‘Mắt nào xanh nhất’: Lặn sâu vào chủ nghĩa màu da

Thứ Năm, 30/06/2022 06:43

Toni Morrison là một trường hợp có phần kì lạ, khi với cương vị là một nhà văn lớn, bà không ngần ngại giới hạn chính mình chỉ trong khuôn khổ văn chương viết cho người da màu. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Mắt nào xanh nhất cho đến quan trọng nhất - Yêu dấu, ta vẫn luôn thấy một nỗi trăn trở tìm về câu hỏi: nguồn gốc ngoại tộc.

Mắt nào xanh nhất (San Hô Books và Nxb Phụ nữ Việt Nam liên kết ấn hành, Thiên Nga chuyển ngữ) là cuốn tiểu thuyết đầu tay, mà cũng có thể được xem như đã đặt nền móng cho quá trình dài đằng đẳng mà bà theo đuổi. Nếu gọi màu da là thứ tự nhiên, thì bằng thái độ tự tôn màu da, cũng như tự khinh sắc tộc, Toni Morrison đã mở ra được những ngã đường khác, không phải là cuộc chiến đòi quyền bình đẳng, mà sâu sắc hơn và khó nhằn hơn, là việc đào sâu vào trong tâm thức của vấn đề này trong cái cốt lõi của nó.

Tiểu thuyết kể về Pecola, cô bé mười bốn tuổi, và ước mơ có được con mắt thật xanh. Là người da màu, việc có một cặp mắt xanh sẽ thay đổi gì ở nơi cô bé? Tưởng chừng hành động đòi hỏi những thứ muôn đời không thể khớp nối, không đội trời chung là điều viển vông cũng như không tưởng. Thế nhưng mục đích của nó, ý đồ của nó, là một khả thể rất cần xem xét.

DỮ DỘI

Điều gì khiến cho nghề viết đòi hỏi tính chất nhân văn nhưng lại không hề xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết này của Toni Morrison? Câu trả lời đơn giản là chỉ có một, đó là công cuộc đào sâu vào tận gốc rễ của vấn đề mà bà muốn đưa ra ánh sáng, vì sự bạo tàn cũng như ngang ngược. Trong tập tiểu luận Nguồn gốc của ngoại tộc, bà đã cảnh báo thế hệ nhà văn – độc giả về thứ “chủ nghĩa màu da rẻ tiền” chuyên khai thác lại những chuyện cũ rích chỉ là bề nổi. Nó không thật và là giả hiệu. Nó chỉ thật trong văn chương của Morrison, qua Mắt nào xanh nhất, khi những bi kịch đến với một nhân vật chính vẫn còn trẻ con và ở cận biên của tuổi trưởng thành; với một kết cấu tiểu thuyết phân mảnh chứa nhiều ý đồ.

Nhà văn Toni Morrison.

Như chính Toni Morrison cũng đã thừa nhận, bà phân mảnh cuốn tiểu thuyết này bởi một dụng ý còn quan trọng hơn, là đòi hỏi nhìn nhận, chứ không thấu cảm. Xoáy sâu vào một cô bé kinh qua quá nhiều biến động dễ dàng hình thành nên sự thương cảm, và nếu điều đó có dịp xảy ra, nó cũng có nghĩa đã sai lệch đi ý đồ của bà. Do đó Mắt nào xanh nhất có kết cấu của dàn đồng ca, với các câu chuyện rải rác trải đều, nơi mỗi giọng nói là một tự thuật, rồi sẽ tụ lại ở Pecola - cô bé muốn có đôi mắt xanh nhất.

Các nhân vật trong cuốn sách này chìm trong đủ thứ tội lỗi, và họ chỉ có duy nhất điểm chung là thuộc dòng giống da màu. Ẩn sâu trong họ là những mặc cảm không được chọn lựa và phải sống sâu trong những tưởng tượng. Họ có một đời sống dài ẩn chứa vô vàn niềm đau. Đó là Cholly và sự giận dữ vì bị bỏ rơi, là Pauline cùng những mê hoặc của vẻ đẹp hình thể, là Geraldin suốt đời trốn tránh bằng sự dửng dưng của những hiện thực đang bóp dần mình…

Họ từng hi vọng và cũng thất vọng. Cholly đang tuổi trưởng thành nhận thấy được sự mồ côi, và bi kịch ấy dẫn anh đến với hành động máu lạnh. Với Pauline, đó là mong muốn phân thân thành các vai diễn, với giày cao gót, những lọn tóc thẳng, những áo quần mới… để thật hoàn hảo, để cho thật “trắng”. Và chỉ đến khi bị gãy một chiếc răng trắng - thứ tương phản có phần tuyệt đối với màu da cô, thì mới đủ sức kéo cô về lại thực tại của mình.

