Bi kịch truyền kiếp trong ‘Thôn Tám Mộ’

Chủ Nhật, 21/08/2022 07:10

Là cuốn tiểu thuyết trinh thám nhưng nhân vật thám tử lại lùi rất xa trong suốt diễn biến vụ án, Thôn Tám Mộ với chuỗi án mạng liên hoàn mang tính truyền kiếp đậm màu ma mị, tựa mảnh ghép hoàn chỉnh cho phong cách sáng tác của Yokomizo Seishi, một trong những nhà văn đã đặt nền móng cho mảng văn học trinh thám Nhật Bản.

Phủ trùm lên một ngôi làng hẻo lánh, nằm giáp ranh giữa tỉnh Tottori và Okayama mang cái tên rùng rợn, Thôn Tám Mộ, là sự cực đoan và mê tín tới điên cuồng của thôn dân. Tất cả, xuất phát từ thảm kịch thời Chiến Quốc, kéo theo lời nguyền “bảy kiếp” với tám vật tế, xuyên suốt lịch sử, tới ngày hiện tại. Nhưng, “lời nguyền bảy kiếp” có thật tồn tại? Hay thứ bi kịch kia, vốn đã xuất phát từ chính bóng tối mang đầy định kiến, hận thù lẫn yêu thương lầm lạc của nội tâm con người.

NHỮNG ÁN MẠNG MANG TÍNH TRUYỀN KIẾP

Mở ra từ câu chuyện quá khứ, bi kịch của tám võ sĩ trọng chữ “đạo” và sự “trung nghĩa” nhưng cuối cùng niềm tin về con người của họ bị phản bội một cách đớn đau, nghiệt ngã nhất trong thời Chiến Quốc loạn lạc; Yokomizo Seishi đã tạo dựng lên cả một không gian tiểu thuyết đậm chất huyền thoại lịch sử. Với một lời nguyền đầy cay nghiệt, xuất phát trên lòng căm hận, bi phẫn cùng cực của kẻ thủ lĩnh đành bất lực nhìn từng người vừa là thuộc hạ, vừa là đồng đội ngã xuống, ôm theo nỗi uất nghẹn khi nhìn thấu sự tàn bạo khơi dậy từ lòng người tham lam, ti tiện.

“Y luôn mồm gào thét đến tận khi trút hơi thở cuối cùng, rằng sẽ đầu thai bảy kiếp để ếm nguyền thôn này. Tám mạng người, tám thủ cấp, lời nguyền bảy kiếp, tựa như ứng nghiệm và trả lại nghiệp báo cho toàn bộ thôn dân nơi đây. Tám ngôi mộ được dựng lên, hằn vào tên thôn làng - Thôn Tám Mộ - nhưng dường như, nghiệp báo chưa dừng. Gia tộc chủ mưu cho thảm sát năm xưa, nhà Tajimi, vẫn tiếp tục gieo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng suốt dòng chảy thời gian. Khiến người ta, chưa khi nào lãng quên cái vòng luẩn quẩn bi kịch và hận thù.

Cho đến hôm nay, án mạng liên hoàn chiếu theo số người, lần nữa khơi dậy nỗi sợ hãi vô hình cùng sự kích động, rồi dần hóa thành bạo động của thôn dân thôn Tám Mộ, xoay quanh cái họ “Tajimi” và người đàn ông vô tình mang theo cái họ đầy oan nghiệt đấy, Tajimi Tatsuya.

Chỉ là, thảm sát hôm nay không đẫm máu cuồng điên như khi xưa. Cái chết diễn ra âm thầm, tử thần mang theo “lời nguyền bảy kiếp” gieo rắc sự nghi kị len lỏi vào từng thôn dân vốn mang “đầu óc dị đoan” cố hữu.

“Lời nguyền bảy kiếp” ứng với thôn Tám Mộ, là yếu tố lịch sử thẫm màu kì ảo. Nhưng án mạng mang tính ngàn đời, truyền kiếp lại mang theo thứ hiện thực nghiệt ngã bào mòn sức chịu đựng, đặc biệt là nhân tính con người. Và rằng, thời gian có qua đi, thời Chiến Quốc đã lùi xa nhường chỗ cho buổi hiện đại, song những con người vừa mông muội, thiếu kiến thức lẫn nhận thức về thế giới, vừa cuồng tín, hung hãn còn tồn tại thì lòng vị tha vẫn là thứ gì đấy quá đỗi xa vời. Bất kể, có lời nguyền bảy kiếp, một gia tộc mang dòng máu điên loạn hay một tên hung thủ ẩn mình khéo léo hay không.

