Yuko Tsushima và Annie Ernaux: Lãnh địa của phụ nữ

Thứ Hai, 05/06/2023 05:04

Năm 2004, Yuko Tsushima và Annie Ernaux, hai trong số những nhà văn nữ quyền đột phá nhất trong thế hệ mình, đã gặp nhau ở Tokyo để thảo luận về mọi thứ, từ tình mẫu tử, việc phá thai, chiến tranh Iraq… cho đến những thách thức mà các nữ nhà văn ở Pháp và Nhật đang phải đối mặt.

Yuko Tsushima (1947-2016) là con gái của tiểu thuyết gia Dazai Osamu. Bà là tác giả của hơn 35 cuốn tiểu thuyết, bên cạnh nhiều truyện ngắn và tiểu luận. Bà cũng giành nhiều giải thưởng, gồm cả Tanizaki, Kawabata… Các tác phẩm của bà chủ yếu là tự truyện, dựa trên kinh nghiệm của một người mẹ đơn thân, nhưng càng về sau thì bà cũng lấy thêm nguồn cảm hứng từ các sử thi bản địa cũng như các câu chuyện Nhật Bản thời tiền hiện đại.

Annie Ernaux (1940), người đoạt giải Nobel Văn học năm 2022, là tác giả của khoảng 20 tác phẩm hư cấu và hồi kí, đã từng đoạt giải Renaudot và Marguerite Yourcenar. Bà hiện được coi là tiếng nói quan trọng nhất của văn học Pháp, và cũng là người phụ nữ Pháp đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương.

*

Nhà văn Annie Ernaux.

Annie Ernaux (AE): Chị thấy trong các tác phẩm của mình, em (1) rất chú ý đến khía cạnh vật chất của cuộc sống hàng ngày, và chúng luôn được thể hiện một cách chính xác đến từng chi tiết. Do đó có thể mạo muội nói rằng, về mặt văn hóa, đây thường được coi là lãnh địa của phụ nữ. Ví dụ, ở Pháp, [chuyện thường ngày] không phải lúc nào cũng được coi là chủ đề thích hợp cho một tiểu thuyết. Trong khi em lại mô tả những điều nhỏ nhặt như tả lót của em bé, cách khắc phục rò rỉ nước… vô cùng chi tiết. Và cũng qua điều có vẻ tầm thường, mà em đã tìm thấy lời đáp cho những câu hỏi siêu hình lớn hơn, về thời gian, tình yêu và cái chết. Chị thấy có điều gì đó vô cùng quý giá về việc em làm, như trong những cuốn Territory of Light (tựa Việt: Lãnh địa ánh sáng), Woman Running in the Mountains (tạm dịch: Người đàn bà chạy trên núi) hay O Dreams, O Light! (tạm dịch: Hỡi Giấc mơ! Hỡi Ánh sáng!)

Yuko Tsushima (YT): Dịch giả tiếng Anh của em [Geraldine Harcourt] đã từng nói rằng những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày là khía cạnh hấp dẫn nhất trong các cuốn sách của em, và em nghĩ rằng cô ấy nói đúng.

Nhưng em nghĩ điều này cũng nói lên được cảm nhận của mình về các tác phẩm của chị. Chính đam mê đối với cuộc sống hàng ngày đã cho phép chị nói lên những cảm xúc thật, vượt lên không gian cũng như thời gian. Tất cả các tiểu thuyết của chị đều chia sẻ chung điều này, và đó là điều mà em thấy hấp dẫn nhất.

AE: Vâng, chúng ta có điểm chung đó. Theo một nghĩa nào đó, dường như chúng ta đang hướng tới cùng một điều, chỉ có điều là cả hai đã thực hiện nó theo cách khác nhau. Và phương pháp của chúng ta, chị nghĩ, bị ảnh hưởng bởi lịch sử cá nhân và kí ức cuộc sống.

Như trong trường hợp của em, không chỉ trải nghiệm có ảnh hưởng lên tác phẩm, mà việc viết về những trải nghiệm đó cũng có tác động. Thông qua hành động viết về một cái gì đó, em sẽ đào sâu trải nghiệm của mình, điều tra về nó còn sâu sắc hơn. Và chính điều đó tự nó trở thành nền tảng cho các tác phẩm.

Yuko Tsushima và tiểu thuyết Lãnh địa ánh sáng.

