Gắn kết bằng tình bạn, đắm chìm trong những cảm hứng nghệ thuật , quay cuồng trong những đam mê, sẵn sàng lao vào những cuộc xung đột, cãi vã và đoạn tuyệt để rồi lại cố gắng hàn gắn/ kết nối… Một giai đoạn lịch sử sôi động của nghệ thuật, một thế hệ những nghệ sĩ tài năng vĩ đại… tất cả đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Nghệ Thuật. Đó là những gì trào lưu Siêu Thực đã đạt được.
Năm 1916. Cuộc Thế chiến Thứ nhất nhấn chìm Châu Âu trong bùn và máu. Đất nước Thụy Sĩ đã may mắn đứng ngoài cuộc xung đột. Và ở đó, một nhóm các nghệ sĩ bắt đầu tụ tập xung quanh một nhà thơ trẻ gốc Rumani-Tristan Tzara với tham vọng trở thành một trào lưu nghệ thuật mới. Những thử nghiệm và cách tân, thoạt đầu là những dòng suối nhỏ lẻ, đơn độc đã rất nhanh chóng hợp lại thành một dòng nước lũ quậy phá điên rồ mang cái tên “trào lưu Đa Đa”, một cái tên, theo như những người đã sáng lập ra nó khẳng định, là hoàn toàn vô nghĩa! Đó chỉ là một cách để chống đối, để san bằng và chôn vùi quá khứ. Trong số các tác phẩm của họ, người ta thấy những trục xe đạp hay những giá đựng ly bị vặn xoắn, cắt gọt méo mó. Mặc xác lí trí và lô gic! Tự do sáng tạo muôn năm! Phẩm chất số một của nghệ thuật phải là hài hước và nhạo báng! Họ thường tụ tập nhau tại một quán cà phê văn chương ở Zurich.
Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1919, họ nhóm họp lại ở Paris. Bị quyến rũ bởi ý tưởng của các thành viên Đa Đa, các chàng trai Pháp như André Breton, Philippe Soupault hay Louis Aragon đã cộng tác với họ. Nhưng đến năm 1920 cảm nhận chung cho thấy rằng Đa Đa đã tàn lụi. Việc nhạo báng các khuynh hướng bảo thủ, các tàn dư nghệ thuật cũ quả là các khoái cảm không nhỏ, nhưng nó chẳng mang lại được cái gì mới, nó chẳng xây dựng nên một cái gì…
Trào lưu Đa Đa tắt lịm từ đó.
Breton và Aragon năm 1929.
CUỘC HÒ HẸN BẠN BÈ
Các thành viên cũ của Đa Đa vẫn tiếp tục vẽ, viết, dựng kịch và phân phát truyền đơn… Họ rất thích gây sốc cho công chúng. Vào năm 1922, Max Ernst đã giới thiệu cả nhóm trên một bức tranh có nhan đề Hò hẹn bạn bè (Au ren-dez-vous des amis). Người ta dễ dàng nhận ra trong số đó gương mặt của Éluard, Aragon và Breton với chiếc khăng choàng đỏ và cái đầu to bự hơn những kẻ khác. Giorgio Chirico, họa sĩ người Ý được vẽ giống hệt như các bức tượng cổ điển mà anh thường đưa vào trong các bức tranh của mình. Nơi tụ bạ của họ: Paris, số 54 đường Château. Khuynh hướng nghệ thuật của nhóm ngày càng bộc lộ rõ nét hơn, nền tảng lí thuyết ngày càng củng cố hơn. Tất cả là nhờ vào những nỗ lực của André Breton. Thủ lĩnh của nhóm? Giáo chủ của giáo phái? Cha đỡ đầu của mỗi thành viên? Khó xác định rành mạch vai trò của Breton ở đây, nhưng một điều chắc chắn rằng anh có một sức lôi cuốn kì lạ đối với những người xung quanh và với công chúng.
Bức tranh Cuộc hò hẹn bạn bè (sơn dầu) được Max Emst vẽ năm 1922.
Năm 1924 , bản Tuyên Ngôn Siêu Thực đã ra đời.
Trong bản tuyên ngôn dài hơn 50 trang này, Bréton đã đặt tên cho khuynh hướng nghệ thuật mà họ đang sáng tạo là “Chủ Nghĩa Siêu Thực” với một định nghĩa nhại lại tự điển: “Chủ Nghĩa Siêu Thực (danh từ. giống cái): Một dạng thức tự động của tâm thức, trong đó chúng ta cố gắng bộc lộ rõ sự vận hành thực sự của trí não chúng ta…”. Những nghệ sĩ siêu thực xuất phát từ tiền đề rằng tất cả những quy tắc đang ngự trị, đang được công nhận từ trước đến nay trong nghệ thuật là những sợi dây trói, những vật cản trên con đường sáng tạo thực sự của họ. Họ yêu cầu tâm thức phải được cởi bỏ khỏi mọi ràng buộc, mọi kiểm soát và thể hiện theo một cách tự do tuyệt đối nhằm đánh thức một “hiện thực” khác, một thứ hiện thực của vô thức. Đó là những thứ chúng ta đã sáng tạo ra trong các giấc mơ, trong những ảo giác, trong cơn mơ cuồng… Để làm được điều đó, họ đã sáng tạo ra những kĩ thuật mới như “thây-ma-tao-nhã” (1) hay lối viết/ vẽ tự động. Nguyên tắc: Hãy viết hay vẽ nhanh hết mức sao cho lí trí của chúng ta chưa kịp có thời gian để kiểm soát chúng.
