Phan Xuân Hải là thế đấy

Thứ Bảy, 24/09/2022 00:14

. HOÀNG VŨ THUẬT
 

Nằm yên tĩnh dưới tán cây vườn rậm mát phía trái sân, gần lối ra cổng là một ngôi mộ. Thoạt đầu khách không biết dễ nhầm ngôi mộ cổ, vì thân mộ đã rêu phong, cỏ trên mặt quanh năm xanh tươi. Nếu để ý sẽ thấy bình hương dưới chân mộ bao giờ cũng có những chân hương vừa được đốt lên chưa lâu, trên đầu dựng tấm bia nhỏ với dòng chữ: “Cô Nguyễn Thị Kỳ, sinh..., mất ngày 17/1/1981”. Đó là ngôi mộ vợ ông - nhà giáo, nhà viết kịch, họa sĩ không chuyên Phan Xuân Hải. Buồn vì sự ra đi của người vợ hiền - người bạn cùng quê - do chứng tim mạch, làm ông hoàn toàn hụt hẫng. Đúng một năm sau ông xin về hưu để có điều kiện chăm sóc mấy đứa con, thường ngày lại được ở bên cạnh mộ phần của vợ. Lúc ấy ông mới bước sang tuổi bốn mươi chín.

 

Ngày tới nhà Phan Xuân Hải lần đầu, hiểu sự việc, tôi lấy làm cảm phục. Phải là người thế nào mới làm một việc mà cả cái thị trấn Ba Đồn đông đúc này không ai làm như thế. Từ ấy thỉnh thoảng tôi ra thăm và ở lại cùng ông. Có những đêm rất khuya, dưới ánh trăng bàng bạc, chúng tôi ngồi ngoài hiên cách ngôi mộ mấy bước. Trong tiếng rả rích của loài côn trùng tôi thấy mình như đang ở chốn thâm u nào. Thỉnh thoảng một chiếc lá rơi, một con chuột ngang qua… đủ làm tôi giật mình. Tôi biết lúc ấy lòng ông đang hướng về ngôi mộ, đang trò chuyện trong hư vô với người vợ quá cố của mình.

Phan Xuân Hải sinh năm 1933, quê tận làng Ước Lệ, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An, xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông nội Phan Xuân Hải đậu tú tài, hàm Hàn lâm Cung phụng. Ông nội với bà Hoàng Thị Loan là bạn con dì. Ông Khiêm và bà Thanh là cháu gọi ông nội bằng cậu. Sau Cách mạng hai người thường lui tới thăm cậu, cùng thông tin cho nhau nghe tin tức thời cuộc. Tôi tò mò hỏi ông như để khẳng định những gì mình hiểu:

- Em được biết gia đình anh có quan hệ với Cụ Hồ, sao anh không ở lại xứ Nghệ, hoặc ra Bắc, lại phải trôi dạt vô đây? Quảng Bình là đất Ô Châu mà?

- Đúng vậy, nhưng mình sống phải tự lực, mình mới là mình.

Hồi đó bố mẹ Phan Xuân Hải đi làm ăn xa, vô tận Sài Gòn. Anh em ông khôn lớn một chút đều về ở với ông bà nội. Cách mạng thành công không bao lâu, toàn quốc bước vào kháng chiến, bố mẹ kẹt lại trong ấy. Cảnh nhà bắt đầu sa sút. Mấy anh em phải vừa làm vừa học, lúc thì dạy thêm trong các kì nghỉ hè, khi làm gia sư cho gia đình khá giả. Không khí kháng chiến như trống giục nơi làng quê, thôi thúc cậu bé vốn hiếu động, ham hiểu biết khám phá, muốn được như người lớn. Thế là Phan Xuân Hải nhanh chóng nhập cuộc. Chàng trai trẻ măng, đẹp trai nhất làng ấy trở thành diễn viên văn nghệ làng xã. Đội văn nghệ từ chỗ biểu diễn phục vụ các thôn trong xã, dần dần lan rộng đến các xã bạn. Năng khiếu sân khấu bộc lộ trong con người ông có lẽ bắt đầu từ bấy.

