Lênh đênh bolero

Thứ Hai, 05/12/2022 15:56

. DIỆU HÀ
 

Điệu thức boléro du nhập vào khoảng thời gian đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Vì thế số phận của nó rất khác so với các điệu thức âm nhạc nước ngoài khác, lênh đênh thăng trầm…

Bản nhạc Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương

1. Boléro được nhạc sĩ, nghệ sĩ múa Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780 tại xứ Andalucía (Tây Ban Nha) để sử dụng trong khiêu vũ. Điểm khác biệt của boléro so với các điệu nhảy flamenco và pasodoble là sự khoan thai, êm đềm thay vì cuồng nhiệt, sôi động. Sau đó, boléro lan tỏa khắp châu Âu, được sử dụng trong một số tác phẩm giao hưởng thính phòng.

Tây Ban Nha thời điểm này cai trị một vùng thuộc địa rộng lớn ở Tây bán cầu, lẽ dĩ nhiên boléro theo chân người Tây Ban Nha lan truyền đến đây. Người Mexico, Cuba sử dụng boléro để viết các ca khúc. Đặc trưng boléro theo nhịp 4/4, là giá trị trường độ trong từng ô nhịp có 4 phách, tương đương 4 nốt đen, tạo nên sự lãng mạn du dương trong các ca khúc. Nổi tiếng sớm nhất là ca khúc “La Paloma” (Chim bồ câu) của nhạc sĩ Sebastiano Iradier sáng tác tại Cuba năm 1861. Hàng triệu ca khúc sử dụng điệu thức boléro được sáng tác suốt gần 200 năm qua, được vang lên khắp nơi cùng chốn trên hành tinh như: “Besame mucho” (Hôn em nhiều hơn nữa), “Quizás, quizás, quizás” (Có thể, có thể, có thể), “Historia de un amor” (Một chuyện tình), “Sin un amor” (Không có tình yêu), “Llorando se fue” (Rơi lệ khi anh rời xa)…

Sơ lược về lịch sử boléro có thể thấy, boléro có giá trị lịch sử lâu đời, không chỉ là di sản văn hóa của các nước latinh mà là di sản của văn minh nhân loại.

Ca sĩ Phi Nhung

2.Trước khi nói về giai đoạn hưng thịnh nhất của “dòng nhạc boléro Việt Nam” dưới chế độ ngụy quyền, phải lùi xa lại mới thấy sự phức tạp, chồng chéo của thời đại lịch sử tác động lên dòng nhạc này khiến nó có tới tận bốn tên gọi đồng nghĩa: “Nhạc vàng”, “nhạc boléro”, “nhạc sến”, “nhạc quê hương”.

“Nhạc vàng” là khái niệm những trí thức cánh tả Trung Quốc gọi thứ nhạc ủy mị, bi quan ở các đô thị Trung Quốc những năm 1930 khiến thanh niên thiếu ý chí cách mạng. “Nhạc vàng” thực chất là các ca khúc sử dụng điệu thức phương Tây nói chung như điệu valse chẳng hạn; lời ca toàn nói chuyện tình yêu trai gái, những tiếng thở dài về đời sống... “Nhạc vàng” nằm trong trào lưu lãng mạn phương Tây đến Việt Nam để sinh thành Thơ mới, văn xuôi lãng mạn của nhóm Tự lực Văn đoàn, tranh của các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương… Và nhất là các ca khúc ra đời thời Pháp thuộc với các tên tuổi nhạc sĩ: Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Hoàng Giác… Đúng ra phải gọi các ca khúc ra đời thời Pháp thuộc là “nhạc vàng” như cách gọi ở Trung Quốc nhưng ở ta thì lại gọi là “nhạc tiền chiến” nghĩa là sáng tác trước Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Khái niệm “nhạc vàng” sau đó lại được những người làm công tác tư tưởng của cách mạng đặt cho dòng nhạc trữ tình ra đời dưới chế độ ngụy (1955-1975), để phân biệt với “nhạc đỏ” - nhạc cách mạng.

Dưới chế độ ngụy quyền không chỉ có điệu nhạc boléro mà còn có rhumba, slow rock, habanera, tango... Nhưng vì ca khúc viết theo điệu boléro được hâm mộ nhất, được sáng tác nhiều nhất nên người ta gọi “dòng nhạc boléro” với hàm nghĩa cả một giai đoạn âm nhạc trữ tình ở miền Nam Việt Nam. Còn ở miền Nam dưới chế độ cũ, những người dân dùng từ “nhạc sến” bởi giai điệu chầm chậm, lời ca sến sẩm của “dòng nhạc boléro”.

