Là một trong những nhà văn hiếm hoi chiến thắng 2 lần giải Booker, được Nobel vinh danh và đã “sưu tập” hầu hết các giải thưởng ở khu vực nói tiếng Anh; J.M.Coetzee thành công nhưng khá kín tiếng về đời tư của mình. Tuy nhiên, bằng tính tự thuật cũng như tự đặt mình vào trung tâm, các motif nhân vật trải suốt các tiểu thuyết của ông ít nhiều cho thấy một chân dung tự họa. Ô nhục là tiểu thuyết giúp ông đạt kì tích 2 lần chiến thắng Booker vào năm 1999, và cũng là tác phẩm được đánh giá là thành công nhất của ông.
Một trong những chức năng của văn chương là thức tỉnh, và để rạch ròi với những chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa rẻ tiền hay chủ nghĩa giả hiệu; thứ cần thiết nhất là một cú đánh thức tỉnh. Nếu Toni Morrison triệt tiêu hoàn toàn nhân tính trong Mắt nào xanh nhất, thì J.M.Coetzee đặt chính điều này vào trong tiêu đề tiểu thuyết. Tựa gốc Disgrace khi chuyển thể lần đầu sang tiếng Việt (2002, Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành, Thanh Vân dịch) mang tên Ruồng bỏ, nhưng chỉ đến gần đây, với lần tái bản thứ hai, nó mới được chuyển thành Ô nhục (Bách Việt và Nxb Lao động ấn hành, Nguyễn Quang Huy dịch). Hai sắc thái hoàn toàn trái ngược dẫu cho có thể tồn tại điểm chung, nhưng chỉ Ô nhục mới thể hiện được những gì J.M.Coetzee muốn truyền tải trong tác phẩm này.
Ô nhục vừa mới trở lại với độc giả sau hơn 2 thập kỷ vắng bóng.
Vẫn theo motif một người đàn ông trung tuần bị quăng vào những sự kiện làm thay đổi cuộc sống, tương tự Người chậm, Đợi bọn mọi… Ô nhục kể về giáo sư David Lurie, 52 tuổi, người được mô tả hệt như chân dung Coetzee, với dáng gầy gò và chiều cao khác biệt. Như Diêm Liên Khoa từng nói, dục tình là thứ cứu con người ta ra bể tuyệt vọng, Lurie cũng đang chìm trong những khao khát này, với Soraya - một phụ nữ trung tuần đã có gia đình, và đến với Lurie như một trải nghiệm ngoài hôn nhân. Tuy nhiên mọi thứ chỉ bị vỡ lỡ khi ông gặp Melanie, một cô nữ sinh và một ổ rắn lôi luôn ông xuống vũng bùn.
Trong cuốn tiểu thuyết Bạn đồng hành, nữ văn sĩ Sigrid Nunez đã không ngần ngại gọi nhân vật chính của mình là một phiên bản khác của David Lurie, và đưa đến kết cục là chuyện tự tử. Thế nhưng nếu như nhà văn của Nunez chìm trong một cơn ủ ê về sự phản tư chính bản thân mình, thì Lurie của Coetzee vẫn đầy khát khao, vẫn giữ trong mình những lần đam mê biến thành “ốc đảo” từ những “sa mạc” trong các cơn giao hòa thể xác. Những thời khắc ấy giữ cho ông tráng kiện, minh mẫn, uyên bác và có phần nào thật sự hạnh phúc.
PHIÊN TÒA SOCRATE HIỆN ĐẠI
Mệnh đề đạo đức đánh giá hành động Lurie ngủ cùng cô sinh viên 19 tuổi dường như không thể tồn tại kết luận chung nào. Có lẽ do là môn đệ của nhà thơ tự nhiên Woodworth, mà David Lurie với vẻ kiêu hãnh không thể thừa nhận là mình đã sai. Ông coi những gì mình đang mắc phải là thứ hiển nhiên bản thân phải chịu, tuyệt nhiên không có đúng sai. Ông là một người đã sang bên kia bờ dốc kia cuộc đời, là giáo sư ngành ngôn ngữ cổ, là tác giả của 3 cuốn sách nhưng không ai biết, và hơn hết, là chấp nhận sự lãnh đạm ấy, và tự hướng mình đi vào ốc đảo xoa dịu.
Có phần hài hước nhưng không ít lần ông tự xem mình là phiên bản nam của bà Bovary, với những vụ ngoại tình và phiêu lưu ái tình không thể cấm cản. Ông coi đó là một điều tự nhiên, không bởi chỉ vì suốt cả đời mình ông đã sống cùng phụ nữ; mà bởi cô sinh viên 19 tuổi ấy cũng đầy ham muốn có phần chủ động. Cuộc tình của hai người họ luôn là thuận tình, nơi cả tình yêu cùng với thi ca đã hòa thành một. Sắc dục với Lurie là thứ cây trái của niềm đắm say, và tuổi tác không thành vấn đề, bởi nhẽ “sắc đẹp của một người đàn bà không chỉ thuộc về mình cô ta. Đó là một phần món quà cô ta mang đến thế giới này. Cô ta có bổn phận phải chia sẻ nó”.
Có thể thấy rằng xuyên suốt tiểu thuyết Coetzee đã xây dựng Lurie như một bản ngã của thiên thần sa ngã vì tình, và hẳn nhiên nó là tự nhiên. Ông ôm ấp một cô gái trẻ như là ý tưởng thuần khiết của việc mở lòng và trải nghiệm giác quan. Ông coi chính mình là người phụng sự cho Thần Ái tình, và khi vụ việc bị vỡ lỡ ra, ông xem nó như là sự đúng đắn của niềm khao khát, mà không phải ai cũng có thể hiểu.