Mười bảy tuổi, cậu học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng thi vào trường Sư phạm Liên khu Bốn. Học giỏi toàn diện, lại được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trực tiếp giảng dạy, dìu dắt, Phan Xuân Hải càng say mê nghệ thuật sân khấu. Ông ham đọc tác phẩm của các tác gia sân khấu thế giới và trong nước, từ Shakespeare, Corneille, Sophocles, Racine, Miller cho đến Brecht, Quách Mạt Nhược, Nguyễn Huy Tưởng… Hiện thực nơi ông sống như một kịch trường vừa bi vừa hùng, vừa hiện thực vừa lãng mạn đã gợi mở giúp ông sáng tác vở kịch dài năm màn về đề tài giảm tô và cải cách ruộng đất, dưới sự chỉ đạo của thầy Cẩn. Vở kịch được dàn dựng ngay khi bản thảo đặt dấu chấm kết thúc. Như được tiếp sức, ông cùng bạn bè ở Nghi Lộc, quê hương người vợ sau này, tổ chức dàn dựng vở Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng. Có thể xem đây là bước quyết định để ông đặt chân vào địa hạt sân khấu ở tuổi mười tám đôi mươi.

Ra trường với bằng tốt nghiệp loại ưu, xếp A1 duy nhất, không ra Bắc như một số bạn bè khuyên bảo, Phan Xuân Hải xung phong vào giảng dạy ở Bình Trị Thiên khói lửa, ấy là cuối năm 1953, thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp mạnh mẽ khắp đất nước. Đầu tiên ông dạy học ở trường Ròn, nhưng địa điểm đóng tại xã Quảng Châu, vùng tự do, không bao lâu chuyển lên Liên Việt, Lệ Sơn. Ngày tiếp quản thị xã Đồng Hới được Ty Giáo dục điều động về trường thu dung Chơn Phước Thượng, sau đổi thành Đào Duy Từ, một trường có tiếng thời ấy, rồi tiếp tục tăng cường về các huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, quay lại định vị ở Ba Đồn, huyện Quảng Trạch cho tới ngày ông xin hưu.

Ở đâu Phan Xuân Hải cũng nổi tiếng là người thầy dạy giỏi, đa năng nghệ thuật. Các tác phẩm văn học như Tắt đèn, Bước đường cùng, Võ Thị Sáu, Hòn Đất… hay một số vở kịch lớn trong và ngoài nước như Viên Quận tưởng, Chiếc vali, Cửa sổ cuối cùng… được ông chuyển thành kịch bản, hoặc dàn dựng, tổ chức biểu diễn trên sân khấu nhà trường và nhiều nơi khác mà chính ông vừa là đạo diễn vừa là diễn viên. Nhờ vậy, không khí văn chương luôn sôi động. Đêm trong làng trong xã nhộn nhịp cứ như có đoàn văn công đến diễn. Học sinh say mê môn văn, chuyền nhau đọc tác phẩm văn học như món quà trao tặng hiếm quý. Nhiều người sau này trở thành giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn nhà thơ tiếng tăm.

Những năm 1970 Phan Xuân Hải cho ra mắt vở Đợi khi nào nữa mạ, nhân vật chính là hai anh em ruột cùng tranh nhau xung phong tòng quân. Sự giằng co và diễn biến tâm lí nhân vật thể hiện khí thế thi đua ra chiến trường, quyết tâm đánh Mĩ của mọi gia đình ở hậu phương. Tại hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, vở kịch được tặng giải A duy nhất. Từ đấy Phan Xuân Hải càng đam mê sáng tác; bên cạnh viết kịch bản, ông còn viết cả truyện ngắn, phê bình văn học. Phê bình của ông có chính kiến, phát hiện nhiều vấn đề mới, khen chê rõ ràng, không a dua xu thời.

Đến năm 1986, tại Trại viết Sịa do Sở Văn hóa - Thông tin và Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên tổ chức, Phan Xuân Hải lại cho ra đời vở Thế đấy, hiểu không, lập tức được tạp chí Sông Hương in cùng năm. Thế đấy, hiểu không (sau đổi tên Vở kịch vẫn được diễn) có thể xem là tác phẩm sân khấu về đề tài chống tiêu cực được khởi xướng lần đầu tiên ở Bình Trị Thiên, khi văn nghệ bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới.

Lúc ấy, tôi đang công tác ở Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, các nhà viết kịch Hồ Ngọc Ánh, Xuân Đàm, Ngọc Tranh và tôi tham gia đọc bản thảo kết thúc Trại viết Sịa. Các anh ấy đánh giá khá cao chất lượng kịch bản của Phan Xuân Hải. Được mời góp ý, tôi nói: “Thế đấy, hiểu không đã đưa Phan Xuân Hải đứng vào vị trí các nhà viết kịch hiện nay. Ngôn ngữ kịch bản đậm chất văn học, sang trọng. Đây là bước chuyển có tính đột phá nhất định trước yêu cầu đổi mới.” Thành công này là cái mốc rất quan trọng để Phan Xuân Hải tiếp tục cho ra đời Quách Xuân Kỳ, Lòng mẹ, Vòng tay yêu thương, Đi tim địa chỉ đỏ, Phác thảo một tượng đài, Chuyến hàng cuối năm, Ngôi nhà có ma… tập hợp thành tuyển tập tác phẩm sân khấu Vở kịch vẫn được diễn do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 2003. Một năm sau, Vở kịch vẫn được diễn nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng Lưu Trọng Lư lần thứ ba (2000 - 2005).

