Tây Nguyên mong đón Bác về

Thứ Bảy, 21/01/2023 00:50

. ĐẶNG BÁ TIẾN
 

Trong nền thi ca cách mạng Việt Nam nói chung và vùng đất Tây Nguyên nói riêng, nhiều thi nhân đã viết về hình tượng Hồ Chủ tịch. Đó là Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Lê Đạt, Thu Bồn, Bảo Định Giang, Nguyễn Hưng Hải, Hữu Chỉnh, Phạm Doanh, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Duy Xuân…; nhưng để có một tập thơ riêng khắc họa đậm nét hình tượng Bác Hồ, có chiều sâu tư tưởng và cảm xúc quả không phải nhiều. Điều đặc biệt là cho đến nay, Lê Thành Văn có lẽ là nhà thơ duy nhất của vùng đất Tây Nguyên viết về Bác Hồ xuyên suốt một tập thơ dày cả trăm trang sách: Tây Nguyên mong đón Bác về (Nxb Văn hóa Dân tộc, 2022).

“Tây Nguyên mong đón Bác về” là một dụng ý của tác giả khi đặt tên cho thi tập. Suốt cuộc đời mình, niềm khát khao mãnh liệt của Bác Hồ là được vào thăm miền Nam, thăm Tây Nguyên khi nước nhà thống nhất. Tiếc rằng, niềm mong mỏi ấy của Bác đã không thành sự thật, vậy nên suốt hơn nửa thế kỉ qua, niềm day dứt đó vẫn chưa nguôi trong tâm hồn mỗi người dân nước Việt. Lê Thành Văn thấu hiểu được khoảng trống mênh mông ấy, tập thơ Tây Nguyên mong đón Bác về ra đời để bù đắp sự thiếu vắng, cất lên tiếng thơ thiêng liêng thành kính dâng Người, nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Tập thơ Tây Nguyên mong đón Bác về của Lê Thành Văn gồm 46 bài, đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn, đạo đức và phong cách của Bác lúc sinh thời. Các tác phẩm tập trung thể hiện những bài học vô giá mà chúng ta luôn học Bác mỗi ngày để không ngừng nâng cao phẩm chất cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Mỗi lời nói, việc làm của Bác đã được nhà thơ Lê Thành Văn tái hiện bằng một giọng thơ nhẹ nhàng, đằm thắm và chân thành. Anh không viết dàn trải cảm xúc, chỉ nhấn một điểm nào đó trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người qua mỗi lời nói, việc làm để nâng lên thành tứ thơ đặc sắc, khơi gợi cho người đọc niềm xúc động thiêng liêng, tình cảm kính yêu để từ đó học tập và noi gương Bác.

Trước hết, nhà thơ Lê Thành Văn đã “thi hoá” tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh bằng những bài thơ thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Tác giả không lên giọng học Bác cái này cái kia, chỉ bộc bạch cảm xúc qua từng câu chuyện đời thường kể về Người vẫn khiến chúng ta rưng rưng xúc động. Chuyện Người đạp nước vào ruộng với nông dân, chuyện Bác hỏi người cảnh vệ té ngã có đau không khi qua suối, chuyện cái túi vải đựng tiền lương của Bác, chuyện Bác đưa mật ong rừng rà lưỡi cho cháu nhỏ khóc đêm giữa rừng Việt Bắc, chuyện Người viết Di chúc cuối đời…, tất cả hiện lên thật sống động, tự nhiên nên dễ đi vào tâm tình bạn đọc. Qua câu chuyện về bụi măng người cảnh vệ nhổ ở nhà dân mà không xin phép, Lê Thành Văn kết lại bài thơ để nâng tứ thơ lên tầm khái quát về đạo đức của người cách mạng khiến ta không khỏi giật mình, qua đó càng thấu hiểu hơn tấm lòng thương dân thiết tha của Bác: Bây giờ hòa bình, áo ấm cơm no/ Sao có người nỡ quên những điều Bác dạy/ Có nhớ chăng bụi măng từ những ngày gian khó/ Bác nhắc cán bộ mình gương mẫu trả cho Dân (Từ bụi măng ở nhà Dân). Đối với người lao động nghèo, Bác đến chúc Tết trong đêm giao thừa, đã để lại một bài học lớn hơn nửa thế kỉ qua. Từ một câu chuyện giản dị, vậy mà qua hình tượng và cảm xúc thơ, Lê Thành Văn đã giúp người đọc xúc động và hiểu sâu sắc hơn tấm lòng bao la của Bác: Mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng/ Trăm ngàn nỗi khổ riêng thành niềm đau chung của Bác/ Mùa xuân về ta học Người biết ngọt bùi chia sớt/ Một miếng khi đói ăn thành ơn nghĩa cuộc đời (Đêm giao thừa nhớ Bác). Tôi thích nhất bài thơ Bàn chân trần của Bác với những câu thơ nhẹ nhàng mà ám ảnh chúng ta khi nghĩ về Người qua thể thơ lục bát bình dị của dân tộc: Bàn chân đi khắp biển trời/ Về buông dép lốp, lặng ngồi ngắm trăng/ Chân trần đạp nước băng băng/ Người thực thụ một lão nông lành nghề/ Ta nay giày vớ đề huề/ Nhớ cho chăng lúc Bác về với Dân?/ Lắng vào cỏ biếc thời gian/ Nghe thiêng liêng dấu chân trần Bác qua (Bàn chân trần của Bác). Quả vậy, mỗi thi phẩm trong tập thơ Tây Nguyên mong đón Bác về là một bài học rút ra từ tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, góp phần mang lại cho người đọc những bài học vô cùng bổ ích. Bài học về nghị lực và tinh thần trách nhiệm của người bác sĩ trong chống dịch bệnh (Như có Bác nơi tuyến đầu chống dịch), bài học về trồng cây để cho đất nước càng ngày càng xuân (Học Bác, Tết trồng cây trên đảo), bài học về việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe (Bác Hồ bỏ thuốc), bài học về phê bình và tự phê bình (Bác Hồ phê bình và tự phê bình)… Có thể nói rằng, 46 bài thơ của thi tập, ngoài việc khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại, thông điệp bao trùm mà tác giả gửi đến bạn đọc vẫn là: Đạo đức ngời sáng, tâm hồn cao đẹp, tình cảm yêu nước, thương dân vô hạn của Bác mãi mãi là những bài học to lớn để mỗi chúng ta không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện suốt đời.