Ở phiên tòa kín xét xử tội trạng, Coetzee họa nên mẫu người kiêu ngạo, tự cao. Lurie trong bản thân mình luôn tin vấn đề của mình không hề sai trái, nó chỉ sai khác đối với những người không thuận theo được tự nhiên. Lurie đứng đó giữa một vòng vây những người lí trí bất tuân bản năng, hệt như Socrate đứng trước tòa án đại hình cổ xưa bị vu cho tội làm hỏng thanh niên. Sự thuần phục ấy, sự kiên cố ấy, sự thủy chung ấy… cũng không khác mấy loài chó mà Coetzee liên kết sau đây, để cuối cùng thì xóa mờ lằn ranh, ông đưa chúng ta đến một câu hỏi có phần lưỡng nan hơn, về lí trí hay tình cảm, về bản năng hay kiểm soát, về tự nhiên hay luật lệ...
PHẢN ẢNH
3 tháng hòa nhập ở nơi thôn dã sống cùng con gái Lucy sau khi vụ việc phanh phui hết cả, Lurie được thả vào bể tự nhiên cũng là nhà mình. Tại đây ông đã chăm sóc những con chó bị ruồng bỏ, chăm sóc vườn tược, cũng như tiếp tục với những vấn đề tiếp sau vụ việc lôi ông xuống bùn, và biến ông thành một kẻ ô nhục đến độ thô bỉ.
Ở nơi East Cape, ông và con gái mình đối mặt với việc phân biệt chủng tộc ngược, khi giờ đây sau chế độ Aparthied, những người da màu mới là lực lượng chiếm quyền sinh sát. Sau vụ cướp bóc cũng như cưỡng hiếp hoàn toàn là có chủ ý của ba thanh niên da màu, khi Lucy dường như câm lặng không thể chịu nổi, ông rốt cuộc cũng nhận ra được một nỗi ô nhục rất khác, đó là bí mật của con gái mình. Sự tàn bạo ấy đã khiến Lucy chìm sâu dưới sự im lặng, trong khi cả hai người họ thật ra đều là những chú cừu được nuôi để rồi làm thịt trước mắt người sẽ ăn chúng, như người da trắng trước người châu Phi bản địa.
Nhà văn J.M.Coetzee.
Cả ông và con gái mình giờ đây khác nào chú chó đang ở trong lồng, khi xung quanh họ là sự ruồng rẫy không được bảo vệ. Nhiều nhà phê bình cho rằng Ô nhục của Coetzee ít nhiều mang theo tư tưởng về quyền động vật, nhưng thật ra, chúng ta có nào khác biệt so với những loài thú ấy. Làm việc trong cơ sở “hóa hơi” những loài thú không ai nhận nuôi, trong Lurie là sự đồng cảm cũng như cảm nhận cuộc sống con người. Khi bao nỗi ô nhục giáng xuống đời ông, ông đã cảm thấy mình như con vật bị bịt đường sống. Và dù có muốn gắn bó, có muốn trì hoãn; thì cuộc sống này, cơn trêu ngươi này, sẽ phải chấm dứt trên đoạn đầu đài.
“Con đực phải được cho phép thỏa mãn những bản năng của nó mà không bị kiểm soát ư? Như thế là đạo đức ư? […] Không, như thế là vô đạo đức. Điều nhục nhã là con chó tội nghiệp bắt đầu căm ghét chính tập tính của nó. Nó không cần ai đánh đập nữa. Nó đã sẵn sàng tự trừng phạt chính nó. Nó có thể thích điều này hơn những lựa chọn trước mắt: một mặt phủ nhận tập tính của nó, mặt khác dành toàn bộ thời gian còn lại dạo quanh phòng khách, thở dài, ngửi đít mèo và càng ngày càng béo ú lên”.
Coetzee đưa ra hai mạch tương phản, khi Lurie là “kẻ dẫn dắt” Melanie Isaacs và khi Lurie là “bọn phục tùng” chủ nghĩa màu da ngược. Vấn đề kiểm soát và không kiểm soát những tập tính ấy cuối cùng không được giải quyết, chỉ biết rốt cuộc sau đó là những phản ánh, từ nỗi đau của Lucy chuyển sang tâm thức hối lỗi với gia đình Isaacs. Coetzee ở đây cho thấy một nghịch lí khác, đó là khi phải trải qua ta mới biết được.
Cứu vớt một chút nhân tính sau cùng, ông cho David Lurie ẩn chìm dưới vở nhạc kịch tái hiện Byron cùng những khao khát ngoại tình không thể kìm nén, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ thất bại và bị lãng quên; để nội bật hơn là buổi tối ở nhà Isaacs không được chào đón, để dập đầu xin lỗi và để tự nhìn lại mình trong vai trò khác. Để biết rốt cuộc tự nhiên không thể khuất phục được đời sống này, và góc nhìn thấu suốt 2 phía hoàn toàn khác nhau.
Ô nhục là một thách thức, là sự phản tư đối với câu hỏi muôn đời không thể giải quyết: lí trí hay tình cảm, bản năng hay kiểm soát và tự nhiên hay con người. Ở dưới đáy cùng xã hội, ta không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận chính thế giới này, và Coetzee đã tạo ra được chuyến “du hành” đó, bằng những hoàn cảnh ông đã tạo ra. Bằng sự chồng lớp khéo léo hình tượng trong giọng văn có phần trung tính đặc trưng, Ô nhục đưa ra một câu hỏi lớn, và trả lời nó một cách sáng rõ.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD