Học Bác Hồ, còn công tác, còn cống hiến

Thứ Tư, 06/07/2022 10:33

. NGUYỄN THANH TÚ
 

Theo quy luật, sau một quá trình dài lao động cống hiến, cán bộ nào cũng phải đến tuổi nghỉ hưu. “Con chị nó đi, con dì nó lớn”, trong cơ quan sẽ có một lứa mới trưởng thành tiếp nhận, kế tục công việc. Đó là sự thống nhất của quá trình giữ lại và loại bỏ nhằm phát huy những yếu tố tích cực, tiến bộ của cái cũ để xây dựng, hoàn thiện, phát triển cái mới. Triết học gọi là phủ định biện chứng - quy luật phát triển tất yếu của sự vật, hiện tượng và tư duy trong việc học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao các giá trị. Người Việt có một thành ngữ tuyệt vời, ngắn gọn mà khái quát cao nhất quá trình ấy chỉ trong 4 chữ “Tre già măng mọc”.

Gắn liền, gần gũi với người lao động, cây tre trở thành biểu tượng cho tâm hồn, tính cách, lối sống Việt. Hình tượng “cụm tre” bao bọc lấy nhau là biểu trưng cho một gia đình, một làng xã, sau này là cơ quan, đơn vị đoàn kết, gắn bó. Ngày xưa mỗi làng thường được bao quanh bởi lũy tre dày, ngoài tác dụng bảo vệ, che chở theo nghĩa đen còn mang ý nghĩa giáo dục, gợi lên ở mỗi cá nhân ý thức về sự đoàn kết, sự tiếp nối, bài học tri ân, biết ơn thế hệ đi trước, gợi lên bổn phận, trách nhiệm trước cộng đồng. Bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy là thi phẩm để đời nhờ nói lên được cái hồn cốt của tre, của người: “Thương nhau tre không ở riêng/ Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người/ Chẳng may thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.../ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con”.

Không có “tre” thì không có “măng”. Không có cán bộ lớp trước thì không có cán bộ lớp sau. Theo lẽ tự nhiên, trong cơ cấu lãnh đạo cần có già có trẻ. “Tre già” là điểm tựa, là mẫu mực cho “măng non”. Về vấn đề này, trong Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm Bác Hồ đã phân tích sâu sắc, thấm thía: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ” (1). Trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng như vậy, nên “các đồng chí già” càng phải ý thức gương mẫu, độ lượng và thân ái, chân tình và thẳng thắn dìu dắt lớp trẻ. Soi vào câu thơ Nguyễn Duy mới thấy tài năng nhà thơ là nói lên chân lý đời sống bằng chân lý hình tượng: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con”. Không chỉ lấy thân mình che chở, “tre già” còn nhường “manh áo cộc” của mình cho “măng non”. Cũng vậy, thế hệ đi trước không chỉ bảo vệ, giáo dục mà còn nhường những gì quý giá cho lớp sau. Hội nghị Diên Hồng thời Trần họp các bô lão ngoài việc bàn kế giữ nước còn là một biểu hiện của thế hệ “tre già” che chở, dìu dắt lớp “măng non”. Hành động Nhà Vua ban cho Trần Quốc Toản quả cam không chỉ mang tính biểu tượng của sự trao truyền và tiếp nhận thành quả hạnh phúc giữa hai thế hệ, còn là nhắn gửi trách nhiệm giữ gìn thành quả ấy cho lớp sau. Thế kỷ XX dân tộc ta làm nên những chiến công giữ nước thần thánh một phần nhờ sự tiếp nối “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”!

