Zelda Fitzgerald và một quá khứ bị bỏ quên

Thứ Bảy, 13/05/2023 11:00

Vào khoảng đầu những năm 1970, Frances “Scottie” Fitzgerald đã truy lùng lại “kho báu bí mật” của cha mẹ mình. Con gái của Zelda và F. Scott Fitzgerald đã 50 tuổi khi bà leo lên gác mái căn nhà thơ ấu ở Washington.

Tiểu thuyết gia Zelda Fitzgerald.

Lục lọi trong đống sổ lưu niệm và album cũ, bà đã tìm thấy một cặp lính đồ chơi phủ bụi mà cha đã mua cho mình ở Paris, và một số đồ trang trí Giáng sinh “hiện ​ra đây đó”. Nhưng rõ ràng nhất là những con búp bê giấy “được tô vẽ lộng lẫy” mà mẹ Zelda đã làm khi bà còn nhỏ, gồm “một Goldilocks1 vui nhộn, một Cô bé quàng khăn đỏ vô tư, một D'Artagnan 2 giống nam tài tử Errol Flynn 3”. Tuy vậy sau 40 năm, tất cả nét vẽ cũng như màu sắc hầu như không phai nhạt đi.

Scottie sau đó đã viết về Zelda Fitzgerald, người mẹ đã qua đời cách đây 75 năm của mình như sau: “Tính cách mẹ tôi có thể được thấy thông qua những con búp bê tinh xảo mà bà làm cho đứa trẻ mới 6 tuổi này, khi mỗi con trong chúng đòi hỏi hàng giờ tỉ mẩn”. Di sản Zelda để lại cho đến giờ đây có thể là sự phóng túng và những ảnh hưởng của Thời đại Jazz vẫn thường xuất hiện trong các áng văn mà chồng của bà thường viết, nhưng những con búp bê được làm thủ công một cách tỉ mỉ từ giấy dán tường và đăng ten Bỉ lại cho ta thấy nhiều sắc thái hơn về hình ảnh phức tạp của bà.

Quá thường xuyên trong thế kỉ qua, “người vợ” và “nàng thơ” Zelda đã trở nên quen thuộc trong các câu chuyện của người khác – chẳng hạn như những trò đùa về việc nhảy xuống đài phun nước ở Quảng trường Plaza – đến nỗi, đôi khi, những đóng góp của bà lại không được nhớ đến. Một số người có thể quen thuộc với cuốn tiểu thuyết đầu tay và là duy nhất của Zelda, Save Me the Waltz (tạm dịch: Hãy giữ cho tôi điệu Waltz). Đây là tác phẩm hư cấu có phần tự thuật về quá trình trưởng thành, từ khi là một cô gái phía Nam mạnh mẽ đến khi trở thành một người phụ nữ dần bị cản trở bởi các chuẩn mực xã hội. Tuy vậy bất chấp những thành tựu này, chỉ một số ít tác phẩm là được đứng dưới tên bà.

Zelda ra vào trại tâm thần trong những năm 30 và 40 của đời mình, trong khi việc giành lại quyền tự chủ thì chưa bao giờ là việc dễ dàng. “Em muốn sống ở nơi nào đó mà em có thể được là chính mình,” Zelda đã thỉnh cầu chồng vào năm 1933 như thế. Đó là 3 năm sau khi bà được đưa vào dưỡng trí viện lần đầu bên bờ hồ Geneva, và cũng là 13 năm từ khi cuốn sách đầu tay của Fitzgerald, This Side of Paradise (tựa Việt: Bên này địa đàng), đã đưa cặp vợ chồng trẻ đến với danh tiếng cũng như vận may trong suốt những năm 1920 sôi nổi. Có lẽ mong muốn về quyền tự chủ cũng đã gói gọn thật rõ ràng nhất cho những vấn đề rồi sẽ trở thành động lực cho chính Zelda trong suốt đời mình.

Judith Mackrell, tác giả của cuốn Flappers: Six Women of a Dangerous Generation (tạm dịch: 6 người phụ nữ của Thời đại nguy hiểm) đã chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ Scott đã từng nói rằng ‘Khi ngọn lửa của cô ấy bùng cháy thì nó sẽ sáng hơn cả của tôi’”. Mackrell cũng bị thu hút bởi Zelda qua từng câu chữ. Cô nói “Zelda là một ngôi sao băng. Bà ấy tỏa sáng rực rỡ nhưng khá ngắn ngủi. Bà có nghị lực, tài năng phi thường… Tuy vậy chính trong cuộc sống cũng như công việc của người phụ nữ này, thì mối quan hệ giữa giải thoát và làm lại mình hóa ra mạnh mẽ, nhưng cũng tương đối mong manh.”

