Mới đây, tạp chí TIME của Mĩ đã công bố danh sách 100 cá nhân có ảnh hưởng nhất năm 2023. Và bất ngờ thay khi lĩnh vực văn học có đến tận 6 đại diện, trong khi thường năm con số này chỉ là 1. Năm nay, 4 tiểu thuyết gia cùng 1 nhà viết kịch và 1 thủ thư đã được vinh danh. Liệu đóng góp nào cũng như vì sao họ được gọi tên?
Judy Blume
Judy Blume và cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà.
Ở tuổi 85, Judy Blume trở thành gương mặt lớn tuổi nhất được đề cử năm nay. Molly Ringwald – nữ diễn viên người Mĩ nổi tiếng, đã đề cử bà vì “những tác phẩm của Judy giúp tôi hóa thân vào các cô gái tuổi teen vô cùng trung thực, bởi lẽ vào thời điểm không ai ghi lại các chi tiết vụn vặt chiếm cứ não bộ của một người trẻ, về sự tự ti về cơ thể, các vấn đề bắt nạt, những nỗi buồn đau… thì Judy đã sẵn sàng khám phá điều đó.
Ngay cả những chủ đề cấm kị nhất ở thời bấy giờ, như kinh nguyệt và thủ dâm, cũng được khai thác, từ đó giúp cho hàng triệu cô gái bước vào độ tuổi trưởng thành với nhiều thông tin và bớt sợ hãi hơn. Sách của bà đã nhiều lần bị cấm ở rất nhiều nơi trong suốt nhiều năm, vì luôn có người phản đối ý tưởng về quyền tự chủ của một người phụ nữ trẻ đối với tâm trí và cơ thể mình. Nhưng những cuốn sách hay sẽ mãi còn đó, và tôi biết ơn vì mình đã tìm thấy chúng”.
Blume bắt đầu viết từ năm 1959 và đã xuất bản hơn 25 tiểu thuyết. Trong đó nổi tiếng nhất là Are You There God? It's Me, Margaret (tựa Việt: Chúa Có Đó Không? Là Con, Margaret), xuất bản vào năm 1970. Tác phẩm cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh. Blume được coi như tiếng nói đi đầu của văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tiểu thuyết của bà đã bán được hơn 82 triệu bản và được dịch ra 32 thứ tiếng. Bà từng được trao danh hiệu “Living Legend” (tạm dịch: Huyền thoại sống) bởi Thư viện Quốc hội Mĩ cũng như Huy chương của Tổ chức Sách Quốc gia năm 2004 vì những đóng góp xuất sắc của mình.
Neil Gaiman
Các tiểu thuyết đã được chuyển ngữ của Neil Gaiman.
Tài tử người Scotland, James McAvoy đã đề cử tác giả người Anh vào danh sách năm nay bởi “niềm tin của ông ấy dành cho việc kể chuyện, và đó là thứ mà chúng ta cần ở cấp độ DNA”. Năm ngoái, Neil Gaiman cũng từng gây sốt toàn cầu với việc chuyển thể Sandman từ tiểu thuyết gốc của mình. Ông cũng là một thành viên hoạt động năng nổ của các Hiệp hội Văn bút toàn cầu.
McAvoy cũng nói thêm rằng “Cách kể chuyện của Neil kì ảo và huyền bí một cách đen tối. Cách ông ấy viết khiến ta như có cảm giác như đang được khám phá một bí mật lớn. Những ngày gần đây tôi thấy thật tuyệt khi các tác phẩm của Neil có được những người hâm mộ mới”.
Neil Gaiman hoạt động ở đa lĩnh vực, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện tranh, tiểu thuyết đồ họa… cho đến các tác phẩm phi hư cấu. Ông đã giành được nhiều giải thưởng ở mảng viễn tưởng và fantasy, đầu sách của ông đều nằm trong các danh sách bán chạy. Tại Việt Nam, ông cũng nằm trong số ít nhà văn có số lượng tác phẩm được chuyển ngữ nhiều nhất.
Colleen Hoover
Colleen Hoover đại diện cho thế hệ tiểu thuyết gia mới.
Là một trong những tác giả nổi lên nhờ cộng đồng BookTok thông qua việc tự xuất bản, Colleen Hoover đang có sự nghiệp lẫy lừng với nhiều tác phẩm ra mắt trong thời gian ngắn. Jenna Bush Hager – tác giả, phóng viên người Mĩ, người đã đề cử Colleen đã chia sẻ rằng: “Nếu để ý, bạn sẽ thấy sách của Colleen Hoover xuất hiện ở khắp mọi nơi, và đặc biệt hơn, là giới trẻ đang ‘ngấu nghiến’ chúng.
Giống như nhiều người, tôi đã ‘ăn dằm nằm dề’ với cuốn sách năm 2016, It Ends With Us trên một chuyến bay. Colleen thành thạo trong việc tạo ra những câu chuyện đầy cảm xúc, từ đó tác động khá sâu đối với phụ nữ. Cho dù bạn có tự coi mình là người hâm mộ Colleen Hoover hay không thì ảnh hưởng của cô ấy đối với ngành xuất bản là không thể phủ nhận”.