Ở vào cái tuổi cổ lai hi Phan Xuân Hải mới chính thức là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Có muộn hay không? Đối với nghệ thuật chẳng có gì muộn cả, chẳng có gì sớm cả, tôi nói với ông. Bao nhiêu nhà sân khấu ở vào tuổi như ông họ đều là những người già cả rồi, vì không viết được nữa, còn ông viết khỏe sắc sảo không thua lớp trẻ. Quả không sai, một ngày giữa năm 2008, bật tivi bất ngờ gặp Người gác cổng - vở kịch nói về chuyện tiêu cực trong trường học đương thời, tôi chợt nhớ lại năm 2005 cũng tình cờ thế này xem được Cây si già của ông. Nghệ thuật là vậy, không phải là già hay trẻ, mà chỉ có hay hoặc dở mà thôi.

Tôi lại hỏi Phan Xuân Hải:

- Có người gọi anh là họa sĩ nữa mà?

Ông đáp trả ngay lập tức:

- Tôi không phải là họa sĩ, tôi chưa bao giờ là họa sĩ cả. Nhưng tôi rất thích vẽ. Hồi bảy, tám tuổi, cụ thân sinh tôi mỗi lần đi xa về, quà cho tôi bao giờ cũng là những hộp màu và giấy vẽ.

Phan Xuân Hải nói rất thật, đúng với lòng mình. Ông không phải là họa sĩ, nhưng trong nhà ông đầy những khung tranh, những tấm toan trắng, những tuýp màu, cọ vẽ ngổn ngang. Ông chỉ vẽ độc nhất chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đứng một mình giơ tay vẫy chào, khi quây quần giữa các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ, ngồi đọc báo hay bên chiến sĩ ngoài chiến trường… Những bức tranh Cụ Hồ sao lại, hoặc bổ sung thêm đường nét, động thái mới, giản dị trong màu áo, sống động anh minh trên gương mặt, được phóng to như người thật. Ông gửi lòng mình trong từng mảng màu ấm áp, làm sao thể hiện lên đầy đủ cốt cách của vị lãnh tụ mà đôi lần bản thân nghe được trong những cuộc đàm đạo giữa ông nội với bà Thanh và ông cả Khiêm hồi Cách mạng vừa thành công. Nhiều đêm đang ngủ, ông chợt thức dậy, bật đèn, lại sửa chữa một chút nơi chòm râu, hay vệt khói thuốc đang lơ lửng, chiếc quai dép cao su bình dị... của Bác. Trước mặt ông là một vĩ nhân, một danh nhân văn hóa nhưng lại bình thường gần gũi như mọi người. Ông không phải là họa sĩ, bởi họa sĩ là người sáng tạo ra cái mới, nhiều đề tài, khát vọng khác nữa. Đối với ông, mục đích thiết tha là làm sao hình ảnh Ông Cụ có khắp mọi nơi, đầm ấm, nương tựa, thức tỉnh con người với con người.

Tôi không ngờ trong đời Phan Xuân Hải đã thể hiện tới bảy mươi bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tranh của ông được đặt trang trọng trong các phòng họp, hội trường, rước trên đường làng, vào đến cơ quan Ty Giáo dục, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Thừa Thiên-Huế ngày mới giải phóng, ra tận các văn phòng cơ quan, ban ngành Trung ương, lên các trường học trên bản làng xa xôi...