YT: Có một số điều mà em không thể nhìn thấy cho đến khi viết về chúng - điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết lách. Nhưng hiện ở nước Nhật này, có một ác cảm khá là mạnh mẽ đối với việc viết về trải nghiệm cá nhân. Sau khi em viết Pursued by the Light of the Night (tạm dịch: Bị đuổi theo bởi ánh sáng của màn đêm) và O Dreams, O Light! thì một tác giả nam giới nào đó đã buộc tội em cố gắng trục lợi từ đứa con đã chết của mình. Em không thể quên được lời nói đó. Bây giờ nghĩ lại, em ước gì mình đã nghĩ đến việc nói về trải nghiệm viết lách cho người đàn ông ấy giống hệt như chị vừa làm (cười). Nhưng hãy nói cho em biết, mọi thứ ở Pháp thế nào?

AE: Nếu những gì em nói về Nhật là đúng - rằng hiện có sự ác cảm với việc viết lách về các trải nghiệm cá nhân - thì liệu lịch sử của I-Novel (2) xuất phát từ đâu? Ở Pháp, chị nghĩ tình hình thì lại ngược lại. Ít nhất là trong 15 năm qua, ngày càng có nhiều tác giả viết về trải nghiệm cá nhân, và những cuốn sách viết theo kiểu đó được gọi là “tự truyện” hoặc “bán tự truyện”. Ví dụ, các tác phẩm của em thường được xếp vào “tự truyện”. Trong mọi trường hợp, chị sẽ nói rằng đó không phải là một hiện tượng hiếm gặp.

Có cảm giác như ở thời đại này, một cuốn sách chỉ được các nhà phê bình công nhận là “văn học đích thực” khi nó rời xa tính chất tự truyện càng nhiều càng tốt, và đến gần hơn với chất lãng mạn. Nhưng nhìn chung, xu hướng viết tự truyện ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, chị nghĩ những cuốn sách của mình đã thực sự khiến mọi người ngạc nhiên khi nó xuất hiện lần đầu. Không ai biết phải làm gì với chúng. Ý chị là mình viết về cha mẹ, về tầng lớp xã hội và về tất cả những thứ hàng ngày cực kì nhàm chán… mà không vẽ vời thêm cảm xúc nào. Nhưng mà nhiều thứ cũng đã thay đổi trong 15 năm qua, từ khi Một chỗ trong đời được xuất bản.

YT: Chỉ mới đây thôi em cũng đã gặp Philip Forrester và hai chúng em đã nói chuyện một chút về tự truyện. Anh ấy hỏi các nhà văn Nhật nghĩ gì về I-Novel, và em đã nói thái độ của họ nhìn chung là khá tiêu cực. Anh ấy cũng nói với em ở Pháp người ta rất thích những loại sách đó. Vài năm trước, anh ấy cũng viết về biến cố con gái mình qua đời.

Nhưng tất nhiên, Forrester là đàn ông, còn chị là phụ nữ. Chị có nghĩ rằng cách viết này có lẽ là phổ biến hơn ở phụ nữ không?

AE: Không, chị nghĩ cả đàn ông và phụ nữ đều viết theo cách này và thực sự không có sự khác biệt cơ bản nào cả. Ý chị là, có những nhà văn nam còn xuất bản nhật kí của họ cơ mà.

Và bên cạnh đó, có rất nhiều cách để viết về những trải nghiệm của bản thân mình. Một điều khiến chị thực sự ấn tượng về các tác phẩm của em, là cách mà em có thể viết ra những điều tưởng chừng rất khó ở trong tiểu thuyết. Ví dụ như khi con em qua đời, em đã viết về cảm giác vô lí khi người khác vẫn đang còn sống mà nó đã phải ra đi, và rằng khi vụ tai nạn máy bay xảy ra, em đã muốn rằng bằng cách nào đó mình cũng chết đi. Viết những suy nghĩ đó ra giấy khiến cuốn sách trở nên mạnh mẽ và thực tế hơn rất rất nhiều lần.

YT: Nhưng em nghĩ có điều gì đó đặc biệt về trải nghiệm viết lách với tư cách là một phụ nữ. Có lẽ vì sự tồn tại của chúng ta gần như là đã bị loại khỏi lịch sử thành văn, nên các nhà văn nữ vẫn mang theo mình tiếng nói vô hình nhưng lại phong phú. Em thấy chính mình thường khá hạnh phúc khi nghĩ về việc viết lách dưới tư cách một người phụ nữ, bởi lẽ khi đó em có thể viết về nhiều thứ hơn so với đàn ông. Chị có bao giờ cảm thấy vậy không?

3 tác phẩm mới của Annie Ernaux.

