Tư tưởng Hồ Chí Minh, chân lí không thể phủ nhận

Thứ Hai, 20/06/2022 00:50

. LĨNH NAM

Một điều rất dễ nhận ra trong luận điệu của các thế lực thù địch đó là chúng thường xuyên bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Hồ Chí Minh trên các phương diện đời tư, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức… Hồ Chí Minh là một biểu tượng của đạo đức, tư tưởng và tâm hồn cách mạng Việt Nam. Không chỉ thế, Người còn là một nhà văn, nhà thơ. Vì thế, các thế lực thù địch cũng lợi dụng lĩnh vực văn học nghệ thuật để tấn công, xuyên tạc, bịa đặt, phủ nhận tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chúng tôi xin giới thiệu một số công trình, bài viết, đối thoại thẳng thắn, đanh thép trước các luận điệu, âm mưu của kẻ thù.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964. Ảnh tư liệu

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng, trong tất cả các tác phẩm phê phán, xuyên tạc, hạ bệ, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, giọng điệu của thế lực thù địch rất thô bỉ, xấc xược, thiếu văn hóa, thiếu sự lương thiện trong học thuật. Về nghĩa nào đó, chúng không đáng để được tranh luận hay trao đổi lại. Tuy nhiên, xuất phát từ ý thức trách nhiệm, lương tri của trí thức, công dân Việt Nam yêu quý và trân trọng các giá trị cao cả từ Hồ Chí Minh, những tiếng nói phản biện sắc sảo, đanh thép vẫn vang lên. Đó là biểu hiện cho một mặt trận có tính toàn diện, trên tinh thần bảo vệ một cách vững chắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.

Trên trận tuyến này cần phải nhắc đến Trần Chung Ngọc - một học giả người Mĩ gốc Việt. Ông vốn là người Bắc, từng là học sinh của nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa, là giáo viên dưới chế độ này, từng tham gia Quân lực Việt Nam Cộng hòa, sau đó di cư sang Mĩ. Từ Mĩ, ông chuyển hướng nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tôn giáo Việt Nam, trong đó có vấn đề Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tiếng nói của ông là tiếng nói khách quan, khoa học, xuất phát từ ý thức về giá trị mang tính chân lí không thể phủ nhận của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Ông bộc bạch trong một nghiên cứu của mình: “Viết về một nhân vật có tầm vóc quốc tế như Hồ Chí Minh có thể nói là không dễ. Đối với những người thuộc giới chống Cộng viết theo cảm tính thù hận, khi thực sự chưa hiểu và không biết gì về Hồ Chí Minh thì rất dễ, vì muốn viết sao cũng được. Họ đưa ra những chi tiết lặt vặt, cộng với xuyên tạc, dựng đứng… nhằm “ám sát tư cách cá nhân”, bằng những từ hạ cấp cho hả lòng thù hận, thì có lẽ ai viết cũng được, không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ, và cũng không cần đến liêm sỉ. Thảm thay, hiện tượng này chúng ta thường thấy xảy ra trong vài khu rừng diễn đàn truyền thông hải ngoại. Nơi đây, một thiểu số người Việt có vẻ như không có mấy trình độ văn hóa, giáo dục đã thường lên tiếng. Nhưng viết cho đúng với nhân cách, tài năng, tư tưởng và con người của Hồ Chí Minh thì quả thật là khó, vì điều này đòi hỏi trước hết là một sự lương thiện trí thức, một sự hiểu biết đúng đắn về cuộc đời của Hồ Chí Minh, và nhất là, về việc ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam” (http://www.talawas.org). Nhận định về DVD Sự thật về Hồ Chí Minh, Trần Chung Ngọc đưa ra rất nhiều phân tích về tính chất vụn vặt, thiếu lương thiện khoa học, vô liêm sỉ của các tác giả (Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo). Đây là một DVD được dàn dựng công phu, nhưng các chi tiết đều cố tình bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt nhằm hạ bệ Hồ Chí Minh, đánh vào tâm lí của những người thiếu thông tin. Tuy nhiên, qua những phân tích của Trần Chung Ngọc, sáu màn kịch của DVD Sự thật về Hồ Chí Minh đã bị vạch trần. Nguyễn Hữu Lễ, Trần Quốc Bảo đã hiện nguyên hình là những đối tượng quay cuồng chống phá Nhà nước Việt Nam, phủ nhận tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh.

