. NGUYỄN HẢI NGUYÊN
Với Hồ Chí Minh, tư chất nghệ sỹ đồng nhất với phạm trù cái cao cả, vì tự thân hình tượng Hồ Chí Minh đã biểu hiện sinh động nhất cho phạm trù mỹ học này. Điều dễ thấy nhất là ở Hồ Chí Minh có một phong thái rất đặc biệt.
Nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh kể: “Tôi là người có may mắn chụp ba vua cuối cùng của Việt Nam là vua Khải Định, vua Thành Thái, vua Bảo Đại... Cả những người khác, tôi chụp nhiều, nhiều lắm, nhưng không một ai có cặp mắt tinh anh và đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhà văn Nga Ruf. Bersatxki cũng cho thấy thần thái của con người vĩ đại này ở đôi mắt: “Râu tóc Người bạc phơ. Nhưng, kỳ lạ, râu tóc hoàn toàn không làm ta thấy Chủ tịch già. Bởi vì khi anh nhìn đồng chí Hồ Chí Minh trên mặt Người, anh chỉ thấy rõ nhất là cặp mắt, mà cặp mắt ấy rực rỡ, tỏa sáng ngời ngời, và truyền cảm hết cho anh. Chỉ có người nào yêu con người hơn hết mọi cái trên thế gian mới có ánh mắt như Người…”.
Ký giả Giulapxki, người Ba Lan kể lại khi gặp Bác ở Pari năm 1946: “Ảnh của Bác được in trên hầu hết các báo. Cho nên khi Người bước vào phòng họp, tôi nhận ra ngay. Có điều là, trong thực tế, Người khác hẳn: vẫn cái dáng gầy, nhã nhặn với chòm râu thưa và bộ quân phục trang nhã; nhưng không một bức ảnh nào thu được cái ánh sáng long lanh của đôi mắt và lột nổi vẻ đẹp cân đối tuyệt vời của cái thân hình đó”. Giăng Rôgơ Xanhtơny, trong Đối diện với Hồ Chí Minh, “người quen cũ” của Bác cảm nhận ở Hồ Chí Minh một phong thái hết sức lịch lãm: “Riêng có một điểm không hề thay đổi, đó là ánh lửa và sự linh lợi trong cái nhìn cũng như thái độ vừa từ tốn vừa hoạt bát của ông. Vậy là chúng tôi lại giáp mặt nhau sau tám năm, sau buổi gặp gỡ ngày 3-2-1946,... Hồ Chí Minh cũng có vẻ xúc động như tôi, nhưng chỉ vài giây sau, ông đã giơ cao hai cánh tay, xòe rộng hai bàn tay nói với tôi: “Thế nào, chúng ta ôm hôn nhau chứ?”. Chúng tôi liền ôm choàng lấy nhau. Ông tiếp tục nói với tôi: “Ông thấy đấy, chúng ta đã đánh nhau, đã chọi nhau như ông thường nói ở Pari, trong suốt tám năm, nhưng mà là chiến đấu một cách đàng hoàng, thẳng thắn. Bây giờ hết chiến tranh rồi. Các ông cần phải tiếp tục thẳng thắn và cùng với sự thẳng thắn đó, chúng ta sẽ cùng nhau thỏa thuận, cùng nhau hợp tác. Ông nghĩ thế nào? Mỗi bên một nửa…”.
Nhà văn Hồ Phương kể thêm: “Và vầng trán mênh mông trí tuệ nữa, như cả một vòm trời bao la trên khuôn mặt hao gầy mà cực kỳ tao nhã với một chòm râu thông thái rất đẹp, rất Việt Nam. Tất cả đã tạo nên dung nhan một nhà hiền triết lớn, một anh hùng Việt Nam thời đại mới, không thể nào lẫn được với bất cứ một trí giả, một anh hùng nào khác, dù đó là Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, hay Phan Bội Châu…
Một nụ cười hé nở trên môi Bác. Tôi thấy như cả bầu trời bật sáng loà. Bác không những lại cất tiếng mà còn đưa tay ra vẫy trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người”.