Tiểu thuyết Thôn Tám Mộ do Nxb Hồng Đức in năm 2022.

Nên tính truyền kiếp trong tiểu thuyết Thôn Tám Mộ đâu chỉ là “lời nguyền bảy kiếp” ứng nghiệm cho một thôn làng hẻo lánh mà hơn cả, là sự truyền đời của tất thảy bản tính cực đoan, bạo lực, ưa đặt người yếm thế, “một kẻ ngoại lai bí hiểm” ra ngoài vòng cộng đồng để xua đi nỗi hãi sợ được khơi lên từ sự hèn nhát hằn sâu nơi tiềm thức con người. Và đáng sợ hơn, đó lại là ý thức của cả một xã hội, đang có xu hướng “truyền kiếp” tới buổi đương thời. Thôn Tám Mộ được Yokomizo Seishi viết vào những năm sau Thế chiến thứ Hai, nhưng ngày nay, thấp thoáng đây đó, bóng dáng thôn dân thôn Tám Mộ vẫn tồn tại lẩn quất.

NGƯỜI THÁM TỬ MỜ NHẠT

Là nhân vật trung tâm của cả series, Yokomizo Seishi đã có nhiều cách thức để nhân vật thám tử Kindachi Kosuke của ông xuất hiện trong từng tác phẩm. Có khi, Kindaichi vô tình bị cuốn vào vụ án; có trường hợp anh được mời tới nhằm ngăn chặn thảm kịch; hay có lúc, hình ảnh một Kindaichi có phần lôi thôi, luộm thuộm nhưng sắc sảo trong suy luận hiện lên qua lời kể, câu chuyện của những cá nhân can dự trực tiếp vào vụ án đó.

Nhưng ở Thôn Tám Mộ, dấu ấn của người thám tử đó lại hết sức mờ nhạt. Theo dòng tự sự của Tatsuya, xưng tôi, tái hiện lại toàn bộ trải nghiệm kinh hoàng của người đã đi từ thân phận kẻ bị xa lánh tới kẻ tình nghi đến tên tội đồ tại ngôi làng “miền núi lạnh giá” này, thì bóng dáng Kindaichi gần như khuất lấp hẳn.

Anh đã lùi về rất xa lúc hàng loạt biến cố đã xảy đến ở gia tộc Tajimi phía Đông, còn bản thân anh, lại ở gia tộc Nomura vùng Tây thôn. Vị thế đó, khiến Kindaichi không có quá nhiều suy luận hay phát hiện mang tính đột phá nhằm có thể góp phần ngăn chặn thảm kịch.

Mà xuyên suốt câu chuyện, dường như chỉ là hành trình Tatsuya tự khám phá sự thật ẩn giấu trong truyền thuyết tám võ sĩ, hang động thạch nhũ miền sơn cước giá lạnh được gửi gắm vào từng phần bài thơ được lưu truyền từ ngày người mẹ khốn khổ của anh ở nhà Tajimi; và cả, hành trình chàng trai ấy mò mẫm trước nghi kị người đời để tìm mọi cách minh oan cho bản thân. Và hẳn, đây cũng là điều tất yếu khi cuốn tiểu thuyết được xây dựng từ ngôi thứ nhất, qua điểm nhìn người liên quan mật thiết tới cả thôn Tám Mộ lẫn từng diễn biến nhỏ nhất của vụ án lần này.