Cũng trong những quan điểm vạch trần sự xuyên tạc vô liêm sỉ của các thế lực thù địch trong việc phủ nhận vai trò tác giả của Hồ Chí Minh đối với Nhật kí trong tù, GS. Phan Ngọc trả lời Lê Hữu Mục (tác giả cuốn sách Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật kí”): “Tôi biết ông muốn Hồ Chí Minh là tác giả Ngục trung nhật kí. Nhưng cách làm của ông là sai lầm. Tôi xin bày cho ông một mẹo. Ông hãy tìm những bài chắc chắn là thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, thí dụ những bài làm ở Việt Bắc, thơ tặng các cụ Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn… rồi chứng minh đó là thơ dở. Sau đó mới chứng minh Ngục trung nhật kí là của người khác, bởi vì nó rất hay như ông đã thừa nhận. Làm thế “kín võ” lại thỏa mãn được cái tâm địa của ông. Chắc chắn ông biết mẹo này, nhưng dù có ba đầu sáu tay, ông cũng không dám làm. Bởi vì ông ngu dại gì chứng minh những bài thơ ấy là dở” (Phan Ngọc, “Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật kí”, dẫn theo Phạm Duy Nghĩa, “Sự thật hay ngụy tạo”, in trong sách Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 184). Đây là một lập luận rất sắc sảo và “tinh quái” của Phan Ngọc, bởi lẽ, Lê Hữu Mục khen Ngục trung nhật kí hay, rồi bảo không phải của Hồ Chí Minh, trong khi những bài thơ chữ Hán ở Việt Bắc của Hồ Chí Minh sự thực cũng rất hay lại tặng Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn (Bố Bùi Tín - từng là Đại tá quân đội, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân). Võ Liêm Sơn (nhà cách mạng lão thành, thầy dạy của Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp), Bùi Bằng Đoàn đều là bậc đức cao vọng trọng, kiêm thông Hán học, Tây học, và cũng là nhà văn - nhà thơ, làm thơ tặng các vị ấy đâu có thể khinh suất hay tầm thường được. Nếu Hồ Chí Minh không có phẩm chất của một thi sĩ, chắc chắn Người đã không “dại dột” làm thơ chữ Hán để tặng những nhân vật tầm cỡ như thế. Hãy xem bài thơ Hồ Chí Minh tặng Bùi Bằng Đoàn để thấy tâm hồn thi sĩ của Người:

Khán thư sơn điểu thê song hãn

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì

Tiệp báo tần lai lao dịch mã

Tư công tức cảnh tặng tân thi

Dịch thơ:

Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài

Đó là tâm hồn thi sĩ vừa lãng mạn vừa đầy nhiệt huyết cách mạng, khớp với phong cách ngôn ngữ văn chương và thi tính trong Ngục trung nhật kí. Lê Hữu Mục hẳn hiểu điều này, nhưng lí lẽ nào để có thể biện bạch? Vì thế, Phan Ngọc đã có một “lời khuyên”, “bày mẹo” cho Lê Hữu Mục và biết chắc ông ta không thể biện bạch được. Từ đó, tâm địa đen tối của Lê Hữu Mục bị vạch trần. Nhà giáo Đặng Hiển nhận xét về bài thơ Tặng Bùi Công như sau: “Những tình cảm đẹp, cao quý, lại được biểu hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật vừa mới mẻ, vừa có phong vị truyền thống […] ấy là bài thơ trữ tình tuyệt đẹp, bài thơ xuân thể hiện vẻ đẹp phong phú của một tâm hồn thơ độc đáo, trác tuyệt Hồ Chí Minh” (Đặng Hiển, “Tặng Bùi Công - một bài thơ xuân đẹp”, in trong Bác Hồ của chúng ta, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012, tr. 352). Những nhận định này đáp trả một cách xác đáng và có lí lẽ trước các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù về phẩm cách thi sĩ và tư cách tác giả của Hồ Chí Minh đối với Ngục trung nhật kí.

Phản biện một cách mạnh mẽ, đấu tranh trực tiếp với những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, phủ định tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong văn học (nghệ thuật) có lẽ phải nhắc đến bài viết Sự thật hay ngụy tạo của Thượng tá, nhà văn, TS Phạm Duy Nghĩa (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Trong bài viết này, trên tinh thần phản biện một cách thẳng thắn, trực tiếp, Phạm Duy Nghĩa đã có nhiều phân tích, lập luận và dẫn chứng sắc bén, đáp trả các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo của các thế lực phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, cách mạng Việt Nam, bôi xấu hình tượng Hồ Chí Minh. Về lĩnh vực văn học, khi tranh luận về tư cách tác giả của Hồ Chí Minh đối với Ngục trung nhật kí, tác giả cho rằng: “… với Nhật kí trong tù, những kẻ làm phim Sự thật về Hồ Chí Minh đã không đưa ra được một bằng chứng nào để phủ nhận quyền tác giả của cụ Hồ. Không có bằng chứng, thì chỉ là suy diễn, “nói lấy được” mà thôi” (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 185). Với bản Di chúc của Bác, các tác giả DVD Sự thật về Hồ Chí Minh cũng “cắt xen, bóp méo sự thật và vu khống, bịa đặt đến mức trắng trợn” (tr. 185). Từ phân tích rất xác đáng của mình, Phạm Duy Nghĩa kết luận: “Việc cố tính cắt xén văn bản Di chúc để bóp méo sự thật theo ý mình của những kẻ làm phim thực sự là một việc làm bỉ ổi” (tr. 186).

Có thể nói, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu, phủ định tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong văn học nghệ thuật là một công việc thường xuyên, liên tục. Có hai xu hướng phổ biến trong động thái này. Thứ nhất, tôn vinh, ngợi ca, làm rõ thêm, khẳng định giá trị tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Thứ hai, trực diện đáp trả các luận điệu thù địch, chống phá của kẻ thù. Ở hướng nào chúng ta cũng có những hành động cụ thể, hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, các thế lực thù địch càng ngày càng ráo riết chống phá, nhưng chúng cũng càng ngày càng lâm vào bế tắc bởi chân lí và sự thật không gì có thể phủ nhận, thay thế được. Đó chính là ánh sáng tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh trong trái tim và khối óc của nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

L.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)