Mắt trung du lấp lánh

Thứ Năm, 05/01/2023 00:17

. PHÙNG GIA THẾ
 

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói, đại ý, nhà văn sinh ra là để kể chuyện, kể chuyện hay, có thế thôi. Nói thì dễ, song trên thực tế, việc kể cái gì và kể như thế nào lại là một câu chuyện lớn, thậm chí, là một thách đố đối với nhà văn (kể cả với các nhà văn dạn dày kinh nghiệm). Và, theo lẽ thường, chẳng ai dại gì đi kể những chuyện mình không sành sỏi, nằm lòng, những thứ mà bản thân không có trải nghiệm sâu xa. Thế nên, mỗi nhà văn, một cách tự nhiên, thường có một vài câu chuyện tâm thức như là duyên phận (hay bản mệnh) để làm vốn liếng, để khai thác, nghiền ngẫm, khám phá, từ sâu xa trong trí tưởng của mình.

Tống Ngọc Hân sinh ra, lớn lên, học sư phạm ở Phú Thọ, gắn bó với Lào Cai hơn hai mươi năm, rồi lại trở về sinh kế tại quê nhà. Như thế, khi có “duyên” với văn chương thì cũng là lúc chị có “phận” với hai miền đất. Một trung du, một sơn cước, vừa gần gụi, vừa xa xăm, khốc liệt nhưng mơ mộng, và luôn chất chồng những khổ đau, thương nhớ.

Không phải ngẫu nhiên, đọc truyện ngắn Tống Ngọc Hân (trường hợp tập Thủy Hồ, Nxb Văn học, 2021), thấy dằng dặc một miền trung du khắc khoải. Bát ngát gió đồng chiêm. Vạt nắng chiều. Mâm cơm độn. Những cành xoan khẳng khiu trơ trọi. Con đường đất đỏ. Hoang hoải tiếng cà cộ kêu. Cơn mưa phùn ẩm ướt. Những gương mặt nát nhàu. Xen giữa trung du là những câu chuyện sơn khê ám ảnh, về những thân phận người, chính xác hơn là về những thân phận người bất hạnh khổ đau.

Có thể thấy, Tống Ngọc Hân là người say mê sự kiện. Truyện của chị, do thế, luôn đầy tính chuyện. Có thể gọi Hân là nhà văn của sự kiện được chăng, bởi, đa phần trong đó, cũng vì mải mê sự kiện mà tác giả có khi bỏ qua, bỏ quên khung cảnh, mặc dầu chị có những đoạn miêu tả thiên nhiên rất hay: “Càng đi càng thấy rừng dày hơn, trời rộng hơn và núi cao hơn. Tới đây, núi thành vách dựng. Sông biến thành suối. Nước suối trong như sương. Khói biến thành mây, mây chồng mây cao hơn thác nước”; “Xuân ở Chế rất lạnh. Nhìn những cây đào, cây lê trong vườn thì biết. Chúng im phăng phắc như kẻ giả chết. Mặc người ta nói gì bàn gì, mong đợi gì, chúng vẫn im. Rong rêu tiến từ gốc lên tận ngọn, ra tận đầu cành. Mặc kệ, chúng vẫn giả chết” (Tiếng vó ngựa xa).

Đọc Tống Ngọc Hân, thấy hiện ra điệp trùng những người quê, người núi lấm láp, nát nhàu, thấp cổ, bé họng, khi câm, điếc, khi hâm dở hay què quẹt, và dường như ai cũng dễ bị bỏ quên. Những con người cả đời sống trong khung quê, sườn núi, gắn với áo cơm lầm lụi, cãi vã, mắng nhiếc, mưu mô vặt vãnh. Một kiểu lạ hóa chăng? Không phải, bởi nhân vật nào của Tống Ngọc Hân, nhìn trong tận cùng khuất khúc, vẫn lấp lánh tha thiết nhân tình.

Tống Ngọc Hân giỏi lắng nghe, quan sát, để rồi từ những câu chuyện, lời đồn, hay huyền thoại về làng quê và đồi núi, nhà văn cấu trúc lại, biến nó thành một kiểu diễn ngôn riêng. Và cũng bởi luôn đầy ắp sự kiện nên cấu trúc truyện ngắn của chị luôn có độ nén cao và tốc độ trần thuật rất nhanh. Nhiều khi, chỉ dăm trang truyện mà đã càn quét cả mấy đời nhân vật.

