‘Bạn đồng hành’: Văn chương, cái chết và sự chữa lành

Chủ Nhật, 26/06/2022 06:14

Chiến thắng giải Sách Quốc Gia Mĩ 2018, Bạn đồng hành của Sigrid Nunez là một phóng chiếu sâu rộng vào trong con người thông qua các phương tiện của kí ức và di sản. Ở tác phẩm này, sự tuyệt vọng, văn chương và hành trình chữa lành sẽ một lần nữa được soi chiếu dưới nhiều nhãn quan phức tạp, từ đó định nghĩa nên một con người.

Câu chuyện xoay quanh kí ức về một nhà văn vừa mới qua đời, thông qua giọng kể của người phụ nữ có mối quan hệ phức tạp với ông. Chính việc đắm mình trong nỗi hoài niệm đã giúp bà nhìn lại mối quan hệ có phần lỏng lẻo, rời rạc nhưng lại thông hiểu một cách sâu sắc, từ đó phân kì thành những suy ngẫm rất riêng về các vấn đề vẫn còn tồn tại phía sau cái chết.

VĂN CHƯƠNG

Mở đầu tác phẩm, người phụ nữ hoài nhớ về một hình dáng với một cuộc sống có phần hư ảo của những chuyến đi dạo xa. “Nhà văn tiệm cận gần đến Nobel” (theo ý kiến của người phụ nữ) xem việc đi bộ để trầm tư (đúng kiểu Thoreau) là cách khai thông nút thắt văn chương, và nếu không được giải tỏa thì sống cũng như bằng chết. Trong thế giới ám ảnh bị bao quanh bởi những linh hồn chết, Sigrid Nunez nâng cao trải nghiệm giao hoà, làm im bặt tiếng và tôn sùng ân điển như ta đã từng bắt gặp Peter Handke tự viết về mình trong Buổi chiều của một nhà văn.

Và dĩ nhiên không chỉ văn chương đang bị bịt chặt bởi những vùng trũng, mà giới quan sát văn chương (bạn văn, độc giả và nhà phê bình) cũng đang "trét thêm son phấn" vào trong bộ mặt suy tàn từ lâu. Ở đó văn đàn như một cái bè mà ai cũng muốn trèo lên với mọi tranh cãi, tị hiềm… mỗi khi có người được dịp vinh danh. Văn chương giờ đây đã chọn dòng ngách, không còn tiết chế đi trên đường biên, mà việc đi sâu vào trong chi tiết, mô tả những thứ tầm thường đã làm rẻ rúng một nền văn chương có phần tuyệt diệu.

Văn chương đang dần tuyệt diệt, Nunez cũng đúc kết rằng viết văn là việc gian khổ, mà nếu có nghề nào khác thật sự tốt hơn, thì nên dẹp quách cái nghề này đi. Nunez dâng hết tình yêu cho thứ văn chương chưa bị ố tạp, nơi nhà văn vẫn rất có thể là nhà tư sản còn chưa bị chính trị hóa. Giờ đây trong đời sống rộng mở, người ta không thể tìm thêm các tác phẩm có thể tác động đến với xã hội, như Harriet Beecher Stowe đã từng làm được, mà chỉ toàn thấy những tiếng vọng sâu của cuộc sống chết, của thứ văn chương đang dần hấp hối.

Tiểu thuyết Bạn đồng hành do Nxb Phụ Nữ Việt Nam ấn hành, Nguyễn Bích Lan và Tô Yến Ly chuyển ngữ.

Cái tư sản và thiếu sáng tạo của nhà văn không chỉ bắt nguồn từ việc mô tả và viết đi viết lại những thứ thừa thãi, mà như Nunez trích dẫn Toni Morrison, Joan Didion hay W.G.Sebald: viết về ai đó cũng là một cách để giết chết họ. Có phần tương đồng với Susan Sontag (thực tế Nunez cũng viết một cuốn sách riêng về Sontag) khi nói chụp ảnh là giết người về mặt biểu tượng, việc cạn nguồn sáng tạo, đóng đinh những người quen biết lên thập tự giá để độc giả chê cười… càng kéo gần hơn con đường mà như Phillip Roth nói: "Viết văn đồng nghĩa với thất bại nhục nhã", còn “bà hoàng truyện ngắn” Flannery O’Connor thì thực tế hơn "chỉ những người tài năng mới nên viết văn, hoài nghi về việc trở thành nhà văn"

Và dù văn chương có đang giãy chết, tác giả có cố luồn cúi, thì độc giả cũng đồng thời là lực lượng khác đang góp phần vào việc đẩy nhanh cái chết. Một quá trình đọc còn nhiều cẩu thả, ưa những món quen… đã làm mất đi phẩm giá của chính người viết. Đó là một tiêu chuẩn kép, là một song đề khó mà giải quyết… cho nên cách tốt nhất (mà Nunez lặp lại đã rất nhiều lần) là bẻ bút viết văn và chọn nghề khác.

CÁI CHẾT

Một khi lí tưởng, một khi văn chương không còn sống động như nó đã từng, và giả sử như đó là tất cả những gì mà một nhà văn đang có, thì việc đánh bạn cùng với cái chết là điều dễ hiểu. Trong mối quan hệ có phần rộng mở (khi ba người vợ và những tình nhân nhiều đến không thể đứng chung cùng trong một phòng), ở độ tuổi trung niên mà dục tình xuống dốc còn sức khỏe phù du, thực tại đã kéo gần hơn thứ tình cảm ấy, giữa nhà văn và những sứ giả đại diện Thần Chết.