Vào khoảng thời gian suy sụp tinh thần những năm 1930, Zelda đã bắt đầu viết bản thảo về một “cô gái trẻ” cho College Humor - một tạp chí Mĩ. Truyện ngắn của bà thể hiện phong cách ấn tượng, bản năng và đầy độc đáo. Bà viết như sau trong truyện A Millionaire's Girl (tạm dịch: Cô nàng của ngài triệu phú): “Ánh xa xăm từ những tòa nhà cháy lờ mờ trên bầu trời đêm giống như những đồ bằng vàng đang nằm nép mình trong đám cỏ cao, và tiếng ồn của những con phố cũng giống như tiếng giậm chân trên quảng trường đá khổng lồ.”

Chính sự sắc sảo trong trí thông minh và sự kì lạ trong lối viết văn đã kéo ta vào thế giới giác quan của Zelda: một thánh đường nội tâm đã bị hiểu lầm vào thời điểm đó. Zelda được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt vào mùa thu năm 1930, nhưng các phân tích sau này thì lại cho thấy chúng nghiêng về chứng rối loạn lưỡng cực nhiều hơn. “Trí óc và các giác quan của bà ấy tương đối nhạy bén,” Mackrell đã nói về tâm lý phức tạp của Zelda như thế, trước khi đặt bà vào trong vị trí ngang hàng với Virginia Woolf. Cô nói: “Việc làm mờ ranh giới giữa thực tế và vô thức, đã khiến [Woolf] trở nên phi thường, bà ấy là một nhà văn tương đối dễ đọc. Zelda cũng thế.”

Fitzgerald và vị hôn thê Zelda. Ảnh Wall Street Journal.

Trong Flappers, Mackrell đã lưu ý đến “sự bồn chồn” của Zelda, và cũng là một phẩm chất dễ bị kích động cũng như thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của bà. Mackrell viết rằng: “Những cốt truyện hư cấu mà Zelda viết lúc ban đầu theo cách nào đó cũng là biến thể của những câu chuyện sau này. Tác phẩm của bà đều miêu tả về những người phụ nữ khác nhau mà nỗ lực hoàn thiện bản thân đã bị cản trở bởi chứng suy nhược thần kinh, hoặc bởi ràng buộc và các tác động từ chồng của mình.”

Những trở ngại này ngày càng trở nên rối rắm khi so nó với tiểu sử đời bà. Vào đúng thời điểm mà các tác phẩm của bà được xuất bản, các biên tập viên tạp chí đã ra điều kiện là tên của Scott - một thực thể có khả năng thu hút cao hơn – sẽ phải xuất hiện dưới các câu chuyện mà bà sáng tác với tư cách là đồng tác giả. Trong trường hợp nọ, tên tuổi của bà thậm chí đã bị xóa đi hoàn toàn. A Millionaire's Girl của Zelda được Harold Ober - người đại diện của Scott, cho là phù hợp với tờ College Humor, thế nhưng thực tế nó lại đăng trên The Saturday Evening Post với mức nhuận bút là 4.000 USD thay vì chỉ 500 USD khi quyền tác giả của chính Zelda đã bị bỏ qua. “Tôi thấy mình hơi tội lỗi khi đã bỏ tên Zelda khỏi truyện ngắn đó,” Ober viết cho Scott vào thời điểm này - “nhưng tôi nghĩ là cô ấy hiểu…”

Làm thế nào để có thể thừa nhận sự phản bội rõ ràng này mà không biến phần còn lại thành một bức tranh biếm họa đầy tính gia trưởng? Năm 1922, Zelda được bạn của Scott, nhà hài kịch Burton Rascoe, yêu cầu viết bài phê bình về cuốn mới nhất của Scott, The Beautiful and Damned cho tờ The New York Tribune. Zelda đã viết lại rằng: “Tôi nhận ra một phần trong cuốn nhật kí cũ của mình đã biến mất một cách bí ẩn sau khi kết hôn, và tất cả thư từ… dù cho đã được chỉnh sửa một cách đáng kể, đều đã xuất hiện trong tác phẩm này. Ông Fitzgerald – tôi tin rằng đó là cách ông ấy đánh vần tên mình – dường như là đang đạo văn từ nhà chúng tôi.”

