Vai trò của báo chí trên lĩnh vực tư tưởng ở nước ta hiện nay

Thứ Năm, 20/10/2022 00:40

. TRƯƠNG THỊ KIÊN
 

Ở bất kì quốc gia nào, để tập hợp sức mạnh, đủ khả năng lãnh đạo, chi phối hoạt động của tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, ngoài quyền lực về kinh tế, chính trị, quân sự, giai cấp cầm quyền còn phải có quyền lực về tư tưởng. Quyền lực này được hiểu là năng lực chi phối tư tưởng, tinh thần, văn hoá của quần chúng nhân dân, góp phần làm cho hệ tư tưởng của tầng lớp lãnh đạo trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đại bộ phần quần chúng nhân dân. Từ đó, giúp tập hợp, tổ chức quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, phát triển xã hội theo con đường mà Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn.

Chính vì vậy, báo chí - với tư cách là một trong những công cụ, phương tiện lãnh đạo của giai cấp cầm quyền - tất yếu phải thực hiện chức năng tư tưởng.

Ở nước ta, chức năng tư tưởng của báo chí cách mạng Việt Nam là truyền bá hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những đường lối, chủ trương, chính sách, những lí tưởng và mục tiêu cách mạng cao cả, đúng đắn của Đảng, làm cho hệ tư tưởng này thấm nhuần vào đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành hệ tư tưởng thống nhất, chủ đạo.

Tại Đại hội Đảng khóa X, Nghị quyết Trung ương 5 đã nhấn mạnh: Công tác tư tưởng, lí luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; và, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; phải làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lí tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới... chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.

Từ định hướng đó, vai trò của báo chí đối với công tác tư tưởng được thể hiện trên các bình diện sau:

1. Báo chí Việt Nam là công cụ, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho Đảng thực hiện thành công mọi nhiệm vụ cách mạng

Ngay từ thời điểm báo chí cách mạng Việt Nam ra đời năm 1925 đến nay, báo chí luôn thực hiện nghiêm túc chức năng tư tưởng, luôn là một công cụ, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện thành công mọi nhiệm vụ cách mạng. Qua báo chí, Đảng, Nhà nước nắm bắt được tình hình thực tế của đất nước trên mọi phương diện, từ đó kịp thời đưa ra những chủ trương, chính sách, luật pháp, xây dựng chiến lược, sách lược phát triển đúng, trúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Báo chí thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, đúng định hướng nội dung các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các văn bản này được triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả. Hầu như tất cả các dự thảo luật quan trọng, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành... đều được công khai thông tin trên báo chí. Sau mỗi kì Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, họp báo Chính phủ thường kì…, các báo đều đưa nhiều thông tin về các chủ trương, quyết sách đã được thông qua và tình hình tổ chức phổ biến, triển khai tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Không những thế, qua báo chí, nhân dân còn có thể đóng góp ý kiến, phản biện các dự thảo luật, các chính sách, giúp Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới. Những loại thông tin này góp phần tạo dư luận, gây áp lực và buộc các cơ quan chức năng phải điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc mới nảy sinh, sửa đổi, ban hành chính sách phù hợp.

2. Báo chí truyền bá hệ tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tới quần chúng nhân dân, làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo trong toàn bộ đời sống xã hội

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, giúp Đảng tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kì mới. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thế giới quan khoa học của chủ nghĩa xã hội cho quần chúng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của báo chí cách mạng Việt Nam. Những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng như Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những ngày lễ trọng như ngày thành lập Đảng, ngày sinh C.Mác, Ănghen, Lênin, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Quốc khánh, ngày giải phóng Thủ đô, ngày thống nhất đất nước... là những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cả nước, trong đó, báo chí có vai trò như “trường học từ xa”, như “phương tiện” để trung chuyển những tư tưởng chính trị cách mạng vĩ đại, những trang sử truyền thống chói lọi giá trị về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, sức mạnh dân tộc và thời đại tới quần chúng nhân dân. Tuyên truyền sâu rộng hệ tư tưởng, các sự kiện lịch sử dân tộc, lặp đi lặp lại những luồng thông tin này như “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với phân tích, giải thích, động viên là phương thức đúng đắn mà báo chí đã thực hiện trong hàng chục năm qua, từ đó, giúp hệ tư tưởng cách mạng trở thành hệ tư tưởng chính thống của toàn dân tộc Việt Nam.

3. Báo chí thông tin, tuyên truyền kịp thời các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân

Hầu như tất cả các dự thảo luật quan trọng, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành... đều được công khai thông tin trên báo chí. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, toàn văn Hiến pháp sửa đổi, Luật Báo chí 2016, Luật Biển đảo, những chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, những quyết sách về y tế, giáo dục... đều được thông tin kịp thời, chính xác, chuyển tải đa chiều đến quần chúng nhân dân, giúp họ nắm bắt, thấm nhuần và tự giác thực hiện. Không những thế, nhân dân còn có thể đóng góp ý kiến, phản biện các dự thảo luật, các chính sách, giúp Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới sao cho sát hợp với quy luật phát triển và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trên thực tế, báo chí đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhà báo trở thành những “tuyên truyền viên”, “thông tin viên” tích cực, tận tâm, đem lại hiệu quả sâu rộng.

