. NGUYỄN THANH
Đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” có cơ sở triết học vững chắc bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử và tâm hồn, tính cách dân tộc.
Do đặc thù nghề nghiệp, cư trú mà người Việt gắn bó máu thịt với ngôi nhà và cái làng để rồi chúng trở thành những biểu tượng văn hóa thiêng liêng nhất. Dù có đang sống nơi giàu sang phú quý nhưng vẫn hướng về nguồn cội (Lá rụng về cội), không đâu bằng quê nhà, có thể là quê nghèo (Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn). Giàu lòng yêu nước nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đuổi giặc. Trong các vị “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Sự ngưỡng vọng còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên, và phong thánh bất tử cho họ. Còn Thánh Chử Đồng Tử thì tiêu biểu cho tấm gương đạo Hiếu, nghèo đến mức hai cha con chung một cái khố, khi cha khuất núi, người con tiễn cha về với Tổ tiên bằng cái khố duy nhất ấy. Có thể nói tính cách thơm thảo “ăn quả nhớ người trồng cây” có ở trong máu mỗi người dân Việt. Hai câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” nhắc nhở con người ta khi hưởng thụ thành quả (bát cơm đầy) thì phải nghĩ đến công lao người làm ra thành quả ấy phải chịu cảnh “đắng cay muôn phần”.
Vốn sẵn giàu có tinh thần nhân văn kết hợp với những ảnh hưởng tốt đẹp từ các luồng văn hóa tiếp biến (Nho, Phật, Lão) đã tạo nên một chủ đề đặc sắc ở văn hóa Việt: giáo dục con người yêu thương, kính trọng, biết ơn. Bài “Thập ân” (chèo cổ) có lẽ biểu hiện tập trung nhất cho ý nghĩa này.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ vĩ đại của dân tộc ta, theo tôi có hai tấm gương “tàn nhưng không phế”, thậm chí có thể chỉ là “tàn”, khiếm khuyết về cơ thể nhưng tâm hồn và việc làm của họ phải làm cho nhiều người mắt sáng phải ngưỡng mộ, kính trọng. Đó là người anh hùng Alăng Bhuôch của đại ngàn Trường Sơn, bị mù, chỉ với chiếc gậy và ý chí cách mạng phi thường, suốt 14 năm (từ 1958-1972) đã tham gia dân công, vượt qua bao suối sâu, núi cao, bất chấp mưa bom bão đạn, gùi gần 200 tấn hàng hóa, lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Anh hùng LLVTND. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận ông là “Người dân công Trường Sơn bị mù tải vũ khí, lương thực có tổng số lượng lớn nhất”. Hình tượng người anh hùng này nên được đúc bằng vàng đặt giữa đại ngàn Trường Sơn để muôn đời con cháu tưởng nhớ, kính trọng, noi theo, học tập. Đó là họa sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng, bị mù mắt mà có tới hơn 3000 bức tranh, tượng điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bức tranh Bác Hồ được vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương của ông được xem là biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam xứng đáng là một “bảo vật Quốc gia” vì nó nói được rất nhiều điều và người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam khi “kẻ thù muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm”. Đặc biệt nói được tấm lòng người Việt Nam với lãnh tụ kính yêu của họ.
Ngày hôm nay, qua sách báo tôi biết có rất nhiều tấm gương “tàn mà không phế”, không may bị tàn tật nhưng bằng nghị lực lớn họ trở thành những con người hơn con người. Họ là những “hiệp sĩ thông tin”, thành nhà khoa học, nhà văn, nhà doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân họ trở thành những con người đáng kính là họ học tập và làm theo lời Bác Hồ “tàn nhưng không phế”.
Xin không nhắc lại bối cảnh, tấm lòng của Bác khi nói câu nói này, chỉ xin phân tích ý nghĩa và giá trị nhân văn của lời nói bằng vàng ấy.
Đó là câu nói yêu thương hết lòng, quý trọng rất mực, vì con người, coi con người là cao cả nhất. Câu nói ấy bắt từ mạch nguồn trọng người, quý người của văn hóa Việt: “Người ta là hoa đất”; “Người sống đống vàng”, “Một mặt người bằng mười mặt của”...
