Cùng với Haruki Murakami và Ryu Murakami, Banana Yoshimoto được coi là một trong ba tác giả tiên phong, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến việc đổi thay diện mạo văn học Nhật Bản đương đại. Cô đã tạo nên cả một “cơn sốt” có tên “Banana Gensho” (Hiện tượng Banana) trên văn đàn. Và khởi nguồn của cơn sốt ấy, chính là tiểu thuyết Kitchen, tác phẩm đánh dấu, gắn liền với tên tuổi Banana Yoshimoto. Ở đó, biểu tượng căn bếp xuyên suốt như hàm chứa trọn vẹn thiên tính nữ nhiều mâu thuẫn đã trở thành nét đặc trưng trong văn chương Banana Yoshimoto.
Cô gái Sakurai Mikage mất bà, trải qua những ngày chỉ có thể kiếm tìm giấc ngủ bình yên trong căn bếp cô yêu thích. Cho đến ngày cô tới sống cùng hai mẹ con chàng trai Tanabe Yuichi. Khi Mikage rời nhà Yuichi để sống một cuộc đời độc lập, không lâu sau, cô nhận được cuộc gọi của Yuichi, báo tin mẹ anh đã bị sát hại. Hai con người mất người thân, cô đơn trên thế gian, tìm thấy nhau trong sự đồng cảm giữa những khổ đau mong manh, rồi giữa thương tổn mà cảm nhận lấy chút hơi ấm của tình cảm gia đình.
Ngoài phần truyện về Kitchen, cuốn tiểu thuyết này còn một truyện ngắn có tên Bóng trăng, cũng về những con người, đang lần hồi tìm lại một phần linh hồn đã mất, sau sự ra đi đột ngột của người thân yêu.
NƠI CHỨNG KIẾN NHỮNG CÔ ĐỘC, KHỔ ĐAU
Đầu tiên, cần phải khẳng định một điều rằng, căn bếp luôn là hình ảnh liên tục trở đi trở lại trên trang văn Banana Yoshimoto. Bếp tồn tại dưới nhiều dạng thức, ở nhiều cấp độ, gắn bó với nhân vật tự sự từ quá khứ tới hiện tại, thậm chí trở thành ẩn ức gắn liền với đau thương con người. Và chính tiểu thuyết, có tên Kitchen - Căn bếp, đã mở ra thế giới biểu tượng ấy ở mỗi sáng tác, Banana Yoshimoto viết ra sau này.
Bếp, qua từng con chữ Banana Yoshimoto khắc họa, trước hết là nơi thu về những nỗi cô độc của từng cá nhân, mang nặng khổ đau, mất mát. Mất người thân, mất đi một phần linh hồn và mất đi chính động lực sống. Căn bếp ấy, là thực thể hữu hình cô gái trẻ Mikage yêu hết mực. Mồ côi cha mẹ, sống cùng ông bà cho đến ngày Mikage lên cấp hai, ông cô qua đời và khi cô trưởng thành đến lượt người bà ra đi, để lại cô trơ trọi trên thế gian, căn bếp nhỏ trở thành nơi trú ngụ duy nhất cho một Mikage như mất đi tất cả, chẳng còn nơi nào để gá víu.
Tác phẩm của Banana Yoshimoto
Và căn bếp gắn liền với linh hồn con người như vậy, đã sớm mang ý nghĩa của một tồn tại vô hình. Bếp là dạng không gian chuyển dịch, từ khu trọ cũ Mikage ở với mất mát cô chịu đựng đến ngôi nhà mẹ con chàng trai Yuichi đang sống. Căn bếp ấy, thu nhận đau thương chưa lành của cô gái trẻ và đón về, cả vết thương mới từ chàng trai, cũng đột ngột mất đi người thân.