Đó là một bài đánh giá hài hước thể hiện phẩm chất độc đáo chính trong tiếng nói của Zelda một cách rõ ràng. Đó cũng là lời giễu nhại đôi khi có thể khiêu khích chính chồng của bà. Chuyện cũng kể rằng khi Zelda hạ sinh cô con gái Scottie vào năm 1921, trong khi vẫn còn mơ màng bởi liều thuốc tê thì bà đã lảm nhảm rằng: “Tôi hi vọng nó thật xinh đẹp nhưng cũng ngu ngốc – con bé xuẩn ngốc nhưng tuyệt trần này.” Tất cả độc giả của Đại gia Gatsby rồi sẽ nhận ra nhân vật nữ chính, Daisy Buchanan trong sáng, cũng sẽ nói lại câu này trong cuốn sách đó.

“Ông ấy tin tưởng vào các phán đoán văn chương của Zelda và viết dựa trên những phê bình đó. Nhưng Zelda chưa bao giờ là người đồng sáng tạo nên văn chương của Fitzgerald.” Matthew J Bruccoli, người viết tiểu sử của Scott, đã chỉ trích “những người ủng hộ Zelda” vào đầu những năm 1980 như thế. Có thể đó là điều đúng, nhưng ta không thể phủ nhận những lời góp ý và các chất liệu đến từ Zelda mà Scott đã “mượn”. Thời gian trôi qua, Zelda sẽ ngày càng phải vật lộn với các cốt truyện được viết dựa trên đời mình mà bà không hề hay biết.

“Em muốn viết và em sẽ viết,” bà nhấn mạnh với Scott điều đó, khi chỉ chưa đầy một năm sau đó thì cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện, Save Me the Waltz được xuất bản vào năm 1932. Nó dựa trên những sự kiện hôn nhân mà Scott cũng đã sử dụng cho cuốn Tender is the Night (tựa Việt: Dịu dàng màn đêm) ra mắt 2 năm sau đó. Việc bà xoay xở để viết trong khoảng thời gian quay cuồng chỉ trong 6 tuần khi đang là một bệnh nhân ở Baltimore đã nói lên sức mạnh tinh thần của Zelda và sự dũng cảm trong lòng quyết tâm của riêng bà ấy.

Vào thời điểm đó, nỗ lực tìm hiểu bản thân bằng văn chương của Zelda, với cái mà sau này Bruccoli gọi là “cảm giác đồng cảm xa hoa”, đã khiến độc giả có phần hoang mang. Các nhà phê bình đã chỉ trích nó, tuy vậy cuốn tiểu thuyết ấy lại bán rất chạy. Dù vậy khi một ấn bản xuất hiện trở lại ở London vào năm 1953, thì các nhà phê bình người Anh đã thay đổi quan điểm một cách đáng kể. Chẳng hạn, tờ Times Literary Supplement đã gọi văn xuôi của bà là “mạnh mẽ và đáng nhớ” với sự “chân thực và cứng rắn”.

Đáng thương thay, Zelda sẽ không bao giờ có thể đọc được những lời tốt ấy. 5 năm trước khi cuốn sách xuất hiện ở Anh, vào năm 1948, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi đi bệnh viện Bắc Carolina, nơi bà là một bệnh nhân nằm ở tầng năm. Với cái chết ở tuổi 47, làn sóng đánh giá lại các tác phẩm của bà cũng đã xuất hiện. Mackrell nói về chủ nghĩa xét lại này như sau:“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tách Zelda ra khỏi những lời đàm tiếu cũng như ‘huyền thoại’ bủa vây quanh bà. Ngoài ra, việc tách bà khỏi góc nhìn nữ quyền cũng như đã từng là một ‘nạn nhân’ của chính chồng mình cũng rất cần thiết cho quyền tự quyết của bản thân bà”.

Tuy thế giống như những con búp bê mà bà đã làm, có một sức mạnh luôn được tìm thấy chính trong bàn tay có vẻ mong manh và yếu ớt ấy. Quyền tự chủ, sáng tác và sở hữu văn chương của Zelda, quyền được đấu tranh một cách quyết liệt để được ghi nhận… sẽ luôn hiển hiện trong những tác phẩm của riêng chính bà.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo The Independence

---------------------

  1. Nhân vật chú gấu quen thuộc trong các truyện cổ châu Âu.
  2. Nhân vật trong tiểu thuyết Ba người lính ngự lâm của Alexander Dumas.
  3. Nam diễn viên người Úc nổi tiếng trong thời đại vàng của Hollywood.
  4. Hành động nổi tiếng được coi là khá “hoang dại” của Zelda vào thời điểm đó.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)