. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Cách nay đúng 80 năm trên báo Việt Nam độc lập, số 117, ngày 1-2-1942 có bài báo Nên học sử ta của Hồ Chí Minh. Tác giả đặt ra một vấn đề cực kỳ quan trọng mà ngày nay gọi là vai trò của sử học: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cuối bài tác giả khẳng định về tác dụng ý nghĩa: “Sử ta dạy cho ta bài học này:
Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.
Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.
Vậy nay ta phải biết đoàn kết...”.
Đó là những câu chữ bằng vàng đúc kết một bài học lớn lao: nếu không hiểu sử thì không có tinh thần đoàn kết, mà không có đoàn kết thì cả dân tộc yếu hèn nhục nhã cam tâm chịu làm nô lệ cho ngoại bang!
Cũng trong tháng này, Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản cuốn Lịch sử nước ta phần kết là NHỮNG NĂM QUAN TRỌNG ghi lại những sự kiện trọng đại được in hoa to đậm, cuối cùng là một khẳng định chắc chắn: 1945 Việt Nam độc lập. Đây là một tiên đoán chỉ có được ở tầm một thiên tài nhờ nắm chắc những diễn biến, quy luật của lịch sử và sự nhạy cảm của nhãn quan chính trị không chỉ trong một quốc gia, khu vực mà là của toàn cầu, của cả thời đại. Ai cũng thấy điều ấy, từ góc nhìn cấu trúc luận, chúng tôi còn thấy bật ra một ý khác: Phải hiểu sử mới có thể có những tiên đoán cho tương lai! Phải chăng đây là “triết học vô ngôn” của Bác, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định. Trời ơi, nếu vậy, nó tương đồng với các danh ngôn mà cả thế giới truyền tụng, như lời cổ nhân phương Đông: “Phi cổ bất thành kim” (Không có xưa (thì) không có nay); “Ôn cố tri tân” (Ôn cũ (để) biết mới); của cổ nhân Hy Lạp: “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống, là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”; của Victor Huygo: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai lên quá khứ”; của Rasul Gamzatop, nhà văn Xô Viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”…
Mạn phép trích lời các Danh nhân vĩ đại ấy, lấy đó làm điểm tựa cho lập luận, xin mở rộng tìm hiểu quan niệm về môn học Lịch sử trên thế giới thời đương đại.
Ai đã từng hoặc có người nhà nhập cư vào Canada sẽ thấy Luật nhập cư nước này yêu cầu những ai nhập quốc tịch sẽ phải thi môn Lịch sử Canada từ 1867 đến nay, cả thi viết và thi vấn đáp. Ở Mỹ, Lịch sử là một trong những môn bắt buộc ở các cấp học. Bộ Giáo dục Mỹ thường niên hỗ trợ các dự án nhằm tăng cường giảng dạy lịch sử ở cấp phổ thông. Tiêu biểu là trường Đại học Maryland có Dự án “Ngày lịch sử dân tộc” (National History Day, viết tắt NHD)...
Ai Cập thành lập hẳn một Bộ là Bộ Cổ vật đảm trách quản lý, giữ gìn và giáo dục tri thức lịch sử qua các cổ vật. Tất nhiên đất nước của Kim Tự Tháp có lý lẽ riêng nhưng điều ấy cũng cho thấy họ coi Lịch sử là tối quan trọng...
Ở Israel, trong trường phổ thông môn Lịch sử bình đẳng với các môn Văn học, Kinh thánh, Toán... tức được coi là môn quan trọng, tất nhiên phải thi để đánh giá học lực và nhân cách. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng đều coi Lịch sử là môn bắt buộc. Ở thế kỷ XX người Nhật coi trọng đến mức dạy cho học sinh biết rõ về quá khứ nghèo khổ rất cụ thể để công dân sớm có ý thức thoát nghèo. Họ đã thành công!
Xin đề cập tới một xu hướng mới của triết học văn hóa trên thế giới.
Như những trái cây đủ dinh dưỡng để vào độ chín mà trĩu mình về phía gốc, mấy thập kỷ gần đây hầu hết các loại hình nghệ thuật: văn học, điện ảnh, sân khấu,..., không riêng ở ta mà nhiều nước đề tài lịch sử được quan tâm khai thác khá triệt để. Các phim truyện lịch sử hoặc có yếu tố lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc chinh phục cả thế giới, đóng góp cho ngân khố quốc gia một số tiền khổng lồ. Lịch sử như là ngọn núi vĩ đại từ đó chảy ra các dòng suối tri thức văn hóa để các loại hình với đặc trưng và thế mạnh riêng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần bạn đọc. Đó là quá trình kiến tạo mã và giải mã trong quy luật tiếp nhận và sáng tạo của nghệ thuật. Như một dòng chảy, những phù sa tinh hoa ở mạch nguồn lịch sử sẽ tạo ra các đồng bằng phì nhiêu mời gọi các văn nghệ sỹ khai phá, gieo trồng các cây tác phẩm mới đặng làm tươi tốt, giàu có hơn gia tài văn hóa dân tộc. Như vậy lịch sử là cái gốc, là nền móng của hình thái ý thức xã hội!
Nhìn từ các mối liên hệ thời gian bộ môn Lịch sử được ví như cái barie thời hiện tại ngăn cách không gian quá khứ, tương lai. Nếu không đủ hiểu biết và sức mạnh để nâng cái barie ấy thì không thể bước vào thế giới rực rỡ của ngày mai... Trong thời buổi hội nhập, hợp tác thì càng phải hiểu sử vì đó là chìa khóa mở ra sự hiểu biết về phong tục, tập quán, tính cách, tâm lý dân tộc... Nhờ vậy mới thấu hiểu đất nước người để thấu cảm con người xứ đó...