Về mối quan hệ biện chứng già trẻ trong công tác lãnh đạo, vẫn lời Bác dạy, thẳng thắn, tinh tế: “Trong lãnh đạo cần có già, có trẻ... chớ không phải như ngày xưa mà tưởng rằng: “sống lâu lên lão làng”. Cố nhiên, đối với các đồng chí già, đồng chí trẻ phải có những hành động tỏ rõ lòng tôn trọng của mình, như đi xem văn công đều phải mua vé cả; nhưng mời đồng chí già, nhiều tuổi ngồi trên hay nhường chỗ. Nhưng cũng không phải là “xuân thu lưỡng kỳ” để các đồng chí già lên kiệu mà khiêng đi. Nếu làm như thế thì thật là vô lý” (2). Một quan niệm thật sự dân chủ, trở thành lãnh đạo là do năng lực chứ không phải nhờ “sống lâu”, thế nên già trẻ đều bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ (đi xem văn công đều phải mua vé cả). Nhưng vì là lớp trước nên được lớp sau “tôn trọng” được “ngồi trên” nhưng cũng không thể mãi thường xuyên như thế. Vì nếu “tre” không chịu “già” thì “măng” khó có thể “mọc”!

Quân đội ta tự hào luôn có sự kế tục hài hòa giữa các thế hệ già - trẻ. Trước hết là nhờ công tác quy hoạch cán bộ bài bản, chiến lược, khoa học của các cấp ủy Đảng tạo ra sự yên tâm công tác cho cán bộ. Nhưng phải khẳng định thế hệ “tre già” đã thực sự mẫu mực làm gương cho thế hệ tiếp nối. Chung một mong muốn để đơn vị mình tiến bộ hơn, phần lớn cán bộ sắp đến tuổi nghỉ chờ hưu nhưng vẫn toàn tâm, toàn ý, tận lực cống hiến như thời đang sung sức, không hề có sự phân biệt tuổi tác hay “chờ đợi”... Có người còn làm việc nhiều hơn vì sợ đến lúc nghỉ, “bàn giao” chưa yên tâm. Có cán bộ cố hoàn thành thật tốt công việc để lớp mới “khỏi ngỡ ngàng”. Có người tâm niệm làm thế nào đó để sau này, quay lại thăm đơn vị, mình như được trở về nhà...!!!

Tình nghĩa Việt Nam là thế! Sức mạnh của quân đội ta là nhờ thế!

Tôi - người viết bài này - tròn 40 năm quân ngũ thấm thía chân lý quân đội ta vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được nhân dân gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”, có nguyên nhân ở phẩm chất trao truyền rất đẹp giữa các thế hệ. Xin được kể chuyện của mình. Khi đang là trung đội phó, ở mặt trận tuyến đầu (biên giới phía Bắc), công việc bề bộn nhưng với tầm nhìn xa, cấp trên vẫn điều động tôi đi học sĩ quan chính trị để rồi tôi trở thành chính trị viên đại đội. Sau này phấn đấu vươn lên, ở nhiều cương vị lãnh đạo, như Chủ nhiệm bộ môn, Phó Chủ nhiệm Khoa ở một Học viện quân đội, tôi vô cùng biết ơn các lớp đàn anh đi trước, dù đang công tác hay chuẩn bị nghỉ hưu đều chu toàn rất mực với đơn vị, rèn luyện, giáo dục, nhắc nhở tôi từ những chi tiết nhỏ nhất từ giờ giấc đến cách ứng xử giao tiếp cấp trên cấp dưới, giáo viên, học viên... sao cho chuẩn mực. Không có họ, không có tôi ngày hôm nay!

Đến khi về hưu tôi càng thấy ngôn ngữ văn hóa Việt sâu sắc, thâm thúy vô cùng. Cũng là “tiếng” nhưng làm điều không hay là “điều tiếng”, ngược lại, làm điều tốt, nhân ái, vị tha là “tiếng thơm”. Chẳng ai muốn “điều tiếng”. Còn để có “tiếng thơm” phải trọn vẹn, trước sau, phải mẫu mực, còn công tác, còn cống hiến. Những thế hệ trước đã như thế, thế hệ sau phải hơn thế, vì “Con hơn cha là nhà có phúc!”

N.T.T

---------

(1), (2). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 2002, tập 10, tr 463; tập 10, tr 469, 470.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next