Riêng với khái niệm “nhạc quê hương” là cách gọi của những người của chế độ cũ sau khi di tản ra nước ngoài gọi âm nhạc ra đời trước khi họ lưu vong để hoài hương. Mà như đã nói vì ca khúc theo điệu boléro thịnh hành nhất nên khái niệm “nhạc quê hương” cũng chính là để chỉ “dòng nhạc boléro”.

Đi sâu vào các sáng tác cụ thể, câu chuyện còn rắc rối hơn cho nên sự phân kỳ lịch sử và các tên gọi cũng không thể chính xác tuyệt đối. Nói là “nhạc tiền chiến” không có nghĩa tất cả ca khúc đều sáng tác trước ngày 19-12-1946 bởi Phạm Duy viết “Bên cầu biên giới” (1947), Hoàng Dương viết “Hướng về Hà Nội” (1950)… vẫn theo phong cách “nhạc tiền chiến” mặc dù đang ở chiến khu cách mạng. Hay như nhiều ca khúc ra đời trong chế độ cũ nhưng có tính cách mạng, phản chiến kêu gọi hòa bình, có giá trị tích cực như: “Thương quá Việt Nam” (Phạm Thế Mỹ), “Ta đã thấy gì trong đêm nay?”, “Nối vòng tay lớn” (Trịnh Công Sơn), “Hoa cài mái tóc” (Thông Đạt), “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh)…

Ca sĩ Lệ Quyên

3. Boléro du nhập vào Việt Nam những năm 1950 ở miền Nam Việt Nam. Theo nghiên cứu của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ca khúc theo điệu boléro đầu tiên là bài hát “Nắng chiều” của nhạc sĩ quê Quảng Nam Lê Trọng Nguyễn viết năm 1952.

Sự thành công của điệu boléro có thể lý giải chính nhờ tài năng của các nhạc sĩ tài danh như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Hoài Linh, Mạnh Phát... Vốn là điệu nhạc Nam Mỹ, boléro cùng với các điệu pasodoble, cha cha cha, waltz, tango... được sử dụng làm nhạc “tua” (tour) để cho người thành thị khiêu vũ. Nhưng để phổ biến cho rộng rãi dân chúng không có điều kiện đi “nhảy đầm”, các nhạc sĩ đã cách tân boléro gần gũi với dân ca, vọng cổ, cải lương ở miền Nam. Nhưng nét đặc biệt nhất của boléro Việt Nam là phần lời ca. Khác với lời ca của ca khúc tiền chiến mơ hồ như một bài thơ do ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn; mỗi ca khúc boléro lại kể một câu chuyện “rất đời”, dễ hiểu. Các ca khúc đã nói lên tâm sự, an ủi tâm hồn nhiều lớp người trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Sự cách tân boléro còn được đẩy lên cao với tài năng của các soạn giả như soạn giả Viễn Châu khi kết hợp tân nhạc (bài hát điệu boléro) với cổ nhạc (vọng cổ) thành một thể loại gọi là “tân cổ giao duyên”.

Boléro dễ nghe nhưng không dễ hát, đòi hỏi ca sĩ khi hát y như ca vọng cổ, phải có làn hơi dài để giữ hơi khi xuống giọng cho “ngọt”, “mượt” vì đặc trưng của boléro bao giờ cũng chậm dần và xuống thấp về cuối câu. Boléro ở Việt Nam được biến đổi nhiều luyến láy trong ca khúc nên người ca sĩ còn phải biết điều hơi, nhả chữ, chuyển giọng làm sao thật tự nhiên. Các ca sĩ thành danh thường không học thanh nhạc hàn lâm mà tự học thông qua sự hướng dẫn của các nhạc sĩ. Mỗi bài hát thường luyện hàng trăm lần, các ca sĩ cố gắng tìm ra cho được một vài điểm độc đáo trong luyến láy, nhả chữ trước khi thu thanh để không “đụng hàng”. Vì thế, mỗi bài hát thường “đóng đinh” với một ca sĩ như: “Thành phố buồn” với Chế Linh, “Những ngày xưa thân ái” với Duy Khánh, “Nỗi buồn hoa phượng” với Thanh Tuyền, “Nỗi buồn gác trọ” với Phương Dung, “Không bao giờ quên anh” với Giao Linh, “Mưa nửa đêm” với Thanh Thúy...

Phương Mỹ Chi và Trung Quang, hai ca sĩ hát boléro triển vọng hiện nay

4.Tìm hiểu lịch sử “dòng nhạc boléro Việt Nam” sẽ soi sáng thêm đời sống văn nghệ miền Nam dưới chế độ cũ.

