Nếu năm ngoái CODA từng ghi dấu ấn ở mọi giải thưởng điện ảnh, thì năm nay cũng chung nội dung hướng về gia đình, Aftersun có lẽ cũng làm được điều tương tự. Nhận số điểm cao nhất trên Metacristic cũng như được nhiều chuyên trang phê bình đánh giá là phim hay nhất 2022, ta thấy điều gì ở tác phẩm này?
Bộ phim kể về hai cha con Calum (31 tuổi, Paul Mescat thủ vai) và Sophie (11 tuổi, Frankie Corio hóa thân) trong chuyến du lịch hè tới một địa điểm ở Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Ở nơi chốn ấy họ có cơ hội dành nhiều thời gian cho nhau, trước thực tế là Calum đã ly hôn và Sophie đang ở với mẹ. Không nhiều hạnh phúc và những thước phim ấm áp như CODA, Aftersun gợi lên một điều gì đó mong manh và đầy ngắn ngủi như tựa đề chính của tác phẩm này.
Được đạo diễn bởi Charlotte Wells – nhà làm phim trẻ tuổi người Scotland, Aftersun được viết từ những kí ức cá nhân của bản thân cô. Thế nhưng khi được trình chiếu lần đầu tại LHP Cannes, nó đã trở thành một kí ức chung của rất nhiều người, bởi ai cũng thấy một góc nào đó câu chuyện của mình, trong mối quan hệ và các bi kịch gần như kinh điển giữa cha mẹ và con cái.
Paul Mescal và Frankie Corio có diễn xuất tiết chế trong Aftersun.
Kí ức khiêu khích
Bộ phim có thể nói là “đen tối” hơn những tác phẩm khai thác chung một đề tài, khi Wells khước từ những cảnh sướt mướt hay các giai điệu êm dịu. Bộ phim mở đầu bằng những đoạn phim được quay từ máy cầm tay nhiều thập kỉ trước, có đoạn bị nhiễu và có những đoạn không thể xem được, như màn mào đầu cho một câu chuyện thuộc về quá vãng và đặt ra “biển cảnh báo” không nên khai thác để rồi mở ra thứ “vật chất tối” bám vào người xem.
Wells thuộc tuýp đạo diễn không lạm dụng thoại, do đó xuyên suốt bộ phim ta không thể thấy những lời giáo điều. Cô cũng triệt tiêu thứ gọi là đoạn cao trào, để tác phẩm dàn trải và đi theo chiều tuyến tính xuyên suốt thời lượng. Nói về phong cách, Wells đã tạo dấu ấn cho riêng chính mình bằng những khung ảnh vô cùng chật chội, được quay cận vào khuôn mặt diễn viên như lời mời gọi lên chuyến hành trình bằng những cảm xúc, triệt tiêu yếu tố bên lề cũng như hết thảy những gì có thể làm phân tán họ.
Hầu như không có thước phim góc rộng, Wells cho phần lớn diễn viên chiếm trọn khung hình, nhưng có đôi khi cũng đặc tả cảnh họ thật nhỏ bé. Như thể phần cuối đoạn phim khi họ đi đến một di tích cổ, trên mặt hồ xanh biếc rộng lớn, Wells thu nhỏ hình hài của hai bố con, để rồi xung quanh chỉ còn mây, biển, trời, nước. Trên đó ta cũng nghe thấy những loài thoại cảm động, về lời hứa sẻ chia của quãng trưởng thành, rằng khi được ai đó hôn, khi dùng các chất kích thích… thì cô bé ấy cũng rất có thể kể cho cha mình.
Những mặt phẳng phản chiếu
Khung cảnh thu nhỏ cho thấy được sự tuyệt vọng giữa hai nhân vật.
Không dừng ở việc triệt tiêu trung gian, Wells và đạo diễn hình ảnh Gregory Oke cũng sử dụng một “tấm lọc phụ” để khơi gợi được những gì mà câu chuyện này không thể diễn ra. Điều đó thể hiện thông qua việc đan xen với mạch phim chính thì chính là những đoạn phim được quay từ máy cầm tay. Ở đó cô bé và cha của mình được là mình nhất, khi không có ai phán xét và cũng biết rằng mục đích của thước phim ấy dùng làm kỉ niệm.
