Bài thơ về tình cha con của cựu quân nhân đoạt giải thơ Vương quốc Anh năm 2022

Thứ Tư, 12/04/2023 11:36

Lee Stockdale, cựu quân nhân ở New York (Mĩ) đã giành được giải thưởng 5.000 bảng (gần 145 triệu) với bài thơ My Dead Father's General Store in the Middle of a Desert.

Các giám khảo Jason Allen-Paisant, Michael Symmons Roberts và Greta Stoddart đã trao giải Nhất Cuộc thi Thơ Quốc gia 2022 cho nhà thơ người Mĩ, Lee Stockdale với bài thơ My Dead Father's General Store in the Middle of a Desert (tạm dịch: Cửa hàng tạp hóa của người cha quá cố của tôi ở giữa sa mạc) trong số hơn 17.000 bài thơ đến từ 103 quốc gia.

Các giám khảo mô tả bài thơ của Stockdale là đẹp, hài hước, nhẹ nhàng, và rất đáng chú ý. “Bài thơ đặc sắc này thu hút sự chú ý của chúng tôi ngay từ lần đọc đầu tiên”, một thành viên ban giám khảo cho biết.

Nhà thơ Lee Stockdale 70 tuổi, giành giải Nhất Cuộc thi Thơ Quốc gia 2022 với “My Dead Father's General Store in the Middle of a Deser”. 

Bài thơ bằng tiếng Anh kể lại cuộc gặp gỡ giữa người sống và người chết. Đó là cuộc trò chuyện giữa người kể chuyện trong bài thơ và cha của anh ta. Sau một số căng thẳng, người kể chuyện nhận ra rằng anh ta yêu cha mình.

Tác giả Stockdale nói: “Phần cuối của bài thơ này có một sự giao tiếp thực sự sâu sắc giữa người cha và người con trai. Tôi chắn chắn rằng người kể chuyện yêu cha của mình và tôi hi vọng rằng điều đó sẽ thắp lên tình phụ tử, tình cảm gia đình ở mọi nơi trên thế giới.”

Stockdale cũng nói rằng việc giành được giải thưởng là “rất có giá trị” với ông.

Nhà thơ 70 tuổi này trước đây từng là quân nhân, chỉ huy đại đội bộ binh và dân phòng, ông cũng từng làm tài xế taxi. Hiện ông đã giải ngũ. Tập thơ đầu tay của ông tên Gorilla, được xuất bản vào năm 2022.

Thơ của Lee Stockdale luôn lồng ghép mối quan hệ với hình ảnh người cha đã mất. Stockdale lớn lên ở Florida, New York và Dublin, khi cha của ông Grant Stockdale được tổng thống John F Kennedy bổ nhiệm làm đại sứ Mĩ tại Ireland. Vì quá đau buồn trước vụ ám sát cựu tổng thống Kennedy, cha của Stockdale đã tự sát 10 ngày sau đó, khi Stockdale 11 tuổi.

Ngoài nhà thơ Lee Stockdale giành giải Nhất, thì người đoạt giải Nhì năm nay là Tife Kusoro với bài thơ The only other dark-skinned girl trong khi giải ba thuộc về Freya Bantiff với tác phẩm God the Whale.

Bảy nhà thơ khác cũng được vinh danh gồm: Mike Barlow với tác phẩm My Uncle Ivan; Elena Croitoru với Quantum Mechanics; Caroline Druitt với We said goodbye at Nelson’s Column; Susannah Hart với Stepfather: Three Likenesses; Rosie Jackson với The Boisterous Sobbings of Margery Kempe; Jennifer Nadel với A cold coming và Jeri Onitskansky với The Pretty Goat.

Những bài thơ đoạt giải và được vinh danh sẽ được đăng trên trang web của Hội thơ trong khi ba bài thơ hay nhất cũng sẽ được đăng trên tạp chí thơ The Poetry Review của Hội thơ số mùa xuân năm 2023.

Cuộc thi thơ Vương quốc Anh là giải thưởng thơ thường niên bắt đầu từ năm 1978. Nó được điều hành bởi Hiệp hội thơ có trụ sở tại Anh và chấp nhận các bài dự thi từ khắp nơi trên thế giới. Những người từng đoạt giải này trước đó là Sinéad Morrissey, Ruth Padel và Carol Ann Duffy. Năm ngoái, người giành chiến thắng là Eric Yip đến từ Hồng Kông với bài thơ Fricatives. Khi đó, Eric Yip mới 19 tuổi, trở thành người chiến thắng trẻ nhất của cuộc thi từ trước đến nay.

 

Cửa hàng tạp hóa của người cha quá cố của tôi ở giữa sa mạc

Cửa hàng có máy bơm xăng có hình con ngựa đỏ có cánh

Song không hẳn là mọt trạm xăng, cha bạn không phải cha tôi

Đứng cạnh tôi với cuốn sổ nhỏ, kiểm tra những việc đã và chưa làm

 

Nhìn cha có vẻ hạnh phúc khi đứng ở trạm cuối cùng trước cái chết của những người sống

Trước cuộc sống của những người chưa được sinh ra,

Nơi cửa hàng tạp hoá của ông mở ra có bán bột mì, đường,

thịt xay, và cả một trái tim màu đỏ tía được ông gói trong giấy nâu.

 

Cha cắt tóc cho tôi dưới mái hiên bằng thiếc. Chắc hẳn tôi đã

đến đây từ hướng này hoặc hướng kia trên con đường trải dài

từ chân trời đến chân trời

Cái nóng sa mạc làm mắt tôi nhòe nước

 

Tôi bò vào bằng tay và đầu gối,

Cha đưa tôi một li nước cam Nehi mát lạnh

Trùng hợp thay khi cửa hàng này là của cha tôi

Tôi hỏi cha tất cả những thứ này đến từ đâu, vì không có một

chiếc xe tải nào lại đi qua con đường này để bổ sung hàng hóa

trong khi chẳng ai mua

Ông không thích những câu hỏi thách thức sự tồn tại của mình

Tôi đành im lặng, cha cắt tóc cho tôi chẳng biết vô tình hay cố ý

nhưng trông nó thật tệ

 

Cha đang làm rất tốt ở đây, tôi nói điều nhảm nhí mà ông cũng

đã biết

Liệu có bao nhiêu người cha ngay cả khi đã chết lại mở một cửa

hàng tạp hóa trên sa mạc

Tôi vẫn tiếp tục, cha giữ cho các kệ hàng luôn đầy, sàn nhà sạch

bong, phòng tắm sạch sẽ.

Tôi thấy nhớ và yêu cha hơn khi chứng kiến sự vất vả của ông đã biến cửa hàng này sống động,

những hộp đinh đủ kích cỡ, đậu, gạo, kệ rượu, khu đồ nguội với dưa chua thật lớn

Tôi thấy cha là một người đàn ông đáng yêu và ngọt

ngào biết bao. Có phải bởi vì ông đã chết?

Tôi ước cha sống lại.

Tôi không nghĩ ông tìm đến cái chết để làm tổn thương tôi

 

Vào ban đêm, cha nói, những con sói hú từ trên núi xuống

và để lại những lời nhắn, những câu Kinh thánh, những tin nhắn đe dọa, những bức thư tình

Mọi thứ mà một con sói muốn lấy ra khỏi lồng ngực của nó

Tôi hỏi chúng đến mỗi đêm sao?

Cha đáp, chưa từng có ngoại lệ.

TRẦN ANH THUỲ DƯƠNG dịch

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)