Ngụy quân là những người có tiền, họ có thể chi tiền để mua bản nhạc, đi vũ trường, hay nghe cá khúc ở kênh Đài Phát thanh Quân đội thuộc hệ thống Đài Vô tuyến Việt Nam nên các nhạc sĩ viết tình ca cũng cố “đá” nội dung liên quan ngụy quân để có nhiều người nghe hơn, dễ nổi tiếng hơn và qua đó tiền bản quyền sẽ giúp họ giàu sang. Chẳng hạn bài hát “Tôi đưa em sang sông” của nhạc sĩ Nhật Ngân viết năm ông 19 tuổi, nói lên tâm sự khi người yêu đi lấy chồng. Bài hát rất hay với những lời ca trữ tình tuyệt vời: “Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần/ Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim”. Thế nhưng bài hát có câu: “Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời”. Nhiều người nói đùa nếu đổi “chiến binh” thành “thợ hồ” thì bài hát đã không bị cấm phổ biến trong thời gian dài. Sau này, bài hát được phổ biến trong nước là do các bầu sô, nhà sản xuất âm nhạc đổi từ “chiến binh” thành “cánh chim”.

Lại nói chuyện giàu sang thì chỉ cần có tài các nhạc sĩ viết boléro sẽ cực kỳ giàu có. Kỷ lục thuộc về ca khúc nổi tiếng “Thành phố buồn” (1970) của nhạc sĩ Lam Phương với tiền bản quyền lên tới 12 triệu đồng tiền chế độ cũ, có thể mua được 18 chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Lương Đại tá ngụy quân khoảng 50.000 đồng/tháng; tức là “Thành phố buồn” bằng 20 năm phục vụ quân ngũ. Dễ hiểu vì sao ai biết viết nhạc thì đều chăm chăm viết boléro.

Ở chế độ cũ, kiểm duyệt bài hát cũng gắt gao chứ không phải tùy tiện tự do sáng tác. Năm 1961, Bộ Thông Tin chế độ cũ ra lệnh cấm hai bài hát “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” trên toàn quốc vì cho rằng không có lợi cho chế độ. Tác giả hai ca khúc này là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông-một sĩ quan cao cấp của ngụy quân với quân hàm, chức vụ cuối cùng là Đại tá, Chánh Văn phòng Tổng tham mưu phó. Quân đội ngụy phạt tác giả 15 ngày trọng cấm, hoãn thăng quân hàm trong hai năm. Cho nên, Nguyễn Văn Đông phải sửa lại lời ca, sáng tác thể loại trữ tình boléro phải lấy bút danh khác. Các nhạc sĩ đang tại ngũ muốn viết boléro thì phải sáng tác “chui” với bút danh; còn nếu đàng hoàng dùng “tên cúng cơm” thì phải trình duyệt qua hệ thống kiểm duyệt quân đội ngụy nếu không sẽ vi phạm quân kỷ, bị kỷ luật nặng.

5. Cái nhìn về boléro hiện nay đã cởi mở hơn, nhiều ca khúc được phổ biến trong nước nếu không sử dụng để chiêu hồi, tâm lý chiến, ca ngợi chế độ cũ. Nhưng số phận dòng nhạc “buồn buồn” này chưa hết buồn khi bị làm mới quá đà. Người ta tổ chức nhiều cuộc thi hát boléro trên truyền hình, để cho “xô trò” mới tạo ra kịch tính để mua vui cho khán giả bằng nhiều chiêu, trong đó có làm mới boléro. Nhưng họ quên mất điểm cốt lõi là boléro được quần chúng yêu mến bởi tính bình dân! Khán giả cần nghe những giọng ca có “hồn”, có nội lực, kiên nhẫn luyện tập và biểu diễn biểu cảm. Họ nghe để ngấm, để được giai điệu lời ca vỗ về an ủi kiểu thanh niên nhà không có điều kiện yêu chân dài sẽ rất “thấm” khi nghe “Tội tình” của nhạc sĩ Hàn Châu (“Anh mang tội yêu em khi đời anh trắng bàn tay”); hoặc hoài nhớ một thời hoa mộng tuổi trẻ với “Trả lại thời gian” của nhạc sĩ Thanh Sơn (“Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi”)... Vậy nên khi một giọng ca xuống giọng ngang phè, không thể diễn đạt được cái “hồn” boléro, bèn tìm cách “đổi mới” để “lách” những đoạn khó hát. Rõ ràng, khán giả “ném đá” cũng có cái lý riêng, chứ không phải khán giả khó tính, “bắt nạt” ca sĩ trẻ.

Tất nhiên, ở thời đại tự do, những người thích “đổi mới” boléro, họ có quyền làm gì họ muốn. “Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”! Nếu đã biết lịch sử, vị trí, vai trò của boléro trong đời sống sẽ không có mấy niềm tin sự “đổi mới” bolero sẽ thành công!

D.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)