Theo đó Colleen đại diện cho một thế hệ nhà văn mới, lấy cảm hứng từ các gợi ý của người hâm mộ, cũng như nối dài ý tưởng từ các câu chuyện fanmade. Tuy nổi tiếng là vậy, thế nhưng gần đây cô cũng đối mặt với làn sóng chỉ trích, khi bị cho rằng đang lãng mạn hóa vấn nạn bạo lực gia đình, và đưa nó vào các cuốn tiểu thuyết của mình một cách không hợp lí.
Salman Rushdie
Hình ảnh mới nhất của Salman Rushdie cho danh sách TIME100.
Ca sĩ huyền thoại người Ireland, Bono, năm nay đã giới thiệu nhà văn người Anh gốc Ấn – Salman Rushdie vì việc “từ chối bị khủng bố”. Ông viết: “Chủ nghĩa khủng bố luôn muốn chiếm lấy cũng như cư ngụ sâu trong chúng ta. Nó chiếm đoạt ta vào ban ngày và ám ảnh ta vào ban đêm. Thế nhưng Salman đã khước từ nó, không chỉ trong các tác phẩm, mà còn cả trong suốt cuộc đời mình”.
Những ngày gần đây, Salman cũng đã quay lại bàn viết để sáng tác nên một tác phẩm mới, mà ông tiết lộ là lấy cảm hứng từ cuộc tấn công vào mình hồi giữa năm ngoái. Ông cũng nói thêm “Nếu có thể hoàn thành nó, thì đây sẽ không phải là cuốn sách đặc biệt dài. Vài trăm trang thôi, tôi hi vọng thế. Nhưng tôi không quá dằn vặt bản thân về điều đó. Tôi chỉ đang cố hiểu đúng những gì bản thân đã-đang trải qua.”
Suzan-Lori Parks
Nhà viết kịch Suzan-Lori Parks.
Diễn viên 3 lần chiến thắng giải Emmy - Sterling Kelby Brown, nói rằng: “Suzan-Lori là nhà viết kịch vô cùng tài năng, vì bà biết cách điều khiển mọi người. Bà không cố gắng ép buộc những người diễn viên như những con tốt ở trên bàn cờ. Bà chỉ đơn thuần là cố tìm thấy phản ứng bản năng đối với tác phẩm của mình, và nếu chúng không hoàn toàn đạt được, bà sẽ quay lại bàn viết chỉ cho đến khi tâm hồn trong các diễn viên mà mình cộng tác hiện lên hoàn toàn”.
Suzan-Lori Parks sinh 1963, hiện là một nhà viết kịch, nhạc sĩ và tiểu thuyết gia người Mĩ. Năm 2002, bà từng đoạt giải Pulitzer cho hạng mục kịch nghệ, với vở kịch Topdog/Underdog. Bà cũng là người Mĩ gốc Phi đầu tiên từng được vinh danh ở hạng mục này.
Suzan-Lori hiện đang trong các giai đoạn sáng tạo nên vở kịch Plays for the Plague Year lấy cảm hứng từ 2 năm đại dịch, cũng như vừa hoàn thành xong việc chuyển thể bộ phim cùng tên The Harder They Come, từng được ra mắt vào năm 1972, sang thể loại kịch. Có thể là bà không quá nổi tiếng ở một mức độ phổ thông, nhưng trong thế giới kịch nghệ, bà chính là một thiên tài, được nhiều nghệ sĩ mong muốn cộng tác.
Tracie D. Hall
Thủ thư Tracie D. Hall được vinh danh vì những nỗ lực chống sự kiểm duyệt.
Tracie D. Hall, người phụ nữ Mĩ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo Hiệp hội Thư viện Hoa Kì kể từ khi thành lập vào năm 1876, đã dành phần lớn cuộc đời để phục vụ cho lợi ích công.
Min Jin Lee – tác giả của Pachinko, đã viết rằng: “Là một thủ thư, Hall luôn tìm cách xây dựng danh mục thật đa dạng nhất, cho lượng động giả lớn nhất có thể. Cô đã phục vụ cũng như đấu tranh cho các thư viện công cộng, nơi mà Andrew Carnegie từng gọi là những ‘cung điện dành cho dân thường’.
Với sự trỗi dậy của kiểm duyệt và chương trình giảng dạy bị chính trị hóa, Hall và các thủ thư trên khắp đất nước đã phải đấu tranh để giành lại được quyền đọc, quyền học và quyền phát triển của độc giả. Với niềm tin ‘những người tự do là người được đọc thoải mái’, Hall đã đi đầu trong các nỗ lực chống lại sự kiểm duyệt, từ đó đại diện cho sự quản lí dũng cảm đối với các thư viện công cộng”.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ The TIME, LitHub.
VNQD