Còn rất nhiều điều mới mẻ thú vị nhưng nói qua thế để thấy nhân loại đang rất đề cao bộ môn này. Điều ấy hoàn toàn tự nhiên trong bối cảnh đối thoại văn hóa thường nhìn ngắm chiêm ngưỡng tư thế một dân tộc luôn đứng trên một bệ đỡ lịch sử nhất định. Đất nước nào có lịch sử oanh liệt, lại có một hiện tại vẻ vang đất nước ấy tất được kính trọng. Lịch sử sẽ bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiên tổ. Còn cho hậu sinh những bài học kinh nghiệm quý giá mà quá khứ phải trả giá bằng xương máu. Qua đó người ta sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn, quyết giữ gìn bằng mọi giá gia tài cha ông để lại...
Sẽ là không hiểu vai trò, vị trí của môn Lịch sử cũng là đi ngược lại xu thế tiến bộ chung của thế giới nếu coi đó là môn tự chọn!
Có lý do là học sinh đã hoàn thành về cơ bản môn sử ở các cấp dưới nên đến PTTH thì để tự chọn. Với môn khác thì có thể như vậy nhưng với Lịch sử thì khác, vì các sự kiện, nhân vật là các mã/biểu tượng văn hóa, để hiểu chúng cần phải có vốn sống, vốn kiến thức nên ở độ tuổi dưới PTTH thì khó có thể nói là đã hiểu sử. Môn Lịch sử sẽ ít được lựa chọn, chưa nói đến các lý do khác, mà ở ngay lý do độ tuổi học sinh PTTH đầy mơ mộng không phù hợp với đặc thù sự chính xác của sự kiện và thao tác “bóc” các lớp mã biểu tượng đòi hỏi sự kiên trì của người có vốn kiến thức nhất định để có các đối sánh cần thiết. Xin nói rõ hơn, nhận thức luôn cần đến so sánh, tri thức về lịch sử càng cần trong thao tác đối chiếu các sự kiện, nhân vật, ý nghĩa... Còn là nguyên nhân như sự tác động của cơ chế thị trường nên làm sao học những ngành nghề ra trường sớm kiếm ra tiền nên chỉ học các môn thi vào đại học còn không thì học đối phó...
Nếu dựa vào thực trạng học sinh chán, không thích học sử, nếu thi sẽ nhiều điểm “liệt” thì càng đáng trách vì đó là biểu hiện của bệnh thành tích. Bộ môn Lịch sử không có lỗi. Lỗi ở trẻ em thì ít, lỗi ở người lớn và xã hội thì nhiều. Như các tác giả sách giáo khoa chưa quan tâm tới đối tượng tiếp nhận là học trò mới lớn, tâm lý chưa ổn định, chưa hiểu vai trò môn học, thích chơi bời nghịch ngợm, trong khi đó phải học quá nhiều môn. Hoặc cách trình bày các đơn vị kiến thức chưa trọng tâm, các sự kiện dàn trải, cứng nhắc, chưa coi đâu là vấn đề mang tính chìa khóa. Do lời văn thiếu mềm mại, uyển chuyển, ít chú ý tính hình tượng giúp dễ hiểu, dễ nhớ... Còn ở phía các thầy cô còn dạy theo lối truyền thụ một chiều “rót tri thức vào bình trí tuệ”, có khi còn là đọc chép...
Đầu thế kỷ XXI bước vào thời công nghiệp, như một tất yếu, tri thức về khoa học, về đời sống tràn ngập, ngay việc chọn các đơn vị kiến thức để dạy đã là khó. Năm 2005 Hàn Quốc mắc sai lầm để môn Lịch sử tự chọn dành thời lượng học các môn mới cần thiết hơn, hậu quả thấy ngay, học sinh vốn không tha thiết nay được “tự do” rất ít người chọn học. Họ nhìn ra và khắc phục rất nhanh... Từ tình hình thực tế giáo dục nước ta, tham khảo giáo dục các nước tiên tiến, xin được khái quát những nét gợi dẫn sau.
Thực ra trong bối cảnh mới giáo dục nước nào cũng “có vấn đề”, cũng thay đi đổi lại, bàn tán, tranh luận. Về phía Bộ chủ quản, vì nguyên tắc tích hợp là một xu thế tất yếu nên người ta cố chọn một Tổng chủ biên thật giỏi, có tầm nhìn chiến lược, có năng lực điều phối kiến thức các bộ môn để tiết kiệm thời gian, tránh trùng lặp nhất là trò được tăng cường tri thức và khơi gợi hứng thú học tập. Về sách giáo khoa, với quan niệm Lịch sử là những gì đã đi qua được người hiện tại ý thức lại, tức làm sống lại quá khứ trong nhận thức của con người hôm nay nên trên cơ sở các sự kiện, các mốc/giai đoạn chính mà hướng dẫn học sinh đi tìm bài học ý nghĩa cho hiện tại. Bài thi cũng là một bài luận thể hiện rõ quan niệm cá nhân về sự kiện, nhân vật quá khứ. Không chỉ để hiểu biết về hôm qua, trên cơ sở phân tích, người học còn được tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào để sống mạnh mẽ hơn, trung thực và tỉnh táo hơn. Về cách dạy, không hề theo lối đọc chép mà người học được đưa vào các tình huống lịch sử giả định để phân tích, chọn ra các giải pháp tối ưu.
N.T.T
VNQD