Các nhà báo quân đội

4. Báo chí trang bị cho quần chúng nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ, tích cực, giúp họ nhận thức đúng đắn các hiện tượng, bản chất, sự kiện đang diễn ra trên thực tế và định hướng hành vi bản thân hợp lí

Báo chí là một trường học rộng lớn, một kho tàng tri thức khổng lồ. Thông tin báo chí về mọi lĩnh vực, mọi vấn đề được kiểm chứng, hơn thế, còn đa dạng, phong phú, hấp dẫn, sinh động... nhờ đó, báo chí là phương tiện truyền thông có lượng tiếp nhận đông đảo nhất trong tương quan so sánh với các loại hình truyền thông đại chúng khác. Báo chí trang bị cho công chúng những tri thức về xã hội, về loài người, tri thức văn hóa, khoa học, kĩ thuật, tri thức chính trị..., giúp mỗi người hình thành cho mình một thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, khoa học, hình thành một “màng lọc”, nhận thức được chân lí, điều hay, lẽ phải, những điều nên làm, những hành vi nên tránh... Không chỉ thông tin về các sự kiện, hiện tượng, vấn đề đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống xã hội, nhà báo còn phân tích, bình luận, kiến giải dưới góc nhìn vừa rộng mở, đa chiều, vừa có định hướng. Từ đó, công chúng lĩnh hội được tri thức, mở rộng tầm hiểu biết, nhận thức rõ chân giá trị, tự nguyện, tự giác thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

5. Báo chí tham gia đấu tranh chống lại các quan điểm phản động, các động thái gây hấn từ bên ngoài để bảo vệ Đảng, Nhà nước, dân tộc

Trong bối cảnh mạng xã hội và các hình thức truyền thông trên internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các thế lực thù địch luôn lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin xuyên tạc nhằm công kích, tấn công, bôi nhọ lãnh tụ, chống phá chế độ. Những năm gần đây, hoạt động của các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân chống đối có nhiều diễn biến phức tạp, leo thang. Hiện nay, có hàng trăm trang mạng phản động xuyên tạc bịa đặt, thêu dệt nhiều loại thông tin, công khai ý đồ lật đổ chính quyền. Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí như nguồn thông tin chính thống, chính xác, tin cậy, đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin cho công chúng. Công chúng được tiếp cận với nhiều bài viết đanh thép, giàu tính khoa học và trí tuệ, lột trần bản chất sai trái của các thế lực thù địch. Nhiều bài viết đã đi vào trái tim, khối óc của hàng triệu độc giả như Trái với chức phận, đi ngược lại lợi ích dân tộc (báo Quân đội nhân dân), Gửi ông không muốn làm người Việt (báo Thanh niên)... Báo chí đã vạch trần thủ đoạn bán nước, hại dân của các phần tử phản động, đồng thời, cảnh báo những hành vi tương tự có thể xảy ra. Bằng những bài viết chính thống, nguồn tin rõ ràng, giọng điệu mạnh mẽ, đanh thép, phân tích các vấn đề, sự kiện thực tiễn trên cơ sở tuân thủ đúng Hiến pháp và quy định của pháp luật, báo chí đã tạo được một lá chắn vững chắc để nhân dân miễn nhiễm với những luận điệu thù địch, mưu đồ phản động, bảo vệ vững chắc thành trì cách mạng được Đảng ta dày công gây dựng, bảo vệ, giữ gìn.

6. Báo chí giám sát và phản biện cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đảm bảo chính trị vận hành trơn tru, góp phần đáng kể tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thông qua tai mắt của nhân dân, thông qua dư luận xã hội, báo chí giám sát hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, mà trước hết là các cơ quan, tổ chức quyền lực của bộ máy Nhà nước, những cá nhân lãnh đạo, quản lí trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế. Thông qua giám sát, báo chí phát hiện cái đúng, cái hay để biểu dương, khích lệ, động viên, nhân rộng, tổng kết thực tiễn; kịp thời phát hiện sai phạm, những biểu hiện tiêu cực của các tổ chức, cá nhân để phản đối, đấu tranh, góp phần giúp các cơ quan chức năng xét xử đúng người đúng tội; giúp Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Cùng với việc trực tiếp giám sát, báo chí trở thành diễn đàn để tất cả mọi công dân, tổ chức... thể hiện quyền giám sát và quản lí xã hội, giải quyết các vấn đề chung của đất nước. Nhờ có báo chí, nhân dân được bày tỏ quan điểm, ý kiến, thể hiện tài năng, tâm huyết, trí tuệ, tham gia vào các tiến trình xã hội, giải quyết nhiều vấn đề chung của đất nước.

Có thể khẳng định, sự ổn định về chính trị ở nước ta hiện nay, nhận thức chính trị, thái độ chính trị và hành vi chính trị đạt đến độ thống nhất cao của nhân dân Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động tích cực của báo chí đến đời sống chính trị Việt Nam. Ngược lại, sự phát triển mạnh mẽ, tự do của báo chí, đặc biệt trong những năm gần đây, cũng là bằng chứng xác thực nhất để khẳng định báo chí được Đảng, Nhà nước vô cùng quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển. Giữa báo chí và chính trị có mối quan hệ gắn bó mật thiết, biện chứng. Báo chí chỉ có thể phát triển khi có một thể chế chính trị tự do, công bằng, tiến bộ, vì lợi ích của dân tộc và nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của báo chí đối với chính trị cũng như mối quan hệ hai chiều giữa báo chí và chính trị cần được tiếp tục phát huy.

T.T.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)