AE: Đúng, chị hoàn toàn đồng ý. Cho dù em đang nhìn vào lịch sử hay hiện tại, em cũng sẽ thấy có quá nhiều điều cần phải viết ra.

Ví dụ, cách mà em viết về trải nghiệm sinh con [trong Woman Running in the Mountains (tạm dịch: Người đàn bà chạy sâu vào núi)] thật đẹp, mặc dù người phụ nữ không biết điều gì sắp sửa xảy ra với bản thân mình. Và những đoạn văn về nuôi con bằng sữa mẹ và việc làm mẹ, những mô tả về cách bọn trẻ lớn lên, những vấn đề nảy sinh ở nhà trẻ… tất cả đều được trình bày một cách chi tiết, và đây là những điều chưa bao giờ được coi trọng trong lịch sử văn chương.

Đó là một tác phẩm rực rỡ, và gần như “tuột” ra khỏi dòng chính. Nếu có bất kì chủ đề nào đó mà người đàn ông không thể biết đến, thì viết những điều kể trên một cách chi tiết sẽ biến nó thành hiện tượng phổ quát, và họ sẽ ca ngợi nó như một khám phá gì đó thật mới mẻ lắm. Điều chị học được từ các tác phẩm của em là có rất nhiều kịch tính chứa đựng trong một tác phẩm của nhà văn nữ, và tất cả chúng xứng đáng được nói và tranh luận hơn nữa.

YT: Vâng, chắc chắn rồi. Trong tiếng Nhật, rất nhiều từ ngữ có liên quan đến việc mang thai hay sinh nở đều được triển khai từ các tiền tố có liên quan đến nam giới, điều này khiến em vô cùng khó chịu. Rốt cuộc, mang thai và sinh nở là việc của phụ nữ, vì vậy khi viết tiểu thuyết của mình, em muốn thể hiện điều đó thông qua lời nói của người phụ nữ - và hơn thế nữa vì bản thân em đã trải qua chúng.

Cũng trong cuốn sách chị vừa đề cập, em đã thử đưa một cuốn nhật kí trẻ con vào trong văn bản, nhưng mọi người không phản ứng tích cực với nó lắm. Họ kiểu như, em sẽ tiếp tục viết về những thứ nhàm chán như em bé uống bao nhiêu sữa hay phân của nó mềm như thế nào… đến bao giờ nữa? (cười).

Vì vậy, em đánh giá cao điều mà chị nói, Annie ạ. Điều đó rất đáng khích lệ, vì tất nhiên em có chủ ý trong cách viết nó. Không biết bây giờ thế nào, nhưng khi nó mới xuất bản, rất ít độc giả có được thiện cảm.

Nếu chị xem qua các bài phê bình của người Nhật về cuốn A Simple Passion (tựa Việt: Cơn cuồng si) của chị, mọi người dường như sẽ luôn tập trung vào phần “đam mê”. Em hiểu điều đó, nhưng cá nhân em quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống hàng ngày trong cuốn đó hơn. Nó để lại một ấn tượng như vậy với em. Mọi người vẫn sống cuộc đời của mình. Nhưng đồng thời, cũng đang có một cuộc chiến ở Iraq, hoặc là sự kiện nào khác song song diễn ra. Em chắc rằng tất cả chúng ta đều đã từng có kinh nghiệm về một thứ gì đó hoàn toàn bất ngờ - và cứ như thế, cuộc sống thay đổi mãi mãi. Và chính từ quan điểm đó mà thế giới của cuốn sách được tạo ra, bằng cách loại bỏ tất cả những thứ thừa thãi. Thông thường chúng ta làm những điều đó một cách vô thức - nhưng chị làm điều đó một cách có chủ ý, và đó là điều khiến em rất ấn tượng.

LINH TRANG dịch theo bản dịch của Lisa Hofmann-Kuroda trên LitHub

------------------------

 

1. Trong bản dịch của mình, dịch giả đã dùng cụm từ “Tsushima-san”. Hậu tố “san” thường được thêm vào tên ý chỉ thương yêu, nên người dịch tiếng Việt chuyển đổi danh xưng của hai nhà văn thành “em” và “chị”. Trên thực tế, Tsushima nhỏ hơn Ernaux 7 tuổi.

2. là một thể loại văn học Nhật Bản có các sự kiện trong tiểu thuyết tương ứng với các sự kiện trong đời của vị tác giả. Thể loại này được thành lập dựa trên sự tiếp nhận chủ nghĩa tự nhiên của Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)