Bốn ngọn gió: một góc nhìn mới đậm tính nữ

Thứ Tư, 08/03/2023 07:22

Là một trong những nhà văn viết về phụ nữ vô cùng nổi tiếng, tác giả Kristin Hannah qua cuốn tiểu thuyết Bốn ngọn gió đã cho thấy sức mạnh của con người, tầm vai trò của phụ nữ, qua đó bài học quan trọng rằng ta không bao giờ nên đầu hàng nghịch cảnh, dù nó khó khăn và khắc nghiệt đến đâu đi nữa.

Lấy bối cảnh vùng Đại Bình Nguyên phía Nam nước Mĩ, tác phẩm bám theo Elsa và bốn hành trình vô cùng khó khăn cô phải trải qua. Sinh ra trong một gia đình ngoan đạo khắc nghiệt, đến tuổi trưởng thành cô phải vượt qua cuộc Đại suy thoái 1930 cũng như hành trình di cư từ miền Trung Tây đến vùng đất của “sữa và mật” California. Liệu cô có thể dễ dàng đến được bến bờ, hay sẽ gục ngã và mãi nằm lại như hàng triệu người đã từng ngã xuống và không đứng dậy?

Tính nữ được khai thác mới

Tiểu thuyết Bốn ngọn gió.

Có một bối cảnh vô cùng nổi bật, Bốn ngọn gió hướng vào giai đoạn thập niên 1930 được coi là đen tối nhất của lịch sử nước Mĩ. Với sự sụp đổ của thị trường phố Wall gây nên cuộc Đại suy thoái, nông dân những bang miền Nam còn phải hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài, cùng đó là các sự kiện của Cơn bão đen. Đây là thách thức không thể vượt qua, và đã kéo theo hàng triệu cái chết của đói ăn, vô gia cư cũng như những bất đồng dân sự vô cùng đáng quên.

Lựa chọn khoảng thời gian này, Kristin Hannah có cách tiếp cận vô cùng mới mẻ và cũng hiện đại. Nếu giai đoạn này gợi nhắc đến những Chùm nho thịnh nộ, Của chuột và người… từ nhà văn đoạt giải Nobel John Steinbeck, thì như Kristin nói, tác phẩm của cô “lật ngược bản đồ văn chương”, cung cấp những câu chuyện mới, khi mà “phần lớn những gì ta biết về thời đại đó là phụ nữ nhiều lần không hề xuất hiện trong bức tranh chung”.

Do đó Bốn ngọn gió cũng như những tác phẩm trước đó của cô, tập trung xoáy sâu vào người phụ nữ và lần này chính là Elsa. Ở nhân vật này có sự tụ hợp gần như hoàn toàn các câu chuyện lớn, từ việc sinh sống trong một gia đình mộ đạo… cho đến hành trình vượt qua thời khắc đen tối. Trong tác phẩm này, ta có thể thấy ước vọng của những thanh niêm thập niên 1920 muốn được đi đây đi đó, đến những quán bar nhảy nhót và ước đến Hollywood… chứ không phải chết ngạt trong một thị trấn miền Nam nước Mĩ đầy nắng và gió.

Điều đó không chỉ khó khăn chỉ với nam giới, mà phụ nữ mới là những người chịu đựng tất cả. Trong định kiến giới, những người đàn ông được bàn chuyện chính trị, làm ăn và nắm giữ vận mệnh gia đình, còn về phụ nữ phải đảm nhận các vai trò nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc gia đình… Điều đó làm nảy sinh sự phản kháng không chỉ của một tầng lớp thanh niên mà còn là của những người chịu đựng bất công, cố vùng vẫy, cố gắng dũng cảm, cố không e sợ.

Bản anh hùng ca

Ngọn gió đầu tiên Kristin xây dựng dành cho Elsa là sự phản kháng đối với gia đình của mình. Hướng mình đi theo lạc thú và muốn thực sống, cô rời cha mẹ để đến với vận mệnh riêng trong một gia đình gốc Ý di cư đến Mĩ mà không hề biết mọi thứ rồi sẽ thay đổi một cách hoàn toàn. Từng bước từng bước cô dần thích nghi, và khi có những đứa con đầu tiên của mình, cô ngày càng hiểu những đứa con sẽ yêu mình hơn bất cứ ai khác, và cũng làm mình phát điên, thử thách linh hồn, gần như cùng lúc.

