“Cá voi Eren đến Hòn Mun”: Câu chuyện về tình yêu của biển

Thứ Ba, 07/02/2023 16:12

Lấy bối cảnh thế giới đại dương xinh đẹp và trù phú, Cá voi Eren đến Hòn Mun là câu chuyện cảm động về tình yêu và sự bao dung. Trái tim rộng mở, chứa đầy tình thương chính là nguồn sức mạnh để xóa bỏ mọi ngăn cách. Những trang viết của ông rất tự nhiên, thấm đẫm sự hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ trong Cá voi Eren đến Hòn Mun đã được các bạn nhỏ đón nhận với tình cảm thân thiết. Cá voi Eren đến Hòn Mun của Lê Đức Dương đã được vào chung khảo Giải thưởng văn học Thiếu nhi năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải C Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022.

Tác phẩm "Cá voi Eren đến Hòn Mun" của Lê Đức Dương. 

Câu chuyện cảm động về chú cá voi mồ côi

Nhân vật chính của tác phẩm là chú cá voi nhỏ Eren, quê ở Nam Cực xa xôi. Mùa Đông đến, họ hàng nhà cá voi Nam Cực lặn lội đến Xích đạo để tránh rét. Vợ chồng nhà Weddell và Hampton có lẽ là những người hào hứng nhất với chuyến đi này. Bởi Weddell đang mang thai đứa con đầu lòng, sắp tới bọn họ sẽ chào đón thành viên mới ở vùng biển Xích đạo ấm áp và nhiều tôm cá. Đó quả thật là một môi trường lí tưởng để một chú cá voi con trưởng thành.

Chú nhóc này thích nghi rất nhanh với vùng biển mới. Không chỉ có nguồn thức ăn dồi dào, nơi đây còn có cô giáo Medet dễ thương và rất nhiều bạn bè cùng tuổi. Ngày nào Eren cũng được học cách săn mồi với bác thủ lĩnh Winson tốt bụng.

Tiếc thay, đàn cá voi không thể lưu lại vùng biển này được nữa. Dòng hải lưu đã biến đổi, chúng phải vượt qua vùng Xích đạo để tìm kiếm những đàn ruốc đỏ ngon lành. Eren và bố mẹ bắt đầu hành trình đi tới Biển Đông. Và bi kịch bắt đầu từ đây.

Trên biển xuất hiện những đoàn tàu săn cá voi. Với những đứa con khổng lồ của đại dương, đụng độ với họ chẳng khác nào đối đầu với thần chết. Vì xả thân cứu gia đình, cá voi bố Hampton đã ra đi trong cuộc chiến khốc liệt này. Bác Winson cũng không may tử nạn. Mẹ Weddell và Eren tiếp tục cuộc hành trình đầy gian lao.

Trong những phút giây “ngàn cân treo sợi tóc”, Eren và mẹ đã gặp được bác rùa Quản Đồng tốt bụng. Bác sinh ra ở vùng biển Nha Trang yên bình, sau khi chu du khắp bốn bể, lần này bác trở về thăm quê hương. Được biết, ở đây con người rất hiền lành và yêu quý cá voi, mẹ Weddell cảm thấy yên tâm hơn.

Nhà văn Lê Đức Dương và tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC

Những tưởng cậu bé Eren sẽ có những ngày tháng vui vẻ ở vùng Biển Đông thanh bình này. Thế nhưng, số mệnh vẫn muốn thử thách cậu. Khi đụng độ với tàu săn cá voi mấy hôm trước, mẹ của cậu đã bị thương nặng, giờ đây vết thương tái phát khiến cá voi Weddell không cầm cự nổi nữa. Bác rùa Quản Đồng đành đưa mẹ của Eren đến vùng Đầm Bấy dưỡng sức. Vài ngày sau, mẹ cậu bé qua đời. Cô cá voi Weddell được dân vùng Đầm Bấy chôn cất rất long trọng. Trước khi mất, mẹ đã nhờ bác Quản Đồng chăm sóc Eren và giúp cậu bé tới Ấn Độ Dương để gặp những người đồng hương của mình.

Để cậu nhóc được chăm sóc tốt, được học hành, có bạn bè để vui đùa, bác Quản Đồng dẫn Eren tới Công viên biển Hòn Mun. Tới đây, cậu nhóc được tới lớp của cô Khoang Cổ để học tiếng Việt cùng các bạn. Lớp học ở Hòn Mun bé bé, xinh xinh, nên chú cá voi nhỏ phải ngồi ngoài sân để học bài. Ban đầu, các bạn cua, ốc, hay tôm càng nhìn thấy thân hình to lớn của Ren đều e ngại. Nhưng chỉ mấy hôm sau, ai cũng yêu quý chú cá voi tốt bụng, hiền lành.