Tại Đại hội Văn hoá cứu quốc ở Hà Nội năm 1945, nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi lại: “Cụ Hồ người gầy và xanh, nhưng tiếng nói của Người thì sang sảng như tiếng chuông”. Charles Fourniau, nhà sử học Pháp kể “Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không chút nghi thức…”.
Trung tướng Lê Quang Hòa là một người gần gũi với Bác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp rất ấn tượng với cử chỉ của Người: “Bác lấy chiếc khăn mặt bông trắng trùm kín bộ râu, đội chiếc mũ lá rộng vành lên đầu, quàng chiếc túi dết vào vai, đi ra. Một thoáng thôi nhưng tôi không bao giờ quên được những cử chỉ hoạt bát đến kỳ lạ của Bác. Bằng một động tác phối hợp nhanh nhẹn tuyệt đẹp, Bác đã ngồi lên yên ngựa và nắm dây cương”.
Họa sỹ Diệp Minh Châu kể: “Có lần tôi được thấy Bác tập võ. Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, nhìn Bác phất phơ chòm râu bạc, đi một đường quyền uyển chuyển nhẹ nhàng, tôi có cảm giác như đang lạc vào một cảnh tiên, gặp một ông tiên nào đó. Bác cũng thường nhân những lúc nghỉ, ra ngồi câu cá bên bờ suối. Nhất là những đêm trăng sáng, Bác hay gọi chúng tôi đến để kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Bác”.
Nhà văn Tô Hoài nhớ lại hình ảnh Bác như một ông tiên giữa núi rừng: “Bác lại đi. Chân dép, gậy. Bác lội suối, trong ánh đuốc. Bâng khuâng như một giấc mơ.
Trong vòm trời sương lạnh buốt đầy những tiếng hô Bác, Bác muôn năm. Bác đứng giữa suối, quay lại nói: Các chú thì tiến bộ muôn năm chứ!
Tiếng hoan hô lẫn tiếng cười làm cho rừng khuya ấm hẳn lên, chúng tôi ấm hẳn lên. Bởi vì từ lúc ấy, lòng tin của Bác đương sưởi trong chúng tôi...”.
Và đây là ấn tượng của cán bộ phục vụ Bác: “Nếu được gặp Bác, cậu hãy nhìn kỹ mà xem, cứ một trường hợp lại một khác. Cậu sẽ thấy Bác thay đổi một cách lạ thường. Khi Bác điều khiển hội nghị, hoặc đứng trước quần chúng thì các cậu thấy thật là một lãnh tụ hết sức gần gũi quần chúng. Người chủ động hòa mình trong quần chúng, và dìu dắt quần chúng như một người anh cả trong gia đình hiểu rõ từng đứa em mình. Nhưng nếu đứng trước hàng quân mà Người mặc quân phục thì uy nghiêm như một vị nguyên soái mà vẫn gần gũi như một người cha đứng trước đàn con.
Thế mà khi Bác tăng gia hay câu cá, thì thật là một lão nông cần cù chăm bón từ cây cải, luống cà đến khóm ớt, giàn rau. Và nếu các cậu được thấy Bác ngắm trăng thì dẫu Lý Thái Bạch có tái sinh cũng chỉ yêu trăng đến thế thôi! Vì vậy tớ nghĩ: Đố các nhà nhiếp ảnh, các nhà họa, điêu khắc nào có thể chụp, vẽ, tạc tượng diễn tả được Bác một cách chân thực đấy!”. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác không bao giờ quên hình ảnh, phong thái của Người: “Ai đã được một lần nhìn thấy Bác Hồ bước đi thấp thoáng dưới những tán dừa, những hàng cây bụt mọc, những cành dương liễu... trong một sáng tháng Năm của năm 1965 này, sẽ còn giữa lại mãi mãi những cảm nhận đẹp đẽ trong tâm hồn. Bộ quần áo lụa màu gụ, mái tóc bạc phơ bay bay trong gió, khuôn mặt hồng hào với cặp mắt hiền từ và chòm râu trắng, làm cho Bác Hồ bước vào tuổi 75 đẹp rực rỡ như một ông tiên trong các truyện cổ tích”.