Còn nhớ năm 1973, Huyện đội Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị muốn có bức tranh Bác Hồ cỡ 1,8 x 1,3 mét đặt ngay trước cổng hội trường mới dựng, bên bờ sông Thạch Hãn, ranh giới tạm thời sau Hiệp định Paris, để đón tiếp “người chiến thắng trở về”. Thế là Phan Xuân Hải vẽ năm ngày đêm liên tục, mà phải vẽ bằng sơn gỗ, lúc ấy ở Quảng Bình tìm đâu ra một tuýp sơn dầu. Trong số những người tù từ Côn Đảo trở về có nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á, người thường xuyên được chụp ảnh Bác Hồ. Duyên nợ thế nào Bùi Á cùng một đơn vị chiến thắng về nghỉ ở chợ Chè làng tôi nửa tháng liền. Thế là hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, chúng tôi gặp nhau. Bùi Á kể: “Không biết họa sĩ nào vẽ Bác sắc sảo đến thế. Ở bờ nam thấy Bác giơ cao tay vẫy, lòng đã ấm lại. Vừa đặt chân lên bờ là ôm nhau mà khóc, khóc rưng rức không ai kìm được để hỏi han đôi chút, tôi cũng không kịp tìm nơi góc tranh xem họa sĩ nào, biết đâu của bạn mình để ra Hà Nội có cái mà khoe.” Tôi không ngờ rằng ba mươi lăm năm sau hai câu chuyện lại được kết nối cứ như hai nửa mẩu vật thiêng liêng của đôi người yêu ghép lại.

Tâm nguyện của Phan Xuân Hải là khi bước vào tuổi tám mươi, làm sao có được cuộc triển lãm tranh chân dung Bác Hồ và sẽ dành trọn những gì có được cho quỹ “Trái tim cho em” mà trên truyền hình thường xuyên kêu gọi. Cứ sau mỗi lần xem chương trình, lòng ông lại nhói lên, nhớ tới những cơn đau tim của người vợ quá cố. Ông nghe mơ hồ từ xa thẳm “Trái tim cho em… trái tim cho em…” như sự hối thúc, day dứt tha thiết vọng về.

Thú thực nhiều lần tôi tự hỏi, các bức tranh của Phan Xuân Hải nên xếp vào ngăn nào trong ngành mĩ thuật, để đánh giá cho đúng tài năng ông. Và tôi cũng tìm cho mình câu trả lời, không, ông không xếp vào ngăn nào trong mĩ thuật cả. Nhưng có một điều chắc chắn, các tác giả mĩ thuật phải cám ơn ông, bởi trong kĩ thuật pha chế màu, độ đậm nhạt của đường nét đã đạt tới sự tinh luyện, làm cho tranh của ông luôn có hồn vía. Tay bút có thần mới thể hiện được như vậy. Kĩ thuật màu sắc, độ xa gần, tối sáng… có thể nói không chê vào đâu được. Tôi đem chuyện này hỏi nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, anh bảo đúng thế, về kĩ thuật Phan Xuân Hải là bậc thầy. Tôi nói vui, phải gọi đây là một trường phái mới, trường phái Phan Xuân Hải.

Ở đời, mỗi người đều mong tìm cho mình một việc làm hữu ích, một niềm đam mê sang trọng. Niềm kính yêu chân thành dẫn Phan Xuân Hải đi và ông đã tới nơi mình mong muốn. Khi xem chương trình Chúng tôi nói về chúng tôi trên sóng truyền hình quốc gia phát đi phim ngắn Vẽ Bác, niềm say mê của tôi, tôi nghĩ về ông như một họa sĩ dân gian hiện đại. Nghệ thuật nơi ông là nghệ thuật của tình yêu và ý tưởng. Ông không là họa sĩ bước lên đài vinh quang sáng tạo, mà là một tài tử nghệ thuật. Một tài tử thôi dễ gì có được, khi họ sống trong lòng mọi người với tình yêu riêng có.

Thế đấy Phan Xuân Hải, con người của đôi vai bền bỉ - một vai dạy học, một vai nghệ thuật. Ông đã chối từ chốn phồn hoa thành phố, những vùng đất hội tụ tao nhân mặc khách, để đi từ đầu cho chí cuối với người bạn trăm năm, nơi mảnh đất cùng lựa chọn làm quê hương thứ hai cho mình. Tôi tin Quảng Bình biết ơn ông, coi trọng những gì ông cống hiến, như người ta coi trọng người làm vườn để lại những mùa quả chín. Còn tôi, tôi luôn xem ông là một người thầy, một người anh quý mến. Vậy mà, năm 2010, Phan Xuân Hải đột ngột ra đi ở tuổi bảy mươi bảy, lúc mà tâm nguyện về một cuộc triển lãm tranh chân dung Bác Hồ để góp quỹ “Trái tim cho em” của ông chưa kịp thực hiện. Đã mười hai năm không còn ông bên cạnh những lúc tôi đau khổ dằn vặt, như những đêm khuya ngồi dưới ánh trăng bàng bạc bên ngôi mộ để nghe sâu thẳm tiếng lòng của nhau.

H.V.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)