Vùng biển Hòn Mun tuy không rộng lớn như quê hương Nam Cực của Eren, nhưng sống ở đây cậu bé thấy thật ấm áp. Không chỉ có bác Quản Đồng mà cả cô Khoang Cổ, cô Mao Tiên, đều rất yêu quý chú cá voi đến từ Nam Cực. Vượt qua bao khó khăn, chú cá voi Eren đã trưởng thành thực sự để đương đầu với những thách thức của đại dương.

Thế giới đồng thoại hấp dẫn

Gắn bó với vùng đất Nha Trang (Khánh Hòa) nhiều năm, xem đây là quê hương thứ 2 của mình, một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Lê Đức Dương đã lấy vùng biển xinh đẹp này làm bối cảnh. Trước đó, có thể kể đến truyện dài Đảo Thần Kiếm và mới đây là Cá voi Eren đến Hòn Mun. Nếu Đảo Thần Kiếm gợi cho bạn đọc nhớ tới tiểu thuyết Đảo giấu vàng của nhà văn người Scotland Robert Louis Stevenson, thì câu chuyện cảm động về chú cá voi Eren lại khiến người đọc liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết Không gia đình của nhà văn người Pháp Hector Malot.

Vượt qua nhiều thử thách, chú cá voi Eren đã trưởng thành, không còn là đứa trẻ ngây thơ, sống vô lo vô nghĩ trong sự đùm bọc của cha mẹ nữa. Eren đã biết cùng bác rùa đi cứu tàu gặp nạn. Bác rùa Quản Đồng, cô cá Khoang Cổ, cô cá Mao Tiên tuy không cùng huyết thống, nhưng đã hết lòng yêu thương và lo lắng cho Eren. Nhờ có họ, chú cá voi bé nhỏ hiểu được sức mạnh to lớn của tình yêu thương. Nó giống như thứ ngôn ngữ không lời, có thể gắn kết cả thế giới.

Nhà văn Lê Đức Dương sinh năm 1967 tại Hải Dương. Hiện sống tại Nha Trang, làm việc tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Ảnh: NVCC

Cá voi Eren đến Hòn Mun là một câu chuyện đồng thoại hấp dẫn, giàu tính sáng tạo. Bằng thủ pháp nhân hóa tài tình, cùng với lối kể chuyện rất có duyên, nhà văn Lê Đức Dương đã tạo ra một thế giới sống động dưới đáy đại dương. Ở đó, mỗi nhân vật mang một nét tính cách riêng. Nếu Eren giống với tính cách của một cậu bé ngây thơ, hiếu động thì bác rùa Quản Đồng lại khiến độc giả liên tưởng tới hình ảnh của người bà nghiêm nghị, nhưng hết lòng yêu thương con cháu. Cô Khoang Cổ giống như một cô giáo hiền, yêu thương lũ trò nhỏ như con đẻ. Cô Mao Tiên khiến người ta nghĩ ngay tới một phụ nữ trung niên đỏm dáng, nhưng tính tình nóng nảy, bộc trực.

Ngay cả những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua như: Cá nhà táng Manty, Tinson, Cá Mú Ma, Mực Ma đều được xây dựng một cách ấn tượng và sống động, với những nét tính cách điển hình. Tác phẩm này có khối lượng nhân vật khá lớn, nhưng chúng đều mang màu sắc riêng, không hề lẫn lộn với nhau.

Một điểm nhấn khá độc đáo trong tác phẩm này là việc tác giả đã làm nổi bật lên được yếu tố vùng miền trong những bối cảnh khác nhau của câu chuyện. Từ vùng biển Nam cực lạnh giá, đến biển Nha Trang rực rỡ nắng vàng, không gian nào cũng được đặc tả một cách rất tỉ mỉ, khiến bạn đọc nhỏ tuổi có cảm giác đang có mặt trong một chuyến du lịch vòng quanh Trái đất.

Là một người yêu biển, nên khi viết một câu chuyện đồng thoại mà các nhân vật đều là sinh vật biển, nhà văn Lê Đức Dương đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu kĩ lưỡng về đặc điểm của từng loài. Từ đó, lồng ghép những đặc điểm ấy vào trong tác phẩm sao cho phù hợp. Nhờ vậy, chuyến phiêu lưu của Eren được kể rất tự nhiên, dí dỏm, tính cách của các nhân vật không khiên cưỡng.

Không chỉ có vậy, những nét văn hóa truyền thống của người dân vùng biển như tục thờ Cá Ông, cũng được tác giả khéo léo đưa vào tác phẩm. Nhờ vậy, bạn đọc nhỏ tuổi thêm yêu quý vùng biển quê hương và những giá trị tốt đẹp từ bao đời truyền lại.

QUỲNH ANH - MY ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)