Như vậy, Hồ Chí Minh vừa là con người thực, vừa là một “ông tiên”. Chúng tôi gọi đó là một phong thái nghệ sỹ, rất thực, rất đẹp.
Nhưng chính con người ấy lại có một phong thái hết sức bình dị, gần gũi với đời thường. Một hôm Bác đang cùng ăn trưa với các đồng chí phục vụ thì cố vấn Bảo Đại đến. Nhìn vào mâm cơm của Bác chỉ có đĩa rau muống xào, một bát canh và một đĩa đựng mấy miếng đậu phụ kho, lại thấy người Bác Hồ lúc đó hơi xanh và gầy, Bảo Đại thưa: “ - Nếu Cụ Chủ tịch cho phép, tôi sẽ mang thức ăn Huế đến để cụ Chủ tịch dùng!”. Bác Hồ vui vẻ trả lời: “- Cảm ơn Cố vấn! Tôi cùng ăn với anh em quen rồi!”. Rồi có lần một cán bộ cấp cao thấy Bác mặc áo có chỗ vá trên vai, lấy làm áy náy, nói ra lời. Bác khuyên lại, rất chân tình: “ - Chú ạ! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi!.
Cũng chính con người ấy có những hành động của một nghệ sỹ đích thực. Khi sang thăm Trung Quốc, ca sỹ Đỗ Lệ Hoa hát tặng Người một bài dân ca tỉnh Tứ Xuyên nhan đề “Cô gái Tứ Xuyên đảm đang”. Nghe xong, Người bắt chước giọng Tứ Xuyên đọc lại lời của bài dân ca đó: “Cô gái Tứ Xuyên bao đảm đang, chân cô đi giày hoa…”. Nhìn dáng vẻ dí dỏm của Người, mọi người đều vui lây”. Ngày 2 Tết, 6-2-1962 đến chúc Tết các cháu Trường học sinh miền Nam, xem các cháu biểu diễn và Người cũng tham gia một tiết mục, Người cầm cây đàn ghi ta, quàng dây qua vai, tay bấm phím, cầm nhịp cho các cháu hát bài Giải phóng miền Nam.
Phong thái nghệ sỹ Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng hình thành nên một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo, cá tính nổi bật. Chính vì thế mà luôn tạo ra hấp lực không cưỡng lại đối với người đối thoại. Hòa thượng Thích Đôn Hậu nói: “Có lẽ tất cả những người đã đến với Hồ Chủ tịch thì không bao giờ từ giã Người cả”. Nhà thơ Thế Lữ nói cảm tưởng của mình: “Hồi ấy tuy không may mắn trực tiếp gặp được Người, nhưng Người đã có ảnh hưởng quyết định đối với bước ngoặt cơ bản của đời tôi. Tôi đã nhìn thấy ở Người tất cả những gì tha thiết nhất, thiêng liêng nhất trong cái lẽ sống làm người của tôi và tôi đã tự nguyện đi theo Người một cách đơn giản, tự nhiên như đi theo mẹ”.
Tháng 2-1950, Hồ Chí Minh thăm Liên Xô, N.X. Khơrutsôp sau này là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô kể lại ấn tượng của mình trong Hồi ký khi gặp Người: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như ông Hồ Chí Minh. Những người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói đến các vị thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với “các vị thánh” đó, một vị thánh của cách mạng”. Tháng 5-1969 Đoàn đại biểu Chilê thăm Việt Nam, trong đó có Bác sỹ Angienđê. Bác Hồ tặng mỗi vị khách một tấm ảnh của mình khổ 9x12, phía dưới có ghi mấy chữ: “Chào thân ái và quyết thắng” và ký tên: Hồ Chí Minh. Sau này trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Chilê, tấm ảnh đó là vật duy nhất được đặt trên bàn làm việc của Tổng thống.
N.H.N
VNQD