếp tục viết nhưng không công bố. Ông đã trải qua 2 cuộc hôn nhân với một cuộc sống không còn như trước. Vợ ông, bà DeLisle từng chia sẻ rằng: “Chúng tôi thường sống trong hoàn cảnh nghèo khó. Không có nước tắm vì vậy chúng tôi trầm mình xuống hồ.” Bà cũng nhớ lại vào thời điểm đó “có nhiều người gọi điện và đề nghị anh ấy 2.000 USD để đến nói chuyện tại một trường đại học về những cuốn sách của mình. Tuy vậy anh ấy đáp rằng tất cả những gì mà mình phải nói đều đã nằm trong các trang giấy đó. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải thắt lưng buộc bụng thêm nhiều tuần nữa.”

Những tác phẩm ấn tượng

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của McCarthy, Outer Dark (tạm dịch Bóng tối ngoài kia), kể về một người phụ nữ mang thai đứa con của anh trai mình, và rồi để chết lịm trong khu rừng đó. Tiếp theo là Child of God (tạm dịch: Đứa con của Chúa), kể về một kẻ giết người hàng loạt sống trong hang động và mắc chứng bệnh hoại tử.

McCarthy sau đó chuyển đến El Paso vào năm 1976, sinh sống tại đó, sau khi chia tay bà DeLisle. Điều này cũng đã thay đổi bối cảnh trong các cuốn sách của ông. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông lấy bối cảnh ở miền Nam là Suttree ít nhiều mang tính tự truyện. Nó lấy bối cảnh giữa những nhân vật bên lề sống ở bờ sông của Knoxville, một môi trường mà ông biết rõ. McCarthy từng nói: “Tôi luôn bị thu hút bởi những người thích lối sống mạo hiểm.”

Năm 1981, khi đang sống trong một căn nhà trọ ở Knoxville thì McCarthy được tin mình đã giành được học bổng MacArthur. Chính số tiền đó đã cho ông có thời gian để viết Blood Meridian (tạm dịch: Kinh tuyến máu) mà nhiều nhà phê bình cảm thấy đây là cuốn sách hay nhất của ông. Nó là tác phẩm thiên về sự chống phương Tây siêu thực và đẫm máu, khi kể về một nhóm thợ săn chuyên lột da đầu và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật ở Texas và Mexico.

Các tác phẩm của Cormac McCarthy.

Trước khi phát hành Những con tuấn mã vào năm 1992, McCarthy cũng đã đồng ý nói chuyện với Tạp chí The Times cho cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên của ông. Tác giả của bài báo, Richard B. Woodward, vào thời điểm đó đã lưu ý rằng ông McCarthy “tự mình cắt tóc, dùng bữa trong các quán ăn tự phục vụ và thường giặt giũ ở tiệm giặt là.” Trong cuộc phỏng vấn đó, McCarthy đã nhắc đến “những nhà văn mà mình kính phục”, bao gồm Melville, Dostoyevsky và Faulkner. Về Proust và Henry James thì ông nhận xét: “Tôi không hiểu họ. Đối với tôi, đó không phải là văn học. Nhiều nhà văn được coi là giỏi thì tôi chỉ cho là lạ.”

Những con tuấn mã là một câu chuyện gay cấn nhưng cũng lãng mạn về chàng trai trẻ John Grady Cole, người đã bị đuổi khỏi trang trại ở Texas vào năm 1950, nơi anh ta lớn lên, để phiêu lưu vào vùng Mexico trên lưng ngựa cùng với người bạn thân nhất của mình. Cuốn sách bán được 200.000 bản trong vòng 6 tháng. Hai cuốn tiếp theo trong bộ ba Border (tạm dịch: Biên giới) cũng bán rất chạy, mặc dù một số nhà phê bình không đánh giá cao.

McCarthy trong nhiều năm liền cũng đã duy trì một văn phòng tại Viện Santa Fe, một trung tâm nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1984 bởi nhà vật lí hạt Murray Gell-Mann và những người khác. Ông chuyển từ El Paso đến sống gần đó và thích bầu bạn với các nhà khoa học, đôi khi cũng còn tình nguyện giúp sao chép, chỉnh sửa các sách khoa học, cắt bỏ chúng khỏi những thứ như dấu chấm than và dấu chấm phẩy mà ông thấy không hợp lí.

Năm 2005, ông cho xuất bản tiểu thuyết đề tài hiện sinh Không chốn dung thân. Một năm sau đó ông xuất bản tiếp Cha và con, một cuốn tiểu thuyết khắc nghiệt kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của hai cha con trong bối cảnh hậu tận thế và đã giành giải Pulitzer năm 2007.

Năm 2012, ông McCarthy viết xong kịch bản The Counselor (tạm dịch: Người cố vấn) kể về một luật sư ở vùng Tây Nam sa chân vào lĩnh vực kinh doanh ma túy. Ridley Scott đã chuyển thể nó thành phim vào năm 2013 với sự tham gia của Michael Fassbender và Cameron Diaz.

Cuối năm 2022, McCarthy đã phát hành bộ đôi tiểu thuyết đầy tính tham vọng là The Passenger (tạm dịch: Lãng khách) và Stella Maris, nhận về phản hồi tương đối tích cực. Trong đó The Passenger kể về một người đua xe bỗng chốc trở thành thợ lặn cứu hộ. Nhân vật này có tính cách hơi giống McCarthy ở điểm ít nói, thời thơ ấu ở Knoxville và niềm yêu thích với New Orleans và cuộc sống về đêm của nó. Đó là một cuốn tiểu thuyết về những ý tưởng - về toán học, bản chất của kiến ​​thức, tầm quan trọng của những chiếc ô tô tốc độ cao - đôi khi có phần khoa trương nhưng cũng chứa đựng không ít trò đùa.

Không lâu trước khi qua đời, có nguồn tin rằng McCarthy vẫn đang viết một kịch bản cho bộ phim chuyển thể từ cuốn Blood Meridian do John Hillcoat đạo diễn, người cũng đã từng đạo diễn bộ phim The Road của ông.

LINH TRANG dịch từ The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)