TÌNH YÊU VÀ NHỮNG XUNG ĐỘT
Các nghệ sĩ siêu thực cũng đã tìm ra cho mình một bậc thầy để tôn thờ: Giorgio de Chirico. Với André Brẻton, họa sĩ người Ý này đã nắm bắt được những bí ẩn của sáng tạo: Bầu không khí trong các bức tranh của ông luôn giống như trong một giấc mơ. Mỗi một tác phẩm của ông luôn đem đến cho chúng ta một cảm xúc kì lạ, choáng váng và kinh hãi. Ánh sáng trĩu nặng, những khối nhà cứ lặp đi lặp lại kéo dài vô tận tạo cảm giác trống rỗng đến tuyệt vọng. Những bóng đen kì dị dựng đứng hay đổ nghiêng nên nền đất… Vào năm 1922, các nghệ sĩ siêu thực đã tổ chức một cuộc triển lãm để vinh danh ông.
Tác phẩm Niềm kinh hãi đợi chờ (sơn dầu) của Giorgio de Chirico, được vẽ năm 1914.
Quãng thời gian sau đó, các nghệ sĩ siêu thực vẫn tiếp tục háo hức và cuồng nhiệt sáng tạo trong một bầu không khí như lên đồng. 3 năm sau đó, một cuộc triển lãm tập thể của các nghệ sĩ siêu thực đã ra mắt công chúng: một số người thì vẽ, vài người viết, nhiều người lao vào sân khấu, nhiếp ảnh hay cắt dán, sắp đặt…. Theo thời gian, nhiều các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới dần đến gia nhập băng nhóm như họa sĩ người Bỉ Magritte hay họa sĩ Tây Ban Nha Dalí. Tất cả đều muốn tạo ra một thứ nghệ thuật khác biệt so với những gì người ta nhìn thấy trong thực tế, nhưng mỗi người lại thực hiện điều đó theo những cách thức riêng biệt của mình. Sự tìm kiếm, sục sạo theo các hướng quá khác biệt nhau như thế càng ngày càng làm cho tính thống nhất của nhóm trở nên mong manh và dễ đổ vỡ. Chirico, họa sĩ được tôn sùng trước đó, cuối cùng lại trở thành đối tượng bị căm ghét sau khi ông thay đổi phong cách và chối bỏ các tác phẩm thời trẻ của mình. Vào năm 1928, nhóm siêu thực tổ chức một cuộc “phản-triển lãm” mang cái tên là “Mai táng Giorgio de Chirico”. Một vụ chôn cất thực sự. Giai đoạn này cũng phản ánh những xung đột va chạm trong lịch sử của chủ nghĩa Siêu Thực: Breton quần thảo với Masson, Giacometti và Dalí bị trục xuất khỏi nhóm. Những cuộc tranh luận/ cãi vã đó đã khiến Breton liên tục phải sản xuất các văn bản lí thuyết mới, bắt đầu bằng Tuyên ngôn thứ hai của Chủ nghĩa Siêu Thực vào năm 1930.
CHINH PHỤC THẾ GIỚI
Trong thời gian đó, trào lưu Siêu Thực tiếp tục lan tỏa ra bên ngoài nước Pháp. Thoạt đầu nó phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu, nơi các nhóm siêu thực đua nhau xuất hiện ở Bỉ, Hà Lan, Đức... Những cuộc triễn lãm quốc tế của trường phái Siêu Thực được tổ chức rầm rộ ở Luân đôn, New York vào năm 1936, ở Nhật vào năm 1937. Trên hành trình của mình, không hiếm lần các nghệ sĩ châu Âu bắt gặp những nghệ sĩ siêu thực thực sự, những tài năng lớn như Frida Kahlo ở Mexique, thậm chí ở Nhật như Harue Koga. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, nhiều nghệ sĩ siêu thực đã chạy trốn khỏi châu Âu để tị nạn ở Mĩ và công chúng Mĩ lại có thêm cơ hội để tiếp xúc với các tác phẩm siêu thực. Trở về Pháp vào năm 1946, Andre Bréton đã nỗ lực tìm cách tập hợp lại các nghệ sĩ siêu thực thành một nhóm như trước kia, nhưng Trào lưu Siêu Thực lúc đó thực sự không còn là một nhóm nghệ thuật gắn kết và đồng nhất như trước nữa, giống như một chùm rực rỡ các ngôi sao tài năng đang tỏa sáng trên bầu trời, các nghệ sĩ siêu thực chia sẻ cùng nhau những ý tưởng nhưng mỗi người lại nuôi dưỡng tài năng của mình theo một cách rất riêng và theo đuổi những hành trình riêng biệt. Andre Bréton mất vào năm 1966, cái chết của ông là dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa Siêu Thực với tư cách một trào lưu nghệ thuật. Nhưng với lịch sử, chủ nghĩa Siêu Thực mãi mãi là một cuộc cách mạng có một không hai, kéo dài trên 40 năm và làm thay đổi đến tận gốc rễ các quan niệm về nghệ thuật và sáng tạo
DƯƠNG THẮNG
--------
1. Để giải phóng trí tưởng tượng và tạo ra các tác phẩm gây ngạc nhiên và đầy ấn tượng, các nghệ sĩ siêu thực đôi khi cầu viện đến sự ngẫu nhiên. Một trong những trò chơi ưa thích là nhiều người cùng tham gia viết và chắp thành một câu, từng người không được phép biết người trước đó đã viết gì, câu đầu tiên các nghệ sĩ siêu thực đã tạo ra là: “các thây ma-tao nhã-sẽ uống-chai-vang-mới”
VNQD