Ngày 13/12/2006 Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities). Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước này (2007). Hạt nhân cơ bản của công ước này là nhìn nhận lại vị thế người khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người, coi tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế. Do vậy chuyển cái nhìn người khuyết tật như là vấn đề nhân đạo sang vấn đề nhân quyền. Đây là một bước chuyển cực lớn, từ cái nhìn yêu thương ngậm ngùi sang cái nhìn chia sẻ, kính trọng. Coi người khuyết tật như một người bình thường có đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân như: quyền được sống độc lập; quyền được tiếp cận về hạ tầng giao thông, thông tin; quyền được học tập; quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; quyền được làm việc… Đó là sự tôn trọng phẩm giá của người khuyết tật.
Tất cả những điều ấy được Bác Hồ nói một cách ngắn gọn nhất, cô đọng, giản dị mà dễ hiểu nhất: “tàn nhưng không phế”. Có thể là tàn tật, khiếm khuyết về thân thể nhưng không khiếm khuyết, tàn tật về tâm hồn, không vô dụng, vẫn là người bình thường với đủ các yếu tố sinh hoạt cơ bản: ăn, ở, đi lại, học tập, có nghĩa vụ, quyền hạn...Như vậy tư tưởng của Người đi trước thời đại hơn nửa thế kỷ!
Nhưng Bác Hồ không chỉ nói bốn chữ bằng vàng ấy mà trong suốt cuộc đời cũng như trong trước tác của Người đều thể hiện rất rõ quan niệm về những con người “tàn nhưng không phế”. Có thể hiểu đây cũng là một cách vận dụng, học tập tư tưởng vĩ đại mà cực kỳ nhân văn của Bác Hồ kính yêu về đạo lý người Việt.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, giữa năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chọn một ngày trong năm là Ngày thương binh để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh một phần thân thể vì đất nước. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành “Ngày Thương binh Liệt sĩ” vừa là dịp khẳng định, ghi nhớ công lao của các thương bình, Liệt sĩ vừa là dịp để mọi người thể hiện đạo lý truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây” tốt đẹp của dân tộc. Thay mặt đồng bào Người ghi công anh em thương binh và nhắn nhủ đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ họ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào… Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” (Hồ Chí Minh toàn tập, 2002, tập 5, tr 175). Đúng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự ứng xử đầy tình nghĩa “tay đứt ruột xót”, “chị ngã em nâng”, “máu chảy ruột mềm”, Người nhận các con Liệt sĩ làm con nuôi, rồi khi thì Người gửi hiện vật, khi thì Người gửi tiền (thường là một tháng lương) “làm quà cho anh em”...
Việc làm và tấm lòng của Bác Hồ tỏa ánh sáng vào ngày hôm nay càng thấy sứ mệnh phát huy nét đẹp đạo lý này phải được thể hiện ở những công việc cụ thể, thường xuyên.
Một là, cần hơn nữa sự lắng nghe để thấu hiểu và thấu cảm mỗi con người, mỗi cảnh ngộ ở gia đình người có công, gia đình Liệt sĩ, thương binh..., lấy đó làm điểm xuất phát để khái quát thành các chủ trương, chính sách chung làm sao cho thiết thực, hiệu quả nhất với họ.
Hai là, với người cô đơn, già yếu, với thương binh trong hoàn cảnh “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” rất cần đến sự giúp đỡ của xã hội. Nhưng họ cần hơn cả là được tạo điều kiện có nghề nghiệp ổn định, phù hợp để tự nuôi sống mình và góp phần có thể vào tài sản chung cho xã hội...
Ba là xã hội hóa rộng rãi hơn nữa Quỹ đền ơn đáp nghĩa mời gọi mọi tổ chức, mọi cá nhân đều có thể tham gia, hưởng ứng để có thêm một ngôi nhà, một sổ tiết kiệm... tình nghĩa.
Bốn là, ở nhà trường phổ thông, giáo dục sự tri ân bằng việc làm cụ thể sẽ có hiệu quả thiết thực hơn, như đưa học sinh đến thăm Di tích lịch sử, thăm gia đình Liệt sĩ, thương binh, thắp hương hay báo công ở nghĩa trang... Không chỉ gieo vào các em tinh thần kế thừa truyền thống, nhớ về nguồn cội, mà còn làm cho gia đình Liệt sĩ, thương binh... thêm ấm lòng!
N.T
VNQD