Wells cho người xem chao đảo từ câu chuyện riêng (tên gọi và độ tuổi, danh tính của các diễn viên) với câu chuyện chung (hành động quay, máy quay cầm tay và những đoạn nhiễu), từ đó xóa bỏ đường dây biên giới, cho người xem thời gian để quay lại với kí ức của mình. Aftersun nổi bật không chỉ vì nó tuyệt đẹp hay có cốt truyện thật sự độc đáo, mà bởi nó tạo ra được không gian, một vùng đệm, một quãng quá cảnh, nơi đó ta thấy được sự đồng hành giữa trí nhớ đã từng đi vắng của người thưởng lãm và người tái tạo.
Wells cũng che mờ đi dấu ấn cá nhân của mình bằng cách thường xuyên làm cho hiện diện những góc quay phụ từ đằng sau lưng, hay được gián tiếp thông qua các tấm phản chiếu như đang ngầm ý câu chuyện khúc khuỷu, đảo chiều và không có thực. Khung cảnh trong nhà nghỉ, khi Calum không muốn Sophie quay phim, Wells đã nhân bản khung ảnh, triệt tiêu đi tính nhận diện của các diễn viên, để trong hình ảnh mờ ảo phản chiếu lên màn hình TV kiểu cũ đã tắt, sau đó là tấm gương lớn đằng sau… những nhân dáng chung mà ai trong mỗi chúng ta cũng được tìm kiếm.
Trong quá trình tìm ra một phong cách riêng, Wells cũng bẽ gãy mạch phim tuyến tính, và chặn đường nó bằng những ảo giác và các thước phim phần nhiều ma mị. Wells nhất quyết không cho thời gian trôi chảy, mà cô đã neo chính khán giả ở lại bằng những cảnh phim không rõ nguồn cơn, để cho đến cuối ta mới nhận ra là một sàn nhảy, nơi Calum và Sophie cuối cùng cũng gặp được nhau. Nhưng phản ứng của họ là không thể đoán.
Những nhân vật gây ấn tượng
Có sự tham gia của nam diễn viên Paul Mescal từng rất thành công trong series phim Normal People chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Giữa hai chúng ta của Sally Rooney, Aftersun cũng khá ấn tượng với diễn viên nhí Frankie Corio, người thủ vai cô bé 11 tuổi. Cả hai mở ra những sự kì bí, đi từ độ tuổi tương đồng và có nhiều lần còn bị nhầm lẫn là hai cha con, cho đến quá trình phát triển cảm xúc và rồi khép lại bằng những gợi mở.
Calum là một nhân vật thật sự khó nhằn để mà hóa thân. Paul Mescal làm được điều ấy một cách thành công trong việc triệt tiêu gần như toàn bộ cảm xúc, để người xem thấy được sự dồn nén gần như đến mức tuyệt vọng và những biểu cảm thường trực lo lắng, không được tập trung của nhân vật này. Mở đầu tác phẩm có thể nhầm lẫn Calum là ông bố trẻ thất bại trong cuộc sống này, tìm cách bù đắp cho đứa con nhỏ bởi cuộc li hôn… thế nhưng đi theo mạch phim, ta thấy đâu đó một sự tuyệt vọng và không lối thoát, vì anh hẳn biết thời gian ở bên con mình là không thể lấy lại được.
Với riêng Sophie, Frankie Corio cũng có một màn hóa thân xuất thần diễn tả lại một lứa tuổi nhạy cảm và tò mò về mọi thứ, từ tình yêu, sự trưởng thành và tương lai của mình. Sophie cho ta cảm giác nào đó, có đôi khi, của một Lolita từ Nabokov, rằng cô phức tạp và khó hiểu hơn một cô bé gái trên đà trưởng thành. Corio cho thấy được chính điều đó, trong những cử chỉ bối rối của nhân vật, trong sự giả vờ rằng mình đã nghe những thứ không nên, cũng như trong những trường đoạn nói ra điều không cần nói, rằng cha của mình luôn cho những thứ mà ông không có và không đạt được.
Kết thúc tác phẩm, Wells cho Calum đi vào căn phòng là những gào thét của bản thân mình. Được nhiều đề cử quan trọng tại giải BAFTA với Phim Anh hay nhất và Phim đầu tay xuất sắc nhất, tuy vắng bóng ở Oscar (chỉ một đề cử cho Paul Mescal), thế nhưng đây là tác phẩm vô cùng ấn tượng và đầy gợi nhớ về mối quan hệ cha con, về sự rạn nứt và những mong manh khi những lời yêu và sự chia sẻ còn chưa ngại ngùng. Tác phẩm ấn tượng, tàn khốc và cũng lặng lẽ.
ĐOÀN ANH TUẤN
VNQD