Thời đại của truyện cổ tích

Thứ Tư, 22/03/2023 11:26

Những truyện cổ tích của Andersen là sợi dây đan thành thế giới tuổi thơ, thế nhưng khi nhìn ở góc độ cá nhân hơn, thì đó cũng là nội tâm và những phản kháng của nhà văn Đan Mạch đối với cuộc đời và số phận mình. Mộc thần nữMột câu chuyện từ những đụn cát có thể nói là 2 tập truyện tiêu biểu cho cách nhìn thẳng vào cuộc đời ông, để từ đó có một Andersen tự-trần-thuật song hành cùng người-viết-truyện-thiếu-nhi.

Hai tập truyện Một câu chuyện từ đụn cát và Mộc thần nữ của Andersen.

Khát khao phiêu lưu

Một điều dễ thấy là trong các tác phẩm của Andersen, những loài kì hoa dị thảo, với tuyết rơi, núi cao, mùa đông bao phủ... rất hay xuất hiện, và thậm chí là thường hiện diện với mật độ dày. Thiên nhiên, cảnh quan, thời tiết của Đan Mạch nói riêng và vùng Scandinavia nói chung có thể là nguồn cảm hứng bất hứng của Andersen, để từ đó khát vọng khai phá những vùng đất mới sẽ luôn hiện diện trong cuộc đời ông.

Chẳng hạn như chỉ một trích đoạn ngắn từ truyện Một câu chuyện từ những đụn cát như sau thôi, thì ta cũng đã đủ thấy tài năng tả cảnh của ông. “Truông ruộng hút tầm mắt, trông nó giống một tấm thảm xa xỉ. Thạch thảo đang ra hoa, bách xù màu lục cũng như bách và các búp sồi non nổi lên trên lớp thạch thảo của truông giống như những bó hoa. Hẳn người ta thấy rất thèm muốn được nằm lăn ra đó nếu không có tất tật lũ rắn độc kia.”

Một nhà phê bình cũng đã viết về khả năng này của Andersen như sau: “Được phú cho sự ý nhị, óc tưởng tượng, và khiếu hài hước; và cũng là một người ngây thơ, thế mà Andersen vẫn có được những thi điệu đánh thức những âm ba sâu xa. Đặc biệt, ông biết cách, chỉ bằng một vài nét chấm phá nhẹ nhàng nhưng gợi tả, chẳng cần dụng công, mà có thể vẽ ra những bức tranh và cảnh vật xinh xắn, nhưng thường mang tính chất địa phương rất đặc trưng nên những ai xa lạ với quê hương của ông sẽ khó chú ý”.

Do đó việc điền dã hay du hành là một trong những hành động xuyên suốt trong tác phẩm ông. Chính ông cũng đã khẳng định điều này khi viết “biển là một trang sách rộng mở” và con người thì luôn mong muốn “bơi ngược dòng”. Chính khát khao ấy đã khiến Jørgen rất rất nhiều lần rơi vào bi kịch, thế nhưng cậu vẫn mạo hiểm và dấn thân mình. Đó cũng là Mộc thần nữ, người tuy coi “bầu trời là một quyển sách” và sung sướng với tiếng chim hót, tiếng ba hoa của chuồn chuồn, ruồi, én… thế nhưng một lòng vẫn muốn đến với triển lãm Paris 1867 chỉ toàn nhân tạo.

Về phía ngược lại, cuộc đời co quắp, tủn mủn khi những khát khao đi xa không được giãi bày cũng được kể lại trong Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu. Andersen tin rằng nếu mãi ở nơi mà ta vốn luôn thuộc về, thì ta cũng như hạt đậu chỉ biết thế giới nhị sắc màu vàng hoặc xanh khi nằm trong vỏ. Nhưng thực tế là cũng không cần đến những chuyến du ngoạn, khi sách và những con chữ cũng là thế giới hoàn hảo để ta trải nghiệm, từ đó cậu bé Hans trong truyện Đứa trẻ tật nguyền có thêm ý định và niềm khát sống.

Và hẳn cũng chính những khát khao này mà trong tác phẩm tự truyện của mình, người đọc không những được nghe Andersen kể về những cuộc du ngoạn từ Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Ý, Áo và Praha; mà còn là những đặc tả chân dung của các văn nghệ sĩ nổi danh thời bấy giờ, như Victor Hugo, anh em nhà Grimm, Charles Dickens, con cái của đại thi hào Goethe, Liszt… Ngoài ra còn là những vị hoàng đế, hoàng hậu, những người thuộc Hoàng gia Đức, Phổ, Anh… và rất nhiều nơi khác, những người coi trọng tài năng của ông, yêu thích văn chương của ông và coi ông như một người quan trọng.

Andersen cũng đã nói về xu hướng viết về thiên nhiên như sau: “Chính cảm xúc và sự chân thật đối với thiên nhiên là điều mà mọi người coi trọng trong các sáng tác của tôi, và dẫu cho vẻ đẹp bên ngoài có thể vượt trội và đáng khen đến đâu, dẫu cho những nguyên tắc của trí tuệ thế gian có mạnh mẽ đến đâu, thì chính cảm xúc và sự chân thật là ít thay đổi theo thời gian nhất và là điều dễ thấu hiểu nhất”.

Đời sống tuyệt vọng

Ngoài các đặc trưng tả cảnh cũng như một lòng ham thích phiêu du, khám phá những điều mới lạ… thì một motif khác thường thấy trong truyện của Andersen là các nhân vật vẫn thường yếm thế, khổ trước sướng sau và được tha thứ ở phút sau cùng. Để giải đáp cho điều này, có thể ta phải lật lại tiểu sử đời ông.