Cho nên đòi hỏi của Pecola có được một cặp mắt xanh chỉ như một sự tiếp nối mong muốn của cộng đồng này. Đó là một sự ngưng đọng thời gian, nơi quãng đời của nhân vật phụ trôi đi quá nhanh, trong khi những thứ thuộc về Pecola thì lại kéo dãn. Cô bé uống ba quart sữa chỉ để nhìn thấy Shirley Temple tóc vàng mắt xanh. Cô muốn mắt mình xanh nhất để những cải vã giữa bố và mẹ không còn diễn ra, để khoảng chân không chán ghét của người da trắng khi đi mua kẹo không còn tồn tại, để sự chòng ghẹo của đám bạn bè hay thầy cô giáo sẽ không còn nữa… Mong ước của nó vô cùng chính đáng, mà người như là Nhà thơ Đầu xà phòng cũng đã vượt qua sắc dục để ban cho nó.

Trong bức thư kính gửi đến Chúa, ông ta viết: “Nhưng tôi cho nó đôi mắt xanh nó muốn. Không phải để vui thú, cũng không phải vì tiền. Tôi làm cái Ngài không thể làm, không chịu làm: tôi nhìn con bé da đen xấu xí đó, và tôi thương nó. Tôi đóng vai Ngài. Và đó là một vở diễn tuyệt hay”. Cái mong ước ấy chỉ được nghe thấy bởi những con người chịu cùng nỗi đau, nhưng ngay cả khi đã thấu hiểu nó, người ta cũng không thể ngừng lợi dụng, mượn gió bẻ măng, như con chó già, hay là cha nó đã gieo vào nó hạt mầm của mình trong một mảnh đất vô cùng khô cằn.

Cái tự nhận thức màu da ấy, cái khủng hoảng sắc tộc ấy, giờ đây không còn đến từ chủ nghĩa lãng mạn, mà nó là cái xác tín, là lớp mặt nạ tự họ cảm thấy, tự họ nhận biết và cũng tự nguyện khoác lên người mình. Giải thích về xu hướng ấy, Toni Morrison nói: “Rồi ta nhận ra nó đến từ xác tín, xác tín của họ. Như thể một vị chủ nhân thông tuệ bí ẩn nào đã phát cho mỗi người họ một tấm áo chàng xấu xí để mặc, và ai nấy đều nhận mà không thắc mắc”

Chính cái sai lầm của những xác tín đã cho ra đời một kiểu khinh thị màu da, và cũng từ đó sản sinh ra xu hướng khác, tự tôn màu da. Trong tác phẩm này, Toni Morrison cho hai đối trọng Claudia và Pecola – một sự chơi chữ với ba âm tiết, mang theo những suy nghĩ riêng và hành động riêng. Một người căm ghét bọn nhãi tóc vàng mắt xanh, chỉ chực phá hủy Búp bê Em bé không hề giống nó… trong khi Pecola hoàn toàn ngược lại, hâm mộ Shirley và lại muốn có mắt xanh để không một ai có thể coi khinh nó, và rồi mọi thứ tốt đẹp sẽ đến.

NGUỒN GỐC

Thế nhưng lí giải về sự xác tín cũng như động cơ, cấu trúc dàn đồng ca của Toni Morrison mới chính là thứ cho thấy thật rõ ràng nhất nguồn gốc của ngoại tộc, thông qua câu chuyện được kể lần lượt, nhưng là những góc nhìn riêng để rồi nhập lại thành một tổng thể vừa đủ bao quát mà cũng hài hòa, về tình thế ấy và những bi kịch. Morrison họa ra bi kịch đến không chịu nổi bằng những hư cấu đến độ không tưởng, thế nhưng nó là hồi chuông cảnh báo, là cú đánh mạnh vào trong tiềm thức để bản thân ta tự mình nhìn lại mình và tra vấn mình, về huyết thống, kết cấu gia đình cũng như xu hướng bề trên… ngày càng trở nên phức tạp.

