Bọ tuyết và thế giới tuổi thơ trong sáng vô ngần

Thứ Hai, 22/05/2023 10:53

Được viết trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 1962 nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào những năm 1915, 1916, tiểu thuyết Bọ tuyết, thông qua hình ảnh cậu bé Kousaku, được nhận định như một cuốn tự truyện về chính tuổi thơ của văn hào Yasushi Inoue. Một tuổi thơ trong sáng vô ngần bên người thân, bè bạn dẫu cuộc sống còn thiếu thốn và bản thân đứa trẻ cũng có những nỗi sợ hãi vô hình, những buồn đau khắc khoải rất đúng độ tuổi trẻ nhỏ mới lớp một, lớp hai, đang hé mở đôi mắt dần ngắm nhìn thế giới rộng lớn.

Vì hoàn cảnh công việc của bố mẹ và sự phức tạp trong gia đình lớn, khi Kousaku lên năm tuổi, cậu bé đã chuyển đến sống cùng bà lão Onui, một người phụ nữ không con, vốn mang thân phận vợ bé của ông cố Kousaku, tại căn nhà trát đất sát nhà lớn ở vùng quê Yugashima thuộc miền núi Izu. Dù hoàn cảnh khiến bà Onui luôn có thành kiến với những người nhà trên lẫn bố mẹ Kousaku, thì tới tận cùng, sự chiều chuộng, tình thương, cách bà bao bọc Kousaku, đã tạo cho Kousaku, những tháng ngày thơ bé vô âu, vô lo, sống trọn trong yêu thương của bao người thân, bạn bè.

Cuốn Bọ tuyết.

Thế giới trẻ thơ trong sáng vô ngần

Gần như đặt trọn điểm nhìn trần thuật vào chú bé Kousaku, nhân vật trung tâm câu chuyện, Bọ tuyết, trước hết, thật sự là cuốn tiểu thuyết được tạo tác lên từ muôn vàn thế giới nhiệm màu, trong trẻo khôn cùng qua đôi mắt trẻ thơ của Kousaku. Một thế giới quyện hòa của cả thiên nhiên và con người, của người lớn và trẻ nhỏ, của cả hành động và nội tâm, của văn hóa, tình thương lẫn những điều khờ dại, ngây ngô có phần ương bướng từ những đứa trẻ ham vui, vô lo, vô nghĩ, mặc cho chúng sống trong cảnh thiếu thốn hay đủ đầy.

Thật vậy, ra đời vào những năm 60 của thế kỉ XX song bối cảnh lại đặt ở những năm 1915, 1916, Bọ tuyết tựa một miền hoang hoải trải rộng với xuất phát điểm là thiên nhiên vùng quê Yugashima, thuộc vùng núi Izu lãng mạn và yên bình: “bên trong khuôn viên đền cây cỏ mùa hè mọc um tùm, đặt một bước chân vào bên trong liền lập tức nghe thấy tiếng ve kêu rầm rĩ, giống như những hạt âm thanh đột nhiên từ trên cao đổ ụp xuống.” Thiên nhiên bao bọc, chở che cho những đứa trẻ được sống hồn nhiên đúng với lứa tuổi của chúng, tạo nên một không gian bất tận cho trẻ thơ nô đùa dường như không biết chán. Chúng chạy đuổi theo những con bọ tuyết trên đường, chúng rượt đuổi nhau ngay trên đoạn đường tới trường, chúng tắm sông mùa hạ, lăn trên những thảm cỏ lộng gió… Kể cả khi không gian vượt thoát Yugashima, thì sự trong trẻo ấy vẫn luôn hiện hữu, khi những đứa trẻ háo hức lần đầu ngắm nhìn thế giới rộng lớn hay chúng đã gạt bỏ khoảng cách, sự ngượng ngùng cố hữu để mở lòng chia sẻ một phần cuộc sống cho nhau, cùng làm những điều bí mật sau lưng người lớn và lấy làm thích thú vì bí mật ấy.