Truyện ngắn Tống Ngọc Hân chạm sâu vào các vấn đề nhân tâm thế sự, chuyện muôn thuở người quê với những lằn ranh thế hệ và định kiến. Rộc Xoan có lẽ là truyện ngắn đậm chất trung du nhất của chị, từ bối cảnh, không gian, nhân vật, cái nhìn. Những gương mặt trung du tưởng không thể nhếch nhác đáng thương hơn, như thường lệ, vẫn họp thành một gia đình, vẫn sống đời mình, sinh con đẻ cái. Vận thọt, câm lấy Nhuệ hấy. Cả nhà sống nhục nhằn, lủi nhủi trong một con rộc cô đơn, vốn dĩ mang danh định kiến (“rộc Hèn”). Cùng với Rộc Xoan, Hai chén rượu đầy vẽ nên một bức tranh quê đói nghèo, tối tăm: vợ chồng đánh cãi chửi nhau, cha con cấu xé, họ hàng xích mích, cãi lộn, anh em các chi chòm lấy lẫn nhau... Kết truyện, hóa ra, tiền bạc hay vật chất không phải là cái để hóa giải sân hận như cả Sọt từng nghĩ, mà là cái đốm lửa tình người được nhen lên đâu đó đằng sau những gương mặt lam lũ khắc khổ nhường kia. Đọc Hai chén rượu đầy, thấy ngôn ngữ trung du chen lấn hiện ra, sinh động, tự nhiên, vừa thân thuộc, vừa như được gọi về từ xa vắng: “cái đừng” (cái thang), “mén ra” (tránh ra), “dưới trằm” (chân ruộng ngập nước), “đẵn” (chặt ), “bá” (chị gái bố hoặc mẹ), “gạo đớn” (gạo bị gãy vỡ), “chộ bờ sông” (nhìn thấy bờ sông)… Nếu Chị Dương, Quả trái mùa cám cảnh phận làm dâu “như giẻ lau nhà chồng” thì Nghiệp đình lại mang chút thoáng xót xa trước những thay đổi thói quen, những lai căng không gì cứu vãn trong văn hóa tín ngưỡng thời hiện đại.

Truyện ngắn Tống Ngọc Hân giàu chất nhân văn song không cải lương, sến súa. Về giọng điệu, văn Tống Ngọc Hân thiên về lí tính hơn là sự mủi lòng. Tình cảm nhân văn chỉ được tác giả bộc lộ sâu kín qua câu chuyện, cái nhìn, không phải qua ngôn ngữ xót thương. Có thể nhận ra, dù trong cảnh ngộ nào, nhân vật của nhà văn luôn le lói một lối ra. Lão Sọt, cả đời say xỉn, chửi bới nhiễu nhương, gây sự, kết cuộc cũng chừng nhận ra giới hạn của mình (Hai chén rượu đầy). Trong Quả trái mùa, vợ chồng Liên, Phong không có con, được ví như cây na không quả, nhưng nghĩa tình chồng vợ thẳm sâu đã giúp họ có niềm tin về quả ngọt trái mùa. Quả trái mùa còn là câu chuyện tràn đầy tình thương mến về tuổi thơ trung du những tháng năm khốn khó, những chuyện rất ít người còn có thể nhớ và kể được ra.

Trong Chị Dương, đứa con gái tật nguyền và người chồng biết cảm thông dường như hé ra tia hi vọng vào một trang đời mới (có thể tốt hơn chăng) cho những người mang phận làm dâu luôn phải vật lộn để sống chung với những định kiến quái gở. Qua cách “mớm” chuyện của Thư, nhân vật xưng “tôi”, người kể chuyện với vai xã hội - thẩm mĩ đặc thù (vừa là kẻ làm dâu, vừa là người có phần đồng cảnh ngộ), câu chuyện đầy khuất khúc của cuộc đời Dương (có con riêng tật nguyền trước khi lấy chồng; con riêng không chồng sinh con) được kể tự nhiên, dễ cảm thông, thấm thía.

Đọc Tống Ngọc Hân, có cảm giác chị viết về vùng cao vừa như duyên nợ, vừa như sự trả nợ ân tình, lúc như người trong cuộc, khi lại như khách phương xa. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, Tống Ngọc Hân là một trong những cây bút viết về miền núi xuất sắc nhất của thế hệ mình. Chân gỗ, Cây sa mộc chết đứng là những trường hợp tiêu biểu.