Khi những biến động môi trường xảy ra, không còn người chồng, con trai không thể thở nổi vì bệnh viêm phổi, Elsa quyết định ra đi, đến với California. Đây là ngọn gió thứ hai đưa cô ra khỏi những vùng an toàn, để biết dũng cảm không hề tồn tại, mà đó chỉ là phản ứng trước những nỗi sợ của bản thân mình. Do đó cô đã lái xe đến hàng vạn dặm, đến vùng thung lũng trồng bông, sống ở những khu lều trại bẩn thỉu, và rồi cuộc đời sẽ nghiền nát cô ẩn dưới nanh vuốt của chủ nghĩa tư bản.

Như Kristin nói “Tôi thích kể những câu chuyện từ quan điểm của phụ nữ. Vì thông thường những gì học được từ trong lịch sử là từ góc nhìn của nam giới và phụ nữ không hề xuất hiện, bị gạt bên lề và thường bị coi là kém quan trọng. Tôi muốn cho thấy tầm quan trọng của phụ nữ và đưa vào cuốn sách này”. Do đó sức mạnh của chính Elsa đến từ những người ở xung quanh cô. Đó là người bà Rosa nhỏ bé nhưng đầy nhiệt huyết. Là cô con gái Loreda năng động khát khao chiến đấu, và cũng là Jean – người bạn cùng cô ở bãi bùn lầy, để cho cô thấy cuộc đời có thể tan hoang đến như thế nào, và rồi mạnh mẽ vượt qua hai ngọn gió khác đã làm đảo lộn cuộc sống của mình.

Tác giả Kristin Hannah.

Tuy thế Bốn ngọn gió không hề mĩ hóa hay cố xây dựng một nhân vật anh hùng hoàn hảo. Đến cuối Elsa cũng vẫn là một cá thể mong manh, không thể chống lại tự nhiên cũng như đám đông “khát tiền” lên đến điên loạn. Mặc thế qua hành trình ấy, ta thấy người mẹ tìm thấy sức mạnh ở con cái mình. Đó là một người không ngại tìm cách để làm những điều tốt nhất, là người đồng cảm, chia sẻ, cũng như học hỏi lẫn nhau, trưởng thành qua nhau. Qua sự gắn kết của các nữ nhân vật, Kristin đã xây dựng một “quần thể” độc đáo, nơi đó những người phụ nữ đã làm nên bài ca về tình yêu, tình thân và lòng trắc ẩn vô cùng lộng lẫy và đầy vĩ đại.

Được viết trong vòng 4 năm, tuy thế vào năm 2021 khi tiểu thuyết ra mắt, Kristin không hề nghĩ rằng sẽ có một sự tương đồng như gần một thế kỉ trước nước Mĩ đã từng trải qua. Đại dịch, biến đổi khí hậu… khiến cho con người trở nên hoang mang. Nơi đó họ không giao tiếp, họ không trò chuyện, đất đai khô cằn, còn con người thì ít nhận ra nhau. Đặt trong bối cảnh địa chính trị hiện tại với những xung đột về đường biên giới, sự lên ngôi của vật chất cũng như các giá trị con người đang xuống thấp nhất… kịch bản cũ ấy dường như đang dần quay lại và không tránh khỏi.

Điều này cho thấy thảm họa vẫn luôn chực chờ, và dù có muốn hay không thì ta vẫn luôn sẽ phải đối mặt. Nó cũng nhấn mạnh thêm một điều khác, rằng những thiên tai, cái chết và sự thờ ơ… tất cả gần như bắt nguồn ở nơi con người. Và dù muôn hình vạn trạng, “tam sao thất bản”… thì bản chất đó, cái gốc rễ đó chính nằm ở nơi cách ta đối xử và trân trọng nhau, trong một đời sống gần như khó khăn và không thể nào tìm thấy đường ra.

Bốn ngọn gió thu hút và đầy cảm động không chỉ bởi sự tương đồng vô cùng thức thời, mà đó còn là một góc nhìn mới đậm đặc tính nữ. Qua đó bài học về tình yêu, sự trưởng thành cũng như sẻ chia và hướng về nhau đã được khắc ghi vô cùng rõ ràng. Đọc tác phẩm này không chỉ hướng về lịch sử dài rộng đã từng xảy ra, mà là cho ngày hiện tại, cho cả tương lai có phần bất định dường như quay lại ngày càng gần hơn, từ đó hiểu rằng “nỗi sợ không phải là điều quan trọng trong cuộc sống, mà là lựa chọn của mỗi chúng ta những khi sợ hãi”.

LINH TRANG dịch

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)