Tranh vẽ Andersen.

Theo đó, ngay từ lúc nhỏ, Andersen đã được cha yêu thương một cách hết mực, và ông chính là người quan trọng nhất trong cuộc sống của nhà văn Đan Mạch. Tuy thế sau khi nhập ngũ trở về với sự bại trận của Napoleon, người bố đã biến thành một người khác, để rồi cuộc đời của Andersen khổ sở từ đó. Quá trình tiếp cận với truyền thần tiên của Andersen là qua những bệnh nhân tâm thần mà bà đã dẫn ông theo vào những nhà thương điên khi đang làm việc, và cũng là thông qua những vở kịch búp bê được lấy cảm hứng từ Shakespeare khi ông may vá. Ở đó một đứa bé hay mơ mộng vẩn vơ, ngoan đạo và mê tín trong sự mỏng manh của đời sống xô đẩy.

Điều này có thể lý giải cho nguyên nhân vì sao các nhân vật của Andersen vẫn thường có một khiếm khuyết nào đó về mặt cơ thể, tâm lý hay chịu chìm nổi giữa cuộc đời này. Đó là Jorgen - hạt lựu của đất Tây Ban Nha giờ thành cỏ cát trên bờ Tây Jutland như một “củ hoa trôi dạt”. Đó là cô bé tật nguyền có lại niềm vui từ hạt đậu nảy mầm. Đó là cậu bé bỗng đứng dậy được nhờ ý chí sắt đá về tình yêu thương. Và cũng là cô gái mù, người có niềm tin để tìm bằng được “hòn đá tiên tri” về cho cha mình.

Mặc cho tất cả đau đớn mà họ phải chịu, về phía sau cùng, cuộc sống cũng sẽ khoản đãi chính bản thân họ bằng những trái ngọt. Như nàng công chúa từng bị nuốt chửng bởi chúa tể đầm lầy sau cùng cũng về được xứ Ai Cập với món thuốc tiên dâng lên cho cha; hay con bé Inger kiêu hãnh cũng được giải thoát khỏi cảnh tuyệt vọng như Tantalus nhờ vào một lòng vị tha của người xa lạ. Đây là bởi tính nhân văn trong truyện cổ tích, hay bởi trải nghiệm mà bản thân nhà văn đã từng kinh qua?

Theo đó suốt cả cuộc đời sáng tác văn chương, Andersen luôn cảm thấy bị đè nén, khinh thường bởi giới phê bình Đan Mạch - những người vốn dĩ phù phiếm, thủ đoạn… bằng mọi cách bắt chẹt ông trong mỗi lỗi nhỏ, trong một liên từ hay một dấu câu. Họ cũng bỏ qua việc phê bình những tác phẩm quan trọng của ông, trong khi ở Đức hay là Thụy Điển – người ta phát cuồng vì ông, yêu mến ông, tổ chức những buổi hòa nhạc cho ông và trẻ con thì quây quần bên ông.

Andersen yêu mảnh đất Đan Mạch của mình, vì lẽ đó mà ông đau khổ. Xuất thân từ một cậu bé nghèo nàn không ai để ý, đến khi tài năng phát lộ thì bị vùi dập không hề thương tiếc. Và như ông nói: “Khi lũ nhóc con ném đá và một con chó tội nghiệp đang lội ngược dòng thì không phải là chúng xấu xa mà vì chúng cho rằng làm thế là vui, và mọi người cũng đã chơi trò tương tự với tôi. Tôi không có ai bảo vệ, tôi không thuộc bè phái nào, tôi không có bạn bè viết báo, và do đó tôi buộc phải làm như tôi đã làm. Trong khi đó, mọi người nói và viết và thường xuyên lập lại rằng tôi chỉ sống cùng những người ngưỡng mộ tôi mà thôi. Họ chẳng biết gì cả”.

Và bởi “Khi kẻ lữ hành sắp bỏ lại những ngọn núi sau lưng, thì đó là lúc anh ta lần đầu tiên mới nhìn thấy hình dáng đích thực của chúng, với bạn bè cũng vậy”. Do đó ông đã cảnh báo một kiếp nhân quần tránh xa nỗi đau mà ông gặp phải. Đó là lòng ngạo mạn, nỗi tò mò – những tội lỗi nguyên thủy sẽ khiến chính ta tiêu đời như “Mộc thần nữ khốn khổ”. Và đó cũng là mong muốn quá mức những gì mình đáng được nhận theo thiển ý Chúa. Tuy thế quan trọng hơn hết là ta cũng cần có sự can đảm, lòng tin sáng chói và sự vi tha bởi “niềm vui không chia sẻ được với người khác chỉ là một nửa niềm vui mà thôi”.

Như vậy có thể thấy rằng những truyện cổ tích của Andersen không chỉ là cách gửi gắm những sự hướng thiện, mà thông qua đó, Andersen cũng gián tiếp nói về đam mê và những nỗi đau mà mình phải chịu. Thế nhưng bằng vẻ đẹp, sự vô lo không toan tính và hết mực tin vào tri thức, thì “lòng tin sáng chói, kèm với lóe chớp của cái đẹp, và của thanh âm cái tốt, nó bừng sáng còn mạnh mẽ hơn cột lửa, trong đêm, như khi Moses và dân tộc Israel tiến về vùng đất Canaan”.

LINH TRANG dịch

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)