Chân trụ thứ nhất được Toni Morrison đưa ra đó là huyết thống. Một trong những tội ác thường được hình thành là do di truyền, là từ bài học đã được nhận thức không hề ý thức, về những hành động và sự bắt chước. Chẳng phải Cholly cũng bỏ người hắn ngủ cùng và trốn đến một nơi xa như cha của hắn? Và cũng chẳng phải Junior hưởng cái thờ ơ cũng như khinh miệt những đám “mọi đen” từ chính mẹ nó, một người phụ nữ giả vờ, một người white-passing học trò tẩy trắng những nơi mình đã đi qua? Ở đây lí giải đủ đầy về sự truyền lại của hai mạch xoắn đan xen vào nhau, từ đó làm nên nguyên nhân của những bi kịch.

Tiểu thuyết Mắt nào xanh nhất của Toni Morrison.

Cấu trúc gia đình trong các tác phẩm của Morrison cũng là chân trụ thứ hai cho sự xa cách. Dường như cả trong Yêu dấu lẫn Mắt nào xanh nhất, những đứa trẻ vẫn thường bị bỏ rơi lại, bởi nỗi đau cùng những sang chấn người mẹ đã phải chịu đựng. Nếu Sethe đắm chìm trong thứ tình yêu cùng với Paul D. để rồi dành hết thời gian ở bên Yêu dấu bỏ mặc Denver, thì ở tác phẩm này, với cái nghèo khó của những gia đình đông đúc thường phải ra đường để ở, nơi người da đen học cách tích trữ cho một tương lai vô cùng bất định… thì những đứa trẻ ấy cũng bị bỏ rơi.

Đó là những trẻ em gái không biết đến những vấn đề thuộc về phụ nữ của tuổi mới lớn. Pecola thì không thể biết thế nào mới là tình yêu, trong khi Frieda bị lão Harry đến ở nhà thuê lạm dụng nhưng lại không tự bảo vệ mình. Khi đó cha mẹ của những đứa trẻ ở đâu? Họ còn đang bận an ủi lũ trẻ da trắng, ở nơi mà mình sắm vai gia nhân và hưởng đôi chút quyền lực. Họ buông những lời mật ngọt như bánh việt quất cho làn da trắng, nhưng lại nhả ra những lời táo úng cho con cái mình. Họ mua tặng chúng món quà họ từng mơ ước, nhưng không hỏi chúng liệu có thích không. Ở gia đình ấy, bọn trẻ chỉ làm mỗi việc là phải nghe lời, và không có việc nào khác ngoài mỗi việc ấy.

Tác động thứ ba của việc xảy ra những bi kịch ấy chính là “khiên chắn” cố chống “pha tạp màu da”, nơi mà những người da trắng (Maureen Peal, người đàn ông bán kẹo), da đen sáng màu (Junior, Geraldine) từ chối giao du cũng như liên hệ với người đen thuần - cộng đồng được cho là khoác lên mình lớp vỏ xấu xí dù nó không thuộc về họ. Lằn ranh giữa người da màu tươm tất, yên tĩnh; còn “mọi đen” dơ bẩn, nghèo đói không phải lúc nào cũng được phân định rõ ràng, và chính những biểu hiện khó thấy và thường trực xóa mờ đường biên giới này đã khiến chủ nghĩa khinh thị cũng như khinh thường dâng lên cao nhất.

*

Như vậy có thể thấy rằng, ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay, đường hướng của một nhà văn nặng lòng với các vấn đề chủng tộc đã được định hình. Tuy lúc vừa mới ra mắt, Mắt nào xanh nhất không được đánh giá quá cao, thế nhưng trong những ngày này khi chủ nghĩa màu da đang bị thách thức và cơn căng thẳng đang lên cao nhất, thì văn chương của Toni Morrison chính là một lời kêu cứu, là sự phản biện, là những minh chứng cho một hệ thống đang còn rệu rã và nhiều bất công.

Lặn sâu dưới lớp văn chương rất nhiều biến động, bằng một giọng văn chứa đầy màu sắc, hình ảnh cũng như nhịp điệu, Toni Morrison đã cho ra đời một tác phẩm lớn và rất quan trọng, cho cộng đồng mình, cho thế giới này và cho tính chất nhân văn đang rất cần thiết.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)