Nếu thiên nhiên cho trẻ thơ không gian vui chơi, nuôi dưỡng tâm hồn chúng khôn lớn, trưởng thành thì những người lớn lo toan cuộc sống, để được tự do làm trẻ nhỏ. Là cách, bà Onui dành cho Kousaku những viên kẹo vào buổi sáng, những quả mơ muối bà giúp Kousaku bình tĩnh chìm vào giấc ngủ, cách bà tự hào và giữ Kousaku bên mình như một sự chiếm hữu. Là cách, Sakiko đưa nhóm trẻ đi tắm suối nước nóng, cách cô dạy Kousaku hát sau các câu hát lạc điệu. Và cả những câu chuyện thấm đẫu màu sắc tâm linh, huyền thoại đã in đậm trong tâm trí tụi nhỏ hoặc mỗi khi người lớn nghiêm khắc, như một cách, họ lo nghĩ cho tương lai lũ trẻ.

Bọ tuyết, lấy thế giới trẻ thơ làm trung tâm mà mở ra không gian văn hóa, lịch sử nhuốm màu kí ức bàng bạc, dịu ngọt. Dòng kí ức dù có những khoảng xao động như sóng nhỏ loang trên mặt nước thì vẫn rất mực trong trẻo vô ngần.

Những nỗi sợ, buồn thương đầu đời của lũ trẻ

Yasushi Inoue.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, với mỗi đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, sống trong không gian hẹp gần như khép kín của Yugashima mà dần hé mở đôi mắt trưởng thành qua từng ngày; chúng cũng có những nỗi sợ hãi, buồn thương man mác vụn vặt riêng có của lứa tuổi đang nhìn thế giới và dõi theo người lớn mà học hỏi, khôn lớn. Và với Bọ tuyết, nếu thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo được xây dựng trên sự thấu hiếu của tác giả Yasushi Inoue về trẻ nhỏ và nước Nhật những năm 1915, 1916 thì việc ông đi sâu vào tâm thức lũ trẻ để thấy rằng, lũ trẻ cũng có nỗi u buồn riêng của chúng lại cho thấy tiên sinh đã tinh tế thế nào, khi nhìn nhận trẻ thơ tựa một tờ giấy trắng có nghĩ suy và đầy nhạy cảm.

Lần đầu bước từ thế giới “bên trong” - ngôi nhà đến thế giới “bên ngoài” - trường học, chúng biết sợ thầy giáo vì thầy nghiêm khắc, thầy phạt, “lần đầu tiên trong đời chúng run rẩy khi biết được cuộc sống bên ngoài khắc nghiệt đến thế nào.” Nỗi sợ lớn dần mà hình thành bản năng tránh né, trốn chạy. Chúng hiểu “cuộc sống bên ngoài khắc nghiệt” còn vì không phải đứa trẻ nào, cũng làm bạn với chúng. Chúng thấm thía quá nhiều rằng, sự khác biệt về mặt địa lí, về mặt địa vị, về mặt giới tính… sẽ phân tách từng nhóm trẻ mà nặng nề hơn, có thể dẫn tới sự xung đột giữa các nhóm bạn với nhau.

Khi bước tới môi trường xa lạ, chúng hiểu thế nào là những gì chúng trân quý cùng một nơi để chúng trở về và chắc chắn, nơi đó sẽ chở che cho tâm hồn trẻ nhỏ nhiều non nớt, e ngại, rụt rè. Chúng biết thế nào là tan vỡ và chia li. Chúng trải qua nỗi đau thương, mất mát đầu đời mà dù có cố phủ nhận, tránh né bao nhiêu, chúng vẫn phải đối mặt bằng hết thảy sự hụt hẫng, trống rỗng lẫn những giọt nước mắt buồn bã, tủi hờn. “Cả bọn dường như rất đau buồn về sự ra đi của chị. Thực tế, đó còn là sự xót thương cho cái chết của người trước đây từng là cô giáo của chúng nữa. Đôi lúc, cái chết của Sakiko lại lướt qua đầu Kousaku. Những lúc như thế, nó buộc chặt dây của bọc quần áo trên đầu vào cổ như để gạt bỏ những ý nghĩ lạnh lẽo đó đi.”

