.PGS,TS Nguyễn Tuyết Thu
Quan niệm mỹ học trong thơ Nguyễn Trãi và thơ Hồ Chí Minh có nhiều nét tương đồng, đều nói nhiều đến yêu hoa, yêu trăng, yêu cây cối trong phong cách tĩnh lặng nghiêng về thiền hơn là về đời. Nguyễn Trãi có những câu tuyệt hay: “Quét trúc, bước qua lòng suối/ Thưởng mai, về đạp bóng trăng” (Ngôn chí 2). Đi thưởng (xem) hoa mai về phải qua suối nên “quét trúc”, cầm gậy trúc quét xuống lòng suối để xem nông cạn mà bước qua. Dưới suối bóng trăng lấp loá, bước qua suối như đạp trăng mà đi. Đây không còn là thơ của thi nhân mà của thi tiên, người trời giáng xuống trần làm thơ.
Không gian thơ Nguyễn Trãi và thơ Hồ Chí Minh thường có xu hướng vượt khỏi cái trần tục vươn tới cái cao cả, vừa có cái trầm lặng, thư thái của thiền, vừa có cái ung dung trong sáng của tiên, vừa có cái khát khao đời thường về cái thái bình viên mãn. Không gian thơ Hồ Chí Minh trong sáng tuyệt đối: “Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai” (Lên núi). Một cái ngỡ ngàng trong thơ làm bừng nở cả một mùa xuân: “Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân”. Phiên âm chữ Hán “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân” được dịch rất chuẩn. Chữ “ngẫu” (chợt) diễn tả thần thái ngỡ ngàng sững sờ trước cái đẹp của chủ thể. Phải thật nhạy cảm với cái mới mẻ, thật yêu vẻ đẹp của mai, phải thật tràn trề giàu có vốn trải đời với được mất phù du mới thảng thốt có chữ “ngẫu” quý giá này! Bài viết xin chứng minh điều này qua hình tượng trăng.
Bác có 14 bài thơ viết về trăng. Là một đối tượng thẩm mỹ, trăng đồng thời cũng là một người bạn tri âm: “Trung thu ta cũng Tết trong tù/ Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu/ Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu” (Trung thu). Tại chiến khu Việt Bắc, trong đêm khuya, cảnh đẹp, trăng thanh, Bác Hồ làm thơ: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya). Bộn bề việc nước việc quân nhưng thi sỹ Hồ Chí Minh vẫn có những vẫn thơ đẹp về trăng: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Rằm tháng Giêng). Có bài thơ thật hay tái hiện bức tranh thiên nhiên hữu tình, nhưng vẫn thấy một chủ thể trữ tình thao thức với cái đẹp, thao thức với cuộc sống kháng chiến. Cảnh thật gợi, vừa là cảnh tiên vừa là cảnh thực nhưng vẫn thấy thấp thoáng một bóng lo âu của chủ thể: “Dòng sông lặng ngắt như tờ/ Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo/ Bốn bề phong cảnh vắng teo/ Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan/ Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng” (Đi thuyền trên sông Đáy)… Dưới đây, từ góc nhìn mỹ học, xin khảo sát hình tượng trăng mang ý nghĩa biểu tượng.
3.1. Trăng – biểu tượng cho cái đẹp.
Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn. Người làm thơ chủ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Hán. Nhật ký trong tù xứng đáng là “quốc bảo” vì giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Các nhà nghiên cứu hầu như thống nhất đặc trưng thơ Hồ Chí Minh cổ điển mà hiện đại, trong sáng mà giản dị, ngắn gọn mà súc tích, cô đọng, hình tượng luôn vận động vươn về phía ánh sáng…Trăng trong thơ Người trước hết là một biểu tượng cho cái đẹp.
Bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi có câu: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, núi, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, thì “trăng” ở đây là nói về một đối tượng thẩm mỹ của thơ xưa. Sau này, năm 1947, trong bài Cảnh rừng Việt Bắc, có hai câu cuối: “Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ, với xuân này”, thì trăng cũng là đối tượng của nghệ thuật.
Trăng trong thơ Hồ Chí Minh quấn quýt với các hình tượng thẩm mỹ khác tạo ra thế giới nghệ thuật trong sáng, tinh khiết lạ thường: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya). Hình tượng có sự kế thừa, tiếp nối từ Chinh phụ ngâm: “Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông/ Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng/ Nguyệt hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đâu”. Ánh trăng rót xuống hoa, hoa lộng lẫy dưới ánh trăng. Ở đây là hai tầng không gian. Bác Hồ mở thêm một tầng không gian thứ ba: trăng/ cổ thụ/ hoa.