Vậy, với một tác phẩm trinh thám cổ điển song dấu ấn người thám tử lại “mờ nhạt” đến thế, thì đây có phải là thất bại của Yokomizo Seishi? Hay, có lẽ, đó là sự tìm tòi nhằm không ngừng đổi mới câu chuyện thuộc một series về riêng một nhân vật trung tâm như series thám tử Kindaichi Kosuke. Đồng thời, đây phải chăng cũng vừa là nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng” của Yokomizo Seishi trong quá trình hoàn thiện chân dung một Kindaichi rất khác biệt với định hình “thám tử” vốn có: có phần lôi thôi, khù khờ song luôn có những khoảnh khắc anh rất đáng để tin cậy. Như việc chỉ qua một vài lời khuyên, sau vài ngày sống tại thôn Tám Mộ, đối diện với một vụ án mơ hồ gần như thiếu mọi dữ kiện; Kindaichi tưởng chừng đã khắc họa toàn cảnh con người nơi đây, kéo theo cả dự cảm nhạy bén về một tương lai đầy bi kịch: “Là ngay từ đầu, cậu đã bị thôn dân nhìn bằng con mắt đầy thành kiến rồi. [...] Tất nhiên toàn là mê tín thôi. Nhưng chính mê tín nên mới đáng sợ, vì đó là sự ngoan cố không thể giải tỏa bằng lí lẽ.”

Ngoài ra, lối dựng truyện như đặt thám tử ngoài luồng diễn biến vụ án, cũng khiến tiểu thuyết Thôn Tám Mộ mang một màu sắc riêng. Thủ phạm không hẳn quá khó đoán biết nhưng tràn ngập tác phẩm, lại là một ấn tượng, cảm xúc cá nhân từ một cái “tôi”, chỉ là con người bình thường, đang dần bị cô lập tới bờ vực tuyệt vọng trước tầng lớp bí ẩn, ác ý, thậm chí là sát ý. Nên dễ bề cho hung thủ tiếp cận, thao túng.

DẤU ẤN YOKOMIZO SEISHI 

Sau một loạt tiểu thuyết thuộc series thám tử Kindaichi Kosuke được IPM phát hành trước đó: Đảo ngục môn, Cung đàn báo oán, Rìu đàn cúc, Khúc ca tú cầu của ác quỷ; Thôn Tám Mộ tựa mảnh ghép thứ năm, góp phần phác họa nên diện mạo hoàn chỉnh phong cách sáng tác của một trong những tác giả đặt nền móng cho mảng văn học trinh thám Nhật Bản đương đại.

Nhà văn Yokomizo Seishi.

Dấu ấn Yokomizo Seishi thể hiện đậm nét trong mọi tình tiết câu chuyện. Tác phẩm ông viết, không nhằm khắc họa một thám tử hoàn hảo. Kindaichi mắc nhiều sai lầm, cũng như chẳng thể ngăn chặn thảm kịch, thậm chí không có đủ bằng chứng để tự anh kết tội hung thủ dù anh đã biết rõ danh tính hung thủ từ lâu. Nhưng một Kindaichi không hoàn hảo như thế lại là một Kindaichi rất thực, rất người.

Và từ chuỗi án mạng liên hoàn mang đậm sắc màu nghi thức được lấy cảm hứng ở một truyền thuyết xa xưa, Yokomizo Seishi đã xây dựng theo hướng các cặp đôi tương đồng đến dáng hình những mảng màu văn hóa trải rộng theo chiều dài lịch sử để hình ảnh về thời hậu chiến dần hiển hiện trên trang văn Thôn Tám Mộ. Nơi đó có vết thương chiến tranh chưa lành, ẩn chứa những mâu thuẫn, đối lập gay gắt giữa chốn thành thị hiện đại với vùng thôn quê lắm điều mê tín, hủ tục. Đặc biệt là sự đổ vỡ cái “tôi” cá nhân, những nỗi cô đơn vô tận người ta phải chịu đựng sau tất thảy biến cố thời gian. Nên Thôn Tám Mộ là tiếng nói phê phán góc khuất tăm tối trong tâm mỗi người, cũng là tiếng nói thức tỉnh lương tri con người, đồng thời, còn là lời phản chiến của một tác giả đã đi qua đủ tháng năm chiến sự biến động, từ sau Duy Tân Minh Trị tới ngày Thế chiến thứ Hai kết thúc.

Thôn Tám Mộ là mảnh ghép quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Yokomizo Seishi. Và Thôn Tám Mộ, cũng là mảnh ghép hoàn chỉnh về mặt nội dung, dịch thuật khi IPM giới thiệu lại tiểu thuyết này một cách chính xác, hoàn chỉnh qua bản dịch của dịch giả Lê Hồng Minh, khi gần 20 năm trước, cũng chính IPM đã đưa tới độc giả cuốn sách này (vào năm 2004) qua bản dịch của dịch giả Sơn Lê.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)