Chân gỗ là câu chuyện chua xót và đậm tính nhân văn không chỉ về một chuyện tình. Vần là chàng trai tốt bụng nhưng thua thiệt. Người yêu bị anh trai “cướp”, mối tình đẹp giữa Vần và Hoàn đứt đoạn. Hoàn bị tai nạn cụt chân, Vần lặng lẽ kì khu làm chân gỗ cho chị dâu - người yêu cũ - trong khi chồng cô lãnh đạm dửng dưng. Việc làm chân gỗ vốn đã xúc động, việc Vần quay lại đón vợ cùng mang chân gỗ cho chị dâu còn xúc động hơn, chạm khắc được tình người thô mộc đơn sơ nhưng sâu thẳm. Cây sa mộc chết đứng là bản tình ca chua xót về mối tình éo le, oan nghiệt của Châu và Diu. Bị cháy rừng, Diu trở nên thân tàn ma dại. Châu lấy vợ nhưng không có tình yêu. Diu bị cưỡng bức, sinh con mà người làm việc ấy chính là Châu. Cây sa mộc chết đứng khi lời nguyền của Mùi (vợ Châu) ứng nghiệm.

Nếu Chân gỗ, Cây sa mộc chết đứng chạm khắc thế giới nhân vật xung quanh một chuyện tình thì Bên kia dòng sông Mây lại là câu chuyện ấm áp tình đời của ông Tám, một cựu giám thị trại giam và Lủ, người tù kì lạ nhất trong đời công tác của ông. Tác giả đã khéo để nhân vật của mình len sâu sau ánh hào quang phố thị nhằm khám phá những cùng khốn của phận người. Chi tiết Lủ viết thư cho ông Tám rất xúc động. Một người học mãi không biết chữ (do ám ảnh vì lớp học xóa mù chữ nên vợ ngoại tình) đã dùng con chữ khó nhọc ấy để viết ra những bức thư nghẹn ngào nhưng không bao giờ được gửi.

Tống Ngọc Hân không viết truyện xuôi chiều, mà luôn tạo những khúc cua bất ngờ, khó đoán. Kết truyện Mừng cụ khỏi ốm, chẳng có gì đảm bảo bà Thiên sẽ hết bệnh hống hách, gia trưởng, luôn cho mình quyền đánh đập con dâu. Trong Cuộc sống khác, Lân và Thuận, hai người như được định mệnh sắp đặt, cuối cùng chẳng thành đôi. Tre trắng se sắt buồn, câu chuyện của Đôi và Lân dự cảm một đám cưới, kết thúc bằng sự chia tay.

Tống Ngọc Hân cũng có một vài truyện mang màu sắc dân vận: Tiếng vó ngựa xa, Mùi rừng, Bộ quân phục mới. Tuy nhiên, đọc các truyện ngắn này không có cảm giác khó chịu bởi câu chuyện của chị gắn với những phận người lam lũ, và cũng ở đó, sự tử tế, chân thành luôn được nâng niu.

Trong số các truyện về vùng cao, Thủy Hồ là một mạch riêng, liêu trai, mơ hồ, phiêu lãng. Khác với sự gồ ghề thô ráp của những Vần, Lủ, Diu, Sán, là hình hài đẹp đẽ, xa xăm của Thủy. Truyện không có nhiều biến cố song hấp dẫn bởi mang nỗi buồn mơ hồ, lãng đãng khói sương, tô điểm cho cái mộng mơ và có phần bí ẩn của miền sơn cước. Thông thường, những truyện miền núi của Tống Ngọc Hân được viết như “người trong cuộc” thì Thủy Hồ lại được viết trong góc nhìn của một khách phương xa, lưu lạc và yêu mến tất cả những gì diễn ra trên mảnh đất này.

Như đã nói, Tống Ngọc Hân là nhà văn của sự kiện. Nhưng sự kiện không dưng mà có, cũng không dưng có thể tưởng tượng ra, mà chúng là kết quả của sự quan sát, suy ngẫm, là kết tinh từ khoảng lặng để lắng nghe những rạn vỡ thầm thì của thời gian, của cuộc đời, trong một đôi mắt, một tâm hồn trung du lấp lánh.

Độc giả có thể mong một Tống Ngọc Hân bạo liệt, tàn khốc hơn để có một “nữ quái văn chương”, nhưng như thế hẳn sẽ không còn một Tống Ngọc Hân như ta biết. Với Hân, văn chương là thứ để cùng đau, cùng ngẫm, cùng phán xử nhưng đồng thời cũng là hạt mầm gieo cái thiện cho cuộc đời vốn dĩ lắm khổ đau. Hơn tất cả, nó phải hướng về sự tử tế của con người, dẫu rằng đó chỉ là một khát vọng xa xăm, mơ hồ, nhưng rất cần, như một lời cầu kinh bên vực thẳm.

P.G.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)