Mỗi đứa trẻ trên trang văn Bọ tuyết, xuất thân trong từng gia đình khác nhau, có cá tính riêng biệt song đều gặp nhau ở bao trò tinh nghịch, bao nỗi tò mò của trẻ thơ hiếu động, ham tìm hiểu và cả bao nỗi sợ hãi, cảnh giác vô hình về những người lớn nghiêm khắc, xa lạ hay sự “khác biệt” với bạn bè xung quanh. Chúng khao khát được công nhận và khẳng định. Chúng trong sáng, vô tư nhưng dường như, càng vô tư bao nhiêu, chúng lại càng nhạy cảm trước xao động trong cuộc sống vốn nhỏ hẹp bấy nhiêu, trước những mất mát chúng chưa từng biết đến mà với vốn sống, vốn kinh nghiệm ít ỏi, chúng chẳng thể hiểu thấu, lí giải.

Tuy nhiên, vì trải qua nỗi sợ, niềm u buồn, thương tổn đầu đời như thế, bên cạnh vốn kinh nghiệm phong phú, sự yêu thương, gửi gắm tin yêu của những người đi trước, trẻ nhỏ sẽ lần hồi trưởng thành. Như Kousaku, sẽ lớn lên cùng bà Onui trong căn nhà trát đất, mang theo hi vọng, tình yêu Sakiko gửi trao vậy.

Như những con bọ tuyết

Bọ tuyết, tên tác phẩm chỉ loài côn trùng xuất hiện trên con đường ở Yugashima mỗi buổi chiều tà, bạn đồng hành cùng chơi với lũ trẻ Yugashima trước khi chúng được gia đình gọi về ăn cơm tối.

Nhưng cái tên ấy chỉ xuất hiện trong mạch truyện ở những trang đầu tiên mà về sau, tuyệt nhiên bọ tuyết không hề xuất hiện nữa. Phải chăng, bọ tuyết đã bay đi hay giống loài “nhỏ màu trắng như những sợi bông”, “không trắng muốt mà có lẫn một chút màu xanh biếc. Lúc trời còn sáng trông chúng trắng, nhưng khi bóng tối dần phủ xuống, sắc xanh của chúng rõ nét hơn” kia, đã hóa thân vào những kiếp người trên trang viết của Yasushi Inoue tiên sinh?

Rằng những đứa trẻ trong sáng, hồn nhiên đang cựa mình trưởng thành như loài bọ tuyết, chuyển màu từng phút, từng giây theo ánh sáng mặt trời?

Rằng có những số phận như con bọ tuyết mỏng manh, “dập dờn bay múa giữa khoảng không bắt đầu nhuốm màu bóng tối”. Xinh đẹp, nhỏ bé, phóng khoáng, tự do, nhưng khi chúng xuất hiện, đã là lúc xế chiều, báo hiệu màn đêm đang cựa mình buông xuống. Như chị Sakiko yểu mệnh và như bà Onui, cũng đã ở độ tuổi gần đất xa trời.

Và rộng hơn, có lẽ chăng là cả một dòng tộc, một xã hội từng vinh hiển, giờ đây cũng như loài bọ tuyết mong manh trước khoảnh khắc giao cắt thời gian giữa hai mảng bức tranh sáng tối.

Nhưng dù hiểu theo bất cứ ý nghĩa nào, mặc cho bao khác biệt, mặc cho những suy nghĩ mang phần cổ hủ, cả tình yêu thương có phần ích kỉ của con người, thì Bọ tuyết vẫn là áng văn đẹp dịu dàng tới trong vắt trong từng hình ảnh, con chữ, tựa tâm hồn trẻ nhỏ chẳng vướng sầu lo. Tựa kí ức trẻ thơ, mãi trong ngần dù dòng chảy thời gian buổi tà dương, có ẩn chứa buồn đau, tổn thương đến đắng đót.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)