Giữa căn bếp cùng bóng tối, bóng dáng con người dưới ngòi bút của Banana Yoshimoto hiện ra đơn bạc, nhỏ nhoi. Căn bếp, nơi lưu giữ “ngọn lửa” một gia đình, trong Kitchen, lại chứa đựng tầng bậc mâu thuẫn về những trớ trêu, nghiệt ngã số phận đè nặng lên vai con người. Khi quá khứ ấm áp bao nhiêu thì thực tại, khổ đau, lạnh lẽo bấy nhiêu. Vì cô đơn, người ta tìm đến căn bếp lưu dấu hơi ấm xưa kia nhưng đó cũng chỉ là thứ quyến luyến càng làm người ta đau khổ trong nỗi nhớ thương, buồn tiếc gặm nhấm tâm hồn. “Tất nhiên, tôi không khóc vì nỗi vất vả khi phải một mình rửa hết chỗ bát đĩa kia, mà vì cái cảm giác bị bỏ lại một mình giữa bóng đêm đơn độc đến tê dại này.”
Và trong căn bếp đã đón nhận quá nhiều đớn đau một con người phải gánh chịu mà càng thêm trống vắng, hoang lạnh, người ta có thể lần nữa thắp lên ngọn lửa làm ấm căn bếp ấy không? Như cách, người ta tìm thấy hơi ấm của “đồng loại” mà níu giữ, ngọn lửa sự sống trước bóng tối cô độc bủa vây?
NƠI TÁI SINH CỦA NHÂN VẬT
Căn bếp thu về tất thảy thương tổn đời người và trao cho những con người cô đơn, chút ấm áp còn sót lại từ một quá khứ dịu dàng. Nhưng người ta đâu thể sống mãi trong quá khứ cũng như đâu thể mãi lánh mình trong căn bếp của kí ức, kỉ niệm kia?
Bởi thế, với một tác phẩm “buồn bã nhưng chối từ bi lụy” như Kitchen, cùng sự chuyển dịch không gian căn bếp để mở ra những nỗi buồn, đau thương nối tiếp nhau; còn là sự chuyển dịch dạng thức biểu hiện hình tượng “bếp” trên trang văn Banana Yoshimoto. Vẫn là căn bếp Mikage say mê, nấu lên những bữa ăn hàng ngày hay đứng bên bồn rửa. Nhưng từ không gian của nỗi buồn và cô đơn Mikage từng thu mình lại, “bếp” dần mở rộng đến cả những chiếc bàn ăn trong nhà, đến lớp học nấu ăn Mikage theo học, tới cả những quán hàng cô đặt chân đến và cả căn phòng Yuichi đã thuê trọ trong chuyến đi sau khi mẹ anh đột ngột bị sát hại, nơi Mikage đã vượt cả quãng đường dài, trao cho Yuichi hộp katsudon rồi lặng nhìn anh ăn bữa khuya.
“Trăng tròn” rồi khuyết, chỉ còn lại “bóng trăng” hằn in trên mặt nước, trong hoài tiếc kỉ niệm. Giống như sinh mệnh con người, mỏng manh và yếu đuối. Giống như tập truyện Kitchen, trải dài từ Kitchen tới Bóng trăng, là những cái chết đột ngột mà chính những người trong cuộc đều bàng hoàng, vỡ vụn.
Bởi mất phương hướng, họ tìm tới chốn thân quen như tìm về chốn neo đậu cuối cùng cho bản thể, tưởng chừng có thể tan biến bất cứ lúc nào theo những yêu thương đã vỡ tan. Căn bếp nhỏ hẹp, tựa lòng mẹ bao dung, đón nhận mỗi cá nhân mang theo ẩn ức cô đơn sau hết thảy thương tổn.
Bếp, đã trở thành không gian mở, nối kết những người cùng một thế giới, cùng một nỗi đau, cùng mang tâm hồn nhạy cảm thương tổn. Căn bếp của quá khứ. Căn bếp của hiện tại. “Bếp trong những giấc mơ.” Và căn bếp, biểu tượng cho yêu thương “gia đình” sau tất thảy vụn vỡ khổ đau, cho những kẻ vượt thoát được cảm thức cái chết quẩn quanh để lần nữa tái sinh bên cạnh người có thể trở thành “gia đình” của họ. “Rồi sẽ có biết bao nhiêu chuyện khi tôi lớn hơn, sẽ bao lần nữa tôi suy sụp, như chìm sâu xuống đáy vực. Sẽ bao lần nữa tôi khốn đốn, nhưng sẽ ngần ấy lần tôi trở về. Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi sẽ không buông tay.” Không buông tay hai tiếng “gia đình”, không buông tay hai chữ sự sống.