Hai câu đầu là cảnh có âm thanh (tiếng suối), có hình ảnh, màu sắc (trăng hoa). Hai câu sau là tâm trạng. Hai chữ “cảnh khuya” ở giữa bài thơ khép mở hai không gian: cổ điển hôm qua và hiện đại hôm nay; khép mở hai thế giới: cảnh tiên và cảnh thực; khép mở hai tâm trạng: thi sĩ và chiến sĩ.
3.2. Trăng – biểu tượng bạn bè thân tình, chân tình gần gũi chia sẻ.
Trăng trong thơ Bác như một người bạn có những hành động thân mật của người bạn: Trăng nhòm, trăng ngắm, trăng soi, trăng nhích, trăng vào, trăng theo,…Đầu năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đi thăm Trung Quốc và Liên Xô, ngày 11-3-1950 trên đường từ Bắc Kinh về nước Bác có bài thơ Ly Bắc Kinh (Rời Bắc Kinh): “Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt/ Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du/ Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán/ Bán tuỳ cựu hữu, bán chinh phu” (Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi/ Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành – Phan Văn Các dịch).
Ai cũng thấy Bác tập Kiều, khi Thúc Sinh đang nồng nàn với Kiều thì phải chia tay: “Người lên ngựa, kẻ chia bào/… Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”. Không gian vật lý đã trở thành không gian tâm lý: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (câu 1525,1526). Bác Hồ đã tái hiện lại không gian chia ly nhớ nhung luyến tiếc nhưng dĩ nhiên với một tâm lý, hoàn cảnh khác: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành”. Điểm đặc biệt là Bác tập Kiều bằng chữ Hán!
Theo đồng chí Phan Anh, “Năm 1950, một hôm Hội đồng Chính phủ họp trong rừng, đêm khuya, trăng lên rất đẹp, rất nên thơ. Bên cửa sổ, Bác bỗng nảy ý thơ, Bác viết ngay bài thơ bằng bút chì và đưa tôi đọc: “Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ/ Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền/ Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu/ Huề chẩm song bàng đối nguyệt miên”. Bài này có tên “Đối nguyệt” (Dưới trăng). Bản dịch của luật sư Phan Anh: “Ngoài sân, trăng sáng lồng cây/ Trăng đưa bóng ngả, bóng cài bên song/ Việc quân, việc nước bàn xong/ Bên song ôm gối, gối cùng trăng mơ”. Bản dịch này có hai chữ “gối cùng” rất hay, rất đúng với con người Bác như muốn hoà lẫn vào thiên nhiên, bạn bè, tâm sự với trăng. Bản dịch khá tài hoa của Nam Trân: “Ngoài song, trăng rọi cây sân/ Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song/ Việc quân, việc nước bàn xong/ Gối khuya yên giấc, bên song trăng nhòm”. Bản dịch của Nam Trân hay theo một ý khác, ở chữ “nhòm”. Chữ này làm toát ra ý trăng như một người đến thăm bạn mà bạn ngủ nên đứng ngoài song mà “nhòm” vào. Vừa yêu bạn, hiểu bạn (vất vả nên ngủ say) và tôn trọng, trân trọng người bạn cố tri.
Nhà thơ Cù Huy Cận được đồng chí Phạm Văn Đồng đưa cho dịch bài thơ Báo tiệp của Bác: “Nguyệt thôi song vấn: thi thành vị/ Quân vụ nhưng mang vị tố thi/ Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng/ Chính thị Liên khu báo tiệp thì”. Dịch xong, Huy Cận lên gặp Bác được khen: “Chú dịch được!”. Bài ấy như sau:
Tin thắng trận
Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về (1948).
Bài thơ dễ hiểu nhưng dịch cho hay, cho toát lên cái thần thái như bản dịch của Huy Cận là rất khó. Phải hiểu phong cách thơ, hiểu con người nhà thơ mới có thể có chữ “đòi” mang sắc thái dân dã, suồng sã chỉ có ở những người bạn thân tình, tri âm, tri kỷ. Thay chữ này bằng một chữ khác (xin, đọc), dù đồng nghĩa cũng không thể giữ được mối quan hệ thân mật người –trăng như vốn có.
3.3. Trăng – Biểu tượng cho chân lý vĩnh cửu.
Dựa vào nét nghĩa vĩnh cửu, vĩnh viễn của hình tượng “trăng”, bài Chơi giăng là ngụ ngôn về chuyện muốn cách mạng thành công thì bước đầu phải là công tác tổ chức: “Nguyệt rằng: Tôi kính trả lời ông/ Tôi đã từng soi khắp núi sông/ Muốn biết tự do chầy hay chóng/ Thì xem tổ chức khắp hay không/ Nước nhà giành lại nhờ tài sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng/ Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi/ Tức là cách mệnh chóng thành công...”.
Những thi phẩm ngụ ngôn trên thực sự nghệ thuật, một thứ nghệ thuật tuyên truyền rất giản dị mà hiệu quả, dễ đi vào lòng người.
N.T.T
VNQD