Với chứng trầm cảm kéo dài đã từ rất lâu, cùng với những cơn đau lưng không thể trầm tư đi dạo; đã khiến nhà văn đang dần mục rữa như thứ rễ cây úng nước từ ngày qua ngày. Cũng như Nunez thừa nhận, nhân vật người đàn ông trong tác phẩm này có nhiều tương đồng với David Lurie trong cuốn Ô nhục của J.M. Coetzee. Đó là một giáo sư sa sút phong độ nhưng vẫn ham muốn dục tình để thấy như mình đang sống, và trong một cơn phấn khích lên đến cùng cực, việc chiếm đoạt không thuận tình một nữ sinh viên đã kéo đời ông xuống bãi tha ma.

Cũng như Lurie, người đàn ông 50 tuổi trong cuốn sách này cũng có một mối quan hệ với cô sinh viên lẳng lơ 19 tuổi rưỡi, để rồi nhận ra "điều thúc đẩy họ đến với anh ta là thói tự yêu bản thân, là cảm giác sung sướng khi bắt một người đàn ông nhiều tuổi hơn ở vị trí quyền lực quỳ gối trước mình", chứ không phải những từ gọi "cưng" ở trường đại học, hay cả quá trình từng trải của người đàn ông… Việc đứng trước gương và thấy được sự tuyệt vọng trong một cơ thể có phần già nua của tuổi trẻ đã bỏ đi và tuổi già vô dụng trờ trờ phía trước, đã đưa nhà văn đến một quyết định có phần đen tối.

Nhà văn Sigrid Nunez.

Truyền thống tự tử mà như Nunez thừa nhận không chỉ bắt nguồn từ trong đời sống cá nhân của một nhà văn, mà đó còn là đời sống văn chương luôn ám suốt họ (chẳng hạn con gái của George Simenon hay người bạn qua thư của Flannery O’Connor… cuối cùng cũng tự tử trong sự thất vọng về người mình đã từng biết). Liệu trường hợp này là thuộc về đâu, về phía cá nhân hay là văn chương? Và đó là khi Apollo, con chó thuộc giống Great Dane được phát hiện ra một cách tình cờ.

HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH

Cũng như phụ nữ Campuchia thời Khmer đỏ, nhân vật dẫn chuyện ở những trang đầu cũng đã thừa nhận mình bị lòa mắt bởi chính cơn sốc vì sự ra đi của người đàn ông. Bà cũng nghe thấy những con "sâu" tai làm biến đổi âm thanh thân quen, mặc cho cả hai người họ ở trong một mối quan hệ có phần phức tạp, với tính đặc trưng là chỉ giao tiếp qua thư điện tử.

Đó là hai mảnh ghép khớp nối vào nhau, mà cũng như Apollo, chú chó được người đàn ông tìm thấy và rồi nhận nuôi, họ tìm thấy nhau một cách ngẫu nhiên vả rồi ở lại. Cũng như loài chó, người phụ nữ và Apollo là hai kẻ cô đơn, tự vạch biên giới và bảo vệ nhau. Đối lập với thân hình khổng lồ của một con chó thuộc giống Great Dane, Apollo lại im lặng đến không ngờ tới.

Nó thích thú khi được đọc sách cho nghe (và liệu người nhà văn ấy đã làm như thế?). Nó cũng không còn tạo ra những tiếng sủa lớn như thể tự nó "phong bế" đi chính thị lực của người phụ nữ. Họ là hai người lữ khách quá cảnh trong một thời điểm có phần khó khăn, nhưng nhận ra nhau trong những liên kết (với vị nhà văn) rất khó giải thích, và bám vào nhau để cùng tồn tại.

Không chia ranh giới giữa những giống loài sinh vật, bà nhìn Apollo như một người quen, và giải thoát nhau trong sự phóng chiếu của việc rơi vào cùng chung hoàn cảnh. Giữa người phụ nữ và Apollo là nỗi đau chung, và vì họ biết những điều tệ nhất là sự tàn bạo với chính bản thân mình, nên họ đã thấu hiểu nhau và nhìn nhận nhau. Không chỉ là một thực thể hữu hình như một chú chó, đó còn là nỗi cảm kích thông qua văn chương, là sự thấu hiểu cùng trong hình bóng của chỉ một người.

Và cũng bởi vì "người ta không bao giờ mô tả trải nghiệm duy nhất", Bạn đồng hành là sự gạn lọc cũng như suy ngẫm vô cùng đặc biệt về chính con người, văn chương cũng như hành trình chữa lành của Sigrid Nunez. Simone Weil đã từng nói rằng "cái xấu được hư cấu thì lãng mạn và đa dạng; cái xấu có thật thì u ám, đơn điệu, tẻ nhạt"; bằng việc xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại và thể hiện góc nhìn độc đáo… Nunez đã chấp nhận cái xấu tẻ nhạt để phân rã quá khứ trong việc viết lách, và chấp nhận vượt qua những “cổng môn quan” đầy những chông gai. Một tác phẩm suy tư đặc biệt về văn chương, sự hiện tồn và những mối dây liên hệ.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)