Tới tận cùng, con người vẫn là loài sinh vật mong manh vô ngần. Dễ dàng bị nỗi cô đơn, đớn đau hạ gục. Nhưng chẳng phải, người ta ý thức được cô đơn, khao khát yêu và khát cầu sự đồng cảm, lại là minh chứng rõ nét nhất, cho việc người ấy đang sống đó ư?
Và căn bếp, còn như biểu tượng cho nơi lưu giữ, ngọn lửa sinh mệnh con người trên trang văn Banana Yoshimoto vậy.
BIỂU TƯỢNG CHO TÍNH NỮ
Như đã nói, bếp là hình ảnh xuyên suốt văn nghiệp Banana Yoshimoto. Một hình ảnh giàu tính biểu tượng, ẩn chứa những tầng bậc ý nghĩa vừa hữu hình, vừa vô hình vô dạng. Ở đó, chứa đựng cả cái tôi nữ tính đầy tinh tế của Banana Yoshimoto và tiểu thuyết Kitchen, chính là sự khắc họa đầu tiên, rõ nét nhất.
Tại căn bếp hiện hữu khắp trang viết, chủ thể tự sự của Banana Yoshimoto, những cô gái trẻ xưng “tôi”, kể lại cuộc đời bản thân, đã thể hiện cái “tôi” mang đậm nét phụ nữ Á Đông. Lo toan mọi việc với trọn vẹn niềm say mê, nhạy cảm, yếu đuối nhưng cũng rất mực mạnh mẽ, sắc sảo. Căn bếp, tựa thế giới riêng, vừa là thế giới hiện thực, vừa là thế giới nội tâm của chính họ. Và ở đó, họ được là chính mình với tất thảy sự đa đoan mà ấm áp nhất.
Nhà văn Banana Yoshimoto.
Nhưng căn bếp, trong tiểu thuyết Kitchen, gắn với “tính nữ”, không đơn thuần chỉ hướng đến bản thể những người phụ nữ mà cả cuốn sách còn bao chứa những cá nhân khuyết thiếu “tính nữ” trong tâm hồn. Nên thế giới Kitchen ẩn giấu tột cùng đau thương cùng mất mát cuộc đời mới xuất hiện những người đàn ông, người thì trở thành phụ nữ còn người thì không ngại ngần, mặc bộ đồng phục thủy thủ dành cho nữ sinh trước ánh nhìn người đời. Cùng cả những cá nhân, chấp nhận chuyện đó như một phần cuộc sống.
Và tính nữ trên trang văn Kitchen, còn đến từ chính giọng văn “ngọt ngào” mà bình dị của Banana Yoshimoto khi tái hiện lên những căn bếp, dung dị nhưng biến hóa đầy màu sắc. Là căn bếp, “theo ánh nắng rọi vào căn phòng”, từ ô cửa bếp mở ra những “nụ cười.” Và cũng là căn bếp, từng chứa đựng bóng tối mang dáng hình “cái chết.”
Văn chương Banana Yoshimoto giản dị, giàu chất trữ tình, cũng giàu chất thơ, chất mộng. Để rồi, từ ranh giới thực – mộng trong Kitchen, thế giới mộng mở rộng sang địa hạt hư ảo ở truyện ngắn Bóng trăng. Nhưng dù là thực hay mơ, thì căn bếp, vẫn tồn tại, đón nhận mọi thương tổn con người để người ta, lần nữa chạm tay tới hạnh phúc.
Nên, dù là cuốn sách về hai câu chuyện khác nhau. Song Kitchen, có lẽ vẫn như mang cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết thống nhất xoay quanh biểu tượng xuyên suốt cả tác phẩm, và cả tính nữ tác giả, đằm sâu trong từng con chữ.
MỌT MỌT
VNQD