Đặc biệt, mảng thơ viết về đề tài Tây Nguyên mong nhớ Bác Hồ có nhiều bài thơ chân thực và cảm động, khẳng định tình cảm kính yêu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác. Có lẽ nhà thơ Lê Thành Văn sống phần lớn cuộc đời của mình ở cao nguyên Đắk Lắk nên anh cảm nhận và thấu hiểu tấm lòng của người dân nơi đây dành cho Người thật lớn lao, sâu nặng. Các tác phẩm Bác là Ama buôn làng, Mong Bác về thăm Ngôi Nhà Đại Ngàn, Tây Nguyên nhớ Bác, Từ Tây Nguyên con về viếng Bác, Tượng đài Bác Hồ ở Tây Nguyên… đã khắc họa đậm nét cảm xúc, niềm mong mỏi thiết tha được một lần đón Bác trở về, dù điều ấy mãi mãi không thành hiện thực. Hiện thực dẫu khắc nghiệt, phũ phàng nhưng tình cảm của đồng bào Tây Nguyên mong nhớ Bác Hồ vẫn cứ vẹn nguyên và xanh rờn như màu lá rừng, trong trẻo như giọt sương mai, ấm áp như bếp lửa nhà sàn rực đỏ. Nhiều cán bộ từ vùng đất Tây Nguyên đã từng gặp Bác, dù chỉ một lần nhưng mãi nhớ về Người: Bao người con ưu tú đất Tây Nguyên/ Phút gặp Bác đều rưng rưng xúc động/ Y Blôk Êban, Y Ngông Niê Kđăm, Kim Nhất/ Kí ức về Người năm tháng vẫn không phai (Tây Nguyên mong đón Bác về). Với người dân Tây Nguyên, Bác Hồ cũng chính là ama (cha) gần gũi, thân thiết đến tận cùng máu thịt: Đơn sơ cái chỗ Bác nằm/ Là ama lấy ván cong làm giường/ Xuống cầu thang lúc rẫy nương/ Khác chi Bác giữa nhà sàn Thủ đô (Bác là ama buôn làng). Cũng chính khát vọng mong đón Bác về thiết tha, cháy bỏng nên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã xây dựng tượng đài Bác Hồ đặt tại quảng trường Đại Đoàn Kết ở Pleiku - tỉnh Gia Lai như một biểu tượng tinh thần bất diệt: Nhân dân đặt tượng đài Người giữa phố núi Pleiku/ Thương lắm sinh thời Bác đã không về kịp/ Buổi khởi công ai nấy đều xúc động/ Sắp được đón Người nơi mảnh đất Tây Nguyên (Tượng đài Bác Hồ ở Tây Nguyên).

Như vậy, tập thơ Tây Nguyên mong đón Bác về của Lê Thành Văn đã có những đóng góp vô cùng thiết thực trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Đảng ta hiện nay. Hi vọng tập thơ sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm cho mỗi người dân nước Việt càng thêm kính yêu và nguyện